Chính phủ Iraq đã được Quốc hội dân cử chấp thuận, một bước tiến nhỏ đáng khích lệ, nhưng ngay ở bước đầu vẫn còn thiếu một phần tối quan trọng. Đó là hai Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ, sau mấy tuần thương thuyết gay go, các phe phái trong Quốc hội vẫn chưa đồng ý cử người. Thủ tướng Iraq, ông Maliki nói "cần phải dùng sức mạnh tối đa" nếu cần để chấm dứt cuộc nổi loạn tàn nhẫn và bạo lực giáo phái đang phá nát đất nước. Trong lúc Nội các mới ra mắt, một kẻ ôm bom tự sát đã giết chết hơn một chục người ở Baghdad, và sau đó các vụ giết người bạo động vẫn tiếp tục xẩy ra ở khắp nơi. Hai bộ Quốc phòng và Nội vụ rất cần cho ổn định.
Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ tổ chức quân đội và bộ Nội vụ phụ trách Cảnh sát. Khó khăn là nạn phân hóa giữa các thành phần Shi-a chiếm đa số trong Quốc hội, cùng với thiểu số Ả rập Sun-ni và thiểu số người Kurd. Phe Shi-a có một nhóm liên minh nhưng cũng có nhiều thành phần rất phức tạp chớ không thuần nhất. Nhóm Sun-ni tuy nhỏ nhưng lại là cột xương sống của phe nổi loạn. Còn các phe Shi-a đều có dân quân vũ trang riêng rẽ. Mục tiêu ưu tiên của Thủ tướng Maliki là giải giới các phe dân quân cũng như phe nổi loạn, chưa kể đến những thành phần khủng bố đang lợi dụng thời cơ để tạo phân hóa thêm trong các phe phái có đại diện tại Quốc hội. Nếu không dung hòa được việc chọn người cho hai bộ Quốc phòng và Nội vụ, mọi sự ổn định chỉ là ảo tưởng, và nếu không có ổn định, chính phủ Iraq sẽ không có lý do gì để tồn tại. Chân lý này quá đơn giản, nhưng cũng nên hỏi tại sao tình hình đến nông nỗi này"
Tháng 3 năm 2003 sau khi chiếm được Baghdad, lật đổ Saddam Hussein và phá tan toàn bộ quân đội và cơ cấu chính quyền độc tài, Mỹ đã coi như toàn thắng. Tuy nhiên kế hoạch hậu chiến Iraq có nhiều thiếu sót. Đó là đã không biết tổ chức ngay cho Iraq một lực lượng Cảnh sát hùng mạnh để giữ gìn trật tự trong lúc chiến tranh vừa kết thúc. Lúc đầu bộ Quốc phòng Mỹ chỉ cho vài chục cố vấn để xây dựng một đội cảnh sát Iraq mới khoảng 4,000 người, chủ yếu canh giữ các nhà máy điện hay các cơ sở tiện nghi. Ngay sau khi Baghdad lọt vào tay quân Mỹ, cảnh sát cũ của thời Saddam đã bỏ trốn hết. Trong 8 tháng sau đó, nạn cướp bóc lan rộng và phong trào nổi loạn bắt đầu nẩy nở. Lúc đó Mỹ đưa thêm 50 cố vấn Cảnh sát qua Iraq. Tổng Thống Bush đã nói mục tiêu đánh Iraq là tạo ra một nền dân chủ cho nước này, Nhưng không có an ninh trật tự làm sao có dân chủ"
Theo báo New York Times, ba tháng trước khi có lệnh đánh Iraq, Jay Garner, một tướng lãnh Mỹ nay đã hồi hưu, đã trình bày trước Hội đồng An ninh Quốc gia một số kế hoạch để áp dụng ở Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ. Ông cũng nêu ra một kế hoạch của Richard Mayer, một chuyên viên về huấn luyện Cảnh sát, đề nghị gửi ngay 5,000 cố vấn Mỹ và ngoại quốc đến Iraq. Trong một cuộc phỏng vấn Garner nói ông và các nhân viên dưới quyền cũng đã cảnh cáo rằng Cảnh sát Iraq sau hàng chục năm bị bỏ bê và thối nát sẽ tan vỡ ngay sau khi chế độ Saddam sụp đổ. Nhưng các giới chức An ninh Quốc gia hoài nghi, nói không cần có một nỗ lực lớn lao đến như vậy. Đến lúc cướp bóc và nổi loạn lan rộng, Mỹ cũng chỉ gửi 50 huấn luyện viên Cảnh sát đến Iraq. Garner đã không có cơ hội để thực hiện chương trình huấn kuyện Cảnh sát. Vì ba tháng sau khi đến Baghdad, ông đã bị thay thế bởi L. Paul Bremer, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã về hưu. Bremer nói ông không hề tham dự vào việc thảo kế hoạch trước cuộc chiến và cũng không hay biết gì về kế hoạch của Garner.
