Hôm nay,  

Đánh Dấu 35 Năm Người Việt Xa Xứ, Hội Vahf Triển Lãm Ba Bộ Sưu Tập Trong Hai Cuộc Triển Lãm Tại Austin

05/04/201000:00:00(Xem: 6374)

Đánh dấu 35 năm người Việt Xa Xứ, Hội VAHF Triển Lãm Ba Bộ Sưu Tập Trong Hai Cuộc Triển Lãm Tại Austin

* Triển lãm tại Đại hội Hiệp hội Á Châu học để phát triển môn sử người Mỹ gốc Việt
* Bộ Sưu tập mới “ Những Cựu Chiến Binh Khác
Trong Cuộc Chiến VN: Phụ Nữ và Trẻ Em”

* Triều Giang

Năm 2010 đánh dấu 35 năm Saigon thất thủ và cộng đồng người Việt hải ngoại được hình thành. Sẽ có rất nhiều những buổi tưởng niệm của các tổ chức, hội đoàn của người Việt trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, được diễn ra dưới nhiều hình thức, trong nhiều môi trường khác nhau. Riêng với Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF), một hội thiện nguyện mang trọng trách giới thiệu lịch sử và văn hoá ngưới Mỹ gốc Việt tới học đuờng và công chúng Hoa Kỳ, đang chuẩn bị cho 2 cuộc triển lãm có tính cách đi sâu vào giòng chính. Đó là, cuộc triển lãm tại Đại hội của Hiệp hội Á Châu Học (The Association of Asian American Studies) tại Omni Hotel, tại Austin vào ngày 9 tháng 4, và cuộc triển lãm bộ sưu tập mới nhất của hội kết hợp với Á Châu Học Viện thực hiện với đề tài: “Những Cựu Chiến Binh Khác Trong Chiến Tranh Việt Nam: Phụ Nữ và Trẻ Em” (The Other Veterans: Women and Children in The Vietnam War). Cuộc triển lãm thứ 2 này sẽ được tổ chức tại Vận động trường RecSport, của Đại học Texas, Austin vào ngày Chủ nhật 25 tháng 4 năm 2010 sắp tới.

Triển lãm tại Đại hội Hiệp Hội Á Châu Học

Hiệp hội Á Châu Học được thành lập từ năm 1979 với mục đích thúc đẩy sự phát triển ngành học về người Mỹ gốc Á để tạo sự hiểu biết và cảm thông với sắc dân hiện có khoảng 20 triệu, tức là chiếm trên 7% tổng dân số tại Mỹ. Hằng năm, vào khoảng tháng 4, Hiệp hội này chọn một thành phố để tổ chức đại hội quy tụ đông đảo các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên và những người quan tâm tới ngành học. Năm ngoái 2009, Đại hội được tổ chức tại Honolulu, Hawaii và năm nay, Đại hội sẽ diễn ra tại Austin, Texas từ ngày 7 tới 11 tháng 4 sắp tới. Đại hội năm nay với chủ đề tạm dịch: « Vấn Đề Đang Làm Thay Đổi Bản Đồ Hoa Kỳ: Á Châu Học Trong Thiên Niên Kỷ 21” (Emergent Cartographies: Asian American Studies in the Twenty-first Century) Đại hội năm nay 
được đặt dưới sự đồng chủ toạ của Tiến sĩ Madeline Hsu, Giám đốc Á Châu Học Viện tại Đại học Texas, Austin và Tiến sĩ Cathy Schlund-Vials, Phó Giám Đốc Á Châu Học Viện của Đaị Học Storrs, Connecticut. Chi tiết về Đại hội này có thề tìm thấy trên trang nhà: http://www.aaastudies.org

Cũng trong Đại hội này, hội VAHF được mời triển lãm 2 bộ sưu tập: “Chân Dung Người Mỹ  Gốc Việt Tại Texas” (Telling Our Stories: Vietnamese Americans in Texas), và “Chân Dung Nghệ Sĩ Việt Tại Texas” ( Painting a Picture of Vietnamese Americans in Texas). Hai bộ sưu tập này đã do sinh viên của lớp “Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt” của Á Châu Học Viện (CAAS) tại Đại Học Texas, Austin, thực hiện với sự hướng dẫn và hỗ trợ của hội VAHF trong năm 2008.

