Chính sách đối ngoại Mỹ đang lâm vào những thế trận có thể gây hậu quả đến cuộc diện thế giới, vị trí Mỹ trên trường quốc tế, và cả tình hình nội bộ của Mỹ. Về mặt ngoại giao, Mỹ đang đối phó với việc Bắc Hàn đã phóng thử phi đạn, mặc dù Mỹ đã cảnh cáo, kể cả biểu dương sức mạnh bằng cuộc tập trận ở Thái Bình Dương. Sau vụ phóng phi đạn, Tổng Thống Bush chính thức tuyên bố sẽ dùng ngoại giao để đưa Bắc Hàn vào chính đạo cộng đồng quốc tế. Nhưng Bắc Hàn ngang ngạnh tuyên bố họ có quyền thử phi đạn và cho biết sẽ còn tiếp tục phóng thử nữa. Bắc Hàn đòi nói chuyện tay đôi, nhưng Mỹ nói Bắc Hàn phải trở lại cuộc họp 6 bên về chương trình vũ khí nguyên tử đã bế tắc từ lâu. Mỹ và Nhật Bản đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An LHQ với một dự án nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn.
Từ lâu người đã biết tổ chức "an ninh quốc tế" này có hiệu năng thực sự đến độ nào, vì cầm đầu là 5 ông lớn - Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, ít khi đồng ý với nhau. Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn, còn Nga vẫn có thói nhòm ngó để thừa cơ kiếm chác lợi lộc. Kết quả HĐBA không biểu quyết, ngưng xét để chờ..."ngoại giao". Được đàng chân lân đàng đầu, tuần này Bắc Hàn ra điều kiện chỉ họp hội nghị 6 bên nếu Mỹ hủy bỏ mọi sự trừng phạt kinh tế. Thành ra bao nhiêu ồn ào phẫn nộ rút cuộc vẫn là số không như cũ. Cũng ở Hội Đồng Bảo An, chính sách đối ngoại của Mỹ còn vướng phải một chữ "không" nữa trong vụ Iran thanh lọc chất uranium. Mỹ nghi Iran muốn làm bom nguyên tử, Iran nói dùng để chạy lò làm ra điện, không phải làm bom. Vụ đôi co kéo dài cả năm nay, Mỹ nhiều lần nổi giận tuy chưa hề hăm đánh, chỉ nói nếu Iran chịu ngừng lọc chất uranium, các nước Tây phương sẽ có viện trợ kỹ thuật để đền bù.
Các nước Âu châu vốn e ngại Iran sẽ chế tạo bom nguyên tử. Trước mắt họ lại sợ nếu Mỹ đánh Iran, cái túi dầu lửa của Iran sẽ bị thắt lại, kinh tế của Tây Âu và cả thế giới sẽ lâm khủng hoảng. Vì thế Mỹ để cho Liên Âu trực tiếp đàm phán với Iran, nhưng Mỹ cũng hăm dọa nếu không chịu ngưng lọc chất uranium, Iran sẽ bị trừng phạt bởi các nước kỹ nghệ lớn, có thể cả Hội Đồng Bảo An. Đầu tuần này, Đại diện Ngoại giao của khối Liên Âu, có sự tham dự đặc biệt của Anh, Pháp, Đức và Nga đã mở cuộc hội đàm với Iran, đòi phải trả lời gấp vì khối G-8, gồm các nước kỹ nghệ tiên tiến và giầu mạnh nhất thế giới sẽ họp vào cuối tuần tới. Cuộc họp G-8 có thể dùng làm một biểu tượng răn đe, nhưng hội đàm Liên Âu-Iran lại thất bại lần nữa vì Iran vẫn không chịu ngừng thanh lọc uranium. Cũng có thể vì Mỹ thất bại trong nước cờ biểu võ dương oai với Bắc Hàn, khiến Iran đã trở nên ngang ngạnh hơn trước.
