Hôm nay,  

Dân Là Cha Mẹ

09/08/200700:00:00(Xem: 8314)

California, Mùa Vu Lan, ngày 03-8-2007.

Tôi viết những dòng này có hơi muộn màng đối với một sự cố vừa xảy ra trên quê hương tôi. Nhưng tôi vẫn phải viết, không thể ngưng được.

Những dòng này tôi muốn gửi đến hai triệu người tự nhận là những người có công lao, hoặc chính thống thừa kế công lao của cha ông, trong việc thống nhất đất nước, đem lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho hơn tám mươi triệu người khác trên quê hương tôi.
Rất nhiều người khác trong số hơn tám mươi triệu người trong nước cũng như hai triệu người sống ở nước ngoài đã xem quý vị là kẻ thù, thậm chí là thứ gì không còn nhân tính. Riêng tôi, không thể như vậy. Bởi vì tôi vẫn còn niềm tin rằng lẽ phải cuối cùng cũng thắng, và thiện tính ở trong quý vị chẳng khác gì thiện tính ở trong tôi; chẳng qua trong nhất thời, có những thứ quyền lợi vật chất, hoặc một loại giá trị tinh thần nào đó—như là lòng trung thành đối với tổ chức hay lý tưởng một thời được cho là cao đẹp—đã che phủ tâm tư và cuộc sống của bạn, khiến cho thiện tính ấy trở nên xa lạ, không thể áp dụng được trong đời thường, vốn đòi hỏi nhiều năng động và mau mắn trong cơ trí, manh tâm, thủ đoạn, luồn lách, tráo trở, tranh giành, thủ lợi… và nhất là sự thức thời. Mặt khác, trong cương vị một người phật-tử, tôi cũng học được rằng ngay chính những người làm khổ mình, ngăn cản mình làm việc thiện, lôi kéo mình vào con đường ác, cũng đều là thiện tri thức (nếu không muốn nói là những bồ-tát) thực hành nghịch hạnh: đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn từ thể xác đến tinh thần để thử thách, trui luyện tâm bồ-đề của mình. Từ bài học, kinh nghiệm thực tế của bản thân và ý niệm đó, tôi vẫn xem quý vị là những người bạn để có thể tiếp tục nói và lắng nghe những điều cần nói cần nghe, thay vì tảng lờ xem như quý vị không còn hiện hữu trong tâm tư và cuộc sống của tôi.

Thưa các bạn, nơi đây, để chia sẻ với nhau, chúng ta không cần phải sử dụng đến phương thức lý luận của các loại học thuyết, chủ nghĩa, triết lý trừu tượng hoặc thực tiễn, ý thức cũ hay mới… mà chỉ trao đổi với nhau trên nền tảng của thiện tính, và nếu cần, trên cơ sở của một nền dân chủ, hay nhân quyền, dù là dân chủ nhân quyền chuyên biệt của Á châu hay phổ quát toàn cầu.

Thiện tính, theo tôi và những người phật-tử khác, là bản tính trong lành, tốt đẹp sẵn có nơi mỗi người mà khi biểu hiện trên ý nghĩ, lời nói và hành động, sẽ mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác, trong hiện tại và trong tương lai. Ý niệm về thiện tính như vậy, tôi tin rằng không có gì mâu thuẫn đối với suy nghĩ và niềm tin cơ bản của bạn. Và nếu bạn đồng ý với tôi như thế, chúng ta hãy cùng nhìn thật kỹ một vài vấn đề cần trao đổi như sau:

