Hôm nay,  

Bà Hillary Đi Về Đâu?

04/03/200800:00:00(Xem: 11544)

...Nếu bà Hillary tiếp tục thua tại Texas và Ohio thì cuộc tranh cử bên Dân Chủ có thể coi như chấm dứt...

Cách đây không lâu, hai ký giả kỳ cựu của nhật báo lớn nhất Mỹ, The New York Times, viết một quyển sách về tiểu sử bà thượng nghị sĩ Hillary Clinton. Theo hai ký giả này thì cách đây hơn hai chục năm, hai ông bà Clinton đã có một ước hẹn với nhau. Không phải là loại ước hẹn kiểu “thề non hẹn biển yêu nhau đến chết” như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Mà là một cuộc ước hẹn chính trị.

Bà Hillary sẽ làm tất cả những gì có thể làm, hy sinh bất cứ chuyện gì để giúp đức lang quân chiếm được và giữ cho chắc ghế tổng thống Mỹ. Đổi lại, ông chồng này sau đó sẽ phải đáp lễ tương tự để bảo đảm bà vợ cũng sẽ đắc cử tổng thống Mỹ. Cuộc ước hẹn này do chính bà Hillary kể cho một người bạn thân nhất, và bà bạn thân này, đúng theo truyền thống Mỹ, đã mau mắn đi bật mí cho các ký giả. Chắc cũng được “thù lao” đủ mua vài bộ áo mới.

Như chúng ta đã biết, vế đầu của cuộc ước hẹn đã thành sự thật. Bà Hillary đã hết lòng giúp  chồng lọt vào được Nhà Trắng. Phải nói là “cứu” chồng mới đúng. Ngay từ lúc vận động tranh cử sơ bộ, ông Bill Clinton đã bị đánh túi bụi. Từ chuyện chạy qua Anh trốn lính đến chuyện hút nhưng không “hít” cần sa, từ chuyện tham nhũng đầu cơ mua nhà đất Whitewater đến chuyện lem nhem với nàng ca sĩ phòng trà Gennifer Flowers. Sau khi làm tổng thống rồi thì lại xẩy ra chuyện cô em Monica Lewinsky. Trong những cơn bão táp này, bà Hillary đã lăn xả vào đóng vai Lê Lai cứu Chúa. Nhờ vậy mà ông Clinton mới ngồi ghế tổng thống được đủ tám năm.

Bây giờ đến vế thứ hai của cuộc ước hẹn lịch sử: bà Hillary ra tranh cử tổng thống.

Cách đây đúng một năm khi cuộc chạy đua sơ bộ trong đảng Dân Chủ được khai mào, bà Hillary được coi như “định mệnh” - đã nắm chắc cái ghế đại diện đảng Dân Chủ trong tay. Với uy tín và thế lực của cựu tổng thống Clinton, tất cả các đại ca Dân Chủ thức thời vận đều biết thân biết phận tránh qua một bên chấp nhận nhường chỗ cho bà vợ của ông. Các cựu ứng viên sáng giá của Dân Chủ như Al Gore của năm 2000 và John Kerry của năm 2004, ngắm nghía tình hình và thấy có vẻ khó đánh lại cặp vợ chồng Bill và Hillary Clinton, nên đành thủ vai trưởng thượng, đứng ngoài cuộc chạy đua. Chỉ có mấy anh chính khách già như Biden, Dodd, làm thượng nghị sĩ lâu quá đâm chán, hay mấy anh chính trị gia trẻ “điếc không sợ súng” muốn đưa tên tuổi mình lên để chuẩn bị con đường tiến thân lâu dài hoặc muốn kiếm ghế phó tổng thống như Richardson, Edwards, Obama, là nhẩy vào thử lửa.

Tình hình cũng tương tự như năm 1992 khi ông Bush cha ra tái tranh cử. Ai cũng nghĩ ông này sẽ thắng dễ như trở bàn tay, sau khi ông vừa chiến thắng tại Kuweit, đánh Saddam Hussein tơi bời hoa lá, và tỷ lệ ủng hộ của ông lên đến trên 80%. Mấy ông chính khách uy danh lớn nhất của Dân Chủ lúc bấy giờ, như thống đốc New York Mario Cuomo, đều tránh qua một bên, chấp nhận chuyện ông Bush cha sẽ tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Chỉ có mấy anh chính khách trẻ, “điếc không sợ súng” muốn kiếm chỗ đưa tên tuổi mình lên, như Bill Clinton, mới dám nhẩy vào chạy đua với Bush. Kết quả bất ngờ là Bill Clinton trở thành… tổng thống Mỹ.

