Arlington, VA, 17/9/2006 (QGTTX).- Đại hội thườg niên lần thứ 20 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa kỳ đã kết thúc vào lúc 2 giờ chiều Chủ nhật, 17/9, sau năm ngày làm việc cật lực của những người về tham-dự năm nay.
Hai ngày đầu và cuối dành riêng cho những cuộc thảo-luận nội-bộ của Ban Điều hợp Trung-ương Nghị-hội (tựa như ban Quản-trị), duyệt xét lại công việc làm của nhiệm-kỳ vừa qua cũng như phóng vào tương-lai với những hướng-dẫn cho nhiệm-kỳ 2006-2008. Một trong những thành-tích đáng kể của Nghị-hội trong năm qua là việc lập được một văn-phòng ở ngay trong DC trên đường 17, chỉ cách Tòa Bạch Ốc có 2 blocks. Điều này rất thuận tiện cho việc liên-lạc với Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao hay các văn-phòng Quốc-hội.
Những khuôn mặt hớn hở
Vì đây là một cuộc họp hội-ngộ sau 20 năm thành-lập Nghị-hội nên vào buổi khai mạc Đại-hội hôm thứ Sáu, 15/9, ông Nguyễn Ngọc Bích, chủ-tịch Ban ĐHTƯ Nghị-hội, đã vui mừng nhận xét: "Một tổ-chức mà sau 20 năm vẫn còn đón về được quá nửa số người thuộc trong Ban Điều hợp Trung-ương lúc ban đầu gồm 44 vị thì phải nói là một sự kỳ-công."
Chẳng thế mà những tiếng cười rôm rả đã đón khách ngay từ cửa vào. Những khuôn mặt rạng rỡ, những cánh tay ôm trầm, những tên được réo lên, những tiếng cười sảng khoái sau đó nói lên hết cả sự thân-tình của người Nghị-hội đã gắn bó với nhau qua bao nhiêu chông gai, trắc trở. Từ xa như Cali, người ta thấy có bà Loan Anh Vidmanis đi tháp tùng HT Thích Giác Lượng (đến từ San Jose) hay G.S. Nguyễn Thanh Trang, đến từ San Diego. Từ Texas có ông Lê Phước Luận với giọng Quảng sang sảng và tiếng cười dòn dã. Người đồng-hương với ông thì có ông Lê Hữu Em, người ở Maryland. Từ Minnesota về có hẳn một phái-đoàn hùng hậu gồm bố con ông Huỳnh Sĩ Nghị, một nhà báo (và em Dan Huỳnh, một nhà kinh doanh trẻ), ông Phạm Văn Vy, chủ-tịch Ban Quản-trị Trung-tâm Dịch-vụ Xã-hội ở St. Paul, MN, nhà thơ người Nghệ, ông Nguyễn Văn Dzĩnh... Từ Florida có bà Đồng-Thanh Ingalls đến từ St. Petersburg. Từ Boston có bà Trương Vân Lan, nguyên là phụ-tá của ông Thị-trưởng Boston (mà về sau làm đại-sứ của Mỹ ở Tòa Thánh Vatican).
