CANBERRA: Sau khi chính phủ khước từ lời mời của đảng Lao Động để tổ chức ba cuộc tranh cãi tay đôi giữa thủ tướng John Howard và lãnh tụ đối lập Kim Beazley, đảng Lao Động đã lớn tiếng cho rằng ông Howard sợ phải đọ sức tranh tài với ông Beazley.
Tuy nhiên, chủ tịch liên bang của đảng Tự Do, ông Lynton Crosby cho biết chính phủ muốn cuộc tranh luận được tổ chức như năm 1998: một cuộc tranh cãi duy nhất trực tiếp phát hình trên đài số 9 và do Ray Martin làm giám thị.
Tổng thư ký liên bang của đảng Lao Động, ông Geoff Wash, đề nghị ba cuộc tranh cãi, nhưng ông sẵn sàng bớt một nếu chính phủ muốn. Các cuộc tranh cãi này, theo ý ông, nên được trực tiếp truyền hình từ đài ABC công cộng và một cuộc tranh cãi phải nhằm vào ngày Chủ nhật cuối cùng trước ngày tổng tuyển cử.
Ông Crosby tuyên bố đảng Lao động muốn 3 cuộc tranh cãi bởi vì "Kim Beazley phải tốn gấp ba lần thời giờ để có thể truyền đạt được ý tưởng của mình". Ông nói: "John Howard đã là thủ tướng trong suốt 5,5 năm vừa qua, và Kim Beazley cũng là lãnh tụ đối lập trong suốt thời gian đó. Công chúng không cần phải có một loạt các cuộc tranh cãi để có thể đánh giá họ".
Ông Wash cho rằng một cuộc tranh cãi trên truyền hình với thời gian ấn định là một giờ không đủ để bao gồm hết những vấn đề quốc tế cũng như quốc nội mà Úc phải đương đầu. Ông nói: "Chắc chắn không ai có thể tuyên bố rằng chỉ vài phút cho mỗi lãnh tụ là đủ thời gian để chuyên chở hết tất cả mọi vấn đề quan trọng. Điều gì làm John Howard sợ hãi"".
HỆ THỐNG GIÁO DỤC CÔNG LẬP ÚC BỊ THIẾU HỤT GIÁO CHỨC
ADELAIDE: Theo một cuộc thống kê các trường trung học công lập trên toàn quốc thì cứ 10 lớp toán và khoa học thì có một lớp được giáo viên không chuyên môn về ngành này giảng dạy.
Cuộc thống kê do Hiệp Hội Hiệu Trưởng Trung Học Úc Châu (Australian Secondary Principal Association) tổ chức hôm 1/8 vừa qua đã nêu lên sự thiếu hụt giáo viên trầm trọng tại các trường trung học công lập.
Hôm đầu tuần, khi thông báo kết quả của cuộc thống kê tại đại hội thường niên của Hiệp Hội tại Adelaide, ông Terry Woolley, chủ tịch hiệp hội, cho biết việc thiếu hụt giáo viên có bằng cấp chuyên môn sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nữa khi lớp giáo viên hành nghề từ thập niên 60 và 70 bắt đầu về hưu. Rất nhiều ngành học sẽ gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như điện toán, ngoại ngữ, kỹ thuật thông tin, toán, khoa học và thể dục.
Tại các vùng miền quê, vấn nạn này đã bắt đầu xảy ra. Ông Woolley nói: "Đã có vài trường không thể dạy sinh ngữ, kỹ thuật. Nhiều trường đã phải cắt giảm bớt các môn toán và khoa học. Đây là một cái vòng lẩn quẩn quái ác: nếu trường không thể dạy học sinh vài môn học, phụ huynh sẽ đưa con em qua trường khác, và vì thế nó ảnh hưởng đến chuyện sinh tồn của vài trường công lập".
TT DI TRÚ RUDDOCK: TỴ NẠN NGỒI LÌ CHỈ LÀ TRÒ MA MÃNH
CANBERRA: TT Di Trú Ruddock cho biết việc 6 người tỵ nạn Iraq sau khi bị cưỡng ép lên bờ Nauru lại tổ chức ngồi lì trên xe buýt hôm đầu tuần chỉ là một trò ma mãnh và đã chấm dứt sau khi các phóng viên truyền hình rời khỏi nơi đây.
