Đổng Hà Tư, người ở tây thành Thanh Châu, làm nghề buôn bán, nên có nhiều bạn bè. Nay giỗ chạp ma chay, bữa kia lại thôi nôi đầy tháng. Thét rồi cứ nhậu lai rai, không sao mà tránh được.
Một hôm, Tư may mắn ở nhà, bất chợt thấy mẹ là Đổng thị bước ra, tay cầm chai cô-nhắc, bèn rúng động tâm can. Trố mắt hỏi rằng:
- Mẹ lấy nước chè xanh làm lẽ sống, mà nay lại cao… độ thế này, là cớ làm sao"
Đổng thị cười ruồi đáp:
- Mỗi lần con đi với bạn bè về, người toàn mùi rượu. Nếu mẹ không tập quen mùi hương của nó. Cứu được hay sao"
Tư nghe vậy, bỗng nặng ở bờ tim. Thảng thốt nói:
- Đề phòng miệng thế nhân hơn là đề phòng sông nước. Mẹ tù tì thế này. Lỡ… hơi rượu lọt ra. Mần răng con chống"
Đổng thị nhìn lên trần nhà, rồi hướng lên trời cao. Chậm rãi đáp:
- Một chút men vào miệng, mẹ dịu nỗi đời. Một chút rượu vào gan, mẹ thấy lòng bớt khổ. Bây giờ mẹ mới hiểu tại sao người ta nói: Phi rượu bia bất thành phu phụ. Thiệt là đúng lắm!
Hà Tư! Như trên trời rơi xuống. Nóng cả ruột gan, bèn hít vội hơi sâu mà nói này nói nọ:
- Mẹ ở với con. Nệm ấm chăn êm, cơm nước đủ đầy, đã vậy việc dọn dẹp trước sau đã có người giúp sức - mà mẹ lại thấy mình ôm khổ - tâm chẳng đặng vui. Thiệt khiến cho con nổi lên nhiêu thắc mắc!
Đổng thị dõi mắt nhìn con, rồi tha thiết nói:
- Thật khó chịu khi mẹ không có việc gì để làm, để bận rộn, để thấy thời gian lẹ chóng qua. Chớ an nhàn kiểu này, thì trước là xác thân mất đi phần khang kiện, sau chút tơ lòng cũng nguội lạnh rớt theo, thì lúc í có thọ đến trăm năm cũng chẳng nhằm chi hết cả.
Hà Tư, hiểu được tâm trạng của mẹ, nhưng chưa biết tính sao. Thời may có Vương Cửu là bạn thân đến mời đi ăn giỗ, bèn vén áo mà đi, nhưng nỗi ưu tư vẫn hằn trên khóe mắt. Cửu thấy vậy, đợi đến lúc đang lội ở đường làng, bèn nhìn vào mắt của Hà Tư. Tức tốc nói:
- Bức tường dù lớn cỡ nào, nhưng có lỗ nhỏ. Nếu không kịp thời sửa chữa, ắt có ngày phải sụp. Đất đá còn vậy. Huống chi mạng người. Lẽ nào nín nhịn mà coi đặng hay sao"
Tư nghe vậy, liền thở dài ảo não, rồi lo âu nói:
- Mẹ của đệ thấy thời gian trống vắng, muốn tìm việc giải khuây. Ngặt một nỗi mỡ nhiều trong máu, lại bị tiểu đường. Chỉ e chưa kịp giải khuây đã về nơi xa vắng!
Vương Cửu bỗng lặng người đi một chút, rồi dzọt miệng nói:
- Muốn mẹ của đệ bận rộn, thì kiếm cho bà một… nàng dâu. Bảo đảm xuân hạ thu đông sẽ… tưng bừng rốt ráo!
Tư gật đầu khen phải, và nhất quyết lấy vợ, để mẹ trước là bớt đi phần đơn lẽ, sau có việc để làm, nên phớn phở tâm can, vui mừng bước tới. Lúc đến nơi ăn giỗ, lại gặp ngay một người khách của chủ gia, giỏi xem mạch Thái Tố, đang xem cho mọi người, bèn tất tả chạy vô, chung lòng đứng ngó. Sau khi xem cho các vị ấy xong, người khách liền nắm lấy tay của Vương Cửu và Hà Tư, mà nói rằng:
- Tôi xem mạch cho nam phụ lão… trừ ấu đã nhiều, mà chưa thấy mạch nào loạn lạc như của hai ông. Thiệt là khó đoán!
