Hôm nay,  

Cương Lĩnh Tranh Cử 2008 Của Đảng Dân Chủ

09/11/200700:00:00(Xem: 7358)

Chỉ còn một năm nữa là đến ngày tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Bên phía Cộng hòa ông Rudy Giuliani hiện là ứng cử viên dẫn đầu, nhưng chưa có gì chắc chắn. Về phía đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton xem như có phần chắc hơn là sẽ được sự đề cử của đảng. Bà đang dẫn đầu khá xa các ứng cử viên Dân chủ khác. Thượng nghị sĩ da đen Barack Obama hiện còn rất cứng rắn trong cuộc tranh đua với bà Hillary Clinton, nhưng mục tiêu của ông là đẩy mạnh cuộc cách mạng của người da đen chứ không phải để trở thành tổng thống Hoa Kỳ nên ông sẽ xuống thang vào thời điểm cần thiết và sẽ là một người ủng hộ tích cực cho bà Hillary Clinton.

Với những chỉ dẫn hiện nay, bà Hillary Clinton có nhiều may mắn trở thành người nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, và ông Clinton khi dọn nhà vào tòa Bạch ốc (chỗ ở chính thức của bà Hillary Clinton nếu đắc cử) sau ngày 20/1/2009 sẽ là người đàn ông đầu tiên được ở trong Bạch Ốc lâu hơn 8 năm với tư cách là tổng thống, và chồng của một tổng thống.

Nếu bà Hillary Clinton đắc cử, điều này không có nghĩa bà là một phụ nữ xuất chúng. Cách bầu tổng thống theo Hiến pháp Hoa Kỳ không tạo cơ hội cho người xuất chúng trong dân giả xuất hiện, mặc dù người xuất chúng thời nào, nước nào cũng có. Ngoài vị tổng thống đầu tiên là ông George Washington, người cầm đầu cuộc chiến giành độc lập, các vị tổng thống khác đều phải lăn lộn trong bộ máy chính trị của đảng, và bước qua thời đại của truyền hình vào bán thế kỷ 20, các ứng cử viên tổng thống phải có một thế chính trị dày công xây dựng trước, và nhất là phải có tiền.

Bà Hillary Clinton nổi bật lên trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bà đã không có tư thế trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc hôm nay nếu không có những quyết định của tổng thống George Bush khi nhân cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 đã nhân danh đẩy mạnh chương trình dân chủ tại Trung đông để bảo đảm nguồn dầu hỏa cho Hoa Kỳ. Cái may thứ nhì của bà là vợ của tổng thống Bill Clinton. Bên cạnh chồng, bà đã có cơ hội chia xẻ sự lãnh đạo quốc gia. Cho nên nếu bà trở thành người nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, bà là một con người do lịch sử và may mắn tạo thành.

Trong cuộc chạy đua để được đảng đề cử, bà Hillary Clinton thường gặp phải ba câu hỏi hắc búa. Thứ nhất là tại sao đầu năm 2003 tại Thượng viện bà bỏ phiếu cho phép tổng thống Bush đánh Iraq. Thứ hai là năm 1993 khi tổng thống Bill Clinton giao cho bà cầm đầu chương trình cải tổ chế độ bảo hiểm sức khỏe bà đã không hoàn thành được sứ mạng. Thứ ba là tại sao bà không thẳng thắn tuyên bố nếu đắc cử tổng thống bà sẽ ra lệnh rút toàn bộ quân đội ra khỏi Iraq.

Nhưng chính ba câu hỏi hắc búa này đã giúp cho bà Hillary Clinton được hiểu ít nhất là một người thực tế và không mị dân để được đắc cử với bất cứ giá nào.

Bà không hối hận đã bỏ phiếu thuận cho phép tổng thống Bush tấn công Iraq để - tính đến hôm nay - làm cho gần 4,000 binh sĩ Mỹ bỏ mình và 13,000 quân nhân khác mang thương tật vĩnh viễn, chưa nói đến những nổi thống khổ nhân dân Iraq đang gánh chịu. Bà Hillary Clinton không giải thích thẳng lý do nhưng ai cũng biết vào đầu năm 2003 khi Thượng viện bỏ phiếu các tin tức do cơ quan tình báo CIA cung cấp đều chứng tỏ rằng Saddam Hussein có vũ khí giết người tập thể, và chính Saddam Hussein (dù không có vũ khí giết người tập thể *) cũng giả bộ làm như có và sẽ dùng để đánh Hoa Kỳ nên bà và nhiều Thượng nghĩ sĩ không có lựa chọn nào khác là bỏ phiếu thuận.