Hôm đầu tuần lính Úc có vũ trang đầy đủ đã dùng vũ lực cưỡng ép người tỵ nạn trên chiến hạm Manoora phải đổ bộ lên bờ Nauru để vào trại tạm giam ở đây. Tổng trưởng di trú Phillip Ruddock cho biết việc đưa 217 người tỵ nạn, phần lớn là người Iraq và Pakistan, lên bờ là một điều cần thiết, bởi vì chiến hạm Manoora đang cần được điều động đi nơi khác.
Hai nhóm, mỗi nhóm 6 người đã bị 12 người lính trong tư thế tác chiến kè lên bờ. Sau đó, một nhóm quyết định ngồi lì trên xe buýt và từ chối không vào trại.
Thế nhưng, theo ông Ruddock thì họ đã rời xe không bao lâu sau đó, ông tuyên bố với đài truyền hình số 9 rằng: "Trên xe buýt không ai có thể ngủ hay ăn gì cả cho nên tôi nghĩ rằng họ có lẽ đã xuống xe sau khi giới truyền thông bỏ đi".
Khi được hỏi có phải sáu người đó tự động xuống xe sau khi các máy quay phim không còn đó thì ông cho biết: "Đúng vậy. Ngay cả chuyện rời tàu cũng vậy, họ chấp thuận. Thế nhưng khi lên bờ thì họ giở ra vài trò ma mãnh. Không ai bị đánh đập gì hết nhưng chính phủ yêu cầu họ phải lên bờ bởi vì chúng tôi cần chiếc chiến hạm cho những công việc khác".
THỦ HIẾN TASMANIA CHỈ TRÍCH CHÍNH PHỦ HOWARD VỀ VẤN ĐỀ NGƯỜI TỴ NẠN
HOBART: Thủ hiến Jim Bacon trong dịp công bố chính sách đa văn hóa của chính phủ Tasmania đã chỉ trích chính phủ John Howard về cách đối phó với vấn đề người tỵ nạn.
Ông đã lớn tiếng đặt câu hỏi về việc chính phủ Úc bỏ ra một ngân khoản nhiều triệu đồng để xây trại tạm giam người tỵ nạn tại một quốc gia khác trong khi phần lớn những người này cuối cùng rồi cũng sẽ định cư tại Úc.
Ông nói: "Tôi nghĩ đấy là một chuyện hết sức kỳ quặc. Mặc dù nó là hậu quả của những hoàn cảnh rất khác thường nhưng tôi tin rằng phần lớn dân chúng Úc đều cảm thấy đây là một hoàn cảnh hết sức lạ thường và chắc chắn là chúng ta không bao giờ muốn nó trở thành một chuyện thường trực xảy ra".
Ông nói thêm: "Tasmania luôn giang tay rộng mở đón chào tất cả những ai được quyền nhập cư tại Úc đến dịnh cư tại Tasmania".
Chính sách đa văn hóa của chính phủ tiểu bang xác định chỉ tiêu tăng tỷ lệ di dân định cư tại Tasmania từ 0.5% tổng số như hiện nay lên 1% vào năm 2010 và 3% vào năm 2020.
ĐỐI LẬP LIÊN BANG HỨA HẸN CẢI TỔ CÁC ƯU TIÊN QUỐC PHÒNG
CANBERRA:Hôm thứ Ba 2/10 vừa qua, đảng Lao Động đối lập liên bang đã tuyên bố rằng Úc cần phải thiết lập Bộ Nội Vụ (Ministry of Home Affairs) để chống lại tệ nạn khủng bố.
Đồng thời, đảng Lao Động cũng hứa hẹn sẽ thay đổi các ưu tiên quốc phòng.
Thủ lãnh đối lập liên bang, ông Kim Beazley cho biết nêu thắng cử, chính phủ Lao động sẽ thành lập Bộ Nội Vụ nhằm điều hợp các cơ quan tình báo, cảnh sát và quốc phòng.
Ông tuyên bố thêm là bộ Nội Vụ này sẽ được thành lập dựa theo mô hình của Anh Quốc và sẽ có những nhiệm vụ tương tự như nhiệm vụ của văn phòng British Home Secretary của Anh.
Ông Beazley nói: "Chúng ta đã tiến đến giai đoạn cần phải có Bộ Nội Vụ. Tôi sẽ thông báo thêm chi tiết trong cuộc vận động bầu cử tới đây về những trách nhiệm cụ thể của bộ này".
