Sự thật đảng Cộng sản Trung Quốc không sợ đảng Dân chủ Cấp tiến của tân Tổng Thống Trần Thủy Biển và cũng không sợ đảng này sẽ tuyên bố Đài Loan độc lập. Ông Trần sẽ không dại gì mà làm chuyện đó. Chúng tôi viết bài này trước ngày ông Trần tựu chức Tổng Thống, không biết ông sẽ nói gì. Nhưng nếu ông nói Đài Loan không tuyên bố độc lập hoặc không nhắc nhở gì đến vấn đề độc lập, điều đó không có nghĩa là ông đã đầu hàng trước những hăm dọa của Bắc Kinh. Ông Trần vẫn nói ông sẵn sàng thảo luận về “Nhất Hoa”, nhưng không thể chấp nhận “Nhất Hoa” làm nguyên tắc căn bản để thảo luận, hai việc đó khác nhau xa. Lập trường của Đài Loan là chỉ có thể xét đến thống nhất với một nước Trung Hoa dân chủ.
Dân chúng Đài Loan hiện đang hưởng một nền kinh tế phồn thịnh và một chế độ dân chủ ngày càng nẩy nở hơn. Đại đa số không muốn đảo này bị lọt vào chế độ cai trị kìm kẹp của Trung Quốc. Bà Lữ Tố Liên, Phó Tổng Thống đắc cử, nói dân Đài Loan rất sợ thống nhất với Trung Quốc. Liệu có bằng cớ nào về tâm trạng này hay không" Có và rất rõ ràng. Đó là việc dân Đài Loan đã dồn phiếu cho Trần và Lữ của đảng Dân chủ Cấp tiến vì họ biết đảng này có một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Cuộc bầu cử không có một lời tố cáo nào là gian lận. Bắc Kinh đã tìm cách phá cuộc bẩu cử này mà không sao làm được. Đến khi có kết quả bầu cử, chính Bắc Kinh cũng không thể lên tiếng phủ nhận. Bây giờ nếu Bắc Kinh phải đàm phán với chính quyền Trần Thủy Biển mà không đòi được điều kiện tiên quyết là Đài Loan chịu thống nhất với Trung Quốc, điều đó chỉ có nghĩa là Bắc Kinh đã phải nhìn nhận một cuộc bầu cử tự do tại Đài Loan với tất cả những hậu quả của nó.
Nhưng nếu không có đàm phán giữa Hoa lục và Đài Loan thì sao" Chúng tôi không tin Trung Quốc sẽ thực hiện lời hăm dọa rất mơ hồ là “nếu Đài Loan lần khân không chịu thương thuyết thống nhất là Trung Quốc sẽ đánh”. Thế nào là lần khân và đến kỳ hạn nào không chịu nói chuyện thì đánh" Bắc Kinh vẫn bỏ lửng những câu hỏi đó. Trên thực tế quân đội Trung Quốc tuy đã hiện đại nhưng vẫn chưa có khả năng và phương tiện mở một chiến dịch phối hợp Hải-Lục-Không quân của thời đại chiến tranh có vệ tinh chỉ đường, chưa kể đến những phản ứng của thế giới, nhất là của các nước Đông Nam Á, trong khi quân sự và thương mại đã hợp thành thế liên lập bất khả phân. Không đàm không đánh được, tình thế chỉ có thể kéo dài trong nguyên trạng. Và đây mới đích thực là điều làm Trung Quốc sợ nhất.
Ngoại trưởng mới của chính quyền Trần Thủy Biển đã phác họa nguyên trạng đó bằng câu nói: “Chúng tôi sẽ bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Ai là anh em xa của Đài Loan" Cố nhiên ai cũng biết đó là Trung Quốc. Anh em xa là những anh em chống đối và kình địch lẫn nhau. Tổng Thống đắc cử Trần Thủy Biển nói rõ hơn trước ngày tựu chức: “Dân chúng Đài Loan và Hoa lục cũng giống như anh chị em một gia đình. Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau, chăm sóc cho nhau để cho gia đình được hòa thuận. Chỉ có một gia đình hòa thuận mới phấn đấu phát triển được”. Nhưng thế nào là mua láng giềng gần" Tân ngoại trưởng Tien Hung-mao nói chính quyền Đài Loan sẽ xiết chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á bằng cách tăng cường những ngả đường không bang giao chính thức như thương mại, trao đổi và hợp tác. Không một nước ASEAN nào dám thừa nhận Đài Loan về ngoại giao vì sợ Trung Quốc. Nhưng nếu ASEAN không dám công nhận, họ vẫn dám giao thương với Đài Loan vì cần cho kinh tế.
Mối giao thương hai chiều giữa Đài Loan và ASEAN đã đạt đến con số khả kính là 50 tỷ đô-la Mỹ một năm. Đầu tư của Đài Loan vào các nước ASEAN đã giúp kinh tế khu vực phát triển, đem lại những lợi lộc về lâu về dài cho vùng Đông Nam Á. Trung Quốc coi chữ “Nhị Hoa” như một thứ tối kỵ và làm mọi cách để cô lập Đài Loan trong lãnh vực quan hệ ngoại giao . Nhưng trên thực tế hai chữ “Nhị Hoa” vẫn có trong những lãnh vực khác. Khi các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới vẫn buôn bán với Đài Loan, họ đã thể hiện hai chữ “Nhị Hoa” một cách rất thực tế trong thời đại toàn cầu hóa kinh doanh. Khi các du khách trên thế giới đến Đài Loan phải xin chiếu khán nhập cảnh của chính quyền Đài Loan, họ cũng đã thực thi nhuần nhuyễn hai chữ “Nhị Hoa”. Cái “Nhất Hoa” chỉ là một nghi thức chiếu lệ nhạt phèo, còn cái “Nhị Hoa” mới mặn mà có lợi thiết thực. Và rồi đây khi cả Trung Quốc và Đài Loan được vào WTO để buôn bán với thế giới, nếu đó không phải là “Nhị Hoa” còn là cái gì.
Trung Quốc có ghế ngồi tại LHQ, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, nhưng nội bộ lâm nguy. Nạn tham nhũng đã đến độ một ông Tổng cục trưởng Hối đoái phải nhẩy lầu tự tử và một ông Phó chủ tịch Quốc hội có thể bị đem ra xử bắn, mầm mống rạn nứt trên tầng cao đã rõ. Nạn thất nghiệp lan tràn, công nhân biểu tình bạo động và Pháp luân công với cả chục triệu đệ tử vẫn còn đó không cách nào diệt trừ nổi, xã hội đã bất ổn. Hai hình ảnh tương phản, Đài Loan thấy cả một viễn ảnh tương lai tuơi sáng, còn cái “Nhất Hoa” vẫn không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.