- Vấn đề trung thành: Cả bạn và tôi, tùy theo hoàn cảnh và thời đại mình sinh ra, đều bị thúc đẩy hoặc tự nguyện dấn thân, sống, sinh hoạt trong một thể chế, tổ chức tôn giáo hay đảng phái chính trị khác nhau. Bạn thề trung thành với đảng phái của bạn; tôi nguyện sống trọn vẹn với lý tưởng và con đường giải thoát của tôi. Không biết khi bạn không còn trung thành với đảng phái của bạn thì hậu quả sẽ như thế nào. Riêng tôi và những người phật-tử khác, không bị bó buộc phải “tận trung” với tổ chức tôn giáo mình đang theo. Chúng tôi được tự do lựa chọn con đường của Phật và vì thế cũng được tự do từ bỏ con đường của Phật. Đức Phật không trừng phạt chúng tôi, Phật giáo (với quý vị tăng ni và các tổ chức giáo hội) cũng không trừng phạt, và thực ra là không có quyền hạn gì để trừng phạt chúng tôi. Chỉ có điều đáng tiếc và thiệt thòi cho chúng tôi nếu vì lý do gì mà chúng tôi phải rời bỏ con đường mà qua kinh nghiệm tư duy, thực hành, biết rằng nó mang lại lợi ích và an lạc cho mình, cho người.

Đặt vấn đề lòng trung của bạn và của tôi ở đây, trong bối cảnh của một đất nước đang trên đà “tiến bộ nhảy vọt” (lời của các bạn), gia nhập WTO, từ sông cạn bước ra biển rộng (lời của các bạn), độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, nhân quyền (đều là các tiêu đề phấn khởi của các bạn), tôi muốn nói rằng, sự trung thành tuyệt đối (tận trung) không thay đổi, không cần suy xét lại, không cần đắn đo, không cần tìm hiểu, đối với một ông vua, bà hoàng, nhà lãnh tụ (đảng phái hay tôn giáo), các đồng chí lãnh đạo, v.v… là một thứ lòng trung rất ư là phản dân chủ, đi ngược lại với trào lưu văn minh tiến bộ của thời đại. Nếu muốn đi thuận với thời đại, muốn có một đổi thay, tiến bộ cho mình và cho những người chung quanh, điều tiên quyết là phải có đủ can đảm để xét lại lại lòng trung thành của mình. Lòng trung thành ấy đặt vào đối tượng (tổ chức, hội đoàn, đảng phái chính trị, tôn giáo…) nào đó có chính đáng và có nên bảo vệ gìn giữ hay không, có thực sự mang lại lợi ích cho mình và cho tha nhân hay không.
Hãy đặt trường hợp một phật-tử đối với đường hướng và mục tiêu của một tổ chức giáo hội nào đó có  lý tưởng phục vụ đạo pháp và dân tộc, xa hơn nữa, là phục vụ nhân loại, chúng sinh. Người này tự nguyện đặt mình vào giáo hội ấy như là một thành viên trung kiên. Nhưng khi trong nội bộ giáo hội ấy có một thiểu số thành viên vô tình hoặc cố ý đẩy cả tổ chức đi chệch hướng đi ban đầu, mà bản thân người phật-tử ấy không thể làm gì khác hơn để xây dựng hay sửa đổi, nên rời bỏ không còn sinh hoạt trực tiếp với giáo hội kia nữa. Rời bỏ, người này đứng ngoài quan sát: khi việc hay và đúng cần làm, vẫn tiếp tay ủng hộ; việc dở và sai thì phản đối hoặc góp ý xây dựng, điều chỉnh. Nếu một mai, giáo hội ấy phát triển mạnh mẽ và đóng góp cho đạo và đời hữu hiệu hơn, người ấy vui mừng, gián tiếp hỗ trợ; nhưng nếu vì lý do nào mà giáo hội kia không còn tồn tại, người ấy cũng không buồn và lòng cũng không áy náy. Bởi vì giáo hội kia, với lý tưởng cao đẹp và những thành viên tiêu biểu một thời nêu gương sáng ngời, đã đóng trọn vai trò của nó trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Tiếp tục bước tới hoặc khép lại một trang sử chẳng qua cũng chỉ là vận hành tự nhiên của những cơn sóng trên mặt biển rộng. Lòng trung của người phật-tử không đặt hết vào cho một cơ cấu tổ chức. Người phật-tử chỉ trung thành với lý tưởng cao đẹp của đạo Phật là truyền bá chánh pháp và làm lợi ích cho nhân loại. Một cơ cấu tổ chức có thể thăng-trầm, còn-mất; nhưng một lý tưởng cao đẹp thì sẽ theo họ suốt đời. Người phật-tử có tự do của họ: chọn lựa dấn thân hoặc từ bỏ.