Cố nhiên nếu hăm dọa suông mà không đạt kết quả, chỉ cần nuốt giận rút lại lời hăm dọa đó là xong, không có hề hấn gì cả. Thế nhưng khi đã dùng đến võ lực mà đánh không xong, nếu muốn rút về lại không được dễ dàng như vậy. Đây chính là mặt quân sự trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau vụ khủng bố 9/11 đánh vào Mỹ, chính phủ Bush đã tấn công chế độ Taliban ở Afghanistan bằng vũ lực vì đây là sào huyệt của bọn khủng bố al-Qaida do bin Laden cầm đầu. Mỹ đã chiến thắng mau lẹ, chế độ Taliban tan rã, bin Laden và thủ hạ bỏ trốn. Sau đó Afghanistan có bầu cử và một chính quyền dân chủ được thành lập. Nhưng từ nhiều tháng qua, Taliban đã xuất hiện trở lại, đánh phá nhiều nơi và có lúc kiểm soát được những thị trấn và nhiều vùng núi hay đất đai ở miền Nam. Tình hình bắt đầu khó khăn ở Afghanistan, nhưng nghiêm trọng hơn hết vẫn là tình hình Iraq.
Chiến tranh Iraq đã khởi sự ngày 20-3-2003, khi Tổng Thống Bush ra lệnh quân đội Mỹ tiến vào nước này để hạ bệ Saddam Hussein. Quân Mỹ đã thành công mau lẹ, chiếm Baghdad, quân đội và chế độ độc tài tan vỡ. Nhưng sau đó việc xây dựng một chế độ dân chủ cho Iraq không dễ dàng như dự tưởng lúc ban đầu. Đến nay hơn 3 năm sau ngày chiến thắng, tình hình Iraq vẫn bất ổn với nạn bạo động đẫm máu ngày càng lan rộng trên các đường phố ở Baghdad cũng như nhiều thành phố khác khiến kẻ chiến thắng lâm thế kẹt cứng. Mục tiêu của Mỹ là giúp chính phủ mới của Iraq đủ mạnh để tự cáng đáng vai trò gìn giữ an ninh trật tự. Bộ Nội vụ Iraq giữ nhiệm vụ này, nhưng theo sự tiết lộ của báo chí Mỹ gần đây, sở Cảnh sát thuộc bộ này lại tràn đầy tham ô, cậy quyền hiếp đáp dân lành và nhiều khi còn tư thông với các phần tử "nhân dân tự vệ" của các giáo phái để dễ nhũng lạm, có thể còn tiếp xúc cả với các toán khủng bố.
Trong khi đó quân đội Mỹ lại bị thêm một sự hoen ố nghiêm trọng là vụ lính Mỹ hãm hiếp một cô gái Iraq rồi giết nạn nhân và cả nhà cô ta. Vụ này nay đã nổ lớn, dù chỉ dính líu đến một thiểu số nạn nhân, nhưng có thể còn trầm trọng hơn các vụ hành hạ tù nhân ở Abu Graib trước đây. Quân đội Mỹ đã điều tra và công bố sự thật, ngoài thủ phạm chính còn 5 quân nhân khác cũng bị truy tố, trong số có 4 bị tội toa rập hãm hiếp và giết người. Quân đội Mỹ làm sáng tỏ vụ này nhằm cho thấy đây chỉ là một thiểu số quá nhỏ đã làm bậy, trong khi hơn 130,000 lính Mỹ đã có mặt và chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ, giữ đúng bản chất một quân đội có danh dự và dũng cảm.
Chỉ có điều đáng tiếc là vụ hãm hiếp gái Iraq lại chạm đến một truyền thống tôn giáo thiêng liêng nhất và lòng tự ái nhạy cảm của người Hồi giáo nói chung. Bọn khủng bố đã khai thác vụ này đến tối đa trong mấy ngày qua. Có một nhóm xưng danh là Hội đồng Shura đã chặt đầu và chém nát thây hai lính Mỹ, rồi chụp hình đưa lên Internet với hàng chữ "để trả thù cho người chị của chúng ta". Bạo động giáo phái gia tăng, bom nổ tứ tung, có ngày giết hại đến 6, 7 chục mạng người, bị thương hàng trăm. Khó khăn cho Mỹ đã chồng chất thêm. Chuyện rút quân không còn được nói đến nữa, xét ra có thể còn xa lắc. Mỹ thiếu gì quân hay tướng giỏi, vũ khí, thiết bị tối tân nhất thế giới. Sách lược nào cũng tốt, nhưng chỉ có vụng tính lúc đầu một chút, cái sẩy đã nẩy thành cái ung rồi.