Về vấn đề bảo hiểm sức khỏe, bà không thành công vì bà chưa đủ kinh nghiệm chính trị để đánh giá đúng sức mạnh của các khối quyền lợi như khối bảo hiểm, khối bệnh viện tư, khối bác sĩ, khối luật sư chứ không phải đó là một chương trình sai lầm. Chương trình cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe vẫn là ao ước của khối dân nghèo.

Về cách giải quyết cuộc chiến Iraq, bà không chủ trương rút hết quân ngay không phải vì bà đã lỡ bỏ phiếu “đánh” mà vì bà biết rút quân cũng khó không khác khi quyết định tấn công. Hơn nữa, Trung đông có vị trí chiến lược quan trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ không thể chấm dứt cuộc chiến Iraq như cuộc chiến Việt Nam. Bà biết dân chúng đang chán ngấy cuộc chiến Iraq, nhưng chính sách quân sự tại đó phải được điều chỉnh thế nào để không tổn thương đến quyền lợi và uy tín của Hoa Kỳ.  

Bà Hillary Clinton đã giữ vững lập trường ở ba điểm này hiện đang là điểm tấn công của phía nội bộ đảng Dân chủ, nhưng cũng chính nhờ nó mà bà được sự ủng hộ của quần chúng và các con số thăm dò cho thấy sự ủng hộ này càng ngày càng lên cao.

Bà Hillary Clinton đã tóm tắt đường lối chính trị của bà trong một bài báo quan trọng đăng trên tờ Foreign Affairs số tháng Mười Một/Mười Hai 2007 nhan đề: “Security and Opportunity for the Twenty-first Century” (An ninh và Cơ hội của thế kỷ 21). Và nếu bà được đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử tổng thống thì đây sẽ là những nét chính của cương lĩnh chính trị tranh cử của đảng Dân chủ.

Bà Hillary Clinton nhấn mạnh những điểm sau:

Muốn lãnh đạo thế giới, một quốc gia trước hết phải được sư kính nể của thế giới. Vào đầu thế kỷ 21 Hoa Kỳ đang được sự kính nể đó. Rất tiếc cuộc khủng bố 11/9 xẩy ra và thay vì dùng cơ hội đó để làm vững vàng thêm sự tin cậy vào Hoa Kỳ, những người lãnh đạo đã phạm những sai lầm căn bản về chính sách và làm mất sự tin cậy của thế giới.

Bà Hillary Clinton cho rằng Hoa Kỳ đã nóng vội không để cho Liên hiệp quốc có thêm thì giờ thanh tra và báo cáo về tình hình Iraq có hay không có vũ khí giết người tập thể. Hoa Kỳ đã tập trung quá nhiều tài nguyên vào cuộc chiến tại Iraq nên thiếu tài nguyên xây dựng dân chủ tại Afghanistan, đồng thời chọn đường lối xa rời với lập trường hợp lý chung của thế giới như không phê chuẩn hiệp định Cấm Thí nghiệm Vũ khí Nguyên tử (Comprehensive Nuclear Test Ban Treaty), không tiếp tục theo đuổi chương trình Không phổ biến hiểu biết Kỹ thuật Nguyên tử (Non Proliferation Treaty – NPT), không phê chuẩn Hiệp định Kyoto phòng chống sự nóng dần của bầu khí quyển.

Bà nói Hoa Kỳ từ bỏ con đường hợp tác lưỡng đảng trong chính sách đối ngoại và do đó không nỗ lực hết sức mình về mặt ngoại vận trước khi dùng sức mạnh. Rất may với tất cả những sai lầm đó thế giới vẫn còn chờ đợi sự lãnh đạo của Hoa Kỳ (vì thế giới không có sự lựa chọn nào khác *). Và để duy trì sự tin tưởng này, Hoa Kỳ cần mạnh hơn, và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ phải trong sáng hơn.

Bà Hillary Clinton nghĩ rằng vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ có nhiệm vụ thuyết phục thế giới Hoa Kỳ có thừa khả năng tái tạo sức mạnh và uy tín để xây dựng một thế giới an toàn, có điều kiện cho mọi người phát huy khả năng chứ không phải một thế giới nghi ngờ nhau.

