Hôm nay,  

Có Gì Mới Ơ Đại-Hội Lần Thứ 21 Của Nghị-Hội Năm Nay?

16/08/200700:00:00(Xem: 7847)

St. Paul, MN, ngày 15/VIII/2007 (QGTTX).- Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8 ở Kelly Inn (161 St. Anthony Ave.), St. Paul, Minnesota.
Mấy thành-tích của Nghị-hội

Là một tổ-chức thành-lập từ năm 1986, Nghị-hội đã có mặt và tham-gia trong nhiều cuộc vận-động lớn của người Việt tại Mỹ từ việc vận-động thành-lập Đài Á Châu Tự Do (làm chung với Tổ-chức Phục Hưng VN và Uỷ-ban Đông-dương vận-động cho Đài ACTD của Giáo-sư Nguyễn Thanh Trang) đến việc thúc đẩy các chương-trình như H.O. (cựu-tù-nhân chính-trị, làm chung với Hội Gia-đình Tù-nhân CT Việt-nam của bà Khúc Minh Thơ), con lai, LAVAS (Legal Assistance to Vietnamese Asylum Seekers, Trợ Giúp Pháp Lý cho Người Xin Tỵ Nạn VN, làm chung với Boat People S.O.S.), các chiến-dịch nhân-quyền (với Uỷ-ban Helsinki VN, Mạng Lưới NQ VN) v.v.

Liên-hệ trực-tiếp đến cuộc sống của đồng-bào chúng ta tại Mỹ, Nghị-hội cũng đã từng làm việc với Tổng-hội Giáo-dục Việt-Mỹ (NAVAE, National Association for Vietnamese American Education) để đẩy các chương-trình giáo-dục song ngữ hay dạy tiếng Việt, văn-hoá VN trong học-đường Hoa-kỳ.  Có lẽ vì lý-do này mà hai người của Nghị-hội đã được chỉ-định làm phó-Tổng-giám-đốc Giáo-dục Song ngữ ở Bộ Giáo-dục Liên-bang dưới thời Tổng-thống Bush Cha và Tổng-thống Bill Clinton.  Trong lãnh-vực tỵ nạn, bà Trần Ngọc Chi Ray, người Nghị-hội, cũng đã được chỉ-định làm phó-TGDD Văn-phòng Tỵ nạn (Liên-bang) một thời-gian; sau bà lại được chỉ-định sang phục-vụ ở cơ-quan Tiểu-thương Liên-bang (SBA, Small Business Administration).

“Người ta ít nghe đến Nghị-hội vì Nghị-hội không chủ-trương ‘ddánh trống la làng’ mà cứ âm thầm làm việc, cốt sao có kết-quả,” ông Nguyễn Mậu Trinh, tổng-quản-trị của Nghị-hội phát biểu khi được hỏi về vấn-đề này.  “Thường bà con gặp vấn-đề thì mới tìm đến Nghị-hội,” ông nói và nêu ra mấy trường-hợp như vụ ngư-phủ VN bị cấm hoạt-động ở vùng Vịnh San Francisco năm 1989 (do Coast Guard Mỹ dựa vào Luật Jones Act có từ 200 năm trước, 1789), rồi vụ TED (Turtle Exclusion Device, cấm bắt rùa biển khi đi lưới tôm ở Louisiana) hay vụ cấm trồng rau muống ở Florida.  Trong những trường-hợp đó, đôi khi rất chuyên-môn, Nghị-hội cũng cố gắng tiếp tay.  Như trong vụ Jones Act, Nghị-hội đã làm việc chung với JACL (Japanese American Citizens League) và một số luật-sư gốc Á-đông cũng như Hội Ngư-phủ VN vùng Vịnh để cuối cùng nhờ Dân-biểu Norman Mineta đưa ra một dự-luật cho phép hoãn áp-dụng luật Jones Act trong 10 năm, cho phép các ngư-phủ VN kịp thời giờ học tiếng Anh và lấy quốc-tịch.