Nỗ lực phát triển môn học Người Mỹ Gốc Việt
Sự có mặt đông đảo của các nhà giáo dục Mỹ gốc Việt

Tiến sĩ Madeline Hsu trong cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thư dành cho người viết, bà  cho biết bà rất vui mừng khi có thể tạo điều kiện cho hội VAHF triển lãm để giới thiệu thành quả của hội cũng như môn học về Người Mỹ Gốc Việt  (Vietnamese American Studies) tới các nhà giáo dục, vì theo bà, môn này mới bắt đầu được thành hình, bà mong mỏi Á Châu Học Viện có thể giúp trong việc phát triển (evolution) môn học này.

Bà Nancy Bùi, hội trưởng của hội VAHF cho biết:” Năm nay, kỷ niệm 35 năm thành lập cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hội VAHF và một số nhà giáo dục trong ngành đã vận động Đại hội chú tâm vào ngành học về người Mỹ gốc Việt. Trong chương trình của Đại hội sẽ có rất nhiều những bài tham luận và những cuộc thảo luận về đề tài này. Cuộc triển lãm nhằm giới thiệu tới các giáo sư, sinh viên và các trung tâm Á Châu Học về những tài liệu hiếm hoi và quý giá cho môn học về Người Mỹ Gốc Việt, với hy vọng môn học này sẽ được phát triển trên toàn cõi Hoa Kỳ đặc biệt là tại các Đại học hiện có phân khoa Á Châu Học”.

Được biết đại hội năm nay sẽ có khoảng 500 người tham dự, đến từ trên 50 đại học với hàng trăm diễn giả và những đề tài thảo luận rộng rãi từ những vấn đề trong các cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu như Trung Hoa, Đại hàn, Phi luật Tân, Lào,.. Đặc biệt số giáo sư, giảng sư, những nghiên cứu sinh cho bằng Tiến sĩ gốc người Mỹ gốc Việt đã gửi bài  tham luận lên tới gần 40 người.

Bộ sưu tập mới; “Những Cựu Chiến Binh Khác
Trong Chiến Tranh VN: Phụ Nữ & Trẻ Em”

Cuộc triển lãm thứ hai của hội VAHF giới thiệu bộ sưu tập mới nhất của hội vừa mới được sinh viên của lớp “Lịch sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt ” tại Đại học Texas, Austin hoàn thành với sự hướng dẫn của hội.  Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại Vận động trường RecSports Center (RSC 2.112), số 2001 San Jacinto Blvd. Austin, TX 78705 nằm trong khuôn viên của trường Đại học Texas, tại Austin, vào lúc 2 tới 5 giờ chiều Chủ Nhật, 25 tháng 4 năm 2010 sắp tới. Toàn bộ cuộc triển lãm sau đó sẽ được đưa về thư viện trung tâm Perry–Castađeda Library (PCL), toạ lạc tại góc đường 21 và đường Speedway để triển lãm cho sinh viên và công chúng thưởng ngoạn trong 6 tuần kế tiếp.
Cô Linda Ho Peche’, giáo sư dạy lớp cho biết, cũng như mọi năm, lớp học năm nay rất đông đảo, gồm 26 sinh viên. Một số các em đã phỏng vấn chính cha mẹ hoặc người thân trong gia đình, một số khác đã phỏng vấn những người do hội VAHF mời từ những cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Dallas, San Antonio, Houston, và Austin. Cô Linda cho biết:

“Bộ sưu tập này là một phần của Dự án 500 Lịch Sử Phỏng vấn của hội VAHF, chú tâm vào những người đã phải tranh đấu nhưng trong tay không một khí giới trong và sau cuộc chiến Việt Nam. Họ là những nạn nhân. Cuộc chiến đấu của họ tuy không vũ bão như ngoài chiến trường nhưng nó âm ỷ, hao mòn với mồ hôi, nước mắt và có cả máu đã đổ xuống. Đã có những người đã vượt thắng được để đi lên một cách đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng đã có những khó khăn không thể vượt qua. Tất cả đã trở thành những bài học nói lên một góc cạnh khác của một cuộc chiến tranh lớn và gây nhiều tranh cãi hàng đầu trong thế kỷ 20.”