Bà Hillary Clinton nghĩ rằng thế giới đang đứng trước nhiều đe dọa: do tranh chấp giữa quốc gia này với quốc gia khác; do nạn khủng bố; do sự đe dọa của thiên nhiên. Nhưng trước mắt là hai mặt trận cần quan tâm trước. Đó là mặt trận chống khủng bố và mặt trận ngăn chận sự lan rộng của vũ khí nguyên tử, nhất là Iran, một quốc gia Hồi giáo nhiều tham vọng. Đó là chưa nói tới sự lớn mạnh và ý đồ tranh chấp của Liên bang Nga và của Trung quốc.

Cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái đe dọa nguồn dầu hỏa Trung đông – và qua đó - đe dọa nền kinh tế thế giới cũng là một quan tâm khác của bà. Bà nói Hoa Kỳ cũng không thể không quan tâm đến sự thay đổi bất thường của thời tiết (do khí nhà kiếng thải vào khí quyển *) và nạn bệnh truyền nhiễm toàn thế giới (do các sinh vật có lông vũ truyền sang người) có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Bà Hillary Clinton cho rằng để đương đầu với các vấn đề trên trước hết Hoa Kỳ phải bảo toàn nội lực bằng cách thiết lập một chương trình hữu lý để rút chân ra khỏi cuộc chiến Iraq, củng cố lực lượng quân sự và một chương trình hoàn chỉnh để chống khủng bố trong nước. Điều quan trọng, theo bà, là phải có cái nhìn thực tế trước các vần đề trước mắt chứ không giải quyết theo ý thích, theo chủ thuyết hay tôn giáo.

Bà nêu ra vấn đề sức mạnh và nguyên tắc. Bà nói lãnh đạo chính trị đòi hỏi một sự dung hợp hài hòa giữa chiến lược đúng, khả năng thuyết phục và ý chí thực hiện.

Nguyên tắc đầu tiên của bà Hillary Clinton là tránh con đường chủ thuyết. Thực tế là trên hết: ngoại giao đi đôi với sức mạnh; bảo vệ quyền lợi quốc gia đi đôi với quyền lợi của thế giới; chính sách đa phương hòa hợp với chính sách đơn phương.  Bà Hillary Clinton quan niệm sức mạnh quân sự không phải là chiếc đũa thần giải quyết được mọi chuyện, mặc dù không có sức mạnh quân sự thì nói không ai nghe. Bà dí dỏm rằng cầm một cây gậy trong tay không dùng mà người ta sợ mới là thượng sách.

Ngoài ra bà Hillary Clinton chủ trương tôn trọng cơ chế Liên hiệp quốc và tạo điều kiện cho Liên hiệp quốc giải quyết một số vấn đệ trên căn bản của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights), nhưng không nên ngần ngại can thiệp trước những vấn đề phi lý. Bà dẫn chứng Liên hiệp quốc bó tay trước nạn diệt chủng ở Darfur do sự can thiệp của Trung quốc là một thí dụ. Bà Hillary Clinton nói Hoa Kỳ cần  giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối trên thế giới như nạn đói, bênh tật và thiếu dân chủ một cách cụ thể chứ không dựa vào hình thức có tính tuyên truyền. Bà Hillary Clinton nói trên thế giới hiện nay có hơn 2 tỉ người sống mỗi ngày chưa tới 2 mỹ kim. Sau cùng, và quan trọng nhất là tái lập lại lòng tin của thế giới vào những giá trị Hoa Kỳ.