Vương Cửu từ nào tới giờ vốn không tin vào bói toán, nên khi nghe người ấy phán vậy, lòng vẫn lặng thinh, ra vẻ chẳng nhằm chi hết cả. Riêng Hà Tư thì lòng trần dấy động. Mắt lộ âu lo. Run run nói:
- Mạch loạn lạc nghĩa là làm sao"
Người ấy đáp:
- Mạch sang mà có dấu hiệu hèn. Mạch thọ lại có dấu hiệu yểu. Đó là điều bỉ nhân không thể nào giải đặng.
Hà Tư nghe tới đâu, rụng rời theo tới đó. Mãi một lúc sau mới ấp úng nói rằng:
- Thầy có thể vì tình bạn… nhậu, mà nói rõ được chăng"
Người ấy lắc đầu một hơi mấy cái, rồi chậm rãi đáp:
- Thuật của tôi đến đó là hết. Chưa dám xác quyết phần hậu vận. Tuy nhiên, hai ông nên thận trọng giữ mình, thì may ra sẽ vượt đặng khó khăn. Tươi cười vui sống!
Hà Tư, tướng tá thì to mà gan thì nhỏ, nên khi nghe điềm báo chẳng lành, bèn rúng động tâm can. Lắp bắp nói:
- Dâu chưa về nhà chồng, mà ta lại mất đi, thì giờ rảnh rỗi của mẹ mần răng mà bôi xóa"
Một hôm, Tư lên đường ra chợ huyện. Gặp lúc trời đổ mưa giông, bèn chạy vào hàng hiên của nhà bên đường mà trú. Bất chợt gặp một cô gái cũng đang trú mưa, nhìn Tư với ánh mắt như là quen biết trước. Tư lấy làm lạ, bèn lấy tay đập đập lên trán mà suy nghĩ, nhưng cũng chẳng mày mò chi được, bèn tự nhủ lấy thân:
- Trông hồ như quen thuộc, mà không biết gặp ở đâu, thì thiệt là… bất tương phùng đã bày ra trước mắt!
Rồi trong lúc cố moi óc mà suy nghĩ. Chợt nghe cô gái nói:
- Chàng không nhớ thiếp là đứa con gái để tóc thề ở xóm Đông phải không" Tính đốt ngón tay, thiếp đã dọn nhà đi được mười năm rồi. Thuở ấy thiếp chưa cài trâm. Còn chàng, vẫn thường đợi mưa mà ra tắm…
Tư nghe vậy, liền chăm chú nhìn thiếu nữ, rồi thảng thốt nói:
- Có phải A Xuyến nhà họ Chu đấy chăng"
Cô gái cười tươi đáp:
- Phải! Phải!
Tư mừng rỡ nói:
- Mười năm không gặp đã lớn xộn kiểu này, thì không nói cũng biết trong lòng như… trống trận. Sao lại đến đây"
Nàng ấy đáp:
- Thiếp lấy phải người chồng bị bệnh đãng trí đã được bốn năm. Nay chồng… may mắn té giếng mà mất. Cha mẹ chồng, cũng vì nỗi muộn phiền mà nhất dạ theo con, khiến thiếp trong phút chốc bỗng trở thành góa bụa, một thân một mình chẳng biết nương tựa vào ai, rồi trong phút chốc bỗng xuôi về tuổi nhỏ. Thiếp bồi hồi nhớ lấy: Thuở thiếu thời hai đứa đã thật thân - thì sao không kéo cái… thân dài thêm chút nữa - nên không quản đường xá xa xôi. Tất tả trở về, những mong cái rủi chứa may nằm trong đó - để hương lửa mặn nồng nối tiếp những ngày sau - thì cực khổ bi nhiêu thiếp cũng vui lòng gánh chịu…
Hà Tư. Tai nghe lời thân thiết. Mắt uống trọn sắc xưa, khiến chẳng đụng đến hơi men cũng như vừa tới bến. Đã vậy trời thì nặng hạt. Sấm chớp giật liên hồi, cọng thêm chốn này hai đứa chợt gặp nhau, khiến lòng trí bỗng đê mê niềm hạnh phúc. Đó là chưa nói văng vẳng trong không trung tiếng hát từ xa vọng lại: Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy em hổng đặng thương hoài ngàn năm, nên chốn tâm can lại càng thôi thúc, liền vội vàng bảo nhỏ tận trong tim:
- Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người. Người dưng mà còn đối xử làm vậy. Huống hồ bạn với nhau từ hồi niên thiếu. Lẽ nào nín lặng mà coi được hay sao"
Rồi bỗng đâu lại nhớ lời bói toán. Lòng nhuốm hãi sợ, bèn giật mình mà tự nhủ lấy thân:
- Lấy chồng chỉ được ít năm, thì chồng lăn ra chết. Nay mình xáp lại với bà này. Lỡ trúng số… hại phu, thì chữ hiếu đạo biết chừng mô báo đáp"
Đoạn, ngập ngừng nói:
- Hay là mình hẹn kiếp lai sinh. Có đặng hơn chăng"
A Xuyến lắc đầu, đáp:
- Kiếp sau thì còn xa. Kiếp này mà không dzớt. Lỡ kẻ khác sớt đi, thì nuối tiếc muôn niên cũng chẳng mần chi được!
