Vấn đề khởi sự từ ngày 24-9-2002, khi nước Anh công bố một hồ sơ tình báo cho biết Iraq tiếp tục sản xuất vũ khí hóa học sinh học, và còn tìm cách mua chất uranium từ Phi Châu để làm bom nguyên tử. Ngày 28-1-2003, trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang báo cáo tình hình đất nước trước Quốc hội, Tổng Thống Bush tuyên bố Saddam Hussein có thể đã có các chất hóa học và sinh học để giết hàng triệu người và cảnh báo về “một ngày khủng khiếp chưa từng thấy”. Ông cũng kể ra bản báo cáo của nước Anh. Một tuần sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói với LHQ rằng Mỹ đã có “những bằng chứng không thể chối cãi” Iraq đang ém nhẹm những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đến ngày 20-3-03, Mỹ và Anh mở cuộc tấn công vào Iraq. Bush gọi Iraq là một “chế độ ngoài vòng luật pháp đang hăm dọa hòa bình bằng vũ khí giết người hàng loạt”. Nhưng sau khi quân Mỹ tiến vào Baghdad, chính phủ Bush đã phải nhìn nhận tin tình báo nói Iraq tìm cách mua chất uranium của Phi Châu là sai. Ông David Kay trước đã từng là Thanh sát viên của Mỹ về vũ khí của Iraq, sau khi chế độ Saddam sụp đổ với tư cách cố vấn đặc biệt cho Giám đốc CIA, ông được cử làm Trưởng ban điều tra tìm kiếm vũ khí ở Iraq. Ngày 23-1-04 ông đã xin từ chức và tuyên bố Iraq không hề có vũ khí hóa học hay sinh học vào lúc Mỹ bắt đầu mở cuộc chiến. Bản báo cáo của ông Kay trước Ủy ban Thượng viện Mỹ tuần trước đã tạo thành một cơn bão chính trị, gây bối rối cho chính phủ Bush.
Việc Tổng Thống Bush cho lập một Ủy ban Điều tra vụ tình báo về Iraq là một quyết định nhằm giải tỏa áp lực về một đề tài chính trị có tiềm năng bùng nổ vào lúc cuộc chạy đua tranh cử đã bắt đầu với những tin tức sôi nổi về các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ để lựa chọn ứng viên ra tranh cử Tổng Thống. Nhưng chính việc thành lập Ủy ban này cũng đã tiềm ẩn một số hiểm họa không nhỏ. Nếu Ủy ban thực sự độc lập như Tổng Thống Bush đã hứa, ban này có thể cứu xét không những các công tác của các cơ quan tình báo Mỹ mà còn moi ra vấn đề chính phủ đã sử dụng các tin tình báo như thế nào. Ủy ban cũng có thể đòi xem xét những tin tình báo đã báo cáo cho ông Bush, như một Ủy ban của Quốc hội đã từng làm khi điều tra về vấn đề tình báo trước ngày khủng bố tấn công 11-9. Nhưng nếu những người được lựa chọn là thân với Tổng Thống, vấn đề Ủy ban có đáng tin cậy hay không sẽ được đặt ra và đó cũng là miếng mồi ngon để các ứng viên đảng Dân Chủ moi ra tấn công ông Bush. Mặc dù Bạch Cung đã nói trước rằng Ủy ban này “sẽ có thành phần lưỡng đảng và độc lập”, các lãnh tụ đảng Dân Chủ đã nghi ngờ một Ủy ban hoàn toàn do Tổng Thống bổ nhiệm sẽ không thể vô tư.
Bạch Cung cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của Ủy ban có tầm bao quát, không những chỉ điều tra về vụ Iraq mà còn cứu xét cả nhũng thiếu sót của công tác tình báo đối với Pakistan, Iran và những nước khác. Một nhiệm vụ bao quát như vậy cố nhiên sẽ mất nhiều thời gian và hầu như chắc chắn chỉ có thể hoàn tất để báo cáo vào năm 2005, nghĩa là sau cuộc bầu cử Tổng Thống cuối năm 2004. Đây cũng là một khía cạnh để đảng Dân Chủ tố cáo việc thành lập Ủy ban chỉ là một thủ đoạn của ông Bush để né tránh vấn đề trong mùa tranh cử. Những poll thăm dò dư luận tuần này đã cho thấy mức được lòng dân của Tổng Thống Bush đã xuống thấp dưới 50%. Các cuộc thăm dò dư luận chỉ là tùy lúc, nó có thể lên xuống bất ngờ.
Thế nhưng bất luận Ủy ban làm việc ra sao và cho đến ngày nào mới xong, việc không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq cũng tạo thành một gánh nặng cho Tổng Thống Bush giữa mùa tranh cử, nhất là khi lính Mỹ vẫn tiếp tục tử trận vì những đòn đánh du kích lẻ tẻ và đánh bom tự sát của khủng bố ở Iraq. Các chính khách Mỹ vẫn thường nói người quân nhân phải chiến đấu - và chết nếu cần vì một lý do đặc biệt. Lý do đó là mối hăm dọa cho nước nhà ở Mỹ. Nay bằng chứng rõ rệt nhất về mối hăm dọa đó có thể chỉ là ảo tưởng. Đó là chuyện rất phiền, nhất là khi một nước đang phải gồng mình lên để sẵn sàng chịu đựng một cuộc chiếm đóng lâu dài, tốn tiền và đẫm máu ở nước ngoài.
Dĩ nhiên không ai ưa thích một kẻ độc tài tàn bạo như Saddam Hussein và chính phủ Bush cũng đã nêu ra nhiều lý do biện minh cho cuộc chiến Iraq: Saddam Hussein độc tài tàn bạo, thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có Saddam. Ngoài ra cũng nên cho các kẻ độc tài khác trên thế giới nhìn thấy một chế độ bạo ngược, phi dân chủ, chà đạp quyền tự do của con người sẽ có hậu quả như thế nào. Nhưng vẫn còn một vấn đề khó nói. Sau vụ khủng bố al-Qaida tấn công vào Mỹ ngày 11-9, chính Tổng Thống Bush đã nêu ra chủ trương của ông “tiên hạ thủ vi cường” - “đánh trước hỏi tội sau, khi cần để bảo vệ nền tự do và mạng sống của chúng ta”. Nhưng bây giờ đám mây mù về công tác tình báo Mỹ đã làm cho chủ nghĩa tiên hạ thủ vi cường khó đứng vững. Rồi đây liệu có một giới chức Mỹ nào tạo được niềm tin của thế giới khi ra trước LHQ giơ cao cái gọi là “hiểm họa khủng khiếp” để đòi phải hạ thủ ngay trước khi quá muộn" Và đáng buồn nhất, lúc thế giới không tin lại là lúc “hiểm họa” có thật chớ không phải giả. Câu chuyện ngụ ngôn “tiếng la có chó sói” còn đó.