Hôm nay,  

Kinh Tế Phục Hồi - Nhưng Yếu Ớt

01/07/200900:00:00(Xem: 8294)

Kinh Tế Phục Hồi - Nhưng Yếu Ớt
Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA

...hiện tượng kinh tế là nạn tẩu tán tài sản của giới chức có quyền và có tiền...
Tuần qua, một số thống kê đã cho thấy dấu hiệu phục hồi của kinh tế toàn cầu sau trận suy thoái nặng nhất từ mấy chục năm nay. Diễn đàn Kinh tế đài RFA kỳ này sẽ tìm hiểu về hy vọng mong manh đó - nhất là của Việt Nam - trong phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau báo cáo hôm 22 của Ngân hàng Thế giới, tuần qua, nhiều tập đoàn đầu tư quốc tế bắt đầu nói đến hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Vì vậy, chương trình kỳ này sẽ tìm hiểu về hy vọng ấy, với phần cuối dành cho trường hợp của Việt Nam. Trước hết, xin ông trình bày về bối cảnh chung của vấn đề này...
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin được phân biệt về không gian: mình tạm chia thành hai khối là các nước công nghiệp đã phát triển, chủ yếu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, và các nước đang phát triển, trong đó có loại "tân hưng" là đang lên và loại còn nghèo, chậm phát triển. Về thời gian thì mãi đến năm 2007, nhiều người vẫn cho là các nước đang phát triển nay đã đủ mạnh để có thể duy trì đà tăng trưởng tương đối cao, tức là tách khỏi sự lệ thuộc vào các nước đã phát triển. Qua năm 2008, ta bắt đầu thấy sự tách rời ấy không xảy ra và các nước đang phát triển đều bị ảnh hưởng của nạn ách tắc tín dụng xảy ra trong thế giới công nghiệp nên dự báo một tốc độ tăng trưởng chậm hơn trên toàn thế giới, ngay cả trong các nước đang phát triển.
- Đến mùa Thu năm ngoái thì tình hình chung còn tệ hơn các dự báo bi quan vì khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ khi xứ này đang trôi vào chu kỳ suy trầm, và khủng hoảng lan qua châu Âu rồi toàn cầu, với hai bài toán chính là ách tắc tín dụng và cạn kiệt thanh khoản. Khi ba đầu máy kinh tế mạnh nhất địa cầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đều bị suy thoái, cả thế giới bị vạ lây và trôi vào một chu kỳ suy thoái chưa từng có, kể từ gần ba chục năm nay.
Việt Long: Bây giờ, có phải là người ta bắt đầu thấy ra vài chỉ dấu lạc quan hơn, ít ra là kinh tế thế giới suy sụp chậm hơn và một số nơi đã có dấu hiệu đụng đáy, hoặc đang hồi phục"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy, và như ông vừa nhắc tới, Ngân hàng Thế giới mới công bố một phúc trình về tình hình hệ thống tài chính toàn cầu trong kịch bản kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng năm tới ở khoảng 2%, và lên được 3,2% vào năm 2011. Nếu so với toàn năm nay là có thể mất gần 3% thì đấy đã là một tin mừng.
- Kế tiếp là tuần qua, nhiều tổ hợp đầu tư tài chính quốc tế cũng dự báo là kinh tế thế giới đã bắt đầu đụng đáy, nghĩa là bớt sa sút nếu so với tình hình của sáu tháng đầu năm, và đây đó đã có dấu hiệu phục hồi, dù còn mong manh yếu ớt. Nhiều cơ quan nghiên cứu cũng theo dõi lượng tiêu thụ và giá cả gia tăng của nguyên nhiên vật liệu hay khoáng sản cần thiết cho sản xuất công nghiệp mà dự đoán là sản lượng kinh tế thế giới đã nhúc nhích trở lại.
Việt Long: Trước khi đi vào từng khối kinh tế thì bức tranh toàn cảnh của cả thế giới sẽ ra sao" Một sự hồi phục rất chậm, còn yếu ớt phải không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, vẫn còn mong manh và đầy bất trắc. Và sự hồi phục sẽ không mạnh vì thất nghiệp còn cao, dù đà mất việc có chậm lại, lượng đầu tư vào tư bản hay thiết bị còn dè dặt, khu vực xây cất chưa tăng ngay vì giá cả địa ốc vẫn còn sụt ở nhiều quốc gia. Cho nên, kinh tế thế giới hết sụt, nhưng đà tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ ở từ 2 tới 3% một năm trong năm tới và hơn được 3% vào năm 2011 là mừng. Theo định nghĩa thông thường, nếu đà tăng trưởng toàn cầu chỉ ở khoảng 2,5% thì kinh tế toàn cầu coi như vẫn bị suy trầm.
