Nhạc Vân Hạc và Hạ Bình Tử, lúc nhỏ cùng ở một xóm, lúc lớn cùng học một trường, nên thân thiết với nhau còn hơn ruột thịt. Tử lúc nhỏ rất thông minh, đến nỗi mới mười tuổi đã nức tiếng gần xa ai cũng biết, trong khi Hạc như… con bò kéo xe. Học một biết một. Quyết không có nhiều hơn thế.
Làng bên cạnh, có họ Vương. Chẳng những nổi tiếng về dệt lụa, mà còn được người đời kính nể về cách xử sự bao dung, thấm nhuần Nho giáo. Ngày nọ, nhân tết Trung thu, cả nhà quây quần ở sân sau uống trà thưởng nguyệt. Chợt Vương ông nhìn sững vào con, mà nói rằng:
- Cảnh đẹp của đời người như một sắc cầu vòng. Trông thật rực rỡ, nhưng dần dần sẽ tan biến đi. Nay con đang ở trên… đỉnh cầu vòng, mà kén cá chọn canh, thì e hết… vốn xuân vẫn mình đơn chiếc bóng!
Thúy Yến mĩm cười đáp:
- Cha mẹ chỉ có một mình con để an ủi tuổi già. Nay vì duyên phận riêng tư, mà xa lìa cha mẹ, thì lòng dạ hổng yên. Chớ thực ra chẳng phải khó khăn gì hết cả.
Vương bà nghe con nói vậy, gật gật cái đầu, rồi mới từ tốn giải phân điều hơn thiệt:
- Từ xưa tới nay, kẻ cô đơn chết nhiều vô số, còn đủ vợ chồng thì thọ đặng nhiều hơn. Nay con có tâm ý nghĩ về cha mẹ, khiến cha mẹ mừng vui hết biết - nhưng không vì vậy mà hy sinh hạnh phúc của con - thì mẹ cha làm sao nỡ" Vả lại, hoa lan mọc nơi rừng sâu núi thẳm. Cho dù chẳng có người nào ngửi thấy mùi thơm, nhưng nó vẫn cứ tỏa hương dài dài cho tới chết. Một người hiếu thảo như con - càng không thể vì suy nghĩ nhất thời mà làm đau lòng cha mẹ - Vậy con hãy chuẩn bị xiêm y, son phấn đủ đầy, cùng lẹ tay học thêm vài món nhậu, thì chẳng những duyên nợ xuôi thông, mà hạnh phúc trăm năm sẽ bình yên tiến tới.
Thúy Yến ngẩn người ra một chút, rồi ngập ngừng đáp:
- Con chuộng cái tự nhiên, nên xiêm y cất kỹ, son phấn không xài. Nay bỗng dưng lên đồ cho láng. Chẳng ngại lắm sao"
Vương bà cười cười đáp:
- Con là… hàng rao bán. Không phải hàng tồn kho, thì phải sửa soạn một chút mới là phải đạo. Lại nữa, đám đàn ông chọn vợ thường dựa trên thanh sắc - mà con thì lơ là - Lỡ một ngày xuân ấy đã qua, thì cho dẫu có đấm ngực ăn năn cũng không còn cơ hội.
Thúy Yến nghe mẹ thuyết cho một hồi, lòng bỗng xiêu xiêu, nên chẳng hứng thú bàn tán thêm gì nữa cả. Chợt Vương ông nói:
- Bình Tử. Gia cảnh đạm bạc, nhưng học hành giỏi giang, có thể trở thành nơi nương tựa vững chắc cho con sau này. Nay cha mẹ quyết tâm làm vậy. Con chịu hay chăng"
Thúy Yến mặt mày trắng bệt. Hơ hãi đáp:
- Trâu đi tìm cột, chớ có đâu cột đi tìm trâu. Sao cha mẹ lại… liều thân như thế"
Lúc ấy, Vương ông mới với tay dzớt lẹ chung trà, nhắp ngay một miếng, rồi thủng thẳng nói:
- Sự nghiệp có thất bại cũng còn cơ hội gầy dựng lại, nhưng hôn nhân thì khác. Một khi tanh bành rồi thì không thể nào hàn gắn được đâu. Cha đã dò la kỹ. Họ Hạ, sống đời khổ cực, để mong con thành người, nên quyết sống đời lương thiện. Tuyệt không làm một điều gì có lợi cho mình mà hại cho người khác. Nay cha quen biết với họ Lưu, nhờ đánh tiếng với Hạ, mà Lưu với Hạ thì tình như thủ túc, nên việc lớn ắt thành. Con chớ vội bi quan, bởi dù sao cha cũng ăn hơn con vài… nắm muối!
