Cứ mỗi sau bữa cơm chiều tôi có thói quen ngồi xuống "salon" vừa nhâm nhi ly trà vừa coi tin tức TV cho thoải mái cái tuổi đã có thể vào hội cao niên được rồi. Hễ bữa nào mà Yến xà xuống ngồi bên cạnh tôi tựa vai tựa vế là tôi đoán thầm rằng hôm nay nàng lại có mục gì cần thuyết tôi đây.
Yến có cái tài nói vòng vo vớ vẩn rồi úp đến bụp một cái vào một đề tài tôi không thể ngờ tới và nếu tôi ấm ớ thì sự truy nã cân não sẽ kéo dài và rắc rối hơn "đồng chí" công an "làm việc" với tù cải tạo. Chẳng hạn đang nói chuyện trời mưa trời nắng thì nàng đội kích bất ngờ như:
- Hồi chiều có bà nào gọi điện thoại cho anh mà em trả lời thì họ cúp máy nên không biết là ai. Anh có biết là ai sẽ gọi cho anh không"
Nếu tôi vô tình "hồ hởi" coi ngay lập tức cái danh số ghi lại trong điện thoại xem ai gọi thì là "chết bỏ mẹ tôi rồi". Vì Yến sẽ hỏi gặng là ai, quan trọng không mà anh phải nhẩy bổ lên vậy" Để chút nữa coi không được sao" v.v. Và sau đó thì cuộc thẩm vấn bắt đầu. Vì những kinh nghiệm đó nên tôi chỉ trả lời cho qua, đại khái như: "Ôi mấy con mẹ "marketing" bán điện thoại hay bảo hiểm, "mortgage" chứ còn ai" thì câu chuyện sẽ qua một đề tài khác.
Nếu nói đến cái bọn "marketing" này thì tôi đã từng khổ với họ vài lần rồi. Chẳng hạn có một lần, có một mẹ nào đó gọi điện thoại và Yến nhấc lên nghe thì chị ta ỏn ẻn: "Dạ cho em nói chuyện với anh Nguyễn ạ" Thế thì có chết tôi không cơ chứ! Yến trả lời nhát gừng: "Ai đấy" Anh Nguyễn không có nhà, cô có nhắn gì không"" thì em ta ỏn ẻn: "Thôi để tối em gọi lại" rồi cúp. Thế là Yến thẩm vấn tôi rằng thì là con mẹ đó là con nào mà nó không nói tên" Nếu có chuyện gì đứng đắn thì nó phải nhắn lại chứ tại sao nó lại cúp ngang"" Hỏi như thế thì bố tôi cũng không giải thích được vì tôi có biết đó là con mẹ nào và biết nó gọi để làm gì. Tôi biết nên oán trách hãng điện thoại hay là bọn nào bán tên tuổi địa chỉ của người ta cho bọn "marketing" này khiến cho dù có đổi điện thoại bao nhiêu lần thì cũng chỉ được hai ngày là có đứa gọi ngay tróc tên mình.
Một bữa khác cũng lại cái giọng ỏn ẻn ngọt ngào ấy mà tôi đoán chừng mẹ này chắc cũng xồn xồn rồi đây nhưng cố làm ra trẻ trung ỏn ẻn:
- Có phải anh Nguyễn đấy không ạ"
Tiên sư ! Thế này thì chết tôi rồi vì tôi biết Yến cầm một cái máy khác nghe ké điện thoại để xem diễn tiến tôi phạm tội ra làm sao. Tôi ỏn ẻn lại:
- Tôi không phải anh Nguyễn ạ. Tôi là con anh Nguyễn đây cô có muốn nói gì không"
Con bé tưởng tôi là trai tơ háu gái nên em tán ngọt ngào với giọng nũng nịu:
- Thế hả anh" Thì em nói chuyện với anh cũng được. Tại vì hãng điện thoại của em họ có một chương trình gọi viễn liên rẻ lắm, nhất là gọi về VN, còn rẻ hơn nhiều. Đổi qua em nghe anh... em sẽ giúp cho...
Tôi rủa thầm "tiên sư em, anh là bố con nít đây", thế nhưng tôi vẫn lấp lửng:
- Thôi tôi chả đổi đâu cô ơi, tôi sợ bố tôi rầy lắm, để tôi hỏi bố tôi đã...