Còn lý tưởng và lòng trung của bạn thế nào" - Tất nhiên tôi là kẻ đứng ngoài, sẽ không có sự hiểu biết, cảm nhận, niềm tin, hy vọng, tình cảm, kỷ niệm… đối với đảng phái mà bạn giốc cả một đời (hoặc một thời) vào đó. Nhưng nhìn chung, tôi biết không ai trên đời này lại tự nguyện đi chọn một lý tưởng hay một cơ cấu tổ chức mà họ nghĩ là không tốt đẹp. Lý tưởng của bạn đã một thời là ngọn đuốc soi đường cho bạn và những đồng chí trong ước vọng xây dựng một thế giới đại đồng, và trước mắt là công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự chủ cho quê hương, mang lại ấm no, phú cường, hạnh phúc cho dân tộc. Trên mặt lý thuyết, một lý tưởng như thế ai cũng tán thưởng, hoặc tích cực ủng hộ, dấn thân. Thế rồi, khi thành tựu một vài mốc điểm nào đó trên tiến trình thực hiện lý tưởng ấy, thực tế đã cho thấy gì" Sau khi thống nhất hai miền bằng võ lực và áp dụng các chính sách kiểm soát với sự phân biệt đối xử bất công,  ưu đãi đảng viên và cán bộ, trả thù mọi thành phần thuộc chế độ cũ miền nam… suốt hơn ba mươi năm, hết sai lầm này đến sai lầm khác, đẩy cả dân tộc vào hố thẳm hun hút của khổ đau, thống hận. Trong khi hai triệu người các bạn phủ phê với những đống tiền bòn rút từ máu và tủy của nhân dân, từ những cấp viện nhân đạo của nước ngoài (trong đó có cả bộ phận Việt kiều lưu vong), từ ngân quỹ của những công trình và dự án xây dựng đất nước, sống xa hoa và trụy lạc trong những cao ốc, dinh thự và những cơ sở làm ăn to tát qui mô, thì hàng mấy chục triệu người dân khác ngoài xã hội phải bươn chải ngoi lên để sống còn trong một xã hội tràn lan các tệ nạn: ma túy, buôn người (xuất khẩu lao động, làm đầy tớ hay đĩ điếm ở nước ngoài), trộm cắp, lường gạt... Không những thế, tệ nạn tham nhũng, quan liêu từ đẳng cấp của các bạn còn tạo ra vô số thảm cảnh bất công, uất ức từ phía người dân chất phác vô tội: ở thành thị là công nhân, ở thôn quê là nông dân—là những thành phần mà tnước đây các bạn nâng cao, ca tụng như là thành phần chủ lực tiên phong của đảng để xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việc không có mà làm, lương không đủ sống; nhà và đất bị lấn chiếm, bồi thường không thỏa đáng, hoặc bị tước đoạt trắng trợn. Đối với dân thì hùng hổ, dữ dằn, dọa nạt, trấn áp; đối với giặc ngoài công khai lấn đất, giành biển, bắn chết ngư phủ của nước mình thì hèn nhục, cúi mặt làm ngơ. Bao nhiêu là thảm trạng đớn đau xảy ra hàng ngày trên đất nước, tôi ngồi đây, từ nơi phương ngoại, viết những dòng này mà lệ rơi theo, không lẽ bạn không hề biết đến" Nếu biết mà thụ động không làm, không nói gì cả có nghĩa là toa rập, tán đồng một tập đoàn hại nước hại dân; hoặc là chính bản thân bạn cũng nhắm mắt bịt tai lăn vào cái bã vinh hoa, dục lạc, quyền và lợi, để hưởng thụ, chia nhau hưởng thụ. Như thế thì còn đâu lý tưởng cao đẹp năm xưa! Còn như cho rằng thời nay không cần phải nói chuyện lý tưởng nữa, chỉ cần tuân phục lãnh đạo, trung thành với đảng, để hưởng lợi lộc vinh hoa thì coi như bạn tự tuyên bố một đời sống không lý tưởng, một đời sống không ra gì. Một đời sống như thế, những người chung quanh kết luận bạn không có nhân tính không phải là oan ức. Bạn có thể sống hạnh phúc thực sự giữa một biển người vốn là nạn nhân thống khổ do bạn gây nên hay chăng" Nếu bạn vẫn thoải mái sống được mà lòng không chút vướng bận, chúng ta không còn gì để nói; còn nếu một điểm lương tri, một chút thiện tính của bạn còn le lói không cho phép bạn an lòng ngồi nhìn nhân dân thống hận, xin bạn hãy can đảm xét lại lòng trung và lý tưởng của bạn.

