Hôm nay,  

Điệu Múa Hoa-mỹ

25/09/201000:00:00(Xem: 13069)

Điệu Múa Hoa-Mỹ

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trò Hoa-Mỹ giữa mớ bòng bong Hoa-Nhật, Hoa-Ấn, Hoa-Úc và Hoa-Việt...
Thứ Sáu 24 vừa qua, Ủy ban Chuẩn chi Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu Bộ Thương mại phải công nhận việc Bắc Kinh ghìm giá đồng Nhân dân tệ là một biện pháp trợ giá xuất cảng. Nghĩa là Trung Quốc phải bị trả đũa. Sau đó, dự luật sẽ ra trước khoáng đại Hạ viện vào tuần tới, trước khi Thượng viện cũng sẽ có một đề nghị tương tự.... Và nhiều phần là cho chìm xuống.
Các nhà làm luật Hoa Kỳ đang lo tranh cử - và các chính khách đương nhiệm bên đảng Dân Chủ đang lo thất cử - hơn là đòi tranh hơi với Trung Quốc. Chính quyền Barack Obama cũng thế. Phải đợi đến 2012 này cơ.
Nhưng trong khi chờ đợi thì Hoa Kỳ vẫn có thể chuẩn bị...
***
Đến năm 2012 này, Trung Quốc và cả Hoa Kỳ sẽ có lãnh đạo mới, sau Đại hội đảng Khoá 18 tại Trung Quốc và Tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ. Khi đó, nước Mỹ có thể chú ý hơn đến cục diện Á Châu và sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Đông Á.
Từ nay đến đó thì vẫn chỉ là mấy màn giáo đầu tuồng.... kể cả việc Tổng thống Barack Obama gặp gỡ các nguyên thủ của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào Thứ Sáu 24 Tháng Chín và việc Hạ viện Mỹ trong tay đảng Dân chủ đòi có biện pháp với Trung Quốc để tranh thủ hậu thuẫn của các nghiệp đoàn.
Chuyện đáng nói làtừ nay đến thời điểm 2012 đó, sự bành trướng của Trung Quốc cũng thành rõ rệt hơn.
Cường quốc này cho là mình đã đủ mạnh để chú trọng tới cái vế "quật khởi" hơn vế "hòa bình" trong khẩu hiệu "quật khởi hòa bình" - peaceful rise, Zho-ngguó hépíng juéqi( . Gần 10 năm bận rộn của Hoa Kỳ với cuộc chiến chống khủng bố là một cơ hội. Vụ khủng hoảng tài chánh, suy trầm kinh tế và khủng hoảng chính trị tại Mỹ trong hai năm qua là một cực điềm không thể bỏ lỡ, trước khi nước Mỹ lồm cồm bò dậy nhìn ra ngoài.... trong hai năm tới.
Điều ấy có thể giải thích vì sao trong mấy tháng qua, ta thấy ra sự bành trướng "toàn phương vị" rất ngang nhiên của Trung Quốc. Và vì sao Bắc Kinh công khai nói tới điều họ dự tính từ 10 năm trước: minh định khu vực thuộc "quyền lợi cốt lõi" hay "hạch tâm lợi nghĩa", hexin liyi, bao trùm lên Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan - cùng với Đông hải của Việt Nam mà họ gọi là Trung Nam Hải.
Nếu nhìn theo chiều kim đồng hồ, ta có thể thấy ra điều ấy.
Trung Quốc kiểm soát được xứ Nepal với lực lượng "Mao-ít" đã lật đổ chế độ quân chủ xứ này. Trong bán đảo Nam Á vào tới Trung Á, binh đội Trung Quốc đã vào "bảo vệ" các công trường xây cất của Trung Quốc trong khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Tuần qua, trực thăng Trung Quốc còn tham gia cấp cứu nạn lũ lụt tại Pakistan! Chuyện ấy khiến Ấn Độ chột dạ và phản ứng mạnh. Quan hệ Ấn-Hoa bỗng căng thẳng và New Dehli muốn xiết chặt hợp tác với Washington.
