Trung Tỉnh Cư Sĩ - Cabramatta NSW
Trong một lá thư viết cách đây dễ hơn nửa năm, tôi đã đóng góp ý kiến với tiến sĩ NĐH. Nay tôi lại không quản ngại kiến thức có hạn, xin được một lần nữa đóng góp ý kiến quanh việc giáo chức dậy Việt ngữ ở Úc về VN tu nghiệp dưới chế độ giáo dục của CS, vì tôi thấy đây là chuyện vô cùng nguy hiểm cho tương lai của cộng đồng ta. Như tôi đã viết trong thư trước, tôi vốn là người mê chữ nghĩa, trọng người có học, nhất là những người khoa bảng. Tôi nghĩ đó cũng là truyền thống tốt đẹp của người đông phương trong đó có dân tộc Việt Nam mà tôi may mắn được thừa hưởng từ phụ mẫu. Mà càng trọng người có học, người khoa bảng bao nhiêu, thì tôi lại càng kính trọng các thầy cô giáo bấy nhiêu. Cũng vì lòng kính trọng đó, nên tôi rất xót xa khi thấy có một số (ở đây tôi không dám nói tất cả, mà chỉ dám nói có một số thôi, xin quý vị nhớ cho như vậy) thầy cô giáo dậy tiếng Việt ở Úc lại quên mất cái thiên chức cao quý của mình, chấp nhận về VN tu nghiệp với cái nền giáo dục phi nhân, phản dân tộc của CS. Dậy Việt ngữ cho con em người Việt ở đây là quý thầy cô giáo nên hiểu không phải chỉ dậy chữ mà còn truyền thụ cả cái văn hoá, tinh hoa mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc VN cho các em. Phải bằng cách này hay cách khách giúp cho các em hiểu được cha mẹ, chú bác của chúng vì yêu tự do, dân chủ, nên phải đến Úc tỵ nạn CS. Nếu tư cách của quý thầy cô giáo không cao quý, lại dám sống sượng viết “miếng nhục là cục thịt” để biện minh cho việc chui về VN luồn cúi tụi CS thì thử hỏi làm sao phụ huynh chúng ta có đủ tin tưởng trao con em mình cho quý vị dậy dỗ. Nếu quả thực quý thầy cô giáo muốn tu nghiệp để học hỏi cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ VN, thiết tưởng không cần đi đâu xa, xin mời quý thầy cô giáo ghé xuống Cabramatta nghe người dân trò chuyện, hay ghé chùa chiền, nhà thờ nghe những bài thuyết giảng sâu sắc bằng tiếng Việt của quý cha, quý thầy, là tha hồ cho các thầy cô học hỏi những lời hay ý đẹp trong ngôn ngữ VN. Đâu cần phải về VN nghe cán bộ giáo dục CS giảng dậy thế nào là “một tên làm bẩn môi trường bến”("!).
Tôi cũng không đồng ý với việc bà Jessy Tu bảo giáo viên về VN tu nghiệp là không bị ảnh hưởng chính trị của CS. Bà Tu đâu có biết, tụi CSVN nó ma mãnh thủ đoạn và nham hiểm vô cùng, thưa bà. Bản thân tôi với kinh nghiệm từ vụ án Ôn Như Hầu cách đây gần 50 năm, qua cái chết của bao nhiêu bạn hữu trong Quốc Dân Đảng, cho đến nay, tôi vẫn cam đoan với bà, người cộng sản là những người tệ hại, mất tư cách nhất trong số những người mất tư cách trên thế giới này. Tôi bảo đảm với bà và quý vị, ai mà về VN tu nghiệp với CS là không sớm thì muộn họ sẽ đánh mất tinh thần yêu tự do và lập trường của người Việt tỵ nạn CS. Tôi xin đơn cử trường hợp ông TĐL. Ông này cũng là người Việt tỵ nạn CS, từng làm đến chức Chủ tịch hội đồng văn hoá giáo dục của cộng đồng người Việt tự do tại NSW. Như vậy ông phải là người có tinh thần yêu nước, chống CS lắm chứ đâu phải ít. Vậy mà khi mất cảnh giác, quên mất tư cách tỵ nạn CS và lập trường yêu tự do dân chủ, ông chỉ về VN tu nghiệp với nền giáo dục độc tài của CS có một chuyến, rồi sang đến bên này, là tôi thấy ông ta né tránh cộng đồng mình, tôi chẳng thấy ông tích cực tham gia các sinh hoạt văn hoá văn nghệ do cộng đồng người Việt tự do tổ chức.