- Sự lạc quan ở đây là từ suy thoái, là sản xuất giảm sút, người ta hy vọng là chỉ bị suy trầm, tức là tăng trưởng chậm hơn, mà dù sao vẫn còn có tăng trưởng. Chính là trong hoàn cảnh bấp bênh ấy mà các quốc gia càng phải thận trọng trong chính sách quản lý vĩ mô của mình, nhất là khi lại quá lệ thuộc vào nguồn đầu tư từ bên ngoài và vào thị trường xuất khẩu ra ngoài.
Việt Long: Bây giờ, nếu nói về các khối kinh tế thì tình hình ở từng nơi sẽ ra sao"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Như chúng ta đã trình bày vào hồi tháng 11 năm ngoái và tháng Năm vừa qua, kinh tế Hoa Kỳ đụng đáy đầu tiên kể tháng Sáu này và sau cả năm 2009 có số tăng trưởng âm - bị giảm mất gần 3% - đến năm 2010 sẽ có tốc độ tăng trưởng hơn 2%, coi như gấp đôi đà tăng trưởng rất thấp của năm ngoái, là năm bị suy trầm rồi khủng hoảng.
- Trường hợp Âu Châu và Nhật Bản lại không được vậy. Hai khối kinh tế này có nhiều vấn đề nội tại chứ không chỉ bị hiệu ứng của khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ nên sẽ chậm hồi phục. Riêng Âu Châu thì còn thấy sản lượng sa sút nặng tại các nước Đông Âu và Trung Âu do nhiều thất quân bình nguyên thủy của họ. Và hậu quả của tình trạng sa sút ấy sẽ đè nặng lên các ngân hàng mà Ngân hàng Trung ương Âu Châu không thể tung tiền cấp cứu cho đúng với yêu cầu. Còn Nhật thì đã tận dụng gần hết các khí cụ kích thích vì bị bội chi và công trái quá cao nên chỉ có thể trông chờ vào hai thị trường xuất khẩu then chốt của họ là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Kịch bản đáng ngại nhất là Nhật có khi còn bị giảm phát, là hàng giảm giá mà bán không chạy và thất nghiệp vẫn còn tăng.
Việt Long: Nếu cả ba đầu máy kinh tế đó vẫn chưa đủ mạnh thì các khối kinh tế khác sẽ ra sao"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong ngần ấy khu vực của các nước đang phát triển, Á châu Thái bình dương tương đối là có nhiều hy vọng hồi phục nhất cũng nhờ sức nặng của một số quốc gia loại "tân hưng", như Hàn quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới thì có vẻ lạc quan với khu vực này nên dự báo mức tăng trưởng bình quân là 6,6% vào năm tới, trước khi hồi phục hẳn vào năm 2011 với đà tăng trưởng là 7,8%. Tuy nhiên trong khối này, một số quốc gia vẫn chưa được khả quan như vậy, như trường hợp của Việt Nam mà ta sẽ xét sau.
- Ngoài ra, các nước Mỹ châu La tinh lại hơi khác. Vốn đã bị khủng hoảng nặng về tài chính và ngoại hối trong quá khứ, mấy quốc gia này - nhất là Brazil - có chế độ quản lý ngân hàng và hối đoái khá chặt chẽ, bảo thủ. Nhờ vậy mà hệ thống ngân hàng không bị chấn động nặng và chỉ bị hiệu ứng suy trầm từ Hoa Kỳ và Âu Châu thôi. Việt Nam có thể tìm hiểu và rút tỉa kinh nghiệm của Brazil. Sau cùng, nên nhắc tới trường hợp Nam Á, trong đó có Ấn Độ. Khu vực này bị ảnh hưởng bất lợi vì tư bản trút vào ít hơn và đầu tư có giảm sút, nhưng dù sao cũng không bị suy thoái và có thể đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn Đông Á. Nói chung thì cả thế giới vẫn còn phải trông chờ nhiều vào ba đầu máy kinh tế Âu, Mỹ và Nhật.