Trong những năm gần đây, Nghị-hội đã can-thiệp thành công với e-Bay để buộc công-ty này phải xin lỗi và dẹp bỏ ngay các quảng-cáo buôn bán phụ nữ VN qua Internet.  Trước khi Hà-nội được vào WTO (Tổ-chức Thương mại Thế-giới) hồi đầu năm nay, trong mấy năm liền thương lượng chuyện này với Mỹ, người của Nghị-hội cũng đã lên điều trần liên-tiếp trên Quốc-hội để đòi phải có sự thông thương bình-đẳng, hai chiều giữa VN và hải-ngoại về mặt sách báo, phim ảnh, âm-nhạc v.v.  Tháng 9 năm ngoái, Nghị-hội cũng đã được Hạ-viện Mỹ tổ-chức cho hai cuộc điều trần, một về tình-hình nhà cửa đồng-hương chúng ta ở Louisiana, Missouri và Alabama sau trận bão Katrina (Nghị-hội nghiên cứu chung với Boat People S.O.S. và NAVASA), và một về nhân-quyền ở VN (con gái bà Cúc Foshee điều trần tại đây và ít ngày sau thì bà Cúc được Hà-nội thả ra sau hơn một năm trời bị cầm tù).  Mới cách đây ít tháng, trước và sau khi ông Nguyễn Minh Triết sang viếng thăm Hoa-kỳ, người của Nghị-hội đã được mời vào gặp bà Chủ-tịch Quốc-hội Nancy Pelosi (để cung cấp tin tức cập nhật về NQ ở VN) cũng như vào Toà Bạch Ốc để nghe tường-trình về cuộc gặp gỡ giữa Tổng-thống Bush và ông Triết.  Trước đó, hồi tháng 3, người của Nghị-hội cũng được gặp Thượng-nghị-sĩ James Webb (DC – Virginia) thuộc Uỷ-ban Ngoại-giao Thượng-viện để bàn cách đặt vấn-đề với Phó-thủ-tướng Phạm Gia Khiêm.  Không đầy một tuần trước khi tân-Đại-sứ Mỹ ở VN, ông Michael W. Michalak, đi qua Hà-nội, người của Nghị-hội cũng đã đưa tận tay ông một số khuyến cáo về chính-sách của Mỹ ở VN—cũng như trước đây đã từng làm với ông đại-sứ tiền-nhiệm Michael Marine.

Một đối-tác được nể trọng
Vì có những hoạt-động tích-cực và gần gũi cộng-đồng như vậy nên giờ đây, Nghị-hội là một trong những tổ-chức trong cộng-đồng người Mỹ gốc Việt khá được nể trọng.  Nói cách khác, rất nhiều tổ-chức hay cơ-quan báo chí, truyền thanh truyền hình (như BBC, RFI, RFA, các đài ở hải-ngoại) khi cần hỏi về cộng-đồng người Mỹ gốc Việt thường hay tìm đến người của Nghị-hội để phỏng vấn hay tham khảo.  Nhiều tên tuổi mà chúng ta được nghe trên các đài, báo là người của Nghị-hội.

Cũng vì lý-do đó mà mỗi năm, khi Đại-hội của Nghị-hội nhóm họp nó thường thu hút được nhiều người có lòng với cộng-đồng hoặc hay chú ý đến các diễn-biến lớn trong cộng-đồng hoặc cố-hương của chúng ta.  Như năm nay, chẳng hạn, người ta chú ý đến một số hội-luận trong hội-nghị như:

Tình-hình bang-giao Mỹ-Việt trước và sau cuộc viếng thăm của Ô. Nguyễn Minh Triết, do Ô. Nguyễn Ngọc Bích trình bầy.  Ông Bích hiện là chủ-tịch Hội-đồng Điều hợp Trung-ương của Nghị-hội, chính cá-nhân ông đã tham-gia trong nhiều cuộc vận-động lớn của Nghị-hội liên-quan đến chính-sách bang-giao Việt-Mỹ.

