Hôm nay,  

Gerald Ford, Người Khai Sinh Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt

02/01/200700:00:00(Xem: 9006)

Gerald Ford, Người Khai Sinh Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt

Bảo Tàng Viện Gerald R. Ford ở TP Grand Rapids, bang Michigan với hình ảnh, di vật về những ngày cuối Chiến Tranh VN: trực thăng bốc người và cầu thang dẫn lên nóc Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, tháng 4.1975 (ảnh Bùi Văn Phú)

Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon từ chức vì xì-căng-đan Watergate, là vị tổng thống Mỹ đầu tiên không do dân bầu chọn. Khi Gerald Ford lên lãnh đạo nước Mỹ, tháng 8.1974, Hoa Kỳ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị và nền kinh tế đang ở thời kỳ suy thoái.

Tổng Thống Ford đã thừa hưởng một gia tài chính trị bất ổn đang làm lung lay nền móng lãnh đạo nước Mỹ, từ khi vụ nghe lén Watergate được báo chí đưa ra ánh sáng và Nixon tìm mọi cách bao che. Khi Nixon từ chức và Ford lên thay, quyết định đầu tiên của Tổng Thống Ford là ban hành lệnh ân xá cho mọi hành vi phạm luật của cựu Tổng Thống Richard Nixon. Quyết định này không được đa số dân chúng Mỹ tán đồng, nhưng Tổng Thống Ford muốn lịch sử Hoa Kỳ lật sang một trang mới. Trong những tiết lộ sau này, Ford cho biết ông không hối tiếc gì về quyết định ân xá cho Nixon. Ông luôn mang trong người ông một mảnh giấy có ghi phán quyết năm 1915 của Tối Cao Pháp Viện, theo đó việc ân xá là một hình thức kết tội và người chấp nhận ân xá là mặc nhiên coi mình đã phạm luật.

Chỉ vài tháng sau, cuối tháng 4.1975, một trang sử nữa của Hoa Kỳ lại được sang trang khi Tổng Thống Ford quyết định chấm dứt mọi can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kéo dài hai thập niên với quân Mỹ tham chiến mà lúc cao điểm đã có hơn nửa triệu lính Mỹ chiến đấu trên chiến trường Việt Nam và gần 60 nghìn binh lính hy sinh. Với Hiệp Định Ba Lê 1973, Hoa Kỳ đã rút hết quân, nhưng vẫn tiếp tục viện trợ cho Nam Việt Nam một năm cả tỉ đô-la. Trong khi dư luận dân chúng Mỹ ngày càng không muốn Hoa Kỳ can dự và hỗ trợ cho Việt Nam Cộng Hoà nữa.

Tổng Thống Ford tiếp tục nỗ lực của vị tổng thống tiền nhiệm, vận động Quốc Hội Hoa Kỳ viện trợ để Việt Nam Cộng Hoà có thể tồn tại như một quốc gia tự do dân chủ. Nhưng sau những thất bại vận động quốc hội và trước sự tấn công quân sự của bộ đội cộng sản vào các tỉnh thành miền Nam, khởi đi từ Buôn Mê Thuột vào đầu tháng 3.1975 mà quân đội Việt Nam Cộng Hoà không thể trấn giữ được, ngày 23.4 tại Đại Học Tulane, New Orleans, bang Louisiana, Tổng Thống Ford tuyên bố “cuộc xung đột ở Việt Nam đối với Hoa Kỳ được coi như đã chấm dứt” và lịch sử đã sang trang.

Một tuần sau, cuộc chiến tranh ở Việt Nam chính thức kết thúc khi đại sứ Graham Martin cuốn cờ và được trực thăng bốc đi từ nóc Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào sáng sớm ngày 30.4.1975. Đại sứ Martin lúc đó còn chần chừ chưa muốn ra đi, nhưng lệnh từ Washington đã buộc ông phải rời thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà.

Ít giờ đồng hồ sau, xe tăng cộng sản tiến vào Dinh Độc Lập, bản doanh lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hoà. Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

30.4.1975 là một biến cố chua cay trong lịch sử đối ngoại của Hoa Kỳ. Với Tổng Thống Ford: “It was the saddest hour of my time in the White House” - Đó là giờ phút đau buồn nhất của tôi trong Nhà Trắng. Câu nói còn ghi khắc trong Bảo Tàng Viện Tổng Thống Gerald R. Ford tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan, nguyên quán của vị tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ.

Ngày đau buồn nhất của một tổng thống Mỹ thì cũng là lúc tôi và hơn trăm người khác đang ở trên một con tàu không máy được kéo ra khỏi bến cảng Sài Gòn trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam, lênh đênh trên Thái Bình Dương không biết tương lai sẽ đi về đâu"

Ngày hôm sau, Tổng Thống Ford đệ trình quốc hội dự luật định cư những người Việt đã được Hoa Kỳ di tản bằng máy bay, hay đang trên đường di tản bằng thuyền bè ra khỏi Việt Nam. Dự luật lúc đầu không được đa số dân biểu, nghị sĩ tán đồng. Sau đó Tổng Thống Ford đã kêu gọi nhiều tổ chức lao động, tôn giáo và các thống đốc tiểu bang vận động với quốc hội. Cuối cùng một ngân sách 400 triệu đô-la đã được thông qua để định cư 135 nghìn người Việt đã được di tản ra khỏi Việt Nam.