Nói về sức mạnh bà Hillary Clinton chủ trương Hoa Kỳ phải mạnh, và công việc ưu tiên là giải quyết cuộc chiến tranh Iraq. Cuộc chiến này đã đầu tư sức mạnh của Hoa Kỳ không đúng cách nên đã làm cho quân đội mệt mỏi và làm cho xã hội Hoa Kỳ phân ly chia rẽ. Nhưng bà Hillary Clinton không chủ trương rút lui khỏi Iraq và để  cho Trung đông trở thành một nơi hỗn loạn. Đặc biệt bà nói quân đội Hoa Kỳ sẽ hiện diện tại phía bắc Iraq để bảo đảm rằng chiến tranh không xẩy ra giữa người Kurds và Thổ Nhĩ Kỳ. Bà chủ trương Hoa Kỳ làm việc với các nước trong vùng và duy trì quân đội ở mức độ giúp cho một giải pháp ngoại giao thành tựu. Hoa Kỳ cần giúp giải quyết hoàn cảnh của 2 triệu người Iraq bỏ nước ra đi đến những nước chung quanh và 2 triệu người khác rời chỗ ở, nay đây mai đó trong nước để tránh cảnh nồi da xáo thịt vì khác biệt tôn giáo. Bà Hillary Clinton nghĩ giải pháp Palestine và Do thái gần đồng ý với nhau tại Camp David (nơi nghỉ ngơi của các tổng thống Hoa Kỳ tại bang Maryland *) năm 2000 do nỗ lực của tổng thống Bill Clinton là một giải pháp Hoa Kỳ cần thúc đẩy thực hiện. Qua giải pháp này Do thái đồng ý giúp thiết lập một nước Palestine gồm giải đất Gaza và vùng Tây ngạn sông Jordan (Gaza Strip & West Bank). Ngược lại nước Palestine  công nhận sư hiện hữu của nước Do Thái. Bà nói sự thành công của Hoa Kỳ về giải pháp này (mà bà biết rất khó vì vấn đề bức tường Do thái xây gần xong để phân chia lãnh thổ Do thái với lãnh thổ Palestine dọc biên giới phía tây của vùng Tây ngạn đã lấn khá nhiều đất của người Palestine *) sẽ mang hòa bình đến Trung đông và tăng uy tín của Hoa Kỳ.

Bà Hillary Clinton chủ trương thành lập những đội quân xung kích trang bị nhẹ để giải quyết những vấn nạn khẩn cấp tại Trung đông, trong khi chủ lực quân đội trú đóng những nơi an toàn chờ khi cần thì hành động. Bà sẽ vận động luật bảo vệ quyền lợi của người lính xứng đáng với sự hy sinh của họ, thí dụ như cho phép thân nhân nghỉ làm việc (mà không mất chỗ làm *) để săn sóc binh sĩ bị thương và một thứ “Bill of Rights” cho người lính (như tu chính số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ công nhận quyền tư do ngôn luận bên cạnh những quyền khác *).

Bà Hillary Clinton quan niệm dứt khoát rằng Hoa Kỳ cần phải thắng trận giặc khủng bố do al Qaeda cầm đầu, và chận đứng bằng mọi giá một cuộc tấn công như vụ 11 tháng 9. Hoa Kỳ cần làm việc với các cơ quan tình báo quốc tế ở Âu châu và Á châu, và cần có chính sách đồng minh với các quốc gia đang bị khủng bố đe dọa dưới hình thức này hay hình thức khác. Cần đấu tranh trừ khử những nguyên nhân tạo ra khủng bố và thù hận. Hoa Kỳ cần nâng cao đời sống và phát huy quyền của người phụ nữ, và làm cho người Hồi giáo hiểu rõ cái giá trị về những vinh quang trong quá khứ lịch sử của họ. Điều quan trọng đối với bà Hillary Clinton là Hoa Kỳ phải chiến thắng cuộc chiến tại Afghanistan, giúp dân Afghanistan sống mà không cần sản xuất ma túy. Hoa Kỳ cũng cần giúp ổn định vùng biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.

Đó là mặt trận xa. Mặt trận gần là an toàn nội xứ. Bà Hillary cho biết bản tường trình lưỡng đảng của Ủy ban Baker-Hamilton là một tài liệu căn bản bà sẽ áp dụng trọn vẹn. Cho đến nay quốc hội đã thúc đẩy thực hiện được 80%. 

Bàn về an ninh thế giới, Hoa Kỳ cần đối thoại với các quốc gia không thân thiết, ngay cả thù nghịch như Iran là một thí dụ điển hình, mặc dù Iran đang chế tạo bom nguyên tử, đang cung cấp vũ khí cho các nhóm Shiite thù nghịch với Hoa Kỳ tại Iraq và các nhóm khủng bố khác như Hezbollah và Hamas. Nhưng đối thoại không có nghĩa Hoa Kỳ ngần ngại không cho Iran biết nếu Hoa Kỳ cảm thấy an ninh bị đe dọa thì Hoa Kỳ không từ bỏ một giải pháp nào.