Nếu lý tưởng ấy xa vời, không thực tiễn, lỗi thời, không thể áp dụng, không thể mang lại hạnh phúc cho quê hương và dân tộc, bạn hãy dứt khoát từ bỏ nó đi; nếu tổ chức ấy—tổ chức mà bạn nỗ lực tranh đấu bằng tâm huyết, thời gian, thậm chí tính mạng để được gia nhập—đã chứng tỏ rõ ràng trên mặt thực tế đời sống bảy mươi năm của đất nước cuối cùng chỉ là một tập đoàn phản bội nguyện vọng của dân tộc, đẩy nhân dân vào khốn cùng, khổ sở và tạo nên một xã hội đầy bất công, thối nát, thì bạn không cần phải trung thành với nó nữa.

Đối với tôi, và tôi nghĩ là bạn cũng sẽ chia sẻ với tôi quan điểm này: một con người tự do xứng đáng đứng giữa trời đất và bước kịp bước tiến của văn minh nhân loại, là con người có thể tự chọn lựa lối đi đúng đắn của nó, không để tình cảm hay lòng trung thành của mình hướng dẫn về một ngõ cụt chỉ tạo nên những đổ vỡ, tan nát, khổ đau cho cá nhân và đồng loại. Một thể chế có tự do và nhân quyền cũng thế, là một thể chế tôn trọng và tạo điều kiện cho con người có được những quyền tự do để chọn lựa phương cách làm lợi ích cho cá nhân và cộng đồng của hắn. Đó là thứ nhân quyền căn bản, không phải của riêng đất nước nào, lục địa nào. Con người văn minh là con người tự do, không bị bó buộc phải “tận trung” với bất cứ tổ chức hay đảng phái nào. Nó chỉ cần trung thành, sống và chết cho lẽ phải, cho thiện tính sẵn có của nó.

- Vấn đề báo hiếu: Chúng ta sẽ không trích dẫn các bài học luân lý đạo đức từ các tôn giáo để đưa vào đây, mặc dù thời gian này là thời gian của Mùa Vu Lan Báo Hiếu theo truyền thống Phật giáo mà tôi qui ngưỡng. Chúng ta chỉ chia sẻ một cách rất “gia đình” về tư cách của cha mẹ và con cái. Tư cách này, thường thì cha mẹ giáo dục cho con cái. Chúng ta không có thẩm quyền dạy cho nhau, chỉ là trao đổi với nhau mà thôi.
Hãy đặt trường hợp cha mẹ chúng ta là những quan lớn, có quyền uy trong một làng xã, hay một đất nước. Nói theo ngôn ngữ xa xưa—mà bạn thường lên án là của các chế độ phong kiến ảnh hưởng học thuyết Khổng-Mạnh—là “dân chi phụ mẫu,” có nghĩa rằng vua, quan là những bậc cha mẹ của dân; lên án nhưng quyền hạn và bổng lộc của vua quan thời nay còn cao hơn xưa rất nhiều. Nếu cha mẹ ruột của mình làm vua, quan (lớn hay nhỏ) mà tham nhũng, hối lộ, bóc lột dân chúng để hưởng thụ và cho phép con cái thừa hưởng những quyền lợi từ sự sai trái đó, con cái sẽ làm gì, nói gì"
Đối với người phật-tử, họ sẽ hết sức khuyên can và quyết tâm ngăn cản không cho cha mẹ làm việc thất đức. Bởi vì theo tinh thần nhà Phật, ngoài bổn phận phụng dưỡng cha mẹ về vật chất, con cái còn có trách nhiệm khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cha mẹ thực hiện điều lành, tránh xa những việc ác, vì cái nhân của ác sẽ dẫn đến các hậu quả ác trong tương lai, gần hoặc xa. Cha mẹ không phải lúc nào cũng toàn hảo. Tình cảm và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng, không thể chối cãi, nhưng không có nghĩa rằng cha mẹ cũng đối xử với những người khác cao đẹp như vậy. Chúng ta ai cũng đồng ý rằng dù là kẻ cướp giết người vẫn là cha mẹ tốt của con cái họ. Thế thì, khi biết cha mẹ tham nhũng, hối mại quyền thế, bức hiếp, cướp đoạt tài sản của nhân dân, bạn sẽ làm gì"