Hà Tư nghe vậy, bèn liếc nhìn A Xuyến một phát, rồi lẩm bẩm nói:
- Gái một con trông mòn con mắt. Bà này chửa có con, mà mắt ta sao chẳng còn như trước"
Bèn choàng tay qua vai A Xuyến, mà nói rằng:
- Áo mặc không qua khỏi đầu. Ta phải về thưa với mẹ, rồi sẽ liệu định sau. Chớ không thể lấy ào như gió cuốn.
Đoạn, hỏi ngày sinh tháng đẻ, viết vào trong bâu áo, rồi hẹn trăng tỏ tháng sau sẽ tin lành mang lại. Chừng mưa tạnh trời quang, A Xuyến mới nắm tay của Hà Tư mà nói rằng:
- Nếu mẹ không chịu, thì chàng định liệu sao"
Hà Tư thẳng thắn đáp:
- Thì phải chiều theo ý mẹ. Chớ cãi đặng hay sao"
A Xuyến mặt mày bỗng xụ xuống. Buồn bã nói rằng:
- Nghe mẹ mà không nghe vợ, thì đời chàng sẽ ngàn đêm u tối. Hổng khá được đâu!
Nay nói về Đổng thị, đang ngồi ăn bánh tráng. Chợt thấy Hà Tư lạng quạng đi về, bèn nhộn nhạo tim gan. Hấp tấp nói:
- Con đi chợ huyện, mà cuốc về giờ này. Ắt chốn tâm can có điều chi khúc mắc"
Hà Tư cười cười đáp:
- Dâu với đi chợ. Cái nào trọng hơn"
Đổng thị trố mắt nói:
- Đi chợ là chuyện nhỏ. Dâu là chuyện lớn, thì không thể bỏ lớn mà lấy nhỏ được.
Lúc ấy, Hà Tư mới nói rằng:
- Mẹ, tuổi hạc đã cao, thì phải cần người chăm nom phụng dưỡng, mà con thì bận việc bán buôn, khiến mẫu tử thâm sâu cũng có đôi phần sứt mẻ. Nay con muốn đưa người về hầu hạ, để mẹ được an nhàn thân xác, hầu tuổi thọ tăng cao, thì con mới được ngụp lặn châu thân trong ấm êm tình mẫu tử…
Rồi lấy tờ giấy, đoạn lật bâu áo lên, viết tên họ ngày sinh của A Xuyến đưa liền cho mẹ. Đổng thị, từ ngày chồng mất đi, lại đổ ra mê đồng Cô bóng Cậu, nên khi có đủ thứ cần dùng, bèn cắp nón chạy đi, mà chẳng thèm hót thêm lời nào nữa cả.
Tối ấy, lúc Hà Tư đang ngồi nhậu lai rai. Chợt Đổng thị đi về. Ưu tư nói:
- Nhìn tới nhìn lui cũng hổng phải là đồ tốt! Con gái tuổi Mậu Dần. Có sao Thái âm, Huỳnh tuyền hạn, Tế phá chiếu, thì không nói cũng biết buồn nhiều hơn vui. Đã vậy lại hồng loan chiếu mạng, nên tình yêu đôi lứa hay gặp sóng gió. Nhẹ thì tòa án chia tay. Nặng thì âm dương đôi đàng cách biệt, nên không thể về làm dâu họ Đổng nhà ta. Sợ hung nhiều kiết ít.
Hà Tư thấy khuôn mặt của mẹ nghiêm trang là vậy, bèn yếu ớt đáp:
- Nếu người ta đậu hủ thường niên. Tu tâm cầu nguyện, để gia đạo an vui, đặng con cháu mần ăn phát đạt, thì… rước đặng hay chăng"
Đổng thị đầu thì lắc. Tay xua lịa xua lia. Mạnh miệng đáp:
- Hồng loan chiếu mạng, thì cho dẫu cây ước muốn lặng yên, cũng khó lòng che… gió. Hổng dzớt được đâu!