Sartre: La Nausée
Cái sống nào mà chẳng cứ thế lòi ra chẳng cần lý do, cứ thế lòng thòng chỉ là do chết nhát, và chết đứ đừ,
Do ngẫu nhiên
Sartre: Buồn Nôn
Con số xui xẻo rơi trúng vào Sartre, và cuốn sách triết của ông, thường “bị” coi là thuổng Hữu thể và Thời Gian của Heidegger. Cũng không oan lắm đâu, nhưng ngoài Heidegger, còn có [còn thuổng] Husserl, Kierkegaard, Jaspers, hay nói theo Frédéric Beigbeder, tác giả cuốn Bản Phong Thần Cuối Cùng: đây là một triết luận với một lối viết rất ư là nhọc nhằn, trong đó, Sartre xây dụng chủ nghĩa hiện sinh, “gợi hứng” [thuổng] từ Husserl, Heidegger, Kierkegaard và Jaspers. Và điều mà Sartre làm đối với Heidegger ở trong cuốn sách triết học của ông, giống y chang điều mà tôi [Biegberder] làm với ông ta [Sartre], ở đây, ở trong cuốn Bảng Phong Thần Cuối Cùng: một thứ reader’s digest tản mạn, lan man, mô phỏng, bông phèng, để giải trí, cho đỡ buồn…
Nhưng tại làm sao sáu ngàn độc giả Pháp không chọn những cuốn “dễ đọc” hơn của ông, thí dụ như Buồn Nôn, Những Chữ… mà lại chọn Hữu Thể và Hư Vô, cái tiểu đề của nó, nghe còn khó hiểu hơn nữa: Luận về bản thể học hiện tượng luận [Essai d’une ontologie phénoménologique]! Beigbeder tự hỏi, trong số những mấy ngàn độc giả chọn nó, có mấy ai đã từng đọc"
Điều đau hơn cả bị hoạn, đối với Sartre, là, bởi vì ông nổi đình nổi đám với Hữu Thể và Hư Vô, trở thành giáo chủ của giáo phái Hiện Sinh, khiến người ta “quên”, ông là một… nhà văn! Tác giả của một cuốn tiểu thuyết mà chắc chắn sẽ còn sống mãi, sống dai hơn Hữu Thể và Hư Vô, và sau này, chắc chắn, người ta còn khám phá ra rất nhiều điều tuyệt vời ở trong cuốn này: Buồn Nôn.
Đây cũng là một trong những cuốn sách đầu đời của Gấu tôi.
Còn nhớ, một lần ngồi Quán Chùa, chỉ có hai “anh em” là thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, và Gấu tôi, câu chuyện lòng dòng không biết sao dẫn tới Sartre. Ông bảo tôi, Sartre viết cuốn đó, bị nhà xb vứt vào thùng rác, vì coi đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết bình dân, lại còn thuổng của Dostoievsky… Đây chỉ là viết theo trí nhớ cuộc nói chuyện không biết từ đời tám hoánh nào, thời cực thịnh của Quán Chùa, nhưng có một chi tiết thật tuyệt vời mà ông kể lại cho thằng em. Ông bảo: Sartre khi viết cuốn đó, lúc nào cũng cảm thấy cua bò trên lưng!
Tôi nói:
-Em mê cuốn này lắm!
Ông trợn mắt:
-Cậu hiểu “nó” hả"
Tôi thu hết can đảm, nói một cách “xưng xưng”:
-Em nghĩ là em hiểu!
Ông nói:
-Vậy là cậu hơn tôi rồi!
Ông nói một cách thật lòng. Tôi tin như vậy. Và bao nhiêu năm sau này, mãi đến bây giờ, tôi vẫn tin như vậy.
Như thể cùng với niềm tin của ông anh, về chuyện đọc, và hiểu được cuốn Buồn Nôn, ông còn tin tôi, có thể đọc tiếp được nhiều cuốn Buồn Nôn khác nữa. Còn tiếp tục viết nữa. Và biết đâu, trong những tác phẩm chưa có đó, sẽ có một cuốn, cũng có tên là:
Buồn Nôn.
Nhưng, như Beigbeder viết, trích dẫn một tay “diễu cợt gia”: “Làm sao bạn có thể tin một gã trí thức, mắt nọ ‘đ..’ mắt kia"” [Comment voulez-vous croire un intellectuel qui a un oeil qui regarde à gauche et l’autre qui regarde à droite"”
Nghe cứ như chửi… Gấu tui!
NQT