Tình-hình của cộng-đồng VN tại Mỹ, do Tiến-sĩ Phạm Hồng Vũ, hiện đang giảng dạy tại UCLA, trình bầy.  T.S. Vũ là một trong những diễn-giả quen thuộc và thu hút nhất trong giới trẻ của cộng-đồng chúng ta.  Ông cũng là người chủ chốt dựng nên triển lãm “Exit Saigon, Enter Little Saigon” của hệ-thống bảo tàng Smithsonian nói về sự phát triển của cộng-đồng VN trong một phần ba thế-kỷ qua, từ 1975 đến giờ.  Được biết thống-kê mới nhất cho thấy cộng-đồng người Mỹ gốc Việt hiện đã lên tới con số 1 triệu rưởi người, tức một con số rất đáng kể (đông thứ 4 hay thứ 5 trong các nhóm gốc Á-châu Thái-bình-dương) và một sức mạnh tiềm tàng rất đáng chú ý, từ các sinh-hoạt chính-trị chính-mạch đến các mặt như kinh tế, tài-chánh, xã-hội, văn-hoá v.v.

Tinh khôn trong vấn-đề mua nhà, xây dựng cơ-nghiệp, do Tiến-sĩ Đào Thị Hợi và Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh trình bầy.  Hội-xưởng này là dựa trên những tài-liệu mới nhất, 3 cuốn sách cả thảy, do công-ty Freddie Mac viết ra và giờ đây đã có bản tiếng Việt (sẽ được phân phát tại chỗ cho những ai đến dự), mai mốt sẽ được đóng thành những phim ngắn.  Đây là một hội-xưởng lý-tưởng cho những nhân-viên địa-ốc hay những ai đang tính mua nhà, lập công-ty v.v.

Mấy vấn-đề nổi cộm trong cộng-đồng người Việt ở Mỹ, do nhân-viên của Uỷ-ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S.) trình bầy.  Đây là mặt trái của cộng-đồng chúng ta, bàn về một số vấn-đề mà chúng ta cũng phải để ý như bạo-hành trong gia-đình, tình-trạng buôn người v.v.  Những vấn-đề này, nếu không được sớm ngăn chặn, sẽ đem lại tai tiếng cho cộng-đồng chúng ta.

Một số vấn-đề của người cao-niên như Medicare, Medicaid Part D, hay các vấn-đề sức khoẻ ở tuổi cao-niên, do những chuyên-viên như cô Anne Avery thuộc Bộ Y-tế và Xã-hội Liên-bang trình bầy để cho những vị cao-niên trong cộng-đồng hiểu rõ những quyền lợi của mình.

Đặc-biệt, một hội-luận mang tên “Hoá chất độc hại trong tiệm Nails: Làm cách nào giảm bớt nguy hiểm,” dựa trên một tài-liệu mới được dịch sang tiếng Việt, sẽ giúp rất nhiều cho các nhân-viên người Việt ở trong các tiệm Nails tránh bị nhiễm độc bởi các hoá-chất dùng hàng ngày trong tiệm.  Đây là một vấn-đề rất nghiêm trọng mà không một ai trong nghề Nails được quyền không biết.  Buổi hội-luận, hoàn-toàn miễn phí, sẽ do anh Phan Hiến của Boat People S.O.S., đến từ North Carolina, trình bầy và mỗi người tham-dự sẽ được tặng một cuốn sách tiếng Việt về chuyên-đề này.

