Mấy thập niên gần đây, Computers đã giúp cho một số ít người làm giàu ngoài sức tưởng ở Mỹ. Như trong Cách mạng kỹ nghệ, máy móc đã giúp những nhà sản xuất lớn, những ông chủ thị trường tập trung, tích lũy tài sản kết xù, Rockefeller, Carnegie, computers ngày nay đã tạo nên Bill Gates trở nên giàu nhứt nước Mỹ chỉ trong vài năm. Computers đã giúp cho thị trường chứng khoán kỹ thuật cao tăng 5 lần trong thập niên 1990, kéo theo các nhà đầu tư chứng khoán đã giàu lại giàu thêm. Nhưng chỉ một số ít người được hưởng tài lợi từ computers.
Đại đa số dân Mỹ thì bị thiệt thòi do mất việc làm. Mỗi lần một công ty thay đổi hệ quản trị, hệ sản xuất bằng computers là mỗi lần một số lớn nhân công mất việc. Mấy thập niên qua, hàng chục triệu việc làm đã bị computers cướp mất. Mỗi một việc mất thường là một nhân công hay đúng hơn là một gia đình Mỹ rơi vào khó khăn.
Computers còn làm cho xã hội phân hóa hơn. Năm 1999, thống kê cho thấy 30 phần trăm dân số Mỹ xài Internet. Số người sử dụng không phải là người Mỹ thông thường; họ là lớp người được ưu đãi. Trong 30 phần trăm đó, 95 phần trăm là người Mỹ trắng, 60 phần trăm là phái nam, 40 phần trăm là chuyên viên, quản trị. Computers trở nên dấu hiệu của một giai cấp ưu tú mới, như cổ áo trắng (white collar) tượng trưng cho người làm bằng trí óc, cổ xanh (blue collar), kẻ làm bằng tay chân.
30 phần trăm xài Internet mà 95 phần trăm là Mỹ trắng thì các nhóm thiểu số vốn được gọi là nhóm bị thiệt thòi (disadvantaged) trong xã hội cùng bị thiệt thòi hơn trong lãnh vực computer.
Thử bước vào một tiệm bán nhu liệu (software) sẽ thấy computers trọng nam đến mức nào. Đa số các trò chơi trên computers được thiết kế cho cu tí. Ngay ở cửa Khổng Sân Trình, Đại học Mỹ các lớp computer cũng rất vắng bóng hồng.
Còn về tuổi tác thì computer hợp với giới trẻ hơn già. Người lớn tuổi ngoài mắt yếu, dị ứng màn hình, lại được giáo dục trước khi computers ra đời, nên hòa nhập vào dòng computer cũng khó.
Computer vi phân xã hội Mỹ là thế! Nó còn tạo bất bình đẳng trên bình diện toàn cầu. Theo New York Times, năm 1997 có 175 quốc gia trên tổng số 191 quốc gia của thế giới nối mạng Internet. Số nước nối mạng thì nhiều, nhưng số người sử dụng lại rất ít, nhất là số người ở Phi châu và Á châu, hai châu chứa phần lớn nhân loại. Lý do rất dễ hiểu, đó là vùng nghèo. Lợi tức đồng niên quá thấp. Tay làm hàm nhai chưa đủ, làm sao mua nổi computer. Lý do thứ hai là trở ngại ngôn ngữ. Phát nguyên từ Mỹ, computers từ bàn phím dùng mẫu tự La tinh, đến nội dung viết nói bằng Anh ngữ, trong khi trên hành tinh nầy có 20% nhân loại nói tiếng Hoa, 6% nói tiếng I pha nho (Tây Ban Nha), và chỉ 10% tiếng Anh thôi (Peters Atlas of World, 90). Còn lại, 74% nói các ngôn ngữ khác, không phải là Anh hẳn rồi. Gút lại, trên dưới 90 phần trăm không hưởng được lợi ích Internet.
Các dữ kiện và con số trên mặt trái của computer của cuộc Cách mạng Tin học làm nhớ lại hai cuộc cách mạng nông nghiệp và kỹ nghệ trong lịch sử tiến hóa của con người. Chính sự bất bình đẳng về phân phối lợi tức tạo nên xáo trộn xã hội. Cộng sản khai thác tối đa bất bình đẵng ấy. Theo đồ thị Kuznets, bất bình đẳng lên cao nhất trong thời kỳ nông nghiệp, hay tại các quốc gia nông nghiệp. Đó là lý do tại sao Cộng sản thường làm cách mạng thành công ở xã hội nông nghiệp. Nhưng tại xã hội kỹ nghệ hóa, bất bình đẵng tăng lúc kỹ thuật thay đổi rồi giảm dần để bình lại. Nó bình lại nhờ cơ chế chánh quyền dân chủ dùng thuế khóa tái phân phối lợi tức. Giàu đóng thuế cao. Nghèo nhà nước trợ cấp qua chương trình an sinh xã hội. Đa số các quốc gia dân chủ dần dần tiến đến chế độ Nhà nước An sinh (Welfare State), hạn chế một cách êm đềm sự bất bình đẳng lợi tức giữa người giàu và nghèo. Sự giúp đỡ từ Nhà nước bắt đầu lúc đứa trẻ còn trong bụng mẹ đến khi lớn lên, nhắm mắt lìa đời. Đó là mô hình Cộng sản dùng làm chiêu bài, khẩu hiệu cho cuộc đấu tranh giai cấp. CS thất bại vì dùng võ lực, bạo lực để tiến nhanh. Dân chủ đi chậm mà chắc và bền. Các quốc gia Tây Âu từ sau Cách mạng 1789, Hoa Kỳ từ ngày lập quốc đã mấy trăm năm mới có ngày nay.
Trễ còn hơn không. CSVN có lẽ cũng nên sớm chịu khó đối chiếu lịch sử và các thể chế chính trị để tìm một hướng đi trong Thời đại Tin học nầy.