Hôm nay,  

LS Trần Thanh Hiệp Nhìn Lại: Lý Ra, VN Phải Dân Chủ Từ 1945

11/10/200700:00:00(Xem: 9798)

Luật sư Trần Thanh Hiệp tại tòa soạn Việt Báo hôm Thứ Ba.

Có thể cải tổ luật pháp để tiến tới dân chủ từng bước hay không" Đó là một quan tâm của Luật Sư Trần Thanh Hiệp, người từ Pháp đang tới thăm nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, thảo luận với nhiều nhà hoạt động và thúc đẩy cho nỗ lực dân chủ hóa tại quê nhà.

Trong khi ghé thăm tòa soạn Việt Báo hôm Thứ Ba 9-10-2007, vị chuyên gia luật pháp kỳ cựu trên 80 tuổi này đã tâm sự về các mối quan tâm của ông, và chia sẻ các ưu tư  từ khía cạnh một nhà hoạt động về luật pháp nhiều thập niên.

Ngồi giữa thủ đô tị nạn Hoa Kỳ, Luật sư Trần Thanh Hiệp bày tỏ tin tưởng rằng đất nước mình trước sau gì cũng sẽ dân chủ, tuy bây giờ còn nằm dưới gọng kềm nhà nước độc tài cộng sản. Ong nói, dân chủ không còn là giấc mơ, mà đang là sức mạnh lịch sử cho cả dân tộc, và "Từ năm 1945, dân tộc chúng ta  đã chọn con đường dân chủ. Cựu Hoàng Bảo Đại đã hy sinh ngôi báu để toàn dân thiết lập dân chủ, nhưng những người Cộng Sản đã phản bội trắng trợn để áp đặt độc tài toàn trị. Bây giờ, dân tộc Việt Nam đã có một khoảng không gian tự do: đó chính là khối 3 triệu người Việt hải ngoại. Cho nên, nhiệm vụ người Việt hải ngoại là phải tiếp trợ các nhà dân chủ quốc nội để xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ."

Vào Thứ Sáu tuần này, luật sư Trần Thanh Hiệp sẽ rời Quận Cam, để thăm San Jose và rồi sẽ tới Oregon trên chuyến đi góp sức với vận động dân chủ.

Mới mấy ngày trước, luật sư Trần Thanh Hiệp đã nói chuyện trên đài Á Châu Tự Do RFA, và trên làn sóng phát về quốc nội chung lời hội luận với một luật sư lão thành từ Hà Nội bàn về vấn đề dân chủ và tư pháp VN. Cuộc hội luận, do phóng viên Trà Mi điều hợp, trên làn sóng này có 3 phần, tuy đề tài chuyên môn nhưng đã thu hút nhiều quan tâm từ thính giả trong và ngoài nước.

Bản tường trình nhan đề "Hội luận trong ngoài nước về hiện tình ngành tư pháp Việt Nam" thực hiện với Trà Mi, phóng viên đài RFA, đã nêu bật được hiện tình luật pháp VN, các trở ngại dân chủ từ quốc nội - và có một số điểm quan trọng trích đoạn như sau.

Những tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam lâu nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi lẫn bức xúc cho dư luận trong và ngoài nước.

Để tìm hiểu thêm về thực tại của nền pháp lý Việt Nam và hướng tới những thay đổi kỳ vọng trong tương lai, Ban Việt Ngữ chúng tôi có cuộc trao đổi với hai vị luật sư trong và ngoài nước. Đó là luật sư Trần Lâm, từ Hải Phòng, nguyên Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao và cũng là một trong số rất ít những luật sư đang tham gia bào chữa các vụ án chính trị trong nước.

Và luật sư Trần Thanh Hiệp, từ Pháp, cựu luật sư các toà Thựơng thẩm ở Sài Gòn cũng như tại Paris, hiện là Chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền, tác giả của nhiều bài nghiên cứu về chủ thuyết Hiến trị, nhà nước pháp quyền-pháp trị. Cả hai vị luật sư này năm nay đã ngoài 80 tuổi và là những chuyên gia kỳ cựu, nhiều năm kinh nghiệm trong ngành toà án….