Về mặt gia đình, bậc cha mẹ như thế không xứng đáng làm gương tốt cho con cái; về mặt xã hội, bậc cha mẹ như thế không thể nào là cha mẹ tốt của dân được. Đứa con có hiếu, trong trường hợp này, phải là đứa con đủ can đảm khuyên can, phản đối việc làm sai trái của cha mẹ, để cha mẹ luôn giữ được tính chất thiêng liêng cao quý trong lòng mình.

Bây giờ hãy nói thẳng với những bậc “dân chi phụ mẫu,” tức những bậc quan lớn làm cha mẹ của dân. Có phải quý ngài tự nhận mình là cha mẹ của dân, thương dân và chăm sóc dân như con cái của mình chăng" Hay chỉ là cha mẹ theo ý nghĩa là những bậc ngồi trên để con cái cúc cung phụng dưỡng" Lý do gì mà quý ngài được hưởng cái quyền tối thượng như vậy đối với dân" Nếu cho rằng do công lao thống nhất đất nước, vậy nhân dân không có công lao sao" Còn nếu là do dân bầu lên, không lẽ không có bổn phận chăm lo cho dân" Làm cha mẹ mà không thương và chăm sóc con cái thì có phải là cha mẹ chăng" Vậy quý ngài đã làm gì mà để dân tình khốn khổ lại không biết đến. Hàng chục ngàn trẻ em bị lén lút bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục; hàng chục cho đến hàng trăm ngàn thiếu nữ và phụ nữ lâm vào cảnh buôn hương bán phấn, hoặc làm tì thiếp cho người nước ngoài; hàng triệu người thất nghiệp hoặc có việc làm với đồng lương thấp không đủ nuôi con... bao nhiêu là cảnh gian khó, bần cùng, khổ nạn, đói rách, không sao kể hết, quý ngài có biết và có tìm cách giải quyết hay không" Có lẽ những việc như thế, chẳng qua chỉ hiện diện trước mắt quý ngài trên những thống kê của một số báo chí “không chính thống” ngoài đảng và nhà nước. Vậy hãy nói về một sự cố gần đây nhất là việc dân oan khiếu kiện tại trụ sở văn phòng II Quốc Hội tại Sài-gòn (194 đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) là một sự kiện mà quý ngài không thể không biết. Nhân dân thuộc 19 tỉnh thành phía nam và 6 quận lỵ ngoại thành Sài-gòn đã căng lều bạt để sống ngoài trời, và trưng biểu ngữ để nói lên nguyện vọng được chính quyền trung ương giải quyết thỏa đáng những trường hợp bị lấy đất, cướp nhà tại địa phương mà họ gánh chịu. Gần một ngàn dân, tuổi từ 85 cho đến những đứa trẻ sơ sinh, đã tập trung gần một tháng (từ ngày 22 tháng 6, 2007) quanh tòa nhà quốc hội, quyết tâm chờ đợi sự lắng nghe và giải quyết của trung ương. Cuối cùng, vào đêm 18-7-2007, lúc 11 giờ, một lực lượng công an hùng hậu (theo báo chí và các nguồn tin không phải của nhà nước ghi lại: trên dưới một ngàn, tức là tương đương số dân oan khiếu kiện), với áo giáp, khiên, dùi cui, lựu đạn cay, súng, với các xe vòi rồng, xe cứu thương và hàng mấy chục xe chở người, đã bao vây khu vực tòa nhà quốc hội, cúp điện toàn khu phố rồi chiếu đèn pha vào đám dân oan; đội ngũ công an và cảnh sát đặc nhiệm lạnh lùng xiết chặt vòng vây, tiến vào, khiêng, bắt, đánh đập, quẳng từng người dân lên xe; số bị nghi là lãnh đạo thì bị đưa về các trại giam ở Phú Nhuận, số khác thì được phân loại, bắt lên xe theo từng tỉnh để đưa về nguyên quán. Một vài dân oan bị đánh bằng dùi cui bể đầu, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tiếng la khóc, kêu than, và không khí hoảng loạn, khiếp hãi làm động cả một góc trời Sài-gòn hoa lệ.