Ngoài ra còn những hội-luận như Partnerships / Hợp-tác với các cơ-quan, tổ-chức khác trình bầy kinh-nghiệm của Nghị-hội cũng như một số hội-đoàn khác trong quá-khứ đã có những dự-án làm chung với nhau (tỷ như “Katrina Report,” triển lãm tranh ảnh, dự-án làm phim/sa'ch v.v.).  Nhân dịp này, dự-án làm phim/sa'ch về 33 năm cộng-đồng VN định cư ở xứ này, mang tên NGƯỜI VIỆT ĐẤT MỸ / VIETNAMESE IN U.S.A., cũng sẽ được giới-thiệu bởi Ô. Huỳnh Sĩ Nghị (AAMI, Asian American Media Institute) và Ô. Nguyễn Ngọc Bích (Nghị-hội), hai người chịu trách-nhiệm chính trong dự-án này.  Thêm vào đó, sang ngày Chủ-nhật 26/8 sẽ có một cuộc hội-luận bàn tròn về vấn-đề Tham-gia vào tiến-trình dân-chủ chính-mạch ở Hoa-kỳ.  Tham-gia trong cuộc hội-luận này sẽ có một số người dầy kinh-nghiệm “chiến-trường” trong chính-trường Mỹ, sinh-hoạt lâu năm trong hai đảng Cộng-hoà và Dân-chủ của Mỹ.

Ngoài ba ngày họp chính của Nghị-hội, nhân dịp này còn có một phiên họp nguyên ngày vào thứ Năm, 23/8, dành cho tổ-chức VNCEO, tức Câu-lạc-bộ Những Nhà Kinh Doanh Lớn của VN trên đất Mỹ, bàn về những phương-thức kết-hợp sức mạnh kinh tế của các cơ-sở làm ăn của người Việt trên đất Mỹ.  VNCEO tuy không trực-thuộc Nghị-hội song cũng là một tổ-chức do Nghị-hội đỡ đầu thành-lập vào tháng Tư năm 2005 ở Washington, DC.  Vì có sẵn sự gần gũi thân thiết đó mà VNCEO kỳ này cũng nhân Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội họp luôn ở Minnesota.  Các thành-viên Nghị-hội cũng được mời tham-dự luôn ngày này của VNCEO để quan-sát một khía cạnh phát triển mạnh trong cộng-đồng chúng ta.

Hoàn-toàn miễn phí
Cũng như mọi năm, nếu Quý vị chỉ có ý định đến nghe và học hỏi về những kinh-nghiệm của Nghị-hội thì ba ngày Đại-hội hoàn-toàn miễn phí.  Tuy-nhiên, Ban Tổ-chức yêu-cầu Quý vị gọi cho số ĐT (651) 224-6570 (tại địa-phương) hoặc số ĐT (703) 971-9178 (ở trung-ương) để ghi danh trước.  Như vậy, BTC sẽ có sẵn bảng tên và tài-liệu cho Quý vị khi đến hội-nghị.  Ngoài ra, BTC cũng cần nắm các con số để còn kịp lo liệu những vấn-đề như chỗ ngồi, nước giải khát, v.v.  (Chỉ riêng những ai có ý định ăn hay/va` ở lại khách-sạn là cần phải đóng lệ-phí rất phải chăng cho ba ngày, gồm mấy bữa cơm trưa và một bữa cơm tối thịnh-soạn vào tối thứ Bảy, 25/6.)

Cuối cùng, “chúng tôi xin mời các đồng-hương, nhất là những vị ở trong địa-phương vùng Song Thành và Minnesota, đến chung vui với chúng tôi,” nhà thơ Nguyễn Văn Dzĩnh, một thành-viên kỳ-cựu của Nghị-hội, có mặt ngay từ ngày đầu và giờ đây vẫn còn hoạt-động đều đặn trong Nghị-hội, và hiện là Trưởng Ban Tổ Chức NCVA 2007, xin nhắn với nhà báo chúng tôi và nhờ chúng tôi chuyển lời mời đến Quý Đồng Hương và Quý Độc Giả.  Ông nói: “DDã 21 năm rồi, đây là lần đầu tiên Nghị-hội họp Đại-hội ở Minnesota.  Trước đây, chỉ có những buổi họp nhỏ hơn của Nghị-hội đến với đồng-bào Song Thành (Twin Cities) và Vạn Hồ (dịch nghĩa chữ Minnesota).”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.