- Luật sư Trần Lâm: Đối với Việt Nam thì mình đừng suy nghĩ tình hình cũng như là ở các nước kia, bởi vì pháp trị tức là mọi người phải theo quy định của pháp luật, chứ còn ở Việt Nam thì nó còn là nhân trị, tức là ý của người cầm quyền đấy, họ muốn làm gì là họ làm. Đấy, cái khổ của ta như thế đấy.

Thế thì mang nó ra mà so sánh với các nước thì thấy là không thể chấp nhận được. Về chuyện tạm giam thì có vi phạm nhiều, nhưng theo tôi thì chưa phải là vấn đề đáng quan tâm vì còn nhiều cái nguy hiểm hơn cái tạm giam.

"Nhân trị" đúng hơn là "pháp trị""

- Trà Mi: Thưa ông, ông vừa nói là ở Việt Nam phải dùng từ "nhân trị" đúng hơn là "pháp trị""

- Luật sư Trần Lâm: Đấy là nhân trị. Ở nước ta đấy là nhân trị, chưa thể là pháp trị. Bởi vì ở nước ta hiện nay việc xử án, như cái vụ đất ở Đồ Sơn - đó là tội trọng rồi thế mà người ta mang ra xử tội rất nhẹ với án treo thôi, thế rồi dư luận bức xúc quá người ta mang ra xử lại bây giờ là 7 năm tù.

Đấy cô xem, từ án treo, thấp nhất đấy, rồi trở thành 7 năm tù, cô thấy sự chênh lệch có ghê gớm không! Cái chuyện tạm giam ấy mà tôi xin mạnh dạn nói với cô đấy là một việc thấp nhất của chúng ta.

- Trà Mi: Xin mời Luật sư Trần Thanh Hiệp góp ý thêm ạ.

- Luật sư Trần Thanh Hiệp: Nghe Luật sư Trần Lâm nói về cái thực trạng pháp luật ở Việt Nam thì điều đó ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi xin đi sát vào câu hỏi, thứ nhất là cái nghị định 31-CP đã bãi bỏ chưa" Hay là chỉ bãi bỏ về mặt hình thức. Điểm thứ hai là từ căn bản nền pháp luật đó là pháp luật nào"

- Trà Mi: Dạ, xin mời Luật sư Trần Lâm.

- Luật sư Trần Lâm: Nghị định 31-CP thì bãi bỏ rồi, nhưng mà nội dung của 31-CP thì đựơc chuyển sang một luật hành chính mới hơi tương tự như cái 31-CP. Nhưng hôm nay tôi không có tài liệu để đọc cho Bác biết.

Thực ra đáng lẽ chúng tôi phải hàng ngày cập nhật chuyện đó, nhưng mà nói thật với Bác là ở nước ta ấy mà cái chuyện đó người ta làm cũng thường thường thôi.

- Luật sư Trần Thanh Hiệp: Xin Luật sư Trần Lâm cho biết cái luật hành chánh đó đưa ra những quy phạm để áp dụng nội dung của nghị định đã bị bãi bỏ, thế thì khoảng cách của các ngành là như thế nào" Luật hành chánh với luật hình sự ra làm sao"

- Luật sư Trần Lâm: Thực ra cái 31-CP người ta đưa vào luật hành chính, nhưng ở nước ngoài hay ở trong dân ngưòi ta cho đấy là một cái luật bỏ tù người ta mà không có xét xử. Bây giờ bỏ cái đó rồi lại đưa vào trong luật hành chánh có nhẹ hơn, thì xin lỗi Bác cái đó đáng nhẽ ra chúng tôi phải đọc kỹ rồi xem được thực hiện như thế nào, việc đó tôi chưa làm được.

Hiện nay có những người bị bắt mà không biết bị bắt theo hành chính hay theo hình sự mà không thấy bị khởi tố, không thấy làm các thủ tục, thì đấy có tình trạng như vậy.

Người ta cũng đang thắc mắc là những người bị bắt như thế thì phải cho rõ ràng, bị bắt vì tội gì, hành chính thì thế nào và hình sự thì thế nào. Có những chuyện như thế, đó là sự thật. Chúng tôi không che giấu cho ai cả. Đó là thực tế ở trong nước. Tôi muốn nói với bà con ở nước ngoài để thông cảm. Tôi thừa nhận là có các việc ấy. (…)

- Trà Mi: Chúng tôi xin được đặt ra câu hỏi là những luật sư, những người đóng vai trò là một lực lượng tiêu biểu để bảo vệ người dân thì vai trò đó của họ như thế nào trong việc giúp giữ được cán cân công lý hoặc là xây dựng một xã hội ổn định về chính trị"

- Luật sư Trần Thanh Hiệp: Vâng, về điểm này, tôi xin phép luật sư Trần Lâm để tôi nói ngay điều này. Muốn cho luật sư -như Trà Mi nói- có một vai trò nào trong trật tự chính trị - xã hội ở Việt Nam thì trứơc tiên phải quy chiếu vào cái gọi là "luật luật sư" hiện thời của Việt Nam.