Việt Long: Bây giờ nói đến trường hợp Việt Nam, kinh tế có sớm ra khỏi suy trầm không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam vừa công bố một số thống kê sơ khởi, mà tôi nghĩ là sẽ còn phải điều chỉnh, về tình hình kinh tế của sáu tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm ngoái thì đà tăng trưởng quả là có giảm - từ 6,5% chỉ còn 3,9% - nhưng sau khi sụt mạnh trong quý một, chỉ còn chừng 3,1%, thì sự suy giảm đã nhẹ hơn trong quý hai, là 4,5%. Căn cứ trên dữ kiện đó, hôm 30, giới đầu tư quốc tế - của Úc, New Zealand hay Anh quốc, có hội sở tại Singapore - thì cho là kinh tế Việt Nam bắt đầu đụng đáy và có hy vọng phục hồi. Tuần trước, tập đoàn Credit Suisse tại Hong Kong thì dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng được 4% trong cả năm nay, nghĩa là cao hơn những dự phóng ban đầu của họ. Chúng ta còn chờ đợi thêm thông tin tuần này của Tổng cục Thống kê về tình hình sáu tháng đầu năm thì có thể biết rõ hơn, nhưng vẫn nên thận trọng với phẩm chất của thông tin.
Việt Long: Nếu đúng như vậy thì có phải là tình hình Việt Nam đã có vẻ khả quan hơn"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng khả quan nhất là sự kiện đà tăng trưởng trong quý hai là do sức kéo của thị trường nội địa hơn là do xuất khẩu. Chiều hướng ấy là điều đáng mừng. Điểm thứ hai là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định giữ nguyên lãi suất và chú ý đển yêu cầu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu là không quá 10% do Quốc hội đề ra. Trong mọi kịch bản dù là đã lạc quan hơn thì đà tăng trưởng cho toàn năm vẫn chưa thể là 5% như chỉ tiêu của Chính phủ, và so với bình quân năm nay của Đông Á là 5% như Ngân hàng Thế giới dự báo thì vẫn thấp. Ngược lại, ta cũng không nên quên nhiều khó khăn khác tiềm ẩn ngay trong các số liệu trên.
Việt Long: Ông nhìn thấy những khó khăn gì trong thống kê đó"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, sức tiêu thụ có kéo mức sản xuất thì thật ra vẫn còn thấp so với tình hình các năm trước, và tiềm ẩn bên trong vẫn là nguy cơ lạm phát. Cho nên Việt Nam vẫn bị bài toán là vừa phải tống ga để tăng trưởng vừa đạp thắng để kiểm soát vật giá là việc không dễ, mà sẽ còn khó khăn hơn từ nay đến cuối năm, nhất là trong dịp cuối năm.
- Thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam chưa tăng và sẽ còn chậm tăng khi các đầu máy kinh tế kia chưa hồi phục mạnh để nhập khẩu nhiều hơn. Trong khi ấy, nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh nên kinh tế bị nhập siêu nặng và sẽ gây sức ép lên thị trường ngoại hối và tỷ giá của đồng bạc, nhất là khi đô la vẫn tiếp tục lên giá.
- Thứ ba, chìm bên dưới là nạn thất nghiệp hay khiếm dụng, tức là thất nghiệp trá hình, vì sự co cụm kéo dài của sản xuất. Dù không thể có thống kê chính xác và cập nhật, ta không thể quên vấn đề bất công xã hội nằm sâu dưới hiện tượng đó. Nhân vấn đề xã hội này, ta cũng nên chú ý tới một kết quả khảo sát cho Ngân hàng Thế giới vừa công bố đầu tuần qua...
Việt Long: Ông nói đến một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới" Công trình đó có đề cập gì tới Việt Nam không"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hôm 29 vừa qua, Ngân hàng Thế giới vừa phổ biến phúc trình về khả năng cai trị của các nước trên thế giới. Căn cứ trên cách chấm điểm theo sáu tiêu chuẩn của họ thì Việt Nam đứng hạng rất thấp, và dưới trung bình trong năm tiêu chuẩn là 1) "quyền phản ảnh của người dân và trách nhiệm của nhà nước", 2) "hiệu năng quản lý của chính phủ", 3) "phẩm chất luật lệ", 4) "hệ thống pháp quyền" và 5) "kiểm soát tham nhũng". Việt Nam chỉ đạt trung bình ở tiêu chuẩn "có ổn định chính trị, không bị bạo động hay khủng bố".
- Đáng chú ý là so với các năm trước, từ 1996 trở lại đây, thì Việt Nam còn tụt hậu nặng về hai tiêu chuẩn "quyền dân, trách nhiệm nhà nước" và "giải trừ tham nhũng". Tệ nhất là tiêu chuẩn về quyền lên tiếng của người dân và nhả năng nhận lãnh trách nhiệm của nhà nước, Việt Nam thuộc vào loại cực thấp của thế giới. Nếu nhìn từ bên ngoài, ta đã có thể suy đoán ra mức tụt hậu đó ở một hiện tượng kinh tế là nạn tẩu tán tài sản của giới chức có quyền và có tiền, gọi là nạn "tư bản ngoại đào". Đấy lại là một chuyện khác mà có ngày ta sẽ tìm hiểu thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.