Con của một tử sĩ đã thành danh

Nữ kỹ sư Nguyễn Thị Bích Yến, là cô nhi của một sĩ quan VNCH, nhờ sự hy sinh của người mẹ, chị đã hoàn tất trung học tại Trường Quốc Gia Nghiã Tử khóa 1963-1970. Sau đó chị đi du học tại Mỹ và nay trỏ thành một kỹ sư hàng đầu về ngành chế tạo ứng dụng các mạch điện (integrated circuit products) với trên 130 bằng sáng chế và là  tác giả của  trên 150 tài liệu nghiên cứu kỹ thuật về ngành này. Năm 2004 chị được trao giải thưởng cao quý hàng đầu của ngành Kỹ thuật dành cho phụ nữ, giải  “Women in Technology Lifetime Achievement Award” và trên trang tiểu sử của chị quá 3/4 trang cũng chưa ghi đủ tên của những giải thưởng chị đã được lãnh nhận. Bằng giọng nhỏ nhẹ và tư thái khoan thai của phụ nữ gốc Huế mà một đồng nghiệp ngưòi Mỹ đã nhận xét “ của quý được gói trong một gói nhỏ” (good thing comes in a small parkage) , chị phát biểu:

 “ Như chị cũng biết, em rất bận nhưng vỉ cảm phục một việc làm cần thiết, đầy ý nghiã và rất quan trọng của hội VAHF và trường đại học UT nên em cố gắng để tham gia và đóng góp”.

Và chị đã hoãn chuyến đi Á Châu, dành một buổi để trải cuộc đời chị cho những trang sử về thế hệ đầu tiên của người Mỹ gốc Việt, về những cố gắng vượt bực của một phụ nữ Á Châu phải lăn lộn trong một ngành nghề chiếm lãnh bởi nam giới. Để có chỗ đứng ngày hôm nay, chị đã phải qua những đoạn đường ra sao và khí giới của chị là những gì" Mời quý đồng hương hãy đến với Lễ khai mạc cuộc triển lãm để tìm hiếu.

Vợ của người tù chính trị

Chị Lê Thị  Hồng, vợ của một sĩ quan không quân VNCH. Thời chiến, chị đã tảo tần buôn bán để nuôi con và lo cho gia đình. Chị cũng đã duy trì được một cơ ngơi đáng kể . Sau chiến tranh, chồng chị được gọi đi trình diện học tập 30 ngày, 30 ngày này đã trở thành trên 6 năm. Ở nhà, chị bị nhà nước gọi đi họp nhiều lần và vừa bị hăm dọa, vừa được chiêu dụ nếu muốn chồng về sớm phải đi kinh tế mới. Chị đã phải hiến 3 căn nhà tại Gò Vấp, bồng con thơ lên nông trường Phạm văn Cội I, tại Củ Chi. Nơi đây rừng rậm đất chai cứng, với bàn tay nhỏ bé,  2 năm sau chị cất đưọc căn lều vói mái tranh, vách đất và trên khu vườn bé nhỏ của chị hoa đậu phộng, đậu xanh của chị bắt đầu đơm bông thì chính quyền CS tập họp và ra lệnh rằng họ phải bán nhà cửa ruộng vườn để đi sâu và xa hơn trong rừng vì “nông trường này vẫn còn quá gần thành phố!”. Một số các gia đình đã phải gồng gánh dọn đi theo chỉ thị. Riêng chị Hồng, biết rằng mình không thể kham nổi một vùng kinh tế mới thứ 2, chị đã xin hồi hương, đem con về miền Tây để sống với cha mẹ... Những câu chuyện với những chi tiết như trong chuyện giả tưởng, được chính nhân chứng sống kể ra với đôi mắt đỏ và ứa lệ vì xúc động, đã được đón nhận bằng dôi mắt ngây thơ và tròn xoe vì kinh ngạc của sinh viên Steven Nguyễn, người phỏng vấn chị Hồng.