Bắc Kinh tiếp tục dung dưỡng chế độ Cộng sản Bình Nhưỡng sau khi ngư lôi Bắc Hàn bắn chìm một chiến hạm Nam Hàn hồi tháng Ba. Chính quyền Nam Hàn có phản ứng và liên tục thao diễn với Hải quân Hoa Kỳ, kể cả tập trận... đổ bộ để giải phóng Bắc Hàn! Quan hệ Hoa-Hàn bỗng thành chuyện nóng! Bên cạnh đó, Đài Loan của Tổng thống Mã Anh Cửu cũng tạm hoãn trò hoà hợp hòa giải của Quốc dân đảng với Bắc Kinh. Và ráo riết mua võ khí của Hoa Kỳ.
Suốt tuần qua, đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đã hết sức bận rộn vì năm lần bị bộ Ngoại giao Trung Quốc mời vào nghe than phiền việc một toà án Nhật Bản tiếp tục tạm giam thuyền trưởng một ngư thuyền Trung Quốc để đưa ra toà. Hai tuần trước, ngư thuyền Trung Quốc tông vào tầu tuần duyên Nhật Bản trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền  - và đang đàm phán việc khai thác khi đốt bên dưới - là đảo Senkaku (Tiêm Các Ngư Đảo) của Nhật mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu ngư đài. Cũng lại chuyện ngư thuyền chơi bạo như ngoài Đông hải của Việt Nam! Trong khi ấy, dân chúng Hoa lục thì bận rộn biểu tình chống Nhật và kiều dân Nhật bị bắt theo kiểu con tin để Chính phủ Nhật phải trả tự do cho viên thuyền trưởng.
Vì đó, quan hệ Hoa-Nhật đi vào khúc quanh rất căng thẳng.
Nhìn sâu hơn xuống vùng biển Nam Thái bình dương, Bắc Kinh bỗng tích cực viện trợ quân sự cho xứ Đông Timore - bằng cái mắt muỗi nằm giữa Nam Dương quần đảo và Úc Đại Lợi. Chính quyền Úc quan tâm, lên tiếng. Tân Ngoại trưởng Úc là cựu Thủ tướng Kevin Rudd bỗng quên mất là mình biết nói tiếng Quan hoả mà lại nhắc Ngoại trưởng Hillary Clinton là nhớ phải tham dự hội nghị mở rộng của ASEAN với các nước đối tác khác.
Diễn ra bạch văn: quan hệ Hoa-Úc cũng xôi xục và Úc muốn Hoa Kỳ chú trọng hơn tới tình hình Đông Á.
Nhìn vào nội tình Trung Quốc thì một số nhà quan sát chú ý tới vai trò của Giải phóng quân, của các tướng lãnh. Họ cho là trong khi các lãnh tụ dân sự của đảng Cộng sản Trung Quốc bận rộn về hồ sơ kinh tế và nhiều khúc mắc đa diện trong quan hệ quốc tế - chưa nói tới việc tranh thủ hậu thuẫn hoặc tranh giành quyền lực trước Đại hội đảng khóa 18 - thì lãnh đạo quân đội Trung Quốc lại là một khối thuần nhất. Họ có thực quyền, có kỹ thuật cao và có chủ đích rõ rệt. Nên xoay trở rất nhanh và rất mạnh để khẳng định tư thế lãnh đạo Á Châu của Trung Quốc.
Có thể lắm.
Nhưng nếu lãnh đạo dân sự càng lúng túng với các vấn đề nội trị bên trong thì họ cũng cần tới khẩu hiệu huy động toàn dân trước "ác tâm" của các thế lực thù nghịch bên ngoài. Vì vậy, "quật khởi" mới thành khẩu hiệu hấp dẫn.
Khi ấy, Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao"
Chúng ta không quên Hoa Kỳ là một xứ đa nguyên. Cái khó nhất là thống nhất ý chí - thường dễ đạt khi tổ quốc lâm nguy, quyền lợi bị đe dọa. Sau cơn hoạn nạn thì mỗi người mỗi nhóm lại nhìn theo một hướng, và cãi nhau om xòm. Trong quan hệ đối ngoại cũng vậy.


Hãy tạm điểm danh ra một số thành phần có khả năng tác động và thương thảo về đối ngoại.
Doanh gia là thành phần có phản ứng nhặm lẹ nhất vì bị chi phối bởi chuyển động dồn dập của thị trường. Khi hữu sự, họ nhìn thấy trước tiên quyền lợi của mình và khi phải đấu trí với Bắc Kinh thì riết róng đòi hỏi những điều kiện có lợi nhất và chi ly cụ thể nhất. Trong nỗ lực này, họ cũng tìm cách khai thác lòng tham của đối phương để đạt sự đồng thuận về quyền lợi. Và sẵn sàng thỏa hiệp, theo kiểu "thả con săn sắt".