Rồi mọi sự hạnh thông. Thúy Yến về làm dâu nhà họ Hạ. Bình Tử, từ khi có vợ, càng ra sức học hành, mộng thi đậu cho mau. Quyết không để cho Yến tảo tần như thế. Đã vậy còn nói rằng:
- Người nghèo, mà được người nghèo giúp đỡ mới quý. Còn kẻ cao sang tột bực mà được xu phụ, thì kẻ xu phụ ấy phần nhiều là hạng tiểu nhân cả. Nay nàng vất vã với ta như vậy, thì ta cần phải cố gắng hơn. Chớ hơi sức đâu mà khổ nhọc… dài dài lâu như thế"
Yến nghe chồng nói vậy, mắt lóe sự tinh anh. Nhỏ giọng đáp:
- Thiếp vất vã không sao. Miễn chàng đừng chán chường, thì cho dù có… ngủ được hai canh. Thiếp cũng mừng rơn chơi láng.
Tử. Từ nhỏ tới giờ, có thể nói chưa bao giờ cảm động đến như thế, nên luống cuống tay chân, chưa biết đáp lại thể nào. Chợt nghe vợ nhẹ nhàng nói tiếp:
- Tài sản dù có nhiều tới đâu cũng có thể đếm được. Chỉ có sự chân tình đối với nhau mới là vô giá. Thiếp về làm vợ chàng. Của hồi môn mang theo không phải là tiền bạc - mà là tấm lòng sắt son dành tặng chàng - để khi hoạn nạn khó khăn, hoặc bị người đời khinh rẻ, thậm chí thân thuộc coi thường, thì chàng vẫn còn một nơi chốn bình yên, để an lòng tiến bước…
Mà nói hổng phải chớ người tính thì không bằng trời tính. Bình Tử giỏi giang là vậy, nhưng lận đận trường ốc, đi thi cứ trượt hoài, khiến bụng dạ bất an. Buồn đau than trách:
- Làm người thì không thể thất hứa với người ta, lại càng không thể thất hứa với vợ mình. Ta đã đắc tội với sự hy sinh của… bà ấy. Lẽ nào muối mặt mà chịu vậy hay sao"
Rồi lương tâm cắn rứt. Phần thì thấy vợ mệt nhoài bươn chải. Phần thì chẳng có việc gì để kiếm chút tiền tiêu, nên hùng khí bao năm đã bắt đầu… lơi, xẹp, khiến việc học cứ ngày đêm sa sút, tựa như miếng bánh trôi. Chẳng ăn thua gì nữa cả.
Không được bao lâu, Tử lăn quay ra chết, để lại đứa con còn thơ dại. Gia cảnh bần hàn, đến độ chuyện giỗ chạp ma chay, đều phải nhờ đến Vân Hạc bao dàn tuốt luốt. Mẹ của Vân Hạc là Nhạc thị, thấy vậy, mới gọi Hạc vào thư phòng. Lo âu nói:
- Muối bỏ lòng ai nấy xót. Con với Bình Tử chỉ là bạn, mà… lút cán kiểu này, thì chỉ e chưa kịp sang xuân, đã nghèo ngay trước mắt.
Hạc thở ra một hơi mấy cái, rồi buồn bã đáp:
- Biết là vậy, nhưng con người có lương tâm. Không thể bỏ rơi dễ dàng đến như thế! Con với Bình Tử. Tuy không phải anh em, nhưng cũng là tri kỷ. Anh em có thể tìm được - nhưng tri kỷ cả đời có thể chẳng gặp được đâu - nên con hết sức lo cho Bình Tử là vì duyên cớ đó.
Nhạc thị nghe con giải bày như vậy, bỗng thở dài thườn thượt. Lắc đầu nói:
- Thi cử gần kề, mà con cứ lạng quạng như ri, thì cho dẫu không lấy số tử vi, cũng đoán biết… tan tành xác pháo.
Đoạn, lấy tay đè lên ngực. Nặng nhọc nói:
- Ở trên bờ, mới cứu được người dưới nước. Chớ không thể đang ngụp lặn hết hơi, mà lại cứu người bên cạnh được. Nay con muốn vuông tròn tình tri kỷ, mà… cơm gạo chửa thông, thì chỉ ít tháng nửa năm chẳng còn chi hết ráo!
Hạc nghe mẹ nói. Nát lòng nát dạ, nhưng chửa biết tính sao, bởi vừa đủ ăn nay phải cưu mang gia đình của Tử, nên lâm cảnh ngặt nghèo, bèn nhân lúc mẹ bận rộn ở vườn sau. Rờ râu nói:
- Văn chương như Bình Tử, mà còn… rách rưới ra đi. Huống chi kẻ ít chữ này" Người ta muốn phú quý, phải biết theo thời. Chớ không thể cứ đọc nhân lễ nghĩa trí tín mà giàu lên được. Nay ta phải thoát ra vòng cương tỏa của… Thánh nhân, để mần ăn sinh sống!
