Hôm nay,  

Quốc Hội, Đảng Và Dân Tộc

19/05/200700:00:00(Xem: 8506)

  Lại thêm một Quốc hội dưới sự sắp xếp, chọn lựa kỹ càng của đảng cộng sản sắp được hình thành. Số lượng đại biểu là đảng viên cộng sản sẽ không chiếm dưới 90%, trong đó sẽ có ít nhất 160 đại biểu tái cử (160 cũng là số lượng ủy viên trung ương đảng cộng sản hiện có). Trước bầu cử đã có vài niềm hy vọng cho một sự tiến bộ khiêm tốn nào đó khi có những thông tin mang tính mở rộng thực quyền cho Quốc hội, có một số thành viên Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt nam còn đề nghị phải tăng thêm tỷ lệ đại biểu ngoài đảng cộng sản, cùng với việc xuất hiện một số người trong và ngoài đảng cộng sản đã gây được cảm kích với dân chúng ra ứng cử độc lập đã làm cho không ít người phấn chấn. Nhưng cuối cùng những phát biểu chỉ là phát biểu, các đề nghị, ý kiến tâm huyết chỉ được phản hồi bằng sự im lặng, các ứng cử viên độc lập được trông đợi đều bị loại bỏ mỗi người một vẻ, ông "Hội đồng" nổi tiếng vì chất vấn với đầy đủ "vật chứng" trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân thì tự rút lui với lý do "tự thấy chưa đủ năng lực", anh giáo nghèo không quản hiểm nguy để bảo vệ đạo đức nhà giáo thì bị chính các đồng nghiệp cúi đầu loại bỏ, vị thứ trưởng trăn trở với đất đai của dân chúng thì đành phải chấp nhận từ bỏ ứng cử theo sự phân công của đảng...

Trong lúc đó vị đứng đầu đảng cộng sản, báo chí đưa tin rầm rộ được dân chúng sở tại tín nhiệm 100%, bất chấp trong đảng của ông có một bộ phận "không nhỏ" sa vào tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân một cách nghiêm trọng. Với những dấu hiệu đó, Quốc hội tới vẫn sẽ tiếp tục là nơi thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của đảng cộng sản, cho dù cũng sẽ có những phiên chất vấn "thẳng thắn" nhưng chỉ dừng ở mức sắp lật ra cội nguồn, sẽ có nhiều bộ luật được thông qua nhưng hiệu quả thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan cấp dưới, sẽ có nhiều dự luật đáp ứng đòi hỏi của xã hội được nằm chờ vì e ngại ý thức cộng đồng sẽ thoát khỏi sự kiềm chế của đảng, cũng vẫn sẽ có nhiều đại biểu không bao giờ phát biểu, nhiều đại biểu là thành viên chính phủ sẽ "dũng cảm" tiếp tục nhận khuyết điểm, Quốc hội vẫn sẽ không thể bãi nhiệm các "công bộc" yếu kém, thiếu trách nhiệm khi chưa có ý kiến của đảng và Quốc hội vẫn tiếp tục phải mang bảng hiệu "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất"!

Với cách tạo tác và và vận hành của Quốc hội như thế, một đảng viên cộng sản đang bi quan nhất cho số phận của đảng cũng sẽ không ngần ngại khi khẳng định quyền lợi của đảng mình sẽ được cân nhắc hàng đầu trong các chương trình nghị sự sắp tới của Quốc hội và một người dân lạc quan nhất cho vận mệnh của đất nước cũng không dám nghĩ đến Quốc hội sắp tới đưa ra các quyết định có lợi cho đất nước vượt trên sự sinh tồn của đảng cộng sản. Sẽ có người biện hộ cho rằng khả năng Quốc hội sẽ chỉ đưa ra các quyết định vừa có lợi cho đảng vừa có lợi cho đất nước hoặc có lợi cho đất nước nhưng không làm tổn hại đến quyền lợi của đảng.