Trong doanh giới này lại còn có thành phần kiếm lời nhờ thị trường Trung Quốc nên sẵn sàng che chắn đỡ đòn cho Bắc Kinh, và thành phần phải cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc thì đòi làm cho ra lẽ... Mua và bán tạo ra hai thế đôi khi đối nghịch về quan điểm.
Chính giới Mỹ là thành phần thứ nhì.
Đa số là những tay giỏi luật và khi đàm phán thì đánh võ về luật pháp tới từng chi tiết. Một sự đồng thuận nguyên tắc giữa lãnh đạo hai nước có thể dẫn tới nhiều ràng buộc luật lệ rắc rối tới mê hồn. Và khi cần đấu trí, họ đấu luật. Nhưng, vì là một xã hội dân chủ đa nguyên, các chính trị gia phải trước tiên tìm ra sự đồng thuận trong chính trường và thị trường Mỹ. Một mê cung rất dễ gây lầm lạc! Rồi trên cơ sở của một sự đồng ý chung, họ có biệt tài cái đặt bên dưới nhiều điều khoản lạ mà sau này họ sẽ suy diễn sao cho có lợi.
Từ bên trong, hãy nghĩ đến các điều khoản áp dụng một Đạo luật của Quốc hội. Một cánh rừng âm u không ai hiểu gì và có khi phạm luật mà không biết. Nhìn từ bên ngoài, hãy nghĩ đến những cam kết và ràng buộc của Mỹ khi nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nếu cần trả đũa - rất chính đáng - bằng luật lệ, Hoa Kỳ có thể kiện Trung Quốc trước WTO về hàng trăm vi phạm! Và thực tế thì đã làm rồi.
Nhưng nước Mỹ không chỉ có doanh gia và chính giới.
Nhà ngoại giao Mỹ - thuộc đảng này hay đảng kia - cũng có truyền thống riêng của mình. Khi thì họ đề cao lý tưởng hoà bình hay nhân quyền theo kiểu Tổng thống Woodrow Wilson hay Jimmy Carter và dạy dỗ thiên hạ về giá trị của nền dân chủ kiểu Mỹ. Khi thì lại chủ trương thoả hiệp thực tiễn trong tinh thần đôi bên cùng có lợi, theo kiểu Thomas Jefferson hay George H. Bush. Thậm chí thỏa hiệp với sự gian ác như Richard Nixon và Henry Kissinger. Miễn sao bảo vệ được quyền lợi của Hoa Kỳ, nhưng theo cách suy diễn của họ.
Giới chức quân sự thì lại khác. Họ có tinh thần... chủ hòa vì rất dè dặt khi phải dụng võ.
Nhưng nếu cần thì cũng nói xẵng vì ý thức được tư thế siêu cường của Hoa Kỳ. Và trong mọi trường hợp thì họ rất ngần ngại nhường cho đối phương lợi thế về quân sự. Vì sẽ có ngày đổi bạn thành thù! Họ suy nghĩ và tự chuẩn bị cho những đảo điên ấy của chính trị. Hãy nhìn cách họ xoay trở với những đảo điên của Chính quyền Obama về chiến trường A  Phú Hãn thì ta đoán ra nỗi niềm của họ!
Còn quần chúng Mỹ và truyền thông đa sự nữa chứ! Họ nhìn vào trận đấu trí hay đấu lực với cảm quan và sự suy diễn tùy thời. Nay chủ chiến mai chủ hoà, nay đòi đánh mai đòi đàm, nhưng rất ồn ào tác động vào tiến trình đàm phán hoặc mặc cả! Nhất là khi lại có các nghiệp đoàn nhảy vào chi tiền rất bộn.
Trong hai năm tới, thành phần ồn ào này sẽ tham gia giải quyết xong cuộc tranh luận nội bộ về việc cải tạo xã hội theo kiểu Obama và đảng Dân Chủ, hay phát triền quốc gia theo kiểu Cộng Hoà. Rồi nhìn ra ngoài thì sẽ có phản ứng mạnh với sự bành trướng của Trung Quốc.