Chưa kể những người địa-phương như ông cựu-đại-sứ Bùi Diễm, cụ Lê Văn Ba (nguyên chủ-tịch Liên-hội), cụ Giáp Ngọc Phúc (nguyên chủ-tịch Cộng-đồng Người Việt DC-MD-VA), cụ Huỳnh Thanh Hưng (nguyên Đổng-lý Văn-phòng Bộ Xã-hội), cụ Nguyễn Đình Kỳ (cựu-thẩm-phán, hiện là Thủ Quỹ của Nghị-hội), ông Nguyễn Mậu Trinh (nguyên chủ-tịch Hội Dược-sĩ Việt Nam ở vùng Thủ-đô, ông cũng đã từng là Chủ-tịch Hội-đồng ĐHTƯ Nghị-hội), bà Trần Ngọc Chi Ray (hiện ở trong ban Cố vấn SBA trên toàn-quốc), bà Jackie Bông Wright (Hội VAVA và Hoa-hậu Cao-niên Virginia cách đây hai năm), G.S. Đào Thị Hợi (nguyên Tổng-quản-trị Nghị-hội), G.S. Nguyễn Mạnh Hùng, cô Lê Ngoan (nguyên phụ-tá Thống-đốc Tiểu-bang Illinois về các vấn-đề xã-hội), ông Nguyễn Hà (nguyên Giám-đốc Điều hành Trung-tâm Dịch-vụ VN ở Chicago) và kỹ-sư Mai Tất Đắc (nguyên Chủ-tịch Ban Quản-trị Hội Người Việt Illinois) từ Chicago về v.v. Có người đã nhận xét: "Nếu trừ đi những người đã ra đi như cựu-đại-sứ Trần Kim Phượng, ông Phạm Dương Hiển, các ông Phạm Nam Sách, Phạm Quân, Đặng Văn Đệ, Huỳnh Văn Hên, Nguyễn Duy Ninh, cụ bà Đức Thụ, thì có lẽ những người về kỳ này đã gần đầy đủ những khuôn mặt có từ đầu trong Nghị-hội từ 1986." Nghĩa là một sự hãn-hữu vô cùng!
Những khuôn mặt trẻ tiêu-biểu
Trên đây chỉ là những vị trung hay cao-niên có mặt từ đầu. Có những người tuy không có cơ-hội tham-gia Nghị-hội từ đầu song vẫn có mặt đều đặn những năm sau này như quý ông Nguyễn Cao Quyền (cựu-thẩm-phán, hiện lo Diễn Đàn Dân Chủ Hóa Việt Nam), G.S. Phạm Văn Thuyết, Luật-sư Nguyễn Thế Sinh, ông Phạm Công Tự (ông cũng đưa cả con ông vào Nghị-hội) v.v. Điều đáng nói là Nghị-hội đã dần dần chuyển được "bó đuốc" sang tay những anh chị em trẻ như anh Nguyễn Quốc Hùng (làm ở Bộ Lao-động), chị Lữ Anh Thư (trong nhóm hậu-duệ Trường Võ-bị Đà-lạt, tức đoàn Đa Hiệu, và cũng là một người đi tiên-phong trong phong trào Cờ Vàng ở Virginia và trên toàn-quốc), và hàng chục những anh chị em trẻ tình nguyện đến giúp cho Đại-hội năm nay.
Sự chuyển tiếp thế-hệ này cũng có thể thấy trong sinh-ngữ được dùng tại Đại-hội mà một nửa diễn ra trong tiếng Việt và một nửa diễn ra trong tiếng Anh. Xem chương-trình, người tinh ý có thể thấy ngay là ít nhất bản tiếng Việt được chia ra làm hai cột:
Cột bên mặt gồm những hội-luận hoàn-toàn bằng tiếng Việt như: "Bang-giao Mỹ-Việt và VN vào WTO - Lợi hại ra sao"" (do G.S. Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Quốc Khải trình bầy), "Vấn-đề sức khỏe của người lớn tuổi" (do hai bác-sĩ Nguyễn Ý Đức và Trần Văn Sáng thuyết-trình), "Về hưu: Cách nào hưởng" (Ô. Huỳnh Trung Trực), "Để biết về An-sinh Xã-hội" (Cô Angie Hồ Quang Ngọc) và "Về hưu: Medicare và Medicaid" (Anne Avery và B.S. Kiều Kim Quy phụ-trách). Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Bích cũng có một giờ thuyết-trình về "Cách nào bảo-toàn văn-hóa trong một thế-giới toàn-cầu-hóa" và hai vị, cô Lê Ngoan và ông Nguyễn Hà, hướng-dẫn một bàn tròn về đề-tài "Xây dựng những cộng-đồng bền vững: Thử nhìn lại tình-hình cộng-đồng người Việt ở Mỹ ngày hôm nay."
Khỏi phải nói cũng biết là hai đề-tài đầu và cuối đã thu hút được sự chú ý rất rộng rãi của người đến tham-dự Đại-hội, nhất là đề-tài sau đã dẫn đến một sự bàn-thảo rất sôi nổi về một ngành nghề mới nhất của người Việt trong những năm qua, ngành "nail" nghĩa là ngành sửa sang móng tay móng chân mà người Việt đóng một vai trò nổi trội.
Những hội-luận bằng tiếng Anh
Những hội-luận bằng tiếng Anh dành chủ-yếu cho các thành-phần trẻ cũng thu hút được khá nhiều sự chú ý của mọi người, đó là những đề-tài như "CreditSmart" ("Người biết sử-dụng tín-dụng một cách khôn khéo"), "Tài-nguyên cho người tìm việc," "Viết dự-án để lấy tài-trợ," "Cách nào làm ăn với chính-phủ liên-bang," "Mua nhà mà tránh được nợ nhiều," "Thiên-tai: Làm sao bớt thiệt-hại," "Kinh-doanh với các nước Á-đông," "Để biết về an-sinh xã-hội," "Chủ-động đổi thay nghề," và "Những nghề hay-không phải đi làm từ 9 đến 5."
Đặc-điểm của Đại-hội năm nay là người ta được nghe rất nhiều tiếng cười vì các diễn-giả có nhiều người thật duyên dáng như cô Angie Hồ Quang Ngọc, cô Lê Ngoan, anh Nguyễn Hà, và nhất là hai bác-sĩ Nguyễn Ý Đức (đến từ Atlanta, GA) và Trần Văn Sáng (địa-phương).
Một sinh-hoạt bên lề: Huấn luyện về truyền-thông, truyền hình
Cũng bắt đầu từ sáng sớm hôm thứ Tư, 13/9, tổ-chức VATV (Vietnamese American Television) của anh Võ Thành Nhân đã mở lớp huấn luyện về truyền-thông đại-chúng và truyền thanh, truyền hình cho khoảng 25 người mà phần lớn do Ủy-ban Cứu người vượt biển (Boat People S.O.S.) gởi tới. Đây là một lớp huấn luyện ráo riết do những chuyên-gia như ký-giả Nguyễn Khanh thuộc Đài Á Châu Tự Do và ông Phạm Bội Hoàn, một "cameraman" kỳ cựu (36 năm, 6 đời Tổng-thống Mỹ) của hãng CBS, đảm trách phần giảng huấn.
Sau khi được nghe những nguyên-tắc căn-bản, các học-viên được bắt tay ngay vào việc với những "assignment" cụ-thể như lên Quốc-hội thu hình để mang về ráp nối, bình phẩm. Nhờ vậy mà mọi người tỏ ra rất thích thú vì được bắt tay ngay vào việc thay vì chỉ nghe giảng từ trên bục mà thôi. Đây là một phần trong Dự-án "Project Voice" của VATV đi huấn luyện trong một số thành phố lớn ở Hoa-kỳ (như DC, Chicago, Boston, Houston, và chuẩn-bị đi Cali). Riêng lớp huấn luyện cách đây ít lâu ở Houston, do Radio Saigon-Houston, bảo trợ đã gặt hái được một số kết-quả rất tốt.
Cũng trong những ngày Đại-hội, người ta để ý thấy có sự thu hình do một số chuyên-viên của Trung-tâm Điện-ảnh Việt Nam có trụ-sở ở San Jose, Cali. Được biết, e-kíp này, khác với ê-kíp của anh Võ Thành Nhân, đã đến Đại-hội để thu một số phim footage nhắm trong những ngày tháng tới làm một cuốn phim về cộng-đồng người Việt trên đất Mỹ trong 31 năm qua mà dùng câu chuyện của Nghị-hội làm cái sườn để kể câu chuyện.
Mấy kết-quả nổi bật
Điều lạ lùng năm nay là nhân Đại-hội của Nghị-hội lần này, Quốc-hội Mỹ có tới hai buổi điều trần về nhân-quyền và tự do dân-chủ ở Việt Nam. Một buổi điều trần do Dân-biểu Zoe Lofgren chủ-tọa đã nghe: bà Đỗ Thành Công nói chuyện về chồng bà, một công-dân Mỹ, bị bắt ở Việt Nam hôm 14/8 và đến nay vẫn chưa được thả; bà Ngô Thị Hiền thuộc Ủy-ban Bảo-vệ Tự do Tôn-giáo nói về vấn-đề này; ông Nguyễn Ngọc Bích nói về những sự bắt bớ các người bất đồng chính-kiến; ông Kok Ksor nói về tình-trạng của người Thượng trên cao-nguyên Trung-phần; và B.S. Đặng Vũ Chấn nói về vấn-đề đảng phái và các sự bắt bớ người của Khối 8406. Ông Trần Tử Thanh, chủ-tịch Ủy-ban Helsinki Việt Nam, và G.S. Nguyễn Thanh Trang, Cố-vấn Mạng Lưới Nhân-quyền Việt Nam, cũng có chứng-từ viết để nộp vào cho Ủy-ban Nhân-quyền của Quốc-hội Mỹ. Kết-quả là các đài quốc-tế lớn như VOA, RFA (Á Châu Tự Do) và BBC đều có đưa tin kỹ càng ngay ngày hôm sau, hãng AP cũng có bản tin chi-tiết và sang ngày thứ Sáu, 15/9, Uỷ-ban Hoa-kỳ về Tự do Tôn-giáo trên Thế-giới khuyến cáo Hoa-kỳ nên giữ VNCS vào trong danh-sách các nước cần quan-tâm đặc-biệt (CPC), làm trở ngại không ít cho việc Hà-nội có thể sớm được quy-chế quan-hệ thương mại bình-thường vĩnh-viễn (PNTR).
Tại bữa tiệc lớn tổ-chức vào chiều thứ Sáu, 15/9, cũng tại Hilton, Nghị-hội đã được nghe ông Bùi Diễm duyệt lại 20 năm con đường Nghị-hội đã trải qua và đã phần nào thành công trong việc trao bó đuốc cho tuổi trẻ. Nhân cơ-hội này, Đại-sứ Sichan Siv (thuộc Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ) cũng đã chia xẻ những kinh-nghiệm của ông và khen ngợi Nghị-hội đã thành công vượt bực. Bên cạnh đó, những tổ-chức và nhân-vật được nêu công-trạng gồm: Công-ty Freddie Mac (giúp tài-trợ cho Nghị-hội làm được một bản phúc-trình về vấn-đề nhà cửa của đồng-bào người Việt ở miền Nam bị lụt do trận Katrina và sau đó), bà Khúc Minh Thơ vì việc làm của Hội Gia-đình Tù-nhân Chính-trị Việt Nam, và Hội Giáo-dục Trẻ em Việt Nam vùng Hoa-thịnh-đốn (đã tổ chức các lớp hè Việt-ngữ được 30 năm nay).
Nhưng cảm-động nhất có lẽ là lúc ông Phillip Phạm (từ San Jose về), người đã mua chuỗi hạt trai thật đẹp do một người ẩn-danh tặng cho Nghị-hội để gây quỹ, xin lên tặng lại cho bà dân-biểu Guam Madeleine Bordallo để cám ơn việc chồng bà, vào năm 1975 là thống-đốc đảo Guam, đã ký quyết-định cho phép 150 nghìn người Việt vào tạm-trú ở Guam để sau này được nhận vào Hoa-kỳ. Theo bà Bordallo, lúc bấy giờ số người Việt trên đảo còn đông hơn cả dân-số Chamorro bản-xứ ở ngay đảo. Mặc dầu vậy, bà Bordallo đã tỏ ra vẫn quý người Việt và nhắc nhở chúng ta hãy giữ lấy văn-hóa rất đẹp của chúng ta.