Người luật sư phải là kết tinh của quyền bào chữa. Và luật luật sư hiện thời ở Việt Nam, theo tôi, đã không cho người luật sư làm tốt nhất, đúng như là các tiêu chuẩn ở các nước dân chủ tự do, tức là tượng trưng cho quyền bào chữa.

Họ là chuyên gia về luật pháp cung cấp một số dịch vụ pháp lý ở trong khuôn khổ pháp lý của chế độ thôi. Theo sự theo dõi của tôi, ngay trong những việc Luật sư Trần Lâm đã biện hộ cho các bị can thì tôi thấy là không làm được bởi vì LS Trần Lâm cũng như các luật sư khác bị gò bó vào trong cái luật luật sư hiện thời ở Việt Nam.

- Luật sư Trần Lâm: Thưa Bác, tình hình luật sư ở Việt Nam thì như thế này ạ. Cách đây độ một hai năm có nhiều đạo luật mới về luật sư cũng mở rộng thẩm quyền, mở rộng phạm vi. Đó là nói trên giấy tờ thì tốt, nhưng vai trò của luật sư Việt Nam hiện nay so với nước ngoài thì nó thấp lắm.

Nó thấp là vì người dân chưa biết dùng luật sư, người ta chưa hiểu luật sư thế nào cả. Trình độ dân chủ, trình độ văn hoá của người dân thấp cho nên việc dùng luật sư cũng bị hạn chế. Bản thân đội ngũ luật sư nói thực là cũng yếu vì học hành cũng không đến nơi đến chốn.

Rồi công việc trong nước cũng không có để mà giỏi. Luật sư hiện nay rất ít người nuôi sống được mình. Đến quá nửa số luật sư làm việc cho vui thôi. Còn đối với nhà nước thì nhà nước cũng có tôn trọng trên giấy tờ, nhưng trên thực tế thì lại thiếu tôn trọng.

Cho nên vai trò người luật sư cũng không có đủ khả năng để làm công việc dân trao cho mình và luật pháp giao cho mình. Họ không đủ năng lực để làm việc đó. Mà chính người cầm quyền thì lại cũng không ủng hộ bộ máy nhà nước, vẫn quan liêu và vẫn thích làm theo ý mình. Mình có quyền thì làm theo ý mình. Hiện nay thì tình trạng là như thế.

Còn bây giờ chúng tôi làm gì" Ngay bây giờ giới luật sư trên toàn quốc đêu muốn có luật sư đoàn để từ luật sư đoàn ấy có một vị thế, rồi có sự học tập lẫn nhau, nó có một tổ chức. Nhưng luật sư đoàn hiện nay không có. Ngay một nước tự xưng là pháp quyền mà lại không có luật sư đoàn. Lụât sư chỉ được theo từng tỉnh mà thôi. Theo từng tỉnh đó cụ ạ. Chưa có luật sư đoàn toàn quốc.

- Trà Mi: Dạ thưa, trong những vấn đề Luật sư Trần Lâm vừa trình bày có 3 điểm là do dân trí còn thấp, không hiểu rõ vai trò và chức năng của luật sư.

Nhưng thưa luật sư, thậm chí trong trường hợp những vụ án mà nghi can lại rất rành pháp luật, ví dụ trường hợp luật sư Đài, luật sư Công Nhân, thế thì không lẽ những người đó cũng không hiểu về vai trò của luật sư để kiếm cho mình một luật sư bênh vực mình thích đáng, mà hậu quả của họ bây giờ như chúng ta đã thấy là cũng có luật sư đứng ra bào chữa mà hiệu quả thì không đến đâu.