Nhưng nhu cầu, lợi ích của đất nước luôn bao trùm và vượt qua quyền lợi riêng tư của bất kỳ cá nhân, đảng phái, vậy, với Quốc hội đó, làm sao đảm bảo đất nước sẽ không phải nhận phần hy sinh khi đảng cộng sản cần sự sinh tồn. Tuy nhiên, những trường hợp quyền lợi của đất nước phải hy sinh cho lợi ích của đảng sẽ là điều "tối mật" đối với dân chúng. Song, đảng cộng sản luôn khẳng định "Ngoài lợi ích của nhân dân đảng không còn lợi ích nào khác". Với giả định đó là phát biểu thực tâm của những người lãnh đạo đảng cộng sản thì người dân không thể hiểu nổi tại sao đảng cộng sản lại cứ quyết tâm duy trì cái cách tạo ra Quốc hội có hại cho đất nước như thế.

Dù giả thiết này đúng hay sai, đều chứng tỏ một đảng như thế không xứng đáng để nắm quyền lãnh đạo đất nước, đúng như những gì hiện nay đảng cộng sản đang nói là phải để người có tâm có tầm (có đức, có tài) lãnh đạo đất nước. Đã không thực tâm thì làm gì có tâm hay đức hoặc đã không nhận ra sự tai hại của một mô hình thì làm sao có thể có tầm hay tài. Còn lý luận là đảng cộng sản đã phải hy sinh nhiều trong các cuộc chiến trước đây nên xứng đáng để tiếp tục lãnh đạo đất nước thì có khác gì đảng cộng sản đã coi thường sự hy sinh của hàng triệu đồng bào ngoài đảng và đảng cộng sản đã phủ nhận lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước từ bao đời "...Đinh, Lê, Lý, Trần,..." và nếu thế sao đảng cộng sản không trao lại quyền lực cho hậu duệ, con cháu của các dòng họ vua chúa trước đây.

Việc tung tin cho rằng đa nguyên, đa đảng sẽ làm rối loạn xã hội cũng chỉ là cái cớ để lảng tránh, trì hoãn việc cạnh tranh chính trị, tung hỏa mù dư luận và trù dập những quan điểm có lợi cho đất nước nhưng ảnh hưởng tới đặc quyền đặc lợi của giới lãnh đạo đảng cộng sản. Đa nguyên và cạnh tranh là hai đặc tính cơ bản giúp cho thế giới tồn tại và phát triển, hai đặc tính đó luôn cần thiết tiên quyết cho mọi lĩnh vực muốn có phát triển vững bền. Một thực tế hiển nhiên là không có một nước phát triển hay một quốc gia thịnh vượng nào có thể chế chính trị một đảng hay đi theo "xã hội chủ nghĩa". Ngay văn kiện Đại hội X vừa qua đảng cộng sản cũng phải thừa nhận "chậm làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta", vậy tại sao chưa sáng tỏ lại không để xã hội được thảo luận, trao đổi công khai để làm sáng tỏ mà lại phủ nhận, trù dập các quan điểm, lý luận khác biệt, triệt hạ ngay cả đối với các đảng viên đồng sự của mình. Một hệ thống chính trị đã mang trong nó sự mâu thuẫn, ngụy biện và bất công thì những lời hứa của nó về đẩy lùi và xóa bỏ bất công, suy đồi trong xã hội cũng kỳ cục như ước muốn tự nắm tóc mình nhấc qua khe núi.

Vua quan triều Nguyễn gần như suốt đời chỉ quanh quẩn ở kinh thành Huế đã bị lịch sử phán xét là ấu trĩ, có tội với dân tộc khi không tin có "chiếc đèn treo ngược" để mở cửa canh tân đất nước. Vậy các vị lãnh đạo của đảng cộng sản hiện nay sẽ nghĩ gì về phán xét của lịch sử khi sống trong thời đại mà các rào cản thông tin, tri thức, kinh nghiệm của loài người đã bị "phẳng hóa" và các phi cơ chuyên biệt luôn sẵn sàng đưa các vị tới bất cứ đâu để chiêm ngưỡng, học hỏi nhưng các vị lại cho các ý kiến, các quan điểm khác với các vị là "phản động", "thù địch", "chống phá" và cứ nhất quyết bắt dân tộc phải đi theo con đường vẫn chưa "sáng tỏ".