Bà Hillary Clinton dè dặt nhận xét rằng chính sách của bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã thành công đối với Bắc Hàn (ít nhất cho đến lúc này *). Nhưng trong chính sách nguyên tử tiếng nói Hoa Kỳ chỉ mạnh và được tin cậy nếu Hoa Kỳ có chương trình giảm thiểu kho vũ khí nguyên tử của mình (như các cựu ngoại trưởng George Shultz , Henry Kissinger, và cựu bộ trưởng quốc phòng William Perry, Sam Nunn từng kêu gọi). Bà Hillary Clinton chủ trương Hoa Kỳ cần phê chuẩn hiệp định “Cấm Thí nghiệm Vũ khí Nguyên Tử”. Bà Hillary Clinton cũng dự định đề nghị thay thế hiệp định NPT (không phổ biến hiểu biết chế tạo vũ khí nguyên tử) bằng một ngân hàng tồn trữ chất liệu nguyên tử sản xuất năng lượng để giải quyết vấn đề một số quốc gia lợi dụng nhu cầu sản xuất điện lực nguyên tử để lén chế tạo vũ khí.

Hoa Kỳ cũng cần có chính sách thích ứng với những quốc gia chưa phải là thù nghịch nhưng có dự định đối đầu với Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton đặt câu hỏi Hoa Kỳ phải làm gì đối với Liên bang Nga khi tổng thống Putin chống không chấp thuận sự độc lập của Kosovo, và dùng dầu hỏa và khí đốt Nga sẵn có để áp lực các nước chung quanh" Bà nói Liên bang Nga có quyền bảo vệ quyền lợi của họ, Hoa Kỳ thận trọng theo dõi nhưng không nên xem Liên bang Nga là kẻ thù.

Đối với Trung quốc cũng vậy. Sự lớn mạnh của Trung quốc sẽ là mối đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ trên thế giới trong thế kỷ này, nhưng (như thế giới đang chứng kiến *) nếu mềm dẽo và khéo léo Hoa Kỳ có thể cùng với Trung quốc giải quyết một số vấn đề liên đới  quyền lợi như vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn (dù kết quả hiện giờ còn có tính tuyên truyền hơn là thực chất *)

Bà Hillary Clinton nhấn mạnh đến nhu cầu hàn gắn quan hệ với khối bạn bè cố hữu và truyền thống của Hoa Kỳ như Liên hiệp Âu chậu, mặc dù có một số vấn đề Hoa Kỳ và Âu châu có thể bất đồng ý kiến với nhau. Bà nhìn thế hệ những người lãnh đạo mới của một số nước quan trọng tại Âu châu như Gordon Brown của Anh quốc, Angela Merkel của Đức quốc và Nicolas Sarkozy của Pháp với một con mắt lạc quan.

Ấn độ cũng là một nước bạn trong tầm nhắm, và bà Hillary Clinton nghĩ Ấn, Nhật, Úc châu có thể trở thành một khối đoàn kết chống khủng bố, chống sự nóng của bầu khí quyển, bảo vệ nguồn năng lượng thiên nhiên và phát triển kinh tế toàn cầu.

Bà Hillary Clinton cho rằng Hoa Kỳ đã coi thường và bỏ lơ Nam Mỹ là một sai lầm lớn. Brazil và Mexico có khả năng xây dựng dân chủ, trong khi Chile và Argentina có khả năng kinh tế và Hoa Kỳ cần xích lại để củng cố sườn phía nam, và càng nên hợp tác chặt chẽ với Columbia, Trung Mỹ và các nước nhỏ trong vùng Caribbian để giải quyết nạn ma túy. Và trên hết Hoa Kỳ cần làm những gì có thể làm để nâng cao mức sống của nhân dân Nam Mỹ. Phi châu là một mối lo khác của Hoa Kỳ (và cũng như Nam Mỹ, Phi châu đang ở trong tầm ngắm của Trung quốc *). Cần  nâng đỡ những quốc gia Phi châu có khả năng dân chủ và củng cố liên hiệp Phi châu (AU) để Phi châu có thể tự giải quyết những vấn đề của mình vì Phi châu là một lục địa có nhiều tài nguyên cần được giúp khai thác.