KHU GIẢI TRÍ LUNA PARK TÁI HOẠT ĐỘNG
MELBOURNE: Sau sáu thàng ngưng hoạt động để tân trang và tu bổ, khu giải trí Luna Park tại St Kilda đã hoạt động trở lại từ hôm đầu tuần, kịp thời cho kỳ nghỉ hè của học sinh.
Hôm cuối tuần qua, hơn 4,000 người đã lũ lượt kéo nhau đến giải trí tại khu giải trí lâu đời nhất nước Úc. Và sau đó, vào hôm đầu tuần, Luna Park đã chính thức tái khai trương sau một thời gian dài im tiếng.
Được biết trong sáu tháng qua, công ty BCR Asset Management, công ty hiện đang điều hành Luna Park, đã bỏ ra hơn $10 triệu để tu bổ, tân trang thêm những trò chơi hào hứng tại đây, ngõ hầu tạo cho khách hàng những giây phút giải trí hào hứng.
Ngoài việc tân trang cho Scenic Railway, Luna Park hiện có thêm chín chuyến đi không kém phần hồi hộp nghẹt thở rùng rợn như Shock Drop hoặc Indy 500.
Ông Ron Basset, phát ngôn viên của BCR Asset Management, cho biết đây là một kỷ nguyên mới trong lịch sử của khu giải trí này, và công ty đã cố gắng cân bằng giữa đòi hỏi của khách hàng về những trò chơi hiện đại tân tiến cùng với nhu cầu bảo tồn di sản lịch sử của Luna Park.
THẢM NẠN TRÊN BIỂN CẢ
PERTH: Một phụ nữ từ Perth đã phải cố bám víu vào hòn đá chơ vơ giữ biển trong suốt 23 giờ đồng hồ sau một tai nạn đã khiến cho hai dứa con và người bạn đời của bà bị chết thảm.
Cảnh sát cho biết họ đi trên một chiếc thuyền, ra biển để câu cá, thế nhưng vì thấy sóng quá lớn, quay mũi thuyền vào bờ thì bị một ngọn sóng lớn đánh lật con thuyền, đánh văng người đàn bà và người đàn ông ra khỏi thuyền. Hai đứa trẻ, bé trai 7 tuổi và bé gái 5 tuổi, có mặc áo cấp cứu, bị kẹt trong khoang tàu khi tàu chìm, nhưng sau đó đã chui ra được và trồi lên.
Người thiếu phụ hai lần lặn xuống nơi tàu chìm để tìm con nhưng bị sóng đánh dạt lên hòn đá. Và đã phải bấu víu vào đấy cho đến khi được giải cứu hồi 9 giờ sáng thứ Hai vừa qua.
Cảnh sát cho biết đã tìm thấy xác của người đàn ông và hai đứa bé khoảng 6 cây số phía Bắc của hòn đá.
Người thiếu phụ bất hạnh đã được đưa vào bệnh viện St John of God Health Care để điều dưỡng. Bà hiện đang ở trong tình trạng ngihêm trọng nhưng không nguy hiểm.
HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ CENTRAL COAST TẶNG TIỀN CHO NGƯỜI XÂY NHÀ
HOBART: HĐTP Central Coast tại Tasmania bắt đầu một chương trình khuyến khích dân chúng đến xây hoặc mua nhà mới trong phạm vi của Central Coast: từ tháng 7 năm nay, bất cứ ai mua hoặc xây nhà mới đều được HĐTP tài trợ cho một ngân khoản là $1,000.
Đây là sáng kiến của thị trưởng Mike Downie nhằm khuyến dụ dân chúng dọn đến đây và đồng thời giúp cho kỹ nghệ xây cất nhà cửa tại vùng này. Chương trình này đã được vạch ra sau khi phòng kế hoạch của HĐTP cho thấy hiện đang có từ 400 đến 450 khu đất trống có đầy đủ tiện nghi điện nước và cống rãnh trong địa phận của HĐTP.
Nghị viên Downie cho biết HĐTP đã dự phòng một ngân khoản là $45,000 cho chương trình, để thử nghiệm trong một năm. Ông nói: "Từ tháng 8 đến giờ đã có 7 người chấp nhận lời mời của chúng tôi. Ngân hàng cho biết số tiền trợ cấp $1,000 đã đủ giúp cho một cặp vợ chồng trẻ gần đây hội đủ điều kiện mượn tiền mua nhà".