Đối với các cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên các nước, như ở Thiên An Môn và Jarkarta những năm trước, dù họ thất bại và cũng bị đánh đập, thậm chí bị giết chết, tôi vẫn cảm thấy bừng lên một không khí bi tráng, hào hùng. Vì ở đó là cuộc chạm trán giữa lực lượng sinh viên biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người với lực lượng quân đội vũ trang hùng mạnh, hai bên đã đối mặt nhau dưới ánh sáng mặt trời. Còn ở trường hợp dân oan khiếu kiện biểu tình ôn hòa bất bạo động ở đây, quý ngài lại vũ trang cặn kẽ bằng khí giới tối tân, lén lút bao vây trong bóng đêm, cúp điện, thình lình bật đèn pha làm chóa mắt những người dân lành, rồi tấn công. Đây thực là một cuộc tấn công thấp hèn và thật nhục nhã cho người chiến thắng. Mà thực ra, quý ngài không thắng gì cả. Hãy nhìn lại xem: đa phần dân oan biểu tình là những cụ già, phụ nữ và em bé từ nông thôn kéo lên tỉnh thành, chân ướt chân ráo, nằm la liệt nhiều ngày dưới những tấm lều nhỏ không đủ che nắng mưa, ngày ngày thiếu nước uống và tắm rửa, ăn uống qua loa bằng mì gói và sự tiếp tế lén lút của dân chúng chung quanh; những người nhà quê kém học, viết biểu ngữ sai chính tả, tay không tấc sắt như thế mà quý ngài phải huy động cả một lực lượng công an vũ trang xung kích để đàn áp, dẹp tan! Tôi thật là bất nhẫn, không khỏi đau xé trong lòng khi mường tượng ra một cảnh tượng như thế. Dù trong nước có thể có những sự đàn áp, bức hiếp dân lành to lớn nặng nề hơn mà tôi chưa được biết, nhưng chỉ sự cố dân oan tại tòa nhà quốc hội này thôi, tôi đã cảm thấy tính cách bạo tàn, bất nhân và bất xứng của quý ngài đã đạt đến điểm cao nhất, không ai có thể bạo tàn, bất nhân và bất xứng hơn được nữa.

Thế rồi quý ngài đại biểu nhân dân, vào ngày kế tiếp, đã có thể điềm nhiên đĩnh đạc bước vào chính tòa nhà ấy để tiếp tục chia nhau những chiếc ghế và thảo luận các chính sách cho dân, vì dân, với những diễn văn dài ngoằn ca tụng trí tuệ ưu việt của những người ở đỉnh cao danh vọng và quyền bính, tách rời nỗi khổ đau cùng khốn của nhân dân thấp cổ bé họng. Tôi lại tự hỏi, còn những bậc anh hùng quân đội, những chiến sĩ nhân dân đã từng “xẻ dọc trường sơn,” và những cán bộ đảng viên tự hào yêu nước thương nòi, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua,” bây giờ ở đâu mà để dân tình uất ức khổn nạn như thế" Ngoài trách nhiệm của quân đội là bảo vệ giang san gấm vóc, không phải quý ngài cũng gánh trọng nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhân dân hay sao"