Rồi cách đây mấy tháng, ông còn “thân mật” dắt một người đàn ông lạ mặt đến Văn Phòng CĐNVTD/NSW ở Cabramatta không biết thăm dò chuyện gì mà khi trông thấy quốc kỳ của mình treo ngoài văn phòng, người đàn ông này dám đưa ngón tay chỉ trỏ rồi hỏi một câu hỗn láo nghe lộn cả ruột, “Có biết cái này là cái gì không mà treo ở đây"” (Chuyện này về sau thi sĩ Nam Man đã sáng tác bài thơ chửi cho một chập, nhưng tôi thấy chưa đã. Phải chửi vài chục bài và chửi cỡ vài tháng nữa mới được). Thú thực với quý vị, may mà lúc đó, không có tôi ở đó, chứ có tôi là tôi đã dậy cho hắn một bài học rồi tôi gọi cảnh sát đến đuổi thẳng cổ cả 2 tên đó ra ngoài ngay tắp lự.
Nhưng như vậy chưa hết chuyện ông TDL, vì tôi còn nhớ, ông TĐL này còn xuất hiện trong buổi triển lãm tranh của “hoạ sĩ” Nguyễn Hưng Trinh ở toà bạch ốc nhà tròn Bankstown cách đây dễ tới 1 năm rồi thì phải. [... ...] Viết đến chỗ này tôi xin được mở ngoặc viết thêm vài điểm rất đáng buồn cho cộng đồng chúng ta như thế này. Cái điểm đầu tiên là về Nguyễn Hưng Trinh vì anh chàng hoạ sĩ này ở VN, vậy mà chỉ nội trong 1 năm đã được CSVN liên tiếp cho phép đưa tranh xuất ngoại sang Úc triển lãm tại 3 nơi là Casula Power House ở Sydney (nơi này là nơi mà Thế Hệ Một Rưỡi của Lê Phú Cường xuất hiện lần đầu với bà Bội Trân mà báo SGT phanh phui... cách đây 1 năm khiến báo của CS tại VN vội vã lên tiếng bù lu bù loa cãi lại, chắc quý vị còn nhớ""). Nơi thứ hai là Gabriel Gallery ở Melbourne, rồi nơi thứ ba là ở Bankstown [... ...]. Nghe đâu anh chàng hoạ sĩ này còn có cả một bức tranh treo ở nhà làng của Liverpool Council nữa.
Được CS cho xuất ngoại tranh triển lãm liên tục như vậy nhưng xin thưa anh này chẳng phải là hoạ sĩ tài ba gì cả. Gia đình anh chẳng có ai theo đuổi nghệ thuật hội hoạ, còn bản thân anh NHT cũng chẳng qua trường lớp hội hoạ nào bao giờ. Vì không qua trường lớp đàng hoàng nên anh vẽ chẳng giống bất cứ hoạ sĩ nào. Anh chuyên vẽ bằng dao, bằng ngón tay và bằng muổng cà phê.(""!!) Vẽ như vậy thì làm sao ra hồn cho được. Chả thế mà từ khi chào đời vào cái thời Việt Minh còn đì đùng đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, mà mãi đến năm 1996, nghĩa là khi đã 42 tuổi, Nguyễn Hưng Trinh mới được liệt vào loại thợ vẽ toàn thời. Ấy vậy mà chỉ trong thời gian ngắn có vài năm trở lại đây, báo chí của CSVN, kể cả báo Nhân Dân đều thi nhau viết bài ca ngợi NHT đến tận mây xanh, rồi sau là đến màn tranh của y được triển lãm hết Đà Lạt, Sàigòn, rồi vọt ra Melbourne, Casula Power House, Bankstown... Như vậy không hiểu NHT được guồng máy tuyên truyền văn hoá của CS hậu thuẫn, hay ai hậu thuẫn mà một sớm một chiều “thành tài” nhanh như vậy""" [... ...]