Bà Hillary Clinton nói, trước khi đi xa hơn, Hoa Kỳ phải thanh thỏa những sai lầm trong cuộc chiến Iraq, phải sòng phẳng trong vụ các trại tù Guantanamo và Abu Ghraib, và phát huy giáo dục tại các nước đang phát triển. Nếu thế hệ trẻ trên toàn thế giới hiểu thế nào là tự trọng, dân chủ và nhân quyền khi lớn lên tự nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của chính họ trong đó vấn đề chính yếu là sức khỏe (nhất là bệnh HIV/AIDS) mà không cần sự giúp đỡ nhiều ở bên ngoài.

Bà Hillary Clinton hiểu rằng có quá nhiều vấn đề trên thế giới mà chính quyền Hoa Kỳ không thể giúp giải quyết hết, nên cần phải tạo ra và khai dụng những tổ chức dân sự (Non Government Organization – NGO) như tổ chức của vợ chồng ông Bill Gates (Bill & Melinda Gates Foundation) để tiếp tay với chính quyền.

Bà Hillary Clinton đưa ra một nhận định căn bản là giải quyết vấn đề nóng dần của bầu khí quyển một cách đúng đắn không những không làm trì trệ nền kinh tế Hoa Kỳ, trái lại giúp phát huy sáng kiến làm cho kinh tế phát triển mà không bị lệ thuộc vào nguồn dầu hỏa và tạo cơ hội hợp tác thế giới. Trung quốc sẽ là mục tiêu chính trong vấn đề khí thải nhưng chúng ta chỉ có thể thuyết phục Trung quốc nếu Hoa Kỳ cùng làm và làm trước. Bà Hillary Clinton cũng không loại trừ khả năng các nước đang phát triển nhất là Phi châu (nếu được giúp đỡ *) sẽ có khả năng phát triển năng lượng dùng ánh nắng mặt trời, gió và thực vật. Bà Hillary Clinton có ý kiến kéo Ấn độ và Trung quốc cùng vào trong một tổ chức gọi là E-8 (để đối chiếu với G-8) để cùng tìm kế sách giải quyết sự nóng dần của bầu khí quyển mà không làm trì trệ sự phát triển kinh tế của nhau.

Hoa Kỳ cũng cần xác định lại quan niệm về  nhân quyền. Chiến tranh Iraq và nhu cầu bảo vệ quốc gia có lúc đã đưa Hoa Kỳ đi quá xa và từng bị chỉ trích. Cho nên Hoa Kỳ cần xác định lại quan niệm nhân quyền để tiếng nói nhân quyền của chúng ta được lắng nghe. Bà xác định thế giới (và ngay tại Hoa Kỳ *) người phụ nữ còn bị kỳ thị và bà cho quyền bình đẳng của phụ nữ là một bộ phận của nhân quyền cần được bảo vệ. Sự buôn bán phụ nữ trên thế giới càng ngày càng trở thành một vấn đề cấp thiết cần phải chấm dứt bằng mọi giá.

Bà Hillary Clinton kết thúc bản cương lĩnh tranh cử dài của bà bằng kết luận rằng, dù muốn làm gì trước hết Hoa Kỳ cần tái lập lại uy tín của mình trên thế giới bằng cách tái xác nhận các giá trị tư tưởng cố hữu của Hoa Kỳ: đó là “tự do và quyền tìm kiếm hạnh phúc của mỗi cá nhân là chìa khóa của sự tiến bộ” và “với khôn  ngoan và hiểu biết con người có thể giải quyết những vấn đề của mình để tồn tại”. Bà Hillary Clinton viện dẫn lời của bộ trưởng ngoại giao Daniel Webster năm 1825 khi ông đặt viên đá đầu tiên xây đài kỷ niệm Bunker Hill ở Boston (để kỷ niệm cuộc thắng trận của quân giải phóng Hoa Kỳ chống quân Anh tại Boston năm 1775 *) rằng sức mạnh của Hoa Kỳ là ở cái lý tưởng cao đẹp của nó chứ không ở đầu súng.

Hai thế kỷ đã trôi qua. Hôm nay Hoa Kỳ là một siêu cường, nhưng là một siêu cường có thể đang trên đường suy thoái nếu chúng ta không nỗ lực tái phục hồi những giá trị tư tưởng của nó.

Bà Hillary Clinton kết luận: Hoa Kỳ có thừa khả năng để làm điều đó.

Nov. 7, 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(*) chú thích của TBN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
Nhà giàu, học giỏi, mà thành khủng bố tự sát" Sao không ứng cử tổng thống" Vụ khủng bố hụt tại London và phi trường Glasgow
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.