Rõ ràng tiền đồ, vận mệnh của cả dân tộc đã và đang bị ràng buộc, kìm hãm bởi một thiểu số (đảng cộng sản hiện chỉ chiếm khoảng 4% trong đất nước 84 triệu người). Đó không phải là điều ngạc nhiên đối với một chính thể độc đảng nhưng là một trớ trêu đau đớn của dân tộc khi chế độ quân chủ đã được tuyên bố chấm dứt cách đây hơn 60 năm. Bất kể dưới góc độ nào, sự độc đoán quyền lực hiện nay của đảng cộng sản đã trở thành một ngáng trở rõ ràng trước nhu cầu phát triển của đất nước.

Khi lợi ích của cả một dân tộc phải so kè với quyền lợi của một đảng đã nói lên lòng tự trọng của dân tộc bị tổn thương trầm trọng. Khi lòng tự trọng của dân tộc đã bị thương tổn, bất kể bởi kẻ ngoại bang hay nội bang, thì sức mạnh tự tôn của dân tộc sẽ trào dâng như một phản ứng tự vệ của cơ thể Dân tộc. Sức mạnh tự tôn đó chính là nguồn lực âm thầm hun đúc các trái tim yêu nước, thúc giục những tấm lòng trăn trở với đất nước ngày càng cương trực và dám hy sinh. Những trái tim yêu nước và những tấm lòng trăn trở đã và đang tiếp tục nảy nở ở mọi giai tầng của xã hội, ở khắp các thành phần của dân tộc không phân biệt đảng cộng sản hay không đảng cộng sản. Một loạt các cá nhân yêu nước bộc trực bị bỏ tù với những cáo buộc "chống đảng", "làm lộ bí mật nhà nước", "gián điệp", "lợi dụng quyền dân chủ", "phá hoại chính sách đại đoàn kết", "tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN"...,cùng với các bày tỏ quan điểm "đa nguyên", phản đối độc đảng một cách kín đáo, hàm súc của các vị Viện trưởng, Cố vấn chính phủ, Doanh nhân giàu có, Nhà khoa học uy tín, Nhà văn nổi tiếng... dường như đang hợp lại thành một lực lượng nhằm cứu nguy cho vận mệnh Dân tộc.

Sức mạnh tri thức của thời đại số hóa và truyền thông không dây đang mở dần các cánh cửa tâm hồn đã bị bao bọc, đang dần thắp lại những ngọn lửa trí tuệ đã bị che chắn bởi những bàn tay cố tình che mặt trời. Nội lực của đất nước đang được bổ trợ bởi hàng triệu trái tim nhiệt huyết và trí óc của đống bào Việt Nam đang có mặt trên khắp hoàn cầu. Nhận thức của người dân đang dần nhận ra tiền đồ của bản thân và đất nước phải được ủy nhiệm cho một mô hình quản lý mà người dân sẽ lựa chọn "đày tớ" qua các cuộc thi tài rộng mở cho mọi con dân nước Việt, sẽ có toàn quyền bổ nhiệm hay phế truất bất kỳ kẻ "đày tớ" nào không hoàn thành nhiệm vụ. Nhận thức đã được khai mở và tiếp nối từ các bậc cha chú 80-90 tuổi đến các thế hệ con, cháu 18, 20. Từ những bức bối sơ khai "mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì tại thiên tài đảng ta" cho tới những "Đôi điều suy nghĩ", rồi dứt khoát "Chia tay ý thức hệ" đến những "Dự án chính trị", đề xuất "Con đường phục hưng", "Tiền đồ đất nước", "Suy tưởng"..., tiến đến những sơ khai, mầm mống đoàn thể, liên kết trong ngoài, những vận động quốc tế đa chiều, những bàn luận xuyên quốc gia về những nền tảng, giải pháp, chuẩn bị cho sự chuyển đổi thể chế một cách ôn hòa hiệu quả.