Kể lại những điều trên đây để quý vị thấy, một giáo viên dậy Việt ngữ, chỉ về VN tu nghiệp với CS là dễ dàng bị ảnh hưởng không ít đến lập trường chính trị, và thái độ dấn thân cho tự do dân chủ. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng và kiên quyết chống lại việc giáo chức Việt ngữ về VN tu nghiệp với giáo dục CS. Kẻo tương lai không xa, mỗi ngày tại văn phòng cộng đồng NVTD mình sẽ tràn ngập cỡ vài chục “giáo viên tu nghiệp VN” dắt vài chục cán ngố nghênh ngang ra vô, miệng không ngớt hoạnh hoẹ đòi hạ quốc kỳ VNCH, đòi treo cờ CS lắm lắm!!
*
Thuỳ Dương là ai mà viết hay quá xá"!
Vu D.Tam - US
Tuần này tôi đọc trên Vietbao Online thấy có truyện ngắn Một Nghề Sáng Giá của tác giả Thuỳ Dương viết quá hay, không biết Thuỳ Dương là ai vậy mà nói lên cái kém cỏi của tụi cộng sản thiệt là hay. Đọc truyện thì thấy tác giả có vẻ là con gái Hà Nội (nhưng không biết có phải vậy không""). Truyện nói ngay cả sinh viên VN du học ở Nga về mà còn bị tụi quan lại cộng sản cấu kết với nhau bạc đãi đến hộc máu ra như vậy, bị thất nghiệp kinh niên, đến độ phải trở lại Nga để kiếm việc thì tụi sinh viên VN du học ở Mỹ, Pháp làm sao chịu nổi những lạnh lùng, đố kỵ, kèn cựa của cán bộ gộc CS (và con em) của chúng"" Nhưng phải nói là lời đối đáp của cô nàng tác giả viết truyện này quá hay khiến tôi nghĩ đến có lẽ tác giả này là Dương Thu Hương. Với tụi cộng sản phải đối đáp bốp chát như vậy thì mới được. Nhưng có lẽ chỉ có người ở ngoài Bắc họ mới có gan đối đáp với CS như vậy. Còn dân ở trong Nam, nhất là bà con Việt kiều mình ở hại ngoại, gặp cán bộ CS là cứ ngại ngùng chỉ sợ chúng chụp cho cái mũ “phản động tàn dư Mỹ nguỵ” nên chả dám nói, chỉ lo lấy đô la hối lộ thì chả khá được. Chúng được đằng chân thì lại lân đằng đầu.
Tội ác
Dược Sĩ Giết Hàng Loạt...
Vũ Hải
Là một dược sĩ nổi tiếng, công việc chính của ông Robert Courtney là pha chế thuốc trị bệnh ung thư cho hàng ngàn thân chủ phụ nữ, những người đang chiến đấu với căn bệnh chết người và hoàn toàn tin tưởng vào người thầy thuốc này. Thế nhưng ông ta đã độc ác phản bội họ bằng cách pha loãng thuốc để kiếm lợi hàng triệu đô-la, và vì vậy đã cướp mất cơ hội sống sót duy nhất của họ.
Là chủ nhân của một tiệm thuốc tây rất bận rộn, Courtney Pharmacy, pha chế hàng trăm toa thuốc mỗi ngày, tuy thế ông Robert Courtney thích làm việc một mình. Vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, ông ta tự giam mình trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ. Ở đó, trong chiếc áo choàng phòng thí nghiệm mầu trắng ông ta xay, cân đo và pha chế các hóa chất, các độc tố và dung dịch saline để bán cho các bệnh nhân ung thư đang được chữa bằng hóa trị.
Pha chế thuốc để giúp người bị bệnh là năng khiếu mà dường như rất thích hợp với ông Courtney, một người rất mộ đạo, người chồng tận tụy với gia đình và là người cha của bốn đứa con. Là con trai của một mục sư Cơ đốc giáo Pentecost, người du hành khắp các vùng thôn quê để rao giảng Thánh kinh và cứu vớt các linh hồn. Ông Courtney trở nên giầu có nhờ nỗ lực bản thân, và đã đóng góp rất rộng rãi cho nhà thờ địa phương.