Ngày nọ, Hạc đến huyện Kim Lăng, nghe ruột bụng cồn cào, bèn vào quán ăn mà dzớt, bỗng thấy một người thẫn thờ đứng ở cửa, vẻ ảm đạm ưu tư, bèn mau mắn nói:
- Nếu huynh đại không ngại, thì hãy dùng một dĩa cơm, cho buồn đau vơi bớt.
Người ấy gật đầu ưng chịu. Lúc ăn xong, bèn khoanh tay nói:
- Tạ ơn khách quan đã nghĩ đến kẻ hèn này. Ba năm qua chưa bữa nào được no. Thiệt là sung sướng.
Vân Hạc xua tay đáp:
- Giúp là chuyện nhỏ. Không có việc cho giúp mới là chuyện lớn. Đệ thấy huynh tướng mạo phi phàm. Ra vẻ là một võ quan. Sao lại… bềnh bồng trôi như thế"
Người ấy đáp:
- Khách quan giận thì kẻ này đành chịu. Chớ không thể tỏ bày ruột gan, cho bà con nhân thế.
Hạc lại hỏi về quê quán. Người ấy đáp:
- Trên bộ không nhà. Dưới nước không thuyền. Sớm đầu làng, chiều xó chợ, nên chẳng biết quê ở đâu mà nói!
Trò chuyện mây gió một hồi, Hạc sửa soạn toan đi, nhưng nhìn thấy hán tử ra chiều quyến luyến, bèn cảm động nói:
- Giữa chốn phồn hoa đô hội, mà gặp được huynh đây, thì không nói cũng biết do duyên kiếp mà thành. Ngặt một nỗi đệ mình mang trọng trách, lại quá ít kim ngân, nên không thể cùng huynh ăn thêm vài bữa nữa…
Người ấy nghe Hạc bộc bạch như vậy, liền lấy ngón tay gõ lên bàn mấy cái. Nhỏ giọng nói:
- Mắt của khách quan ra chiều u tối. Vẻ mặt thê lương. E đại hạn đang chờ, nên tai hạ muốn gánh chịu xẻ chia. Cho tình kia mau thắm.
Hạc nghe tới hai chữ đại hạn. Lòng bỗng thấy bất an. Lẩm bẩm nói:
- Tiền bạc hay danh vọng, thường làm cho con người đam mê say đắm. Ta không đam mê say đắm - nhưng lỡ mất tiền đi - thì chẳng những mẹ ta không được vui, mà vợ con của bạn ta cũng… chung xuồng đi xuống!
Nghĩ vậy, liền đồng ý để người đó đi theo mình. Qua hôm sau, lúc đi thuyền sang sông, bỗng gặp sóng to gió lớn, nên thuyền bị lật, khiến tất cả hành khách đều rơi tòm xuống nước. Riêng Hạc được người ấy đưa vào bờ, rồi trong lúc Hạc ngồi cho… tiêu nước, người ấy lặn xuống ôm hàng lên. Hạc mừng rơn nói:
- Tráng sĩ chẳng những cứu tôi sống, mà còn cứu cả… hàng. Ân nghĩa này quyết khắc dạ ghi tâm. Nghìn năm báo đáp.
Người ấy lắc đầu mấy cái. Khoát tay đáp:
- Con người càng bận rộn, càng quên đi nỗi bất hạnh của chính mình. Sao lại tính chuyện báo ơn" Cho lòng thêm khúc mắc"
Đoạn, hướng về Vân Hạc. Từ tốn nói:
- Duyên nghiệp đã hết. Từ nay xin cáo biệt, nhưng trước lúc chia tay, muốn gởi đến khách quan một lời thành. Có đặng hay chăng"
Hạc hấp tấp đáp:
- Mười lời còn chẳng xá chi hà huống có một. Chờ chi chưa nói"
Người ấy thở ra một cái, rồi nhìn thẳng vào mắt của Hạc. Tha thiết nói:
- Kho đụn nhỏ hơn lòng tham của con người. Kho đầy mà vẫn muốn đong thêm - nên dễ nẩy sinh lòng ganh tị - mà một khi có lòng ganh tị, thì sự giàu sang lại là mầm họa cho người đang mang nó.
Rồi đặt tay lên vai của Hạc. Chậm rãi nói rằng: "Biết đủ là đủ, thì khách quan sẽ tìm được sự bình an trong cõi ô trọc này, bằng ngược lại thì chỉ có bi ai, buồn đau tan tác"…