Trong hai tháng 3 và tháng 4 vừa qua có ba ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và một ông Thứ trưởng Quốc phòng Nam Hàn đến thăm Việt Nam. Sự kiện này không có ý nghĩa là Hà Nội bỗng dưng có một vai trò nổi bật trong tình hình Á châu. Việt Nam ngày nay chỉ xứng đáng làm một tên tốt đen trong những diễn biến thời cuộc. Hơn nữa Việt Nam cũng không có liên hệ trực tiếp đến các điểm nóng Ấn-Hồi hay Hoa-Đài. Nước có liên quan nhiều nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh đang hăm dọa tấn công Đài Loan nếu Tổng Thống mới đắc cử của đảo này không chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa làm căn bản cho cuộc thương thuyết thống nhất. Bắc Kinh cũng liên minh với Hồi Quốc từ hàng chục năm nay và đã ba lần gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam có được lưu ý phần nào chỉ vì hai yếu tố vị trí và tư thế. Việt Nam tiếp giáp với miền Nam Trung Quốc trên một đường biên giới dài cả ngàn cây số, trong khi chế độ Hà Nội sợ Trung Quốc như cọp đói, bị lấn áp ở Nam Hải mà chẳng dám ho he một tiếng.
Nhưng khi các vị bộ trưởng nói trên đến Hà Nội người ta cũng nhìn thấy một số biến chuyển mới về chiến lược. Liên minh quân sự đã lỗi thời, nhất là trong tình thế ngày nay, các nước ASEAN cũng không muốn tạo liên minh quân sự với nhau chớ đừng nói đến liên minh quân sự với nước nào khác ở ngoài. Vậy các ông bộ trưởng Quốc phòng đến Hà Nội nói chuyện gì" Sau khi Tổng Thống Clinton viếng thăm Ấn Độ, người ta thấy như một sự tình cờ ngẫu nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Ấn George Fernandes đến Hà Nội. Một tin chính thức của Hà Nội cho biết Ấn Độ và Việt Nam đã ký một thỏa ước chấp nhận huấn luyện chiến tranh rừng rậm cho các sĩ quan quân đội Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên có chuyện lạ như vậy. Người ta đã cố ý không làm nổi bật tin này, nhưng khi về đến Ấn Độ ông Fernandes cho biết Ấn Độ sẽ tăng cường hải quân và sẽ hợp tác với Việt Nam và Nhật Bản tuần tiễu trên mặt biển Nam Hải.
Vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến Hà Nội trong chuyến đi thăm các nước Á đông, trong đó có Nhật Bản và Nam Hàn. Chúng tôi đã nói đến chuyến đi này và nêu lên điểm đáng chú ý là lần đầu tiên có cuộc họp quân sự cao cấp giữa Mỹ và VNCS tại Học viện Quân sự ở Hà Nội. Khi ra về ông Cohen nói viễn tượng mối quan hệ cấp thấp giữa quân đội Mỹ và quân đội Cộng sản Việt Nam có triển vọng rất đáng khích lệ. Cố nhiên không ai rõ chi tiết mối “quan hệ cấp thấp” này như thế nào, nhưng người ta cũng nói đến tăng cường mối quan hệ quân sự ở lãnh vực “nhân đạo” như viện trợ chống lụt lội và quân y. Trong tháng 4 người ta đã thấy một phái đoàn hùng hậu các ông cựu chiến binh-đại doanh gia Mỹ đến Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày 30-4.
Đầu tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tsutomu Kawara đến Hà Nội và hai bên đã ký kết thỏa ước hợp tác song phương về việc tìm kiếm và cứu cấp những “tầu dân sự” trong vùng Nam Hải. Như vậy một hình ảnh mới đã thành hình. Hải quân Ấn và hải quân Nhật bắt đầu tiến vào Nam Hải nhờ cái bàn đạp Việt Nam. Trong cuộc họp giữa ông Kawara và tướng Trà ở Hà Nội, người ta còn thấy hai bên nhắc đến tình hình eo biển Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng CSVN nói một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ ảnh hưởng nặng đến Nhật Bản và Việt Nam. Ông ta cũng nói điều quan trọng là Bắc Kinh phải tìm giải pháp qua thương thảo với Đài Loan. Giữa lúc Trung Quốc đang hăm tấn công Đài Loan mà nói như vậy là nghịch nhĩ đàn anh. Dù sao bây giờ dựa hơi ông nhà giầu Nhật Bản, cóc cũng đã thấy mở mồm.
Chuyến đi của ông Kawara còn có điều đáng chú ý là ông đã ghé qua Singapore. Tại đây chính quyền nước này cho biết đã đồng ý cho Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự để “di tản kiều dân Nhật” khi cần và giúp vào những hoạt động “gìn giữ hòa bình ở Đông Nam Á”. Hai bên còn thỏa hiệp tham gia những cuộc thao dượt cứu nguy tầu ngầm do Mỹ và các nước Đông Nam Á tổ chức ở ngoài khơi Singapore vào mùa thu này. Riêng chuyến viếng thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Park Yong-ok tại Hà nội trong tháng 4 có mục đích thảo luận các phương pháp mở rộng sự hợp tác về quốc phòng và an ninh. Người ta cũng không quên Nam Hàn là một trong những nước đã có đầu tư lớn ở Việt Nam.
Không thể nói những diễn biến đó có nghĩa là những liên minh quân sự đã thành hình, vì không có thỏa hiệp nào nói đến phòng thủ chung, có chăng chỉ là những “hợp tác quân sự” về những mặt không tác chiến. Đó là một sự “liên lập” khá lạ lùng. Chúng tôi muốn dịch chữ “interdependence” là liên lập cho tương xứng với chữ độc lập (independence). Nhưng sự liên lập đó không phải chỉ nằm trong lãnh vực quân sự, mà thật ra liên lập giữa đủ mọi lãnh vực khác nhau: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội. Bởi vì tất cả chỉ có một cái gốc là tiền. Không có tiền không làm gì được, kể cả quân sự. Một sự liên lập kỳ diệu giữa lúc Đông Nam Á đang nỗ lực phát triển kinh tế qua sự mở rộng giao thương.