Ông nói thêm: "Chúng tôi quyết định sẽ làm đầy 400 khu đất trống đó".
CHỦ TIỆM NHẬU CABRAMATTA ROSS TREYVAUD HĂM HE NHÀO VÀO CHÍNH TRƯỜNG
CABRAMATTA: Một trong những người thường lớn giọng chỉ trích chính phủ Bob Carr về các chính sách liên quan đến Cabramatta đã bắn tiếng sẽ nhào vào chính trường tiểu bang để "mang công đạo" về cho Cabramatta.
Chủ tịch Hiệp Hội Thương Gia (Chamber Of Commerce) của vùng, và là chủ của quán nhậu Cabramatta Inn, nơi có số thâu từ máy kéo nằm trong hàng cao nhất của tiểu bang, Ross Treyvaud, hôm đầu tuần tuyên bố ông có thể sẽ ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập cho đơn vị Cabramatta trong kỳ tuyển cử tiểu bang năm 2003.
Ông nói với phóng viên tờ Telegraph rằng: "Nếu tôi phải ra tranh cử vì không có một ứng cử viên nào mà tôi tin tưởng là có thể đem công đạo về cho Cabramatta, thì tôi sẽ làm thế".
Ông nói thêm: "Đứng ở phía ngoài vòng chính trị và chọi đá vào tấn công vẫn đạt được nhiều kết quả hơn, nhưng ngược lại, khu vực này cần được đại diện đúng đắn".
Ông cho rằng chính phủ tiểu bang chỉ "làm cho lấy lệ" ("tokenistic") trong vấn đề đối phó với vấn nạn ma túy của Cabramatta. Ông nói: "Để mang lại công bằng xã hội cho Cabramatta, họ phải bị nắm cẳng lôi xềnh xệch đến đó mà miệng vẫn la ó phản đối".
Ông cho rằng nữ dân biểu Reba Meagher đã không đại diện cho Cabramatta trong quốc hội tiểu bang mạnh mẽ bằng người tiền nhiệm. Ông nói: "Đối với rất nhiều người ở chung quanh đây cô ta không phải là một người đại diện xứng đáng".
THỦY KHẤU HOÀNH HÀNH TẠI SYDNEY
SYDNEY: Trong vòng hai tháng vừa qua, bọn thủy khấu đã ra tay hoành hành trộm cắp hơn 30 ngôi nhà dọc theo bờ sông Port Hacking ở các bán đảo phía Nam Sydney.
Bọn thủy khấu này đã nhắm vào mục tiêu là các căn nhà thuộc những vùng Yowie Bay, Lilli Pilli, Port Hacking, Buraneer và Cronulla để trộm nữ trang và tiền bạc lên đến hàng chục ngàn đồng.
Thanh tra Stuart McNeice thuộc đồn cảnh sát Cronulla cho biết "Các bán đảo của chúng tôi chưa bao giờ bị tấn công dữ dội như thế này".
Các vụ trộm bắt đầu từ khoảng tháng 7 và gia tăng nhanh chóng trong tháng 8. Trong khoảng thời gian từ 15/8 đến 15/9 đã có hơn 22 vụ trộm xảy ra.
Ông McNeice nói: "Đường tẩu thoát duy nhất trong rất nhiều trường hợp là đường thủy bởi vì chỉ có một lối ra vào duy nhất bằng đường bộ và chúng khó tẩu thoát bằng lối đó.
Bọn trộm, thường tấn công vào khoảng giữa trưa, được nghi ngờ đã qua lại trên sông để rình xem nhà nào vắng chủ là tấn công. Vì đồ đạc trộm cắp chỉ là nữ trang và tiền mặt, nên bọn trộm chỉ cần một chiếc ghe máy là có thể tổ chức những vụ trộm táo bạo này. Trong vài trường hợp, thang trèo được vất lại gần bờ sông, chứng tỏ đây là lối thoát của bọn thủy khấu.
BÉ GÁI TẮM BIỂN BỊ THÚ LẠ TẤN CÔNG
BRISBANE: Một bé gái 8 tuổi đã bị thương tích trầm trọng trên ngực, tay, bụng và đầu gối sau khi bị tấn công tại một khu nước chỉ sâu 5 tấc tại vùng biển gần Port Douglas.