Hiện nay, chưa ai biết ông Obama “điếc không sợ súng” của năm 2008 này có thể sẽ bất ngờ trở thành tổng thống như Bill Clinton hay không. Nhưng có nhiều triệu chứng cho thấy lịch sử có thể tái diễn.

Suốt cả năm 2007, bà Hillary một mình một ngựa tung hoành. Cho đến cuối Tháng Mười Hai năm 2007, tức là trước cuộc bầu sơ bộ đầu tiên ở Iowa có ít tuần, bà Hillary vẫn còn được sự hậu thuẫn của 53% cử tri Dân Chủ, so với 20% của thượng nghị sĩ Obama, và 15% của cựu thượng nghị sĩ Edwards.

Mặc dù ông Obama lai da đen, nhưng hơn hai phần ba khối da đen vẫn ủng hộ bà Hillary. Một bà thi-văn sĩ da đen công khai ủng hộ bà Hillary vì theo bà, tổng thống Bill Clinton đích thực là “tổng thống da đen đầu tiên” của Mỹ vì thành tích giúp đỡ dân da đen của ông này. Khối dân biểu da đen tại hạ viện (Congressional Black Caucus) cũng chính thức lên tiếng ủng hộ bà Hillary.

Bà Hillary cũng được hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều khối cử tri khác như các bà da trắng, các nghiệp đoàn, dân Mễ, dân Á Đông, các nhóm phản chiến, và tất cả những người… thù ghét Bush.

Theo tính toán chiến lược của bà thì bà sẽ bước lên ngôi đại diện chính thức cho đảng Dân Chủ trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày Thứ Ba Hồng Thủy mùng Năm Tháng Hai, khi mà hơn hai mươi hai tiểu bang bầu đại diện của đảng Dân Chủ cho cuộc tranh cử tổng thống với Cộng Hòa.

Chuyện hoàn toàn bất ngờ là anh thượng nghị sĩ lai đen, vô danh, trẻ măng, với cái tên quái lạ Barack Hussein Obama và một quá khứ còn ngắn ngủi hơn cái tên của mình, chẳng hiểu từ đâu đến, nhẩy ra hạ bà Hillary đo ván trong trận thư hùng đầu tiên tại Iowa, và bám theo sát nút tại New Hampshire.

Bà Hillary hốt hoảng, mất ngay bình tĩnh trước sự kiện bất ngờ này, và thay đổi chiến lược. Bà tung quảng cáo mạnh mẽ đánh Obama trên truyền hình, rồi rớm lệ dụ dỗ các bà các cô. Nhưng quan trọng hơn nữa, bà cho thân hữu, đàn em, và cả chồng là cựu tổng thống Bill Clinton, nhẩy lên sân khấu gián tiếp khều ra vấn đề da trắng da đen. Họ nhắc khéo đến cái tài ba hoa chích chòe nhưng rỗng tếch của mấy anh đen như Obama, kể công cựu tổng thống Johnson đã khai phóng dân da đen so với công lao của mục sư Martin Luther King chỉ giỏi hô hào suông. Họ cũng không quên kể lể lại bao nhiêu thành tích giúp dân da đen của Bill Clinton.

Chiến lược này tạo ngay phản ứng, nhưng lại là phản ứng không phù hợp với dự tính. Dân da đen ùn ùn bỏ bà Hillary. Trong khi hơn hai phần ba khối da màu ủng hộ bà trong suốt năm 2007, bây giờ gần 90% khối này chạy qua bên Obama. Khối dân biểu da đen gặp cảnh hàng loạt những tên tuổi lớn đào ngũ vì “thính mũi”, bỏ bà Hillary chạy theo Obama.

Trong khi đó, khối dân da trắng trẻ và cấp tiến bất mãn với chiến lược đánh không đẹp và phân chia màu da này của Hillart nên cũng chạy qua bên Obama luôn. Thượng nghị sĩ niên trưởng Dân Chủ, Ted Kennedy, mạnh mẽ chỉ trích chiến lược chia rẽ và công khai ủng hộ Obama.