Với ngân sách đó, hơn một trăm nghìn người Việt được Hoa Kỳ nhận cho định cư trong năm 1975, mở đầu cho trang sử của người Mỹ gốc Việt.

Là một người bỏ nước Việt Nam ra đi, nơi cộng sản đã bành trướng và ảnh hưởng của Liên Bang Sô Viết và Trung Quốc bao trùm, nhưng xem tranh luận trên ti-vi trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1976 giữa Thống Đốc bang Georgia là Jimmy Carter và đương kim Tổng Thống Gerald Ford, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe ứng viên Ford nói rằng Ba Lan không nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Nga Sô. Một tổng thống Mỹ mà thiếu sự hiểu biết về chính trị thế giới, nhất là về cộng sản vào thời điểm mà Chiến Tranh Lạnh còn đang nóng hổi, nên nhận xét của Ford đã là đề tài bàn luận trong dân chúng Mỹ.

Kết quả bầu cử tháng 11.1976 Ford thua Carter 240-297 phiếu cử tri đoàn. Những nhà phân tích thời sự cho rằng việc ân xá cho Nixon và nhận định sai lầm của ông về cộng sản Nga Sô và Đông Âu đã đưa đến việc Ford không được cử tri tín nhiệm.

Có một thành quả trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Gerald Ford ít được nhắc đến là Hoa Kỳ và Liên Sô đã đạt được một thoả ước quan trọng, Hiệp Ước Helsinki về nhân quyền, khởi đầu cho thương thảo về chủ đề này giữa Hoa Kỳ và các nước cộng sản trong những thập niên sau.

Tôi nghe tin Tổng Thống Gerald Ford qua đời (1913-2006) vào một buổi tối khi đang ở trên vùng thung lũng tuyết trắng nằm giữa bang California và Nevada, cùng bạn bè gồm những gia đình đã đến Hoa Kỳ theo diện thuyền nhân, diện ROVR - vượt biển hồi hương - mà gia đình tôi đã bảo trợ định cư.

Tôi nhớ đến những ngày còn lênh đênh trên biển và cầu nguyện cho Tổng Thống Ford được yên giấc nghìn thu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 2007 đã mở đầu với rất nhiều giao động trên các thị trường thương phẩm quốc tế khi giá thương phẩm suy sụp đồng loạt, từ kim loại, xăng dầu đến cả ngũ cốc. Phải chăng, điều mà nhiều
Ngày 30-12-2006 tại khách sạn Bijhorst Den Haag (The Hague) Hòa Lan, Tổ Chức Quốc Tế Phát Triển Việt Nam đã tổ chức ngày hội thảo thành công rất tốt đẹp, ấm cúng trong tình thương
Dân tộc VN có nền văn hiến lâu đời, luôn tự hào về truyền thống bất khuất của mình, vì vậy qua bao thế hệ đã cố gắng gìn giữ những lễ nghi tập quán tốt dẹp
Hai mươi hai năm trước, mặc dù có sự phản đối của Ân Xá Quốc Tế, sự can thiệp của Cộng đồng Âu Châu, chính phủ Thụy Sĩ và tòa thánh Vatican, ba chiến sĩ dân chủ Trần-Văn-Bá
Xin thưa, không phải là nhân dân mà đó chính là những người đảng viên Cộng sản. Nhân dân ta có câu "Ở trong chăn mới biết chăn có rận", những người cảm tình đảng từ ngày xa xưa
Tình trạng Giai cấp công nhân (GCNN) bị bóc lột thậm tệ không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy
Một bức hình của Thiếu Tướng Phú tôi thấy trong một tạp chí, cùng với hình của những vị tướng khác tuẫn tiết sau 30-4-75, đã gợi cho tôi nguồn cảm hứng để viết bài tường thuật nầy
Thưa chị Trần Khải Thanh Thuỷ, theo chị, đứng trước hiện trạng nước nhà như hiện tại, nhiệm vụ của thanh niên bây giờ là phải làm gì" - TKTT: Theo suy nghĩ chủ quan của tôi- dưới góc độ của một người viết
Trong dịp nghỉ lễ vừa rồi, nhiều người đã đi thử thời vận tại các sòng bạc quanh khu vực. Và không ít người đã bị... hụt vốn. Tưởng rằng đi gỡ bóng đèn Giáng sinh của Casino ai ngờ lại trả tiền
Không kể thời Bắc thuộc,trong dòng sử VN ta thấy có một vài vua chúa vì muốn giữ chiếc ngai vàng cho riêng mình, nên năm 1405 Hồ Quý Ly dâng cho giặc Minh
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.