Bên trong, bên trên, các cơ quan hữu trách về quyền lợi và an ninh Hoa Kỳ đã lặng lẽ nghiên cứu và tự chuẩn bị hàng chục kịch bản khác nhau... rồi để đó. Nhưng bên cạnh thì các lò nghiên cứu và trung tâm tác động dư luận cũng biết tiết lộ có chọn lọc một số dự báo, để nói ra những gì Hoa Kỳ sẽ làm, cần làm - mà toàn những điều có vẻ mâu thuẫn với nhau!
Thí dụ như vì an ninh thì cũng có thể nhắm mắt bỏ qua một số chướng ngại về nhân quyền hay dân chủ. Hoặc vì lý tưởng, thì phải coi chuyện thực thi dân chủ là chính, và nên chi tiền phát huy việc này, theo kiểu Bắc Kinh gọi là lũng đoạn, diễn biến hoà bình., v.v...
Trong cái rừng ý kiến và chủ trương đa nguyên đó, khi hữu sự thì lãnh đạo có thể nghiêng về bài bản kia, hoặc thiên về giải pháp nọ. Đều là những chuyện mà Hoa Kỳ đã nói trước, đã công khai hoá rồi!
Kết cuộc thì trong khi Bắc Kinh có thế mạnh và khả năng đa diện của một đảng độc quyền để củng cố nội bộ và khuynh đảo hàng ngũ đối phương theo kiểu mua chuộc thì hệ thống đa nguyên của Hoa Kỳ lại có sự thiên biến vạn hóa, nay nói thế này mai nói thế khác! Rồi công khai đả kích nhau là ngang ngược - như Bush - hoặc nhu nhược, như Obama. Nhìn từ xa thì rõ là loạn chiêu. Thật ra, khi hữu sự thì lại thâm độc theo kiểu âm nhu bất ngờ.
Trung Quốc đang ráo riết tranh thủ cơ hội để củng cố sức mạnh trước khi Hoa Kỳ trở lại Đông Á. Trong hai năm tới, ta sẽ thấy Hoa Kỳ tranh luận rất mạnh về việc trở lại đó. Nhưng, thực tế thì các quốc gia liên hệ, như Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, v.v... đã có phản ứng rồi. Biết đâu chừng, các phản ứng này đều được nhiều cơ quan hay nhân vật hữu trách của Hoa Kỳ chú ý, thậm chí kín đáo yểm trợ.
Theo kiểu "hợp ý cô gia" của Tào Tháo.
Một chuyện lý thú rất cần theo dõi... Càng nên theo dõi hơn nếu khuynh hướng Jaksonian sẽ thắng thế trong phong trào Tea Party đang nổi lên. Khi ấy, ta cần xem Hà Nội xoay trở ra sao trong trò chơi có gọi là Hoa-Mỹ thì cũng chẳng sai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong buổi hội chợ đầu xuân, thấy cháu trai thứ hai của Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân đi qua gian hàng tôi đang đứng, lòng tôi chợt chùng xuống.
Biên giới và người di dân bất hợp pháp là đề tài nóng bỏng trong mùa bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Trước khi vào bài chuyển ngữ: Lịch sử là những sự thật và thường liên hệ đến tương lai. Những nhân vật đóng vai trong lịch sử, dù muốn dù không
Hàng ngày! Chúng ta thường thấy trong các bản tin thời sự quốc tế được đăng tải trên các báo tronng nước, người ta thường đặc biệt nhấn mạnh
Chiều thứ sáu ngày 29, 2008 gần 200 giáo chức, nhân viên điều hành thuộc các học khu Anaheim, Garden Grove và Santa Ana
Nhà thương tâm bệnh DePaul ở New Orleans bảo trợ một cuộc hội thảo do bác sĩ Patrick Carnes điều khiển, về đề tài: Lành Mạnh Tính Dục và Tinh Thần.
Tôi du hành đến nhiều nơi vòng quanh thế giới và khi thuyết giảng trước quần chúng, tôi có cảm nghĩ rằng tôi là một người bà con trong gia đình của họ
Vào đúng hai giờ chiều, ngày 1, tháng 10, 2007; một phái đoàn gồm 30 quan khách đã được long trọng
Một xã hội được quản lý bởi lực lượng quân đội, gọi tắt là quân quản, là dấu hiệu của một thời kỳ đặc biệt của lịch sử, hay là thời kỳ chuyển tiếp
Qua các cuộc đấu tranh cách mạng từ cổ chí kim, vai trò của tuyên truyền (truyền thông) đã được khẳng định luôn đóng một vai trò cốt yếu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.