Obama lợi dụng tình hình, chỉ trích lối hành động đấm đá cổ điển của các chính khách lỗi thời như hai ông bà Clinton, và hô hào “thay đổi”. Đại cương thì Obama đã mang lại một nguồn sinh khí mới trong chính trị Mỹ. Với những hứa hẹn đẹp đẽ và chiêu bài thật nổ - có khi của chính ông chế ra, có khi đi “mượn tạm” của người khác- ông đã thu hút được niềm tin của giới trẻ, giới trí thức, giới cấp tiến, và giới truyền thông, mặc dù chẳng ai thấy được một chương trình hay kế hoạch cụ thể nào, mà chỉ toàn là hứa hẹn và hy vọng. Kiểu như Mã Giám Sinh tán đào toàn bằng những lời lẽ thề non hẹn biển ngon ngọt.

Phương thức vận động cũng khác hẳn bà Hillary. Mở máy truyền hình lên, ta sẽ thấy bà Hillary hô hào “Tôi sẽ…”, “Tôi muốn…”, “Tôi nghĩ…”; và sau lưng bà là cả chục người cầm bích chương, biểu ngữ với dòng chữ “Hillary For President”. Trong khi đó, ông Obama khiêm tốn kêu gọi “Chúng ta sẽ…”,  “Chúng ta có thể…”; và sau lưng ông là hàng loạt biểu ngữ với câu “Thay đổi mà chúng ta tin được” (Change We Can Believe In), không có “Obama For President” gì hết.

Dân Mỹ, với máu cao bồi phiêu lưu, thích mới lạ, bất cần kinh nghiệm, quá khứ hay chiều sâu, thêm vào đó lại quá chán ngán cảnh mấy chính khách chửi bới sỉ vả nhau, nghe những hứa hẹn thay đổi có vẻ bùi tai. Kết quả Obama thắng đậm tại 13 tiểu bang trong ngày Thứ Ba Hồng Thủy, so với tổng số tám tiểu bang của bà Hillary. Trong ba tuần lẽ sau đó, Obam thắng liên tục một loạt 10 tiểu bang nữa trong khi bà Hillary không được tới một tiểu bang. Obama thắng lớn tại các tiểu bang “đen” miền nam, và luôn cả tại những tiểu bang “trắng bạch” vùng núi tây bắc, cấp tiến vùng đông bắc, và nông nghiệp vùng trung Mỹ.

Dĩ nhiên cả hai bên đều vỗ ngực khoe là đã “thắng” và chê bai đối phương. Bà Hillary kể thành tích là đã thắng tại các bang lớn hai ven biển, đông dân và nhiều phiếu nhất. Ông Obama chê bà Hillary chỉ thắng được tại những tiểu bang mà Dân Chủ ngự trị một cách tuyệt đối, tức là những tiểu bang “xanh” (blue states) là đất của Dân Chủ, không “lấn đất dành dân” qua các tiểu bang “đỏ” (red states) vùng núi và miền nam là đất Cộng Hòa, như ông đã làm được, do đó sẽ tiếp tục thua như mấy lần bầu bán trước đây. Bà Hillary đáp lại là ông Obama thắng tại những tiểu bang mà Cộng Hòa ngự trị, do đó chẳng có lợi ích gì cho cuộc bầu cử thực sự vào Tháng Mười Một tới, khi mà mấy tiểu bang này dù gì đi nữa cũng sẽ bỏ phiếu cho Cộng Hòa hết.

Kể ra, bên nào cũng… có lý! Ít nhất là trên lý thuyết. Trên thực tế, chúng ta sẽ phải đợi đến sau ngày bầu cử Tháng Mười Một mới biết được ai đúng ai sai.

Những cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy sự hậu thuẫn của bà Hillary trên toàn quốc rớt từ 53% xuống 38%, trong khi sự hậu thuẫn của Obama vọt lên từ 20% đến 54%.

Bà Hillary bị bất ngờ đến độ không có kế hoạch hay chương trình gì để chống đỡ.

Dường như bà quá tự tin sẽ thắng trong ngày Thứ Ba Hồng Thủy nên chẳng có chương trình kế hoạch gì cho những cuộc bầu sơ bộ kế tiếp. Bà ngây người nhìn Obama đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác. Sau đó mới hoàn hồn, vội bỏ tiền lập văn phòng tại Texas và Ohio, và bỏ thời giờ tranh cử mạnh mẽ tại những nơi này. Coi như đây là căn cứ tử thủ cuối cùng.

Thật ra, chiến thắng của Obama đã được giới truyền thông cấp tiến thổi phồng quá đáng. Theo nội quy của đảng Dân Chủ, số ghế đại biểu tại đại hội đảng được chia theo tỷ lệ phiếu cử tri. Do đó, tuy Obama đã thắng tại hơn 25 tiểu bang so với tám tiểu bang của bà Hillary, tính cho đến cuối tháng Hai, Obama chỉ hơn Hillary có từ 50 ghế đến 110 ghế (tùy theo ước tính của mỗi tờ báo) trong khi còn khoảng 1.400 ghế chưa được chỉ định.