Giờ đây, 3 năm sau khi quân Mỹ tiến vào Iraq, tình hình thực tế ở nước này không thích ứng với sự phác họa kế hoạch của bộ Quốc phòng. Mỹ tìm cách xây dựng lực lượng Iraq mới, nhưng vẫn đụng phải "di sản" Saddam Hussein để lại: không phải chỉ có sự ù lỳ và thói tham nhũng vặt, nặng nhất lại là việc làm bùng lên nạn phân hóa giáo phái và sắc tộc, nạn tổ chức tội phạm đang tìm cách nắm quyền điều hành Cảnh sát. Cho đến năm ngoái các huấn luyện viên Mỹ chỉ theo dõi chưa đầy được một nửa số 1,000 trạm Cảnh sát ở Iraq, ngay dù họ không còn đòi hối lộ vặt, nhưng vẫn chưa biết bắn súng thành thạo, nói gì đến việc điều tra tội phạm. Các tư lệnh Mỹ lúc này dự liệu gia tăng Cảnh sát Iraq lên đến 190,000 người, coi như vá víu lại chiến lược mới để bảo vệ dân chúng, bảo vệ an toàn cho các dự án xây cất và làm dễ dàng việc rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Vậy bao giờ Mỹ có thể rút quân" Người ta hy vọng Quân đội Cảnh sát Iraq sẽ tự đảm trách được an ninh trật tự ở một số thành phố và khu vực để chính phủ Mỹ có thể sớm công bố kế hoạch rút quân từng phần trong năm nay vì có cuộc bầu cử trung hạn. Nhưng ở Afghanistan, quân Taliban đã bị Mỹ và đồng minh đánh tan từ 5 năm trước, nay bỗng xuất hiện trở lại tấn công và đánh phá nhiều nơi, cũng là điều đáng ngại. Dù sao ở Iraq, Mỹ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch trường kỳ cư ngụ. Báo San Jose Mercury News ngày 22-5-06 cho biết các công ty đấu thấu đã khởi công xây cất một tòa Đại sứ Mỹ rất vĩ đại ở bên bờ sông Tigris, Baghdad. Công tác được dự liệu hoàn thành vào tháng 6 năm 2007. Không giống những kế hoạch khác ở Iraq, dự án này có nhiều cơ may tiến hành đúng kỳ hạn. Tòa Đại sứ này sẽ là một ốc đảo thoải mái nằm giữa khu vực gọi là "an toàn xanh" với thành lũy đã được tăng cường kiên cố ở trung tâm Baghdad. "Khu" Đại Sứ này chiếm 204 acres đất. Diện tích này bằng 42 héc-ta đất (mỗi hectare 10,000 mét vuông). Trong Khu Đại Tiện Nghi này có đến 21 tòa cao ốc, trong số này có những nơi hấp dẫn không kém gì những trung tâm du hí ở Mỹ như hồ bơi, nhà tập thể dục, nhà ăn sang trọng đủ loại và cố nhiên cả nơi giải trí vẫn có tục danh là Câu Lạc Bộ Mỹ.
Đây là Đại Sứ Quán Mỹ lớn nhất thế giới, trên cả Sứ Quán bề thế của Mỹ ở Trung Quốc đã gọi là lớn cũng chỉ có 10 acres với 5 tòa nhà. Ốc đảo nằm giữa "khu xanh" đã được tăng cường an toàn tối đa, phía ngoài là Iraq với đống bầy nhầy của nó, nên cũng giống như thiên đàng giữa địa ngục. Thú vị thay.