Nhưng đâu chỉ Anh Môn, mà tác giả, Alain-Fournier (1886-1914), cũng là bản gốc cho nhiều tác giả - nổi tiếng, lẽ tất nhiên - thí dụ như Fowles, nhà văn Hồng Mao có cả một câu lạc bộ riêng, gồm những độc giả mê ông. Với ông này, Anh Môn có tên là Miền Đã Mất, The Lost Domaine, như một tiểu luận của ông, mở ra bằng một câu trong một lá thư vào năm 1911 của Alain-Fournier:
"Tôi mê điều huyền diệu chỉ khi nó bị thực tại ôm chặt không sao rứt ra nổi, chứ không phải cái thứ huyền diệu làm thực tại bực mình, hoặc tính chơi cha nó”.
[I like the marvelous only when it is strictly enveloped in reality, not when it usepts or exceeds it].
Fowler viết: Tôi ngờ rằng, Miền Đã Mất (Anh Môn) là một cuốn sách hiếm, lạ, mà một độc giả sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều, nếu chỉ đọc, mà chẳng bao giờ tìm hiểu nó.
Đúng là ao ước về một độc giả lý tưởng, người yêu lý tưởng: Hãy chiêm ngưỡng, nhưng nhớ đừng tra hỏi. Như thể họ sợ rằng, “sờ” vào đó, hoặc quá nữa, mở nó ra, là một việc làm báng bổ, phạm thánh! Một cuốn sách như thế, một nhan sắc như thế, là để thờ phụng chứ không phải để sàm sỡ!
Tuy nhiên, Fowles nói, nếu độcc giả Anh ngữ, muốn tìm hiểu, có thể đọc cuốn “Anh Môn” của Robert Gibson, trong loại sách hướng dẫn đọc những bản văn tiếng Pháp, của nhà xb Grant and Cutler, London, 1986.
Le Dur Désir De Durer: Ao ước được trường tồn.
Frédéric Beigbeder truy tìm nguồn gốc từ ao ước: Désir. “Dé”, là từ tiếp đầu ngữ “de”, “de” là từ tiếng Latinh “siderere”: ngôi sao. Như vậy ao uớc có nghĩa là ao ước một ngôi sao đã mất, một ngôi sao mà người ta chạy theo năn nỉ, “chờ tôi với”, nhưng chẳng bao giờ bắt kịp. Và đây chính là thông điệp của cuốn Anh Môn: Tôi không phải một cuốn sách. Tôi là một giấc mộng.
Như tác giả của nó, đã viết cho bạn mình, là Jacques Rivière, vào năm 1910: “Je cherche l’amour” [Tôi tìm tình yêu].
Ở miền nam, Anh Môn có một vị trí giống như Hoàng Tử Nhỏ của Xanh Tếch [Saint-Exupéry]. Ông bạn của Gấu tôi, thi sĩ Joseph Huỳnh Văn mê cuốn này lắm. Nhưng cái ngôi sao thất lạc mà anh chẳng bao giờ bắt gặp, lạ một điều, lại chính là…. Hà Nội! Người tình mà bạn tôi tìm kiếm, là Hà Nội, theo như tôi hiểu được, qua lời kể của bà xã của anh, Chị Văn, qua một lần trò chuyện viễn liên, sau khi Gấu tôi được tin anh mất, và xin được số điện thoại của gia đình. Gia đình không còn ở con hẻm đường Trương Minh Giảng, gần cổng xe lửa số 6 nữa, mà rời về Phú Nhuận. Cô con gái lớn đã lập gia đình, và hiện đang ở Mỹ.
Chị cho biết, thời gian trước khi mất, anh Hiến [Joseph Huỳnh Văn] vui lắm, chứ không như những ngày đó đâu. Bạn nhiều lắm, nhất là mấy anh trẻ, rất mê thơ, và rất quí mến anh Hiến. Họ định ra một tạp chí Thơ, y như hồi các anh làm tờ Tập San Văn Chương, nghĩa là kéo nhau ra quán tối ngày. Anh ấy mất cũng tại một quán cà phê. Chị bùi ngùi nói, anh ấy có bịnh tim, đang ngồi nói chuyện gục xuống, giá mà mấy người bạn để anh ấy nằm nghỉ thoải mái, và thoa bóp cho anh, thì chắc không sao. Họ cuống lên chở vội tới một tay bác sĩ, tay này sợ trách nhiệm, hối chở ngay tới bệnh viện, dọc đường anh mất… À, mà anh biết không, anh ấy có một bài thơ về Hà Nội.
Tôi hỏi: Anh Hiến có ra Hà Nội lần nào, chị nói chưa.
Hỏi bài thơ, không có. Không có chứ không phải không còn. Và nói có, thì bài thơ cũng chỉ ở trong đầu anh Hiến…
Chuyện như thế này:
Vào những ngày anh Hiến như sống lại, nghĩa là anh lại có hứng làm thơ, anh cứ lẩm nhẩm ở trong đầu, một bài thơ về Hà Nội. Lâu lâu, hứng lên, giữa đám bạn bè mới quen, anh đọc một, hoặc hai câu. Nghe họ kể lại, hay lắm. Nhưng hỏi xong chưa, anh nói chưa xong, chưa được…
Rồi anh mất, và bài thơ đi luôn cùng với anh.
Lạ một điều hỏi mấy anh từng nghe anh đọc, một hay hai câu mà họ nói là hay đó, chẳng ai nhớ, dù chỉ một từ, một hình ảnh….
Nghe kể lại, tôi biết, anh nhớ tới thằng bạn Hà Nội đã đi xa, và những ngày đầu hai đứa quen nhau, khi làm tờ Tạp San Văn Chương.
Cũng là những ngày hai đứa luôn nói về Thơ
Và, lẽ tất nhiên, về Huế.
Và Hà Nội.
Hà Nội là cái quái gì!
Thanh Tâm Tuyền
Frédéric viết: Có thứ tình kiểu cách, có thứ đam mê lãng mạn. có thứ tình thăng hoa kiểu Stendhal; Alain-Fournier sáng tạo ra cú sét đánh một chiều (coup de foudre unilatéral). Ngay một khi hai chiều, nó trở nên chán ngấy! Yêu thì đẹp, nhưng trường kỳ được yêu, là không thể chịu đựng nổi. Trong một cặp như vậy, một người đau khổ, và một người buồn bực. Tốt nhất, nên làm kẻ đau khổ, nghĩa là kẻ đi tìm tình yêu, chứ đừng làm một kẻ buồn bực.
Và như tất cả những cuốn tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn: chúng đòi hỏi một điều thật là ác nghiệt, rằng, những kẻ đẻ ra chúng tôi, phải chết trẻ. Kẻ Xa Lạ của Camus, Ông Hoàng Nhỏ của Xanh-Tếch, Boris Vian, năm 39 tuổi, Raymond Radiguet, 20 tuổi… Alain-Fournier, trung uý, tử trận năm 28 tuổi, tại khu rừng Saint-Rémy, ngày 22 tháng Chín năm 1914.
NQT