Vậy có phải là do chính người bị nạn không hiểu rõ vai trò của luật sư hay vì một lý do nào khác khiến cho họ không được bảo vệ một cách chính đáng"

- Luật sư Trần Lâm: Dân không hiểu vai trò của luật sư, không biết sử dụng luật sư, và thêm nữa là dân cũng nghèo, không có tiền để thuê luật sư. Có nhiều cái hạn chế lắm.

- Trà Mi: Như ông là người đã từng can thiệp vào trường hợp của luật sư Công Nhân đó, thưa ông"

- Luật sư Trần Lâm: Hiện nay tôi là luật sư bào chữa cho các vị ấy.

- Trà Mi: Dạ thưa ông, trong những trường hợp này mà nói là vì dân trí thấp, không biết sử dụng luật sư, v.v. thì không biết có thích hợp với trường hợp này hay không"

- Luật sư Trần Lâm: Chỉ mấy người như Công Nhân và Đài thôi. Mà thực ra như mấy cái vụ xử án sơ thẩm đó ngưòi ta chả cho Đài cũng chả cho Công Nhân biện hộ tranh luận mà chỉ xử ào ào cho xong thôi. Ngay đấy là hai luật sư ra toà và vừa rồi 6-7 luật sư ra toà, nhưng tóm lại người ta cũng chỉ xử ào ào cho xong thôi chứ họ cũng chẳng được bảo vệ gì. Tôi nói như trên là nói chung người dân thôi, chứ các bị cáo như hai luật sư Đài và Công Nhân thì từ xưa tới nay hiếm có đó cô ạ.

- Trà Mi: Ý tôi muốn nêu ra ở đây là thậm chí như cả trường hợp ngưòi ta rất hiểu biết về pháp luật cũng chưa chắc là sẽ được bảo vệ bằng luật pháp, bằng công lý, phải không, thưa ông"

- Luật sư Trần Lâm: Nói rằng "người dân được luật pháp bảo vệ, được dư luận quần chúng bảo vệ" thì những chuyện đó là nói chung thôi.

- Trà Mi: Thưa, hồi nãy ông có nói ở Việt Nam thực trạng này vẫn còn tồn tại bấy lâu nay, đó là trên giấy tờ về mặt nguyên tắc là có đủ các quy định nhưng về mặt thực tế lại không được thực thi.

- Luật sư Trần Lâm: Vâng, tức là không làm như thế (như trên giấy tờ).

- Trà Mi: Vậy theo ý ông thì các luật sư nên có thái độ như thế nào hoặc cần phải làm gì tích cực hơn, cụ thể hơn để phát huy chức năng của mình, ngoài việc trông chờ những sự thay đổi từ phía nhà nước.

- Luật sư Trần Lâm: Bây giờ chúng ta cũng phải chờ cái tổ chức nó được củng cố như thế nào đã. Nếu có luật sư đoàn thì sẽ có hội họp, sẽ có kiến nghị này nọ. Chứ còn nếu như hiện trạng thì nó vẫn lẻ tẻ thôi.

- Trà Mi: Vậy Luật sư Trần Thanh Hiệp có đề nghị nào không"

- Luật sư Trần Thanh Hiệp: Tôi thấy luật sư ở Việt Nam hiện thời bây giờ làm một cái giấy khai sanh chỉ cho họ hành nghề trong phạm vi khuôn khổ của cái giấy khai sanh đó mà thôi. Bây giờ đòi hỏi các luật sư đang hành nghề đó (thủ tục giấy tờ, lời Luật sư Trần Lâm bổ túc) những hành động đặc biệt. Thứ nhất, nếu chỉ dựa vào khuôn khổ cứng nhắc của luật hiện hành thì không thể nói được điều gì ngoài những điều chính quyền cho phép nói. Còn nếu muốn vượt ra ngoài, theo tôi, có hai con đường.

Một con đường là ngay trong những vụ xét xử phải làm thế nào tìm hết tất cả mọi kẽ hở của luật pháp, những sự bất toàn của luật pháp hiện hành để mà bênh vực, thể hiện cái quyền được tự do bào chữa cho những bị cáo, bảo đảm cho họ được hưởng những sự xét xử công bằng. Làm như thế thì người luật sư sẽ phải chịu những hậu quả của công việc của mình, tức là theo truyên thống của nghê nghiệp luật sư trên thế giới thì rất nhiều người đã làm công việc đó. Tôi không hiểu các đồng nghiệp của tôi ở trong nước có sẵn sàng làm công việc đó hay không.