Bé Taleesha Fegatill đang bơi lội với người chị và đứa em trai song sinh tại bãi biển Four Mile thì bị tấn công dã man.
Cha em, ông Bruno Fegatill cho biết ông thấy nước rẽ ra gần nơi con gái mình đang tắm, nhưng sau đó thì cuộc tấn công xảy ra quá nhanh, ông không kịp xem con gì đã cắn em. Ông nói: "Chỉ năm giây thôi. Tôi đứng cách nó khoảng 7 hay 8 thước, tôi nghe nó rú lên, thấy nó giơ tay lên và tôi thấy nó bị cắn khá trầm trọng. Có lúc tôi tưởng con gái tôi chết rồi, vì khi tôi ôm nó trên tay thì máu nó tuôn xối xả".
Ông Fegatill cho biết ông đã dùng khăn tắm, bó chặt những vết thương để cầm máu. Ông cho biết thêm nhân viên của Dịch Vụ Park & Wildlife Services đã đến bệnh viện thăm bé Taleesha và khám nghiệm dấu cắn để xác định loại động vật nào đã tấn công em. Ông nói: "Họ vẫn không thể xác quyết được đó là một con sấu. Có những dấu xé trên người Taleesha trông như bị một loại càng kẹp và xé".
XE BUÝT KHÔNG CÓ DÂY AN TOÀN GÂY NGUY HIỂM CHO HỌC SINH
MELBOURNE: Rất nhiều học sinh Victoria đã không được phụ huynh cho phép tham gia vào các cuộc du ngoạn do trường tổ chức vì những xe buýt dùng để chuyên chở các em đã không có dây đeo an toàn.
Chủ tịch hội phụ huynh học sinh Parents Victoria, bà Lynne Reddon cho hay bà nhận được vài chục cú điện thoại từ phụ huynh cho biết họ không muốn con em họ xử dụng các xe buýt không có dây an toàn.
Bà nói: "Không có bao nhiêu xe buýt có dây an toàn và nhà trường phải đặt trước rất lâu mới được". Bà cho rằng tất cả các xe buýt chuyên chở học sinh cần phải có dây an toàn và các em phải bị bắt buộc đeo dây.
Vấn đề về dây an toàn đang được nghiên cứu lại trong chương trình của chính phủ, dưới sự hướng dẫn của dân biểu Theo Theophanous, tái duyệt các dịch vụ xe buýt chở học sinh.
Chương trình tái duyệt này cũng sẽ nghiên cứu việc nới rộng các tuyến đường đến những khu vực ngoại ô hoặc thôn quê. Bà Reddon cho biết nhiều phụ huynh phải lái xe ít nhất một giờ mới chở con đến trạm xe buýt gần nhất. Bà nói thêm là 12 tháng đã qua sau kỳ duyệt xét trước mà không có một đề nghị nào của kỳ duyệt xét đó được thực thi cả.
ĐẢNG ONE NATION GIÚP ĐẢNG TỰ DO
PERTH: Đảng One Nation tại Tây Úc đã thẩy một cái phao cứu vớt cho TNS Ross Lightfoot của đảng Tự Do trong kỳ tổng tuyển cử liên bang sắp tới đây. Họ đã quyết định dồn phiếu qua cho TNS Lightfoot trước tất cả bất kỳ TNS nào khác của Tây Úc.
Việc này sẽ giúp cho ông Lightfoot giữ được cái ghế của mình và đánh bại sự thách đố của cựu lãnh tụ đảng Quốc Gia là ông Henry Cowan.
Trong một cuộc họp gần đây, ban thường vụ đảng One Nation Tây Úc đã quyết định sẽ đưa ông Lightfoot vào vị trí ưu tiên sau các ứng cử viên của đảng, mặc dầu ông nằm ở vị trí thứ 3 của đảng Tự Do.
Phó chủ tịch quốc gia của đảng One Nation, ông John Fischer đồng ý rằng quyết định này sẽ cứu vãn được sự nghiệp của ông Lightfoot. Ông nói: "Chúng tôi nghĩ rằng ông Lightfoot là một người ái quốc, và thượng viện quốc gia cần những chính trị gia ái quốc để canh chừng hai đảng chính".
Nếu ứng cử viên của One Nation là Graeme Campbell không thắng cử thì số phiếu ưu tiên kế tiếp (preferences) của ông sẽ giúp ông Lightfoot tái đắc cử.