Nữ Tù nhân chính trị mang bản án chung thân

“Tôi rất yêu hoa giấy, vì những năm trong tù, tôi đã tự nguyện là người kết vòng hoa phúng điếu cho các anh chị chết trong tù. Ở tù thì làm chi có hoa. Chỉ có hoa giấy trồng theo hàng rào của trại. Người nào hên nhằm mùa hoa nở, thì có vòng hoa đẹp, ngược lại chỉ có lá và lơ thơ vài chiếc bông gọi là để an ủi người xấu số. Những năm đầu của thời 80, trước khi có đổi mới, tù chết nhiều lắm vì đói ăn, vì thiếu thuốc, và vì tuyệt vọng..”

Đó là lời tâm sự của chị Thái Kim Vân, người nữ tù nhân chính trị, với bản án chung thân. Chi Kim Vân dáng người nhỏ bé, nói năng nhỏ nhẹ của phụ nữ miền Nam, gốc Trà Vinh. Không ai nghĩ rằng đời chị lại trải qua nhiều khốn khổ đến như vậy" Chị bị tù hai lần. Lần đầu chị đi trình diện vì từng là Thiếu Uý Tiếp liệu của quân đội VNCH. Gần 3 năm, qua các trại Quang Trung, Thành Ông Năm. Lần thứ hai,chị bị bắt vói tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền” bị đưa qua các trại tù  tại Sài gòn, Bạc Liêu, Cà Mâu, Cần giờ, cuối cùng là trại Z30D Thủ Đức, trên đường đi Phan Thiết. Chị bị tra tấn, đánh đập, cùm cả tay lẫn chân trong 3 năm, biệt giam 6 tháng. 15 năm sau, chi bị lao phổi trong tù và bị thổ huyết sắp chết thì họ thả về để ...chết. May mắn thay chị đã không chết để hôm nay có thể nói lên những đau thương, khốn cùng của trại tù nữ VN. Chị đã phải bỏ 18 năm tuổi xuân sắc trong tù. Người chồng của chị hiện tại chị cũng gặp trong tù. Anh được thả trước chị 1 năm, nâng tổng số năm tù của vợ chồng chị là 35 năm. Họ đã thành hôn và sanh được một cháu gái năm nay được 12 tuổi. Câu truyện đời của người nữ tù nhân mang bản án chung thân từ việc bị bắt, rồi bị đưa ra những phiên toà bất công và tàn bạo, không một ai bênh vực. 6 người trong 32 người của nhóm chị đã bị tử hình. Số còn lại lãnh án từ 3 năm tới chung thân. Những anh hùng vô danh này chi nhờ vào những lời kể của chị Kim Vân và những ghi chép của những người đang thực hiện Dự án 500 Lịch Sử Phỏng Vấn để đưa những bất công, tủi nhục họ phải trải qua ra ánh sáng.  

Nam Vũ công Ba lê Thắng Đào
Văn hoá vùng Nam Bộ  

Thắng  Đào, nam vũ công Ba lê người Mỹ gốc Việt, một ngôi sao đang lên trong ngành nghệ thuật cổ điển Tây Phương, không dễ lọt chân vào. Thắng Đào là con của một thuyền nhân, là biểu tượng của thế hệ thứ hai của người Việt. Thế hệ được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, với những suy nghĩ và sở thích khác hẳn thế hệ trước đã chia xẻ câu truyện đời mình với những kinh nghiệm không kém phần gay go để chen chân vào một ngành nghệ thuật đòi hỏi nhiều sáng tạo để gây được sự chú ý và ưa thích của khán giả.