Cho dù luôn phải đối mặt với những uy hiếp, trấn áp nhưng sức mạnh tự tôn dân tộc đang âm thầm lan tỏa, khích lệ người Việt ở khắp nơi và lôi cuốn lương tri con người khắp thế giới. Thời đại đang ủng hộ và là cơ hội hiếm quý cho sự tiến bộ của Dân tộc, cho sự hội nhập chân thành của đất nước vào quĩ đạo trí tuệ của loài người, ở quĩ đạo đó những mục tiêu như WTO hay PNTR sẽ không còn là vấn đề, CPC sẽ trở nên xa lạ. Đất nước là của tất cả, Dân tộc là tất cả, sự chuyển đổi mô hình quản lý đất nước thành công ắt phải cần đến sự góp sức của tất cả con dân nước Việt, trong đó đảng cộng sản Việt nam và cả những thành viên trong "Quốc hội" hôm nay không thể không đóng một vai trò quan yếu. Bánh xe lịch sử luôn tiến về phía trước không chờ đợi ai, không dung thứ sự níu kéo, kìm hãm. Dân tộc đang hướng theo thời đại, Tiền đồ đang ở trước mắt Dân tộc, tiếc thay, giữa đó vẫn chưa là khoảng trống.

17/05/2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuối năm là lúc con người nhìn lại về giá trị cuộc sống. Một bài viết trên trang mạng The Conversation nêu vấn đề về những vực thẳm chính trị, các cuộc chiến tranh, áp bức… và con người vì thế cảm thấy vô vọng và bất lực khi chứng kiến những thế lực đen tối diễn ra khắp nơi trên thế giới. Liệu chúng ta có thể làm được điều gì đem lại thay đổi trước những bi hoại này hay không?
Danh hiệu “Nhân Vật Của Năm” do TIME bắt đầu từ năm 1927 – theo truyền thống được trao cho những người có ảnh hưởng đáng kể trong các sự kiện toàn cầu, từ chính trị đến văn hóa, môi trường, nghệ thuật. Những người được chọn đóng vai trò như một “thước đo phong vũ” về sức lan tỏa trong xã hội đương đại. Ảnh hưởng đó, theo tiêu chuẩn do chính TIME đề ra, có thể là “for better or for worse – làm cho thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn.”
Tiễn 2024, thế giới sẽ chào đón một năm mới 2025 mang theo cả bóng tối lẫn ánh sáng. Các cuộc xung đột, sự phân cực chính trị và những rủi ro khôn lường là lời nhắc nhở về sự bất ổn của thời đại. Nhưng đồng thời, khả năng phục hồi kinh tế, sự phát triển công nghệ, tinh thần hợp tác quốc tế, hơi thở và sự sống còn bất khuất của từng người mẹ, từng đứa trẻ vực dậy và vươn lên từ những đống gạch vụn đổ nát ở Ukraine, ở Gaza, ở Syria… cũng là cảm hứng và hy vọng cho tương lai nhân loại. Nhà văn Albert Camus đã viết: “Giữa mùa đông lạnh giá nhất, tôi tìm thấy, trong mình, một mùa hè bất khả chiến bại.”* Thế giới năm 2025, với tất cả những hỗn loạn, vẫn mang đến cơ hội để con người vượt qua và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn. Đó cũng là lời chúc chân thành cuối năm của toàn ban biên tập Việt Báo gửi đến quý độc giả: một năm 2025 tràn trề cơ hội và hy vọng.
Trong ba năm học gần đây, PEN America đã ghi nhận hàng loạt trường hợp cấm sách xảy ra trên toàn nước Mỹ, đặc biệt trong các trường công lập. Những nỗ lực xóa bỏ một số câu chuyện và bản sắc khỏi thư viện trường học không chỉ gia tăng mà còn trở thành dấu hiệu của một sự chuyển đổi lớn hơn, đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của giáo dục công lập. Việc kiểm duyệt này phản ánh một xu hướng đáng lo ngại: sự tập trung vào việc kiểm soát nội dung văn hóa và giáo dục, thay vì khuyến khích học sinh tiếp cận kiến thức đa chiều.