TNS Lightfoot cũng thú nhận là cách dồn phiếu ưu tiên như hế sẽ giúp cho mình.
CẢNH SÁT SẼ THÂU BĂNG TẤT CẢ CÁC CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI CÔNG CHÚNG
BRISBANE: Nếu chương trình thử nghiệm ở Đông Nam Queensland thành công thì cảnh sát tại tiểu bang này sẽ ghi âm lại tất cả những cuộc đối thoại với công chúng.
Các cuộc ghi âm, bắt đầu ngay từ khi cảnh sát khởi sự đối thoại với một người thường dân, được thực hiện nhằm mục đích ngăn chận việc bằng chứng bị ngụy tạo và đồng thời ngăn chận việc người ta làm đơn than phiền láo về cảnh sát đến Criminal Justice Commission (CJC). Đây là một đề nghị của chính Ủy Ban CJC từ tháng Ba vừa qua.
Cả cảnh sát lẫn những người tranh đấu cho quyền tự do chung của công chúng đều tán thành chương trình thử nghiệm này.
Được biết rất nhiều cảnh sát viên đã tự động ghi âm các buổi đối thoại một cách không chính thức nhằm tự bảo vệ mình không bị than phiền.
Bộ trưởng cảnh sát Queensland, ông Tony McGrady xác nhận rằng một chương trình ghi âm thử nghiệm đang tiến hành tại đồn cảnh sát Cleveland, phía Đông của Brisbane.
Ông nói: "Chương trình thử nghiệm sẽ giúp ích trong việc xác định việc ghi âm sẽ mang những lợi ích nào cho công chúng cũng như cho nhân viên công lực đang thừa hành nhiệm vụ".
Ông cho biết chương trình thử nghiệm sẽ có ba phân đoạn, mỗi phân đoạn là ba tháng, và sau khi chương trình thử nghiệm hoàn tất, một bản báo cáo tường tận sẽ được trao nộp cho chính phủ tiểu bang nghị xét.
MƯỚN TAXI CHỞ ĐI ĂN CƯỚP MỘT CHỊ XỘ KHÁM
SYDNEY: Một người đàn bà gọi taxi chở đến cửa hàng mình tính đánh cướp đã bị xộ khám sau khi bác tài taxi dẫn cảnh sát đến tận nhà chị ta.
Hồi đầu tuần, Jeannie Anne Marie Vincent 25 tuổi đã phải ra hầu tòa tại Parramatta về tội cướp, sau khi được cho là đã cố tìm cách cướp tiệm Maroubra Fashion House trước đó.
Cảnh sát cho biết cô ả Vincent gọi xe taxi tại Eastlakes và bảo xe ngừng lại ở Trade Winds Hotel gần đó để y thị "lấy tiền cho mẹ". Sau đó y thị bước vào Maroubra Fashion House, chĩa cây dao dài 20cm vào bụng người bán hàng, hăm dọa sẽ đâm nếu không mở máy lấy tiền nộp. Tuy nhiên, khi người bán hàng hét lên để cầu cứu thì y thị đã vọt chạy ra khỏi tiệm mà chưa lấy được đồng nào.
Thế rồi y thị trở về chiếc taxi đang đợi, bảo chở đến một địa chỉ trên đường Vernon tại Eastlakes rồi sẽ trả tiền. Khi đợi quá lâu không thấy y thị trở lại, bác tài taxi quay trở lại cửa tiệm, nghĩ rằng bà con của y thị làm việc tại đó. Và thế là các thám tử cảnh sát đang có mặt tại hiện trường bảo bác chở đến tận cửa nhà và tóm bắt y thị.
Tòa đã từ chối không cho y thị được tại ngoại hầu tra.
GIÁ SINH HOẠT NAM ÚC SẼ TĂNG VÌ NẠN THƯA KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG
ADELAIDE: Theo nguồn tin từ báo The Advertiser tại Nam Úc thì dân chúng khi đi chợ sẽ phải trả giá cao hơn cho các cửa tiệm vì tiền bồi thường tai nạn tại các cửa tiệm ngày càng tăng vọt, điển hình là việc một phụ nữ được bồi thường $98,000 vì đã trượt chân ngã nhào sau khi đạp nhằm một lá xà lách.