Lấy ví dụ tiểu bang Missouri. Báo chí thổi phồng chiến thắng của Obama tại đây, nhưng thực tế, Obama chỉ thắng nhờ vài trăm phiếu cử tri và với tỷ lệ 50,1%, do đó số ghế đại biểu được chia đều với Obama và Hillary mỗi người được đúng 36 ghế.

Nếu bà Hillary tiếp tục thua tại Texas và Ohio thì cuộc tranh cử bên Dân Chủ có thể coi như chấm dứt, một phần vì báo chí sẽ tiếp tục tung hô Obama lên chín từng mây. Và Obama sẽ đại diện cho Dân Chủ tranh cử tổng thống trong khi bà Hillary sẽ về nhà nướng bánh cho chồng.

Nếu bà thắng thì bà còn hy vọng, nhưng đảng Dân Chủ sẽ lâm vào cảnh bế tắc hoàn toàn, với cả hai ứng viên Obama và Hillary tiếp tục choảng nhau đến đại hội đảng cuối Tháng Tám. Tại đây, các đại biểu của hai phe và cấp lãnh đạo đảng sẽ đấu tranh nội bộ, hoặc điều đình đổi chác, cho đến khi một đại diện đạt được đa số phiếu của các đại biểu.

Tình trạng này sẽ là một đại họa cho phe Dân Chủ. Không những không có thời giờ để hàn gắn nội thương, mà cũng chẳng còn thời giờ phản công chống đại diện của đảng Cộng Hòa.

Đây là mối lo sót vó của Dân Chủ, nhưng dĩ nhiên cũng chính là niềm mơ ước của Cộng Hòa.

Trước tình trạng này, ông chồng bà đã làm gì để giữ lời ước hẹn năm xưa" Ông Clinton công khai nhẩy vào đấu trường và tấn công Obama kịch liệt. Tấn công mạnh quá đến độ gặp phản ứng ngược. Cái bà thi sĩ-văn sĩ đã từng ca tụng ông là “tổng thống da đen đầu tiên” cũng rút lại lời, nhẩy qua ôm Obama. Hiện nay thì ông Clinton đã bị kéo vào sau hậu trường, chỉ được chường mặt chút ít, cho có lệ thôi.

Hiển nhiên phần đóng góp hiện nay của ông chồng trong cuộc ước hẹn lịch sử này nếu không phải là rất tai hại, thì cũng là rất ít so với sự đóng góp trước đây của bà vợ (2-3-08).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau cuộc bầu cử sơ bộ tại bốn bang Vermont, Rhode Island, Texas và Ohio hôm Thứ Ba 3/3/08, Thượng nghị sĩ John McCain đã đạt được hơn 1191 phiếu đại biểu
Ưu tiên bảo vệ ích lợi phe nhóm của các đại gia! Bộ Tài chánh và Ngân hàng Nhà nước chống phá nhau! Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Sinh Hùng ai cầm đầu
Bài hát Mộ Phần Thế Kỷ đang vẳng vẳng đâu đây với lời ca ghi mốc một thời chết chóc.
Hằng năm, vào cuối tháng ba dương lịch Phật tử các nơi (Âu Châu, Úc Châu và Canada) quy tụ về Trung Tâm Phật Giáo Chùa Việt Nam
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Bão tố, nóng lạnh, núi lở, biển dâng, động đất v.v… đều ngoài tầm tay của con người, do một Mẹ Thiên nhiên. Hội Địa Lý quốc gia Hoa Kỳ, xuất bản tập sách
Trong phiên họp Hội Đồng Thành Phố San Jose ngày 20 tháng 11, 2007, trên một nghìn người Việt đã đến dự.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm cuộc kiểm điểm nội bộ xem đảng và cán bộ, đảng viên có còn gắn bó với nhau hay đã mỗi người một ngả"
Sinh năm 1936 tại Leipzig của Đức, Uwe Siemon-Netto là nhà báo đã từng làm việc tại Việt Nam trong năm năm. Và có mặt tại chiến trường Huế
Nhân đầu năm mới, nhân ngày thành lập đảng CSVN lần thứ 78, chúng tôi những người đại diện cho dân oan cả nước hiện đang có mặt tại Hà Nội để chờ nghe
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.