Đó là nói về những bậc cha mẹ của dân. Bây giờ trở lại với bạn. Bạn là cha mẹ dân hay là nô bộc của dân" Hay là những đứa con cưng chuẩn bị tiếp nối sản nghiệp và ngôi vị của cha mẹ" Thừa kế sản nghiệp bất chính của cha mẹ thì cũng bất chính như cha mẹ, mà làm cha mẹ theo cung cách các “phụ mẫu quan” (quan cha mẹ dân) nói trên thì không xứng đáng rồi. Còn nô bộc ư" Cũng không dám đâu. Người dân tôi, suốt nhiều trăm năm qua, chưa bao giờ được lên ngôi chủ nhân để sai khiến những người cầm quyền. Chúng tôi luôn làm nô bộc—nếu không muốn nói là nô lệ—cho những bậc cha mẹ quyền thế quý ngài thì có. Điều đáng tiếc nhất là hai chữ “cha mẹ” cao quý của tất cả những người con trên cuộc đời, đã bị quý ngài lạm dụng, làm cho nhòa nhạt và giảm đi tính cách thiêng liêng. Để phục hồi giá trị của hai chữ ấy, tôi nghĩ chỉ còn một cách là thay vì chễm chệ ngồi cái ghế làm cha mẹ dân, hãy thu về để làm những đứa con chí hiếu của cha mẹ, của dân, như cách bạn từng nói: “hiếu với dân”—tức là xem dân như cha mẹ.

Thương dân như thương cha mẹ, chẳng khó khăn gì lắm đâu. Nếu bạn không thể thương dân được, hãy tập gia thêm một chút tưởng tượng.
Tưởng tượng rằng những người dân oan kia là cha mẹ mình, đất và nhà bị cường hào ác bá địa phương cướp trắng, sống lây lất nghèo cùng, dành dụm tiền đón xe lên Sài-gòn để khiếu kiện, nhiều ngày lăn lóc đói khát, ngủ vỉa hè, rồi bị công an tấn công, đánh đập, đuổi về lại địa phương… để cậy nhờ chính những người cướp nhà đất của mình giải quyết"

Bạn nên làm gì để báo hiếu cha mẹ, không phải chỉ riêng trường hợp ấy, mà trong mọi trường hợp. Đất nước sẽ an vui, hạnh phúc thực sự nếu những người con như bạn biết sám hối trở về, chăm sóc và bảo vệ người dân như chính cha mẹ của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8
Đêm nay, bổng nhiên trong lòng tôi trằn trọc không sao dỗ an giấc ngủ, tôi có cảm giác rạo rực, day dứt, nôn nao
Bạn đã được đọc một bài bài báo rất hay "Người Dân Lớn" của nhà văn Nguyễn Quang Thân, từ báo Thể thao & Văn Hoá trong nước số 90
Lê Phước Tuấn đã thọ án tù kể từ tháng Giêng 2007 vì tội danh hành hung một quan chức tháp tùng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ
Hội Đồng Bảo An gồm có 15 quốc gia thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (TVTT) và 10 thành viên không thường trực (TVKTT)
Chính phủ Hoa kỳ, từ thời TT Clinton đến nay, đều chủ trương đối thoại với Việt cộng, không chỉ trong lãnh vực kinh tế
Trong năm nay giới quốc phòng Hoa Kỳ và Âu châu đặc biệt quan tâm đến sự phát triển quân lực của Trung quốc
Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc, mới đây đưa ra đường lối của đảng ấy gồm có 4 điều
Ngày mùng tám tháng Tám vừa qua, Bắc Kinh khởi sự tiến trình "đếm ngược" (count down) tới ngày tám tháng Tám năm lẻ Tám
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.