Ngoài ra còn có con đường khác mà theo kinh nghiệm của chúng tôi trong truyền thống của Luật Sư Đoàn Pháp, thì luật sư là những ngòi bút viết để cổ vũ, bênh vực cho tự do. Nhưng ở Việt Nam, trong khuôn khổ hiện thời không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền tự do phát biểu, và báo chí cũng bị bao vây đến nỗi hơn 600 tờ báo trở thành các công cụ của một đường lối cai trị nhất định, thì những luật sư có thiện chí như Luật sư Trần Lâm liệu có làm được công việc đó hay không.

Tôi thấy rất là khó khăn và phải trả giá, vậy liệu những người trong cuộc có sẵn sàng trả giá đó để cho lý tưởng gọi là quyền bào chữa tự do của người luật sư có được thực hiện hay không.

Người luật sư phải tự mình lựa chọn lấy và tự mình dám hành sử, chư còn nếu chính quyền cứ giữ nguyên cái khuôn khổ thì tôi thấy rằng khó lòng mà cải thiện cho được.

- Luật sư Trần Lâm: Tôi đồng ý với Bác là kể ra hãy còn gian nan và kéo dài thật đấy. Nhưng mà tình trạng dân chủ của luật sư thì còn có điều này mà Bác chưa biết. Đó là ông thẩm phán cũng không được độc lập cơ mà. Ông thẩm phán cũng không có dân chủ cơ mà.

Tôi đã cãi cho một vụ mà trong đó người học trò của tôi ngồi ở ghế thẩm phán, còn tôi ở vai luật sư. Khi ra giải lao tôi, tôi nói giữa cá nhân với nhau rằng "Sao cậu lại làm như thế"" thì anh ta đáp "Bác được tự do chứ tôi có được tự do đâu!" Anh ta bảo với tôi như thế thì Bác bảo phải làm sao nào"

Thẩm phán nói với ông thầy của nó đồng thời là luật sư rằng "Luật sư các ông còn được nói lung tung chứ tôi không được tự do", bởi vì ở Việt Nam có cái gọi là "án bỏ túi" cơ mà Bác. Tức là người ta quyết định là vụ này xử thì nên xử như thế nào. Còn phiên toà chỉ là để diễn cơ mà. Đấy, Bác phải biết sự thật toà án nó như thế đấy mà Bác bảo phải thê nọ thế kia .(…)

Phần trên là trích đoạn. Toàn văn cuộc hội luận lưu trữ nơi đây: http://www.rfa.org/vietnamese/

Đặc biệt, nếu độc giả và thính giả muốn góp ý kiến, có thể vào diễn đàn RFA: http://www.rfanews.org/vietbbs/

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có phải Trung Quốc sắp ra nghị quyết quan trọng về Đài Loan và Trường Sa" Sau đây là Đài RFA phỏng vấn nhà bình luận Trần Bình Nam
Để nuôi dưỡng tình thân thương giữa chị em, cũng như để có cơ  hội ôn lại những kỷ niệm êm đẹp trong thời gian phục vụ trong QLVNCH
Như ta đã biết Xã Hội Dân Sự là một trong ba thành phần của Không gian Xã hội (social space) cùng song hành với Khu vực Nhà Nước (the State)
Biến cố làm chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt cả tháng nay là vụ cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn đang thi công
Năm nay, ba nhà kinh tế Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel về Kinh tế học nhờ những đóng góp trong lý thuyết về thiết kế cơ chế
Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội PGVNTN, đã chính thức ra mắt trong buổi họp báo hôm Thứ Bảy 13-10-2007 ở thị xã Westminster
Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần X  đã hoàn tất mỹ mãn. Bản tin sau là từ Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam
Thực ra, không chấp nhận đối lập, nói cách khác không dám thay đổi hay bỏ điều 4 Hiến Pháp, đảng CSVN coi như đang tự sát cho sinh mệnh chính trị của đảng
Sau đây là lời tường thuật kinh nghiệm tự chữa trị bịnh tiểu đường của kỹ sư Nguyễn Ngọc Quang, một kỷ sư thiết kế, năm nay 68 tuổi
Khi nguyên Phó Tổng thống Al Gore được Giải Nobel Hoà Bình, một số nhà bình luận Hoa Kỳ lập tức kết luận, rằng ông Gore đã thắng trận phục thù
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.