Trong số những vụ kiện đã ngã ngũ hoặc đang chờ xử có vụ một người đàn bà kiện cửa hàng Big W vì chân bà bị kẹt trong khi đang thử quần jean tại đấy, một kế toán viên bị trợt ngã vì "một vật gì xanh xanh như lá cây" tại siêu thị Coles, một phụ nữ được nhận $25,000 bồi thường sau khi trượt chân vì một miếng khoai chiên tại thương xa Westfield ở Marion.
Giám đốc điều hành Hiệp Hội Những Cửa Hàng Bán Lẻ (Australian Retail Association) tại Nam Úc, ông Stirling Grif nói: "Tiền lệ phí bảo hiểm sẽ tăng vọt và các cửa tiệm sẽ không thể nào kham nổi và sẽ chuyển sự tăng giá này đến người tiêu thụ".
Luật sư Gary Coppola, đại diện pháp lý của Woolworths, nói rằng tình hình sẽ trở nên tệ hại hơn nữa nếu không định mức tối đa số tiền được bồi thường về tai nạn cho công chúng (public liability), như đã được thực hiện cho các vụ tai nạn xe cộ. Ông nói: "Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao nếu tôi bị gãy chân trong một tai nạn xe cộ, tôi chỉ có thể nhận được tiền bồi thường bằng 2/3 số tiền bồi thường cho việc tôi trượt ngã tại siêu thị".
DỰ ÁN TRUNG TÂM ĐA VĂN HÓA GÂY NHIỀU BẤT MÃN
CANBERRA: Lời hứa hẹn của chính phủ Tự Do ACT sẽ xây dựng một Trung Tâm Đa Văn Hóa trên mảnh đất mà Pensioners' Club (Câu Lạc Bộ Những Người Hưu Trí) đang tọa lạc tại Civic đã tạo nhiều bất mãn trong số các dân biểu không thuộc đảng Tự Do, cho thành viên của câu lạc bộ cũng như giới lãnh đạo cộng đồng sắc tộc tại đây.
Thủ hiến Gary Humphries vừa ra thông báo về dự án và đã bị liên tục tấn công.
Ông nói: "Chắc chắn có nhu cầu cho dự án này. Chúng tôi đáp ứng những đòi hỏi của công chúng".
Ông Humphreys cho biết trung tâm mới này sẽ là tụ điểm cho sinh hoạt của cộng đồng sắc tộc, đặc biệt là những cộng đồng ít người, cần hỗ trợ. Ông cũng cho biết thêm trung tâm sẽ được công ty tư xây dựng như một phần của một chương trình phát triển rộng lớn hơn và chính phủ sẽ cung cấp đất với giá rẻ hơn cho những nhà phát triển địa ốc. Khu đất được xử dụng được biết đến dưới tên The Rocks.
Lãnh tụ đối lập, ông John Stanhope lên án đảng Tự Do đã hứa lèo trong kỳ bầu cử năm 1997 với những lời hứa tương tự nhưng đã không thực hiện. Ông nói: "Đảng Tự Do chỉ còn biết khơi lại những lời hứa bị nuốt lời trước đây".
Dân biểu đảng Xanh, bà Kellie lại quan ngại hơn về tính bốc đồng của lời thông cáo đã gạt qua hết tất cả những kế hoạch và những tham khảo trước đây với những người thuê mướn ở đấy. Bà nói: "Đã có những cuộc nghiên cứu tiền khả thi do chính phủ tài trợ và một bản thảo thiết kế cộng đồng do các tổ chức cộng đồng tại đây thực hiện sắp xong và trợ cấp đã xin được cho giai đoạn hai. Tất cả những nỗ lực đó đều bị gạt bỏ đi hết".
Phát ngôn nhân của cộng đồng sắc tộc, và đồng thời là ứng cử viên trong kỳ tuyển cử sắp tới, ông Vic Rebikoff (đảng Lao Động) và ông Domenic Mico (đảng Dân Chủ) cũng chỉ trích thông cáo của ông Humphries.
Một trong những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, bà Edna Russel, chủ tịch Pensioners' Club, rất tức giận. Bà nói: "Tôi sẽ chống đối lại việc này. Chẳng ai thông báo gì cho chúng tôi biết cả. Hội viên của chúng tôi vừa bỏ ra $1000 để tự sơn lại phòng hội của câu lạc bộ và $800 để nới rộng văn phòng".