Thế nhưng sự sùng đạo của ông Courtney đã chỉ là một chiếc mặt nạ che đậy lòng ác tâm của mình; tài sản hàng triệu đô-la của ông không phải là kết quả của sự làm việc cần mẫn. Các loại thuốc tổng hợp mà ông pha trộn cho các bệnh nhân đang chiến đấu một mất một còn với chứng bệnh ung thư đã được pha quá loãng khiến chúng trở nên vô dụng. Ông Courtney đã bán các liều thuốc vô giá trị này cho các thân chủ hoàn toàn tin tưởng ở ông với giá không bớt một cắc, từ $2000 đến $3000 đôla một toa thuốc trong thời gian đó.
Rất khó để ước tính đã có bao nhiêu bệnh nhân ung thư đã chết trong khi được chữa trị bằng thuốc của nhà dược sĩ 51 tuổi này pha chế trong suốt 10 năm. Bà Judith Lewis-Arnold, một thám tử FBI đã lột mặt nạ đạo đức giả của ông Courtney, nói rằng: “Người ta thậm chí không thể so ánh ông ấy với kẻ giết người hàng loạt tệ hại nhất của thế giới.” Ông David Parker, một thám tử đặc biệt của FBI ở Kansas City, cũng đã choáng váng bởi hành động đồi bại của ông Courtney. Ông Parker giải thích rằng: “Các kẻ giết người hàng loạt (serial killer) - như Ted Buddy - bị giới hạn bởi những gì họ có thể làm. Chỉ một vài chục nạn nhân là cùng. Ở đây chúng ta đang nói đến hàng ngàn người. Có thể còn nhiều hơn nữa.”
Nhà thám tử FBI này kể lại lúc nhìn thấy ông Courtney trong phiên xử, ngày 5 tháng 12 năm 2002, khi nhận tội như sau: “Ông ấy rất lạnh lùng, nhìn thẳng vào mặt mọi người với cặp mắt của con cá mập.” Và ông ta đã không bầy tỏ bất cứ sự xúc cảm nào khi nhìn thấy 10 nạn nhân xuất hiện trong tòa án. Một trong những nạn nhân là bà Georgia Hayes, một cựu nhân viên ngành giáo dục mắc bệnh ung thư buồng trứng. Bà Hayes, 45 tuổi, nhận thấy có điều gì đó không đúng khi tất cả tóc trên đầu rụng hết sau 12 ngày chữa bệnh bằng thuốc tại một bệnh viện địa phương.
Thật ra điều này chẳng có gì là lạ - rụng tóc là một tác động phụ thông thường của cách điều trị ung thư bằng các chất hóa học. Thế nhưng bà Hayes đã không bị bất cứ tác động phụ nào trong suốt tám tháng điều trị bằng thuốc mua của ông Courtney trước đó. Cảm thấy bối rối không hiểu tại sao cùng cách chữa trị mà lại có các triệu chứng rất khác nhau, dù khác địa điểm, bà Hayes đến hỏi một y tá trong bệnh viện, nơi bà được điều trị, nhưng sau đó bà đã không tìm hiểu vấn đề thêm nữa.
Không bao lâu sau đó, một người đại diện cho một trong những công ty cung cấp thuốc cho ông Courtney đã nói lên sự hoài nghi của mình với bệnh viện này về “các khoảng trống rất lớn” trong hồ sơ mua thuốc của tiệm Courtney Pharmacy. Sau đó một bác sĩ chuyên khoa ung thư đã thử nghiệm một số mẫu thuốc và khám phá chúng đã bị pha rất loãng. Chỉ trong vài tuần lễ, một cuộc điều tra được tiến hành và cuối cùng ông Courtney bị buộc tội pha loãng các liều thuốc trị bệnh ung thư.
