Hôm nay,  

Hành Trình Về Phương Đông: Những Dòng Chữ Thơ Mộng

13/11/200800:00:00(Xem: 10329)

Hành Trình Về Phương Đông: Những Dòng Chữ Thơ Mộng

Bìa sách "Hành Trình Về Phương Đông".
Cư Sĩ Nguyên Giác
Từng dòng chữ đều được viết trân trọng để làm tốt đẹp hơn cho cuộc đời… Đó là tuyển tập Hành Trình Về Phương Đông của tác giả Huệ Trân vừa rời nhà in tuần qua ở Quận Cam.
Đây là một tuyển tập gồm 24 bài viết, được chia hai phần. Phần I có tiêu đề Đoàn Lữ Hành Thầm Lặng được mở ngoặc ghi là "Chia Xẻ Từng Bước Quán Chiếu Tâm Hành." Phần II có tiêu đề Muôn Sông Ra Biển, được mở ngoặc ghi là "Những Nét Chấm Phá Về Kỹ Niệm Một Mùa An Cư Kiết Đông."
Tuyển tập dày 200 trang. Không bán, nhưng có thể thỉnh tại địa chỉ:
Nguyễn Quốc Nam
17130 San Mateo, #B-12
Fountain Valley, CA 92708
Tel: (562) 760-4782.
Tuy tác giả chỉ ghi đơn giản là "Huệ Trân," nhưng độc giả có thể đoán qua các bài viết đây hẳn phải là một sư cô, vì các diễn tiến qua các bài tùy bút, và các địa danh ghi cuối bài.
Thí dụ, cuối các bài viết là các địa danh, như: Viên Thông Tự, Cốc Thảnh Thơi, Trường Hạ Chùa Phật Đà (San Diego, 2008),  Xóm Mới - Làng Mai (Paris), Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa - Làng Mai…
Tất cả các bối cảnh cho các tùy bút cũng đều là những không gian nhà Phật. Với những  hình ảnh như:sông chảy mây bay, lá rụng hoa nở, tay búp sen nở, mẹ sợi nắng vĩnh cửu, chan hương hoa rừng bát ngát, vá áo chép kinh…
Điểm đặc biệt trong văn của tác giả Huệ Trân là thi tính. Thí dụ, chúng ta có thể nhìn thấy các hình ảnh rất mực thơ mộng, kể cả trong cách mô tả nhân vật, như trong bài tùy bút "Hồ Sen Và Ao Rau Muống" do tác giả Huệ Trân đề tặng  ni-sư Như Minh, trích:
"…Ni sư xuất gia từ năm mười bẩy tuổi với sư-bà Thể Quán, là người có trái tim Bồ Tát, phát nguyện xả hết thân tâm vào các công tác xã hội từ thiện. Ni-sư đã nhận được hạt giống đó ngay những ngày đầu xuất gia và tưới tẩm không ngừng trong suốt cuộc hành trình tải đạo giúp đời. Quê nghèo đùm bọc chùa nghèo, chùa nghèo lại đùm bọc dân nghèo. Suốt thời làm Điệu, cảnh bữa cơm bữa cháo hay công phu chiều với cái bụng rỗng là chuyện thường. Nhưng ni-sư chia xẻ là không hề buồn khổ vì nghèo đói mà chỉ buồn khi chứng kiến chúng sanh khổ mà thôi. Ngay khi thấy chuột đói, kiến đói, Cô Điệu nhỏ cũng sớt bớt vài muỗng cơm cho chúng, huống chi thấy người đói khổ! Tâm Từ Bi có hay không là thể hiện tự nhiên từ những việc rất nhỏ "Anh tu cho bạc tóc mai. Sao bằng em lượm cái gai giữa đường!" Thấy cái gai giữa đường, người có tâm từ bi sẽ tự động cúi nhặt để người sau, lỡ không thấy mà dẫm vào thì khổ! Chứ tu tới bạc tóc mà chỉ cầu giải thoát cho mình, e rằng chưa đi đúng đường Phật dạy!


Ngôi chùa nhỏ giữa làng quê nghèo chỉ có mẫu đất trồng các loại rau cải, bầu bí và một ao thả rau muống là những hoa mầu có thể đổi ra gạo muối nên Cô Điệu nhỏ phải tận dụng sự thông minh khi làm việc. Chẳng hạn, tới ngày hái rau muống, thay vì cứ thong thả hái, thong thả cột thành từng bó rồi thuê một chuyến xe ba bánh chở ra chợ thì Cô Điệu đã thức dậy khi trời còn mờ tối, xắn ống quần, cột hai vạt áo nhật bình quanh bụng rồi lội xuống ao. Mới lội xuống, nước ao lạnh buốt làm cô rùng mình, nhưng vì cô ra sức hái cho nhanh nên không thấy lạnh nữa. Lên bờ ao, cô cũng cố cột thật nhanh, bó thì to, bó thì nhỏ, cốt sao cho kịp chất rau thành đống bên lề đường để những bạn hàng ra chợ sớm nhìn thấy, sẽ mua cho. Như thế, Cô Điệu sẽ không phải tốn khoản tiền thuê xe chở rau và cũng không mất thì giờ đi giao rau cho bạn hàng ngoài chợ. Tiết kiệm được đồng nào, cô thưa với Sư Bà, xin mua kẹo bánh hay tập vở cho lũ trẻ nghèo trong làng.
Suốt phần đời tu hành đã trải qua, ni-sư Như Minh luôn sống trong tinh thần Ba Y Một Bát, mang hạnh-Bồ-Tát, hạnh-vô-úy vào đời cứu khổ chúng sanh.  Năm Mậu Thân, một mình ni-sư đã chôn cất mười ba thi thể vô thừa nhận trong cuộc biến bi thảm của dân tộc. Cho đến bây giờ, nhiều người dân thành nội Huế cũng không thể quên hình ảnh một ni-cô trẻ, can đảm đi giữa vùng đất chết, niệm Phật cầu siêu cho những oan hồn bất hạnh, rồi bằng những phương tiện eo hẹp nhất như tấm vải cũ, manh chiếu rách, ni-cô đã lặng lẽ tẩm liệm, chôn cất họ.
Lòng Từ như biển cả, mà biển cả thì có bao giờ cạn nên tiếng kinh, tiếng mõ chưa từng ngừng âm vang tới mọi nơi cùng khổ. Lũ lụt, mất mùa, tật bệnh, chiến tranh, chết chóc, đói nghèo ….. không nơi đâu có thể đến mà thiếu vắng bước chân của người sư-nữ pháp danh Như Minh…" (hết trích)
Viết văn như thế cũng hệt như làm thơ. Không dễ có bao nhiêu người làm được. Tác phẩm "Hành Trình Về Phương Đông" cần có trong mọi tủ sách gia đình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.