Syria đang sống trong một bước ngoặt lịch sử sau khi chế độ độc tài sụp đổ nhanh chóng và Bashar al-Assad trốn sang Nga để tị nạn. Các nhóm nổi dậy chiến thắng đang cố gắng duy trì trật tự công cộng và thảo luận về các kịch bản cho tương lai. Lòng dân hân hoan về một khởi đầu mới đầy hứa hẹn pha trộn với những lo âu vì tương lai đất nước còn đầy bất trắc. Trong 54 năm qua, chế độ Assad đã cai trị đất nước như một tài sản riêng của gia đình và bảo vệ cho chế độ trường tồn là khẩu hiệu chung của giới thân cận.
Các số liệu gần đây cho thấy những thách thức mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt để phục hồi kinh tế cho năm 2025, khi quan hệ thương mại với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc có thể xấu đi cùng lúc mức tiêu thụ trong nước vẫn sụt giảm. Và thật sự thì nền kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào? Việc đặt câu hỏi này ngày càng trở nên hợp lý khi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng sản xuất trì trễ và tiền tệ mất giá kéo dài trong những năm gần đây. Đặc biệt, chính quyền Bắc Kinh dường như không muốn công khai toàn bộ thực trạng.
Chiều ngày Thứ Ba 17/12, tòa án New York kết án Luigi Mangione 11 tội danh, bao gồm tội giết người cấp độ 1, hai tội giết người cấp độ 2 cùng các tội danh khác về vũ khí và làm giả danh tính. Theo bản cáo trạng, một bồi thẩm đoàn ở Manhattan đã truy tố Mangione về tội giết người cấp độ hai là tội khủng bố. Tòa đã kết tội hành động của Luigi Mangione – một hành động nổi loạn khó có thể bào chữa dù đó là tiếng kêu cuối cùng của tuyệt vọng.
Ngay từ thời điểm này, cho dù chưa chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc, tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn một chiến dịch bài trừ di dân lớn nhất lịch sử Mỹ. Những cuộc kiểm soát, bắt bớ, trục xuất di dân dự kiến sẽ diễn ra với qui mô lớn trong vài năm tới. Nhiều sắc dân nhập cư ở Mỹ sẽ phải lo lắng, nhưng cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là cộng đồng di dân gốc Mỹ Latin. Lời hứa này đang làm hài lòng những người Mỹ xem dân nhập cư là kẻ cướp đi việc làm và quyền lợi của mình. Rất đông trong số này thuộc các cộng đồng di dân, trong đó có cộng đồng gốc Việt. Tuy nhiên, có bao nhiêu người thấy được toàn cảnh ảnh hưởng của những chính sách bài trừ di dân đến nền kinh tế và xã hội Hoa Kỳ?
Trong tài liệu của Thư Viện Quốc Hội ghi rằng, nguồn gốc của quyền ân xá trong Hiến Pháp Hoa Kỳ đến từ lịch sử Anh quốc. Quyền ân xá xuất hiện lần đầu tiên dưới thời trị vì của Vua Ine xứ Wessex vào thế kỷ thứ bảy. Mặc dù tình trạng lạm dụng quyền ân xá ngày càng tăng theo thời gian, dẫn đến những hạn chế sau đó, nhưng quyền ân xá vẫn tồn tại trong suốt thời kỳ thuộc địa của Mỹ.
Tôi cộng tác với tuần báo Trẻ (tờ báo có nhiều ấn bản nhất tại Hoa Kỳ) gần hai chục năm qua. Sự gắn bó lâu dài này không chỉ vì tấm lòng yêu nghề (và thái độ thân thiện cởi mở) của ban biên tập mà còn vì chút tình riêng. Mỗi tuần Trẻ đều dành hẳn một trang báo, để trân trọng giới thiệu đến độc giả hai ba vị thương phế binh (Việt Nam Cộng Hòa) đang sống trong cảnh rất ngặt nghèo ở quê nhà. Nhìn hình ảnh đồng đội của mình đang ngồi trên xe lăn, hay nằm thoi thóp trong một gian nhà tồi tàn nào đó – lắm lúc – tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: “Liệu có còn ai nhớ đến những kẻ đã từng vì đời mà đi không vậy?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.