Cư sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hội trưởng Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo tại Houston đã nói về văn hoá của đồng bằng Nam bộ cũng như đạo Phật Giáo Hoà Hảo đã phát triển ra sao trong thời chiến và bị bách hại ra sao khi có hoà bình "

Nữ quân nhân trong quân đội Hoa kỳ

Hạnh Nguyễn, nữ quân nhân Hoa Kỳ trẻ đẹp, dáng mảnh khảnh như một hoa khôi, nhưng đã hai lần sang chiến đấu tại Iraq. Hanh đã kể truyện những quân nhân người Mỹ gốc Việt, cả nam và nữ họp mặt tại chiến trường Iraq để đón xuân, và chia xẻ những món ăn Việt Nam để cho đỡ nhớ nhà ra sao. Những quân nhân này đã cho thế hệ mai sau thấy là người Mỹ gốc Việt của chúng ta đã đóng góp thật nhiều, kể cả hy sinh máu xương cho tự do và hoà bình cho đất nước này

Và nhiều gương mặt khác đã đóng góp câu truyện đời họ, không ai giống ai, đem lại sự phong phú, đa dạng của giòng sử cận đại, của một thời thật bi thương, nhưng đầy hùng tráng và cũng rất người của những người Mỹ gốc Việt Nam..

Sự góp mặt của một số nghệ sĩ trong Lễ khai mạc

Trong buổi Lễ khai mạc, hội VAHF đã mời Kỹ sư Lê Duy Loan làm diễn giả chính để nói vể phụ nữ và trẻ em trong chiến tranh VN mà bà cũng có có những kinh nghiệm bản thân. Cuộc triển lãm sẽ được giúp vui bằng một số màn văn nghệ của Phật tử Chùa Linh Sơn, Ban WAWE, và một số tổ chức khác. Đặc biệt là sự có mặt cuả hoạ sĩ Dương Phước Luyến sẽ triển lãm một số tranh và vẽ thư pháp, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Tân trình bày một số hình mỹ thuật mới nhất của ông, và hoạ sĩ Bruno Lartique với một số tranh đồ hoạ tân kỳ và lạ mắt nhất.

Cuộc triển lãm được bảo trợ bởi Văn Phòng Liên Kết Đa Cộng Đồng (DDCE) của Đại học Texas, Tổ chức Cộng Đồng Ngưòi Việt tại Austin VCAT, Hệ Thống Các Tổ Chức Người Mỹ Gốc Á (NAAO), Hội Sinh Viên Việt Nam tại UT (VSA), Liên Minh Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương (APAC). Các cơ quan truyền thông: Hệ Thống Truyền Thông VNHN Austin, Đài Sàigòn Houston Radio, Báo Saigon Houston Cuối Tuần, SBTN Hoa Thịnh Đốn, Báo Ngày Nay Houston, Báo Người Việt Dallas, Báo Việt Tribune, Báo Trẻ Dallas, Việt Báo Houston,…

Mọi chi tiết về cuộc triển lãm xin liên lạc với hội VAHF qua điện thoại số (512) 844-9417. Hoặc qua điạ chỉ email: triumph@texas.net. Vào cửa tự do.

Triều Giang
Tháng 3/2010

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tin tức của tình báo, gián điệp đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến tranh không kém gì tiếp liệu
Táo quân chỉ là một chú công an thuế vụ do một thế lực tào lao mà bất lực đâu đó phái khiển...
Tính đến cuối năm 2006, bản thống kê dân Mỹ gốc Việt định cư khắp Hoa Kỳ là 1,599,394 người, chiếm 0.5% tổng dân số Mỹ
Ai đã từng đi qua Little Saigon ở Cali, thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn CS. Ai đã từng qua lại xa lộ 22 hay đường trong là Trask
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là ngày lễ thiêng liêng, trọng đại nhất trong năm. Trong những ngày Xuân
Nhà văn Chu Tất Tiến đã quá quen thuộc với người đọc hải ngoại: Thơ, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết…
Mưa rồi lại bão. Hết bão, mưa lại liên tục đổ xuống bang California và vùng Vịnh San Francisco suốt mười lăm ngày liền.
Sáng ngày 1-2 , tức 25 tháng Chạp, tại hội trường Thống Nhất, hay dinh Độc Lập cũ, đã có lễ mít-tinh trọng thể cấp nhà nước kỷ niệm 40 năm
Thế là sau gần nủa thế kỷ tôi lại có dịp về thăm Nam Định, thành phố vô cùng thân thương của tôi vào buổi thiếu thời.
Khoảng hai tuần vừa qua, có một lá thư, ký tên Lê Duật được gởi đi các trường đại học vùng Hoa Thịnh Đốn và vùng Đông Bắc HK
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.