Trong lúc ngồi xem truyền hình tại nhà bà Hayes đã biết được tin tức về vụ gian trá của ông Courtney. Bà tâm sự: “Ngay khi nghe được tin này, tôi đã biết mình là một trong những nạn nhân. Tôi cảm thấy như bị ai đó đá một cú thật mạnh vào bụng. Tôi biết chứng bệnh ung thư đang giết chết tôi - vì ông Robert Courtney. Một bác sĩ làm nhân chứng trong tòa đã nói ông Courtney cướp đi mất bất cứ cơ hội khỏi bịnh nào mà tôi có thể đã có được. Mỗi buổi sáng khi nhìn vào gương, tôi thấy tóc mình đang mọc trở lại, nhìn thấy các vết sẹo ngang cơ thể từ sáu lần giải phẫu bụng làm tôi giống như Bride of Frankestein.
“Tôi và nhiều bệnh nhân khác đã thử dùng loại thuốc này và chẳng thấy công hiệu gì cả bởi vì chúng đã bị pha loãng. Trong lúc chờ đợi mua thuốc, các bệnh nhân chúng tôi thường ngồi nói chuyện với nhau về những thông tin mới nhất về ung thư. Chúng tôi đã mất nhiều người bạn đồng bệnh, và mỗi lần có một người qua đời tôi đều gửi thư để báo cho ông Courtney biết.”
Ông Mark Ketchmark, một luật sư đại diện cho các nạn nhân đã mua thuốc từ tiệm thuốc tây Courtney Pharmacy, nói rằng: “Một trong những điều đáng buồn nhất là ông ấy đã nhắm mục tiêu vào phụ nữ. Họ bị ung thư buồng trứng và ung thư vú, và hầu hết thuốc hóa trị đều là chất lỏng. Thay vì dùng 2 muỗng thuốc, ông ấy chỉ dùng một muỗng thôi.”
Cuối cùng ông Courtney đã tích lũy được một tài sản lên đến ít nhất $10 triệu đôla - kết quả từ hành động lấy trộm không chỉ từ những thân chủ bị bệnh ung thư, nhưng cũng từ các công ty bảo hiểm tư và các cơ quan bảo hiểm công, Medicare và Medicaid. Một trong những khách hàng cũ đã miêu tả ông Courtney là “Con quái vật trong chiếc áo phòng thí nghiệm”, nhưng chẳng ai đã ngờ vực ông ta đã có bất cứ hành động sai trái nào trong thời gian đó.
Ông Courtney không có một tiền án; thường cùng với vợ, bà Laura, và hai đứa con trai sinh đôi đi bơi. Họ ngay cả đã xuất hiện trong một cuộc vận động gây quỹ tranh cử Tổng thống cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ John Aschcroft, và nói chuyện với nhà chính trị gia cao cấp này về vấn đề chăm sóc sức khỏe. Bà Liane Dillman, người tổ chức buổi gây quỹ ở địa phương này, kể rằng: “Khi nói chuyện với mọi người quen biết với ông Courtney, rõ ràng chẳng có lý do nào để nghĩ xấu về ông ấy.” Có lần bà Dillman, người cũng bị mắc bệnh ung thư, cho ông Courtney biết là phải chạy xe đến tiệm thuốc tây của ông để lấy thuốc. Với tấm lòng lúc nào cũng tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ người khác, ông Courtney bảo rằng: “Đừng lo tôi sẽ lấy nó cho bà."
Nhưng trong lúc bà Dillman, bà Hayes và nhiều bệnh nhân khác phải chiến đấu chống lại bệnh ung thư, ông Courtney sống một đời rất vương giả. Ông ta du lịch khắp vùng Địa Trung Hải, sống trong căn nhà trị giá bạc triệu ở vùng khá giả của tỉnh Kansas City, và lái chiếc BMW loại chiến nhất. Ông Courtney cũng tỏ ra là người rất tốt bụng, và rất rộng rãi với các nhà thờ lân cận, đặc biệt là ngôi nhà thờ Northland Catheral, thuộc giáo hội Assemblies of God (nơi mà các tín đồ thường cúng tặng tiền bạc trung bình gấp ba lần các tín đồ Thiên chúa giáo). Trong năm 1999, ