Bạn,
Theo báo quốc nội, những người yêu thích âm nhạc từng sống ở Hà Nội trước mùa thu 1954 đều biết đến Hiệu đàn Nhạc Sơn (19 Hàng Điếu). Nay hiệu đàn chỉ còn là dư âm trong tâm tưởng của người Hà Nội. Trong phố cổ còn có một số địa chỉ bán đàn, song phần lớn đó là các shop lưu niệm phục vụ du khách nước ngoài. Nhưng, người xa Hà Nội lâu ngày trở về chợt nhớ hồn xưa phố cũ với những hình ảnh gần gũi đang mất dần... Có một hậu duệ của ông Nhạc Sơn vẫn miệt mài làm ra những cây đàn góp vui cho cuộc đời từ hơn nửa thế kỷ nay. Báo SGGP viết về nghệ nhân này như sau.
Tới đầu thôn Đình Thôn (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) hỏi ông Liệt làm đàn thì ai cũng biết. Ông Nguyễn Hữu Liệt là một trong những người học trò thông minh và chịu khó của ông Nhạc Sơn, người làm đàn nổi tiếng đất Hà thành xưa. Và nay cũng chỉ còn mình ông Liệt thủy chung với cái nghề ông đã chọn từ khi còn là chàng trai tuổi 20. Nói cho đúng thì chính nghề làm đàn đã chọn tôi, ông Liệt bộc bạch. Theo lời ông kể, khi trưởng thành ông muốn có một nghề nghiệp. Và nghề ông định học là cắt tóc hay thợ may, chứ ông không thể nghĩ rằng sẽ học nghề làm đàn, đặc biệt lại gắn bó và say mê với nó đến tận hôm nay. Ông tâm sự: Người bạn của tôi làm ở hiệu đàn Nhạc Sơn, có nói với tôi rằng, ông Sơn đang cần tuyển người làm. Sau đó tôi đã đến làm việc thử, dần dần tôi thấy nghề hợp với tôi.
Bắt đầu một việc mới bao giờ cũng thật khó khăn. Đến giờ, không cần đo, chỉ bằng cảm giác ông Liệt cũng có thể căn chuẩn xác đúng cung trên mặt phím đàn. Đây cũng là khâu quan trọng nhất, quyết định sự thành công của cây đàn. Ông nhớ lại những tháng năm học nghề nhọc nhằn: Thầy Sơn có chỉ bảo, nhưng thầy dạy nhiều người nên tôi phải tự học là chính. Lúc đó, cả hiệu có trên 10 người. Trong đó, một số tay thợ chính không thích tôi bằng tay nghề họ. Thành ra, họ luôn giao cho tôi làm những công việc đơn giản. Do vậy tôi phải học lỏm, học mót và luôn luôn quan sát người ta làm như thế nào. Để thành nghề, sự học của tôi vất vả lắm!
Cái nghề cứ đeo đuổi ông, nay bước sang tuổi 75, ông vẫn cặm cụi hàng ngày để hoàn thiện từng cây đàn. Ông nói: Thầy dạy tôi 90 tuổi vẫn cứ yêu công việc, cụ làm đàn đến lúc mất. Chắc chắn là tôi cũng sẽ vui với nghề đến cuối đời, bởi ngoài nuôi sống tôi, nghề làm đàn còn là sự thích thú của tôi. Với cách làm đàn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, ông Liệt còn có sự trợ giúp của người con trai cả. Nhưng điều quan trọng hơn là ông Liệt đã rèn dũa được người con trai theo nghề cha. Mặc dù đó là một nghề không hấp dẫn trong xã hội hiện nay.
Ngôi nhà của gia đình ông Liệt được xây dựng khang trang. Xưởng làm đàn là gian nhà ngang cũ, đây cũng là thế giới riêng để cha con ông sống với những cây đàn ghi ta, đàn măng đô lin còn thơm nồng mùi gỗ thông.
Bạn,
Cũng theo SGGP, hơn 50 năm trong nghề đàn, người ta có thể tâm sự thật nhiều điều, thậm chí còn thẩm thấu được tính cách văn nghệ sĩ trong phong cách sống. Đằng này, ông Liệt có cách nói giản dị và mộc mạc của người nông dân. Điều bất ngờ là ông biết chơi đàn chút ít, chỉ có anh con trai là chơi khá. Tuy nhiên, đôi tai của ông lại vô cùng chuẩn xác khi thẩm định âm thanh của những cây đàn mới.