- Trời ơi, anh lớn rồi chả lẽ làm cái gì cũng phải hỏi bố. Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi"
- Để tôi tính coi.. à ừm.. Bố cháu năm nay tám mươi mấy thì cháu đây cũng sáu mươi mấy rồi cô ạ...
Tôi mới nói tới đó thì con bé cúp mẹ nó điện thoại đến cọc một cái. Yến xồ ra mắng tôi: "Tại sao anh lại nói chuyện cò cưa làm gì, bộ anh thích nói chuyện với ba cái con đói lắm hả" Cứ có đàn bà thì tam táp cái miệng". Thiệt là bực bội vì càng ngày cái con mẹ má của con tôi càng đay nghiến lăng mạ những điều mà tôi không có làm nên tôi gắt lại: "Nói như thế thì từ nay nó sẽ không gọi điện thoại quấy rấy mình nữa". Và qủa đúng như vậy, từ đó cái em ỏn ẻn này không gọi điện thoại nhà tôi nữa.
Đang miên man suy nghĩ thì Yến vạch bụng ra vỗ bành bạch làm tôi giật mình:
- Anh ơi, cái eo bụng của em bây giờ nó cứ xì ra thế này làm sao bây giờ"
Hỏi như thế thì bố tôi cũng không trả lời được nên tôi trả lời nhấm nhẳng:
- Nó xì thì kệ nó xì chứ anh làm sao được bây giờ. Bụng anh cũng xì ra một đống đây chứ có bé bỏng gì đâu.
Yến gắt:
- Nói thế thì nói chuyện với anh làm gì. Chẳng thà nói chuyện với đầu gối... Mà anh có biết tại sao nó xì ra thế này không" Tại anh chứ còn tại ai nữa!
Quái nhỉ! Buộc tôi ngang xương thế này thì ngay cán bộ cải cách ruộng ngày xưa cũng xin chào thua. Vì vậy tôi nổi sùng:
- Em nói cái kiểu gì kỳ cục vậy nghe không lọt lỗ tai. Anh làm gì mà bụng em xì ra" Hàng tuần hết phở tới bún, hết bún tới China Buffet thì cái gì chả xì chứ đừng nói chi...
- Anh bắt tôi đẻ năm sáu đứa con nên bây giờ nó xì ra chứ làm sao nữa, còn làm bộ không biết hả"
Ối giời đất ơi! Thế này thì chỉ có ứa gan mà chết nên tôi tức nước vỡ bờ:
- Em muốn đẻ thì em đẻ chứ anh có bắt em đẻ đâu mà bây giờ bắt đền ăn vạ...
Thấy đi quá lố, tôi ngưng tại đây và may quá, đứa con gái lớn đi tới, tôi liền bảo:
- Này con. Mẹ mày hỏi làm thế nào cho cái "eo" nhỏ lại như của mày đó, mày có biết cách không"
Con nhỏ ngây ngô nhưng "hồ hởi" khi được dịp trổ tài uyên bác với bố mẹ nó:
- Thì má phải "diet" và "excersise" như thế này này...
Nói rồi nó nằm ngửa xuống nền nhà, hai tay gối sau gáy, trong khi bàn toạ và hai chân vẫn nằm sát dưới sàn, ngẩng nửa người trên từ bụng với đầu lên, bẻ gập người lại, lên xuống đều đặn vài lần...
Yến gắt gạt phăng đi:
- Cái chuyện này thì tao biết rồi, mày không phải dậy. Tao hỏi đây là tao hỏi thằng bố mày, xem thằng bố mày có quan tâm tới tao không hay đầu óc lúc nào cũng chỉ nhớ đến hình ảnh mấy con đượi trong "Internet" ấy.
Ối giời ơi! Ai mà nghĩ tới những điều ngoắt ngoéo xa xôi ấy. Nhưng nguy hiểm hơn hết là nàng xoay qua đề tài "internet" như thế này thì bỏ mẹ. Internet mà bị phong tỏa thì cuộc sống chẳng còn gì lý thú cả. Internet là một lẽ sống bây giờ, nó có đủ thứ và kể cả những hình ảnh các em nõn nà thơm như múi mít ấy. Tôi cần phải bảo vệ cái thành trì cuối cùng này nên tôi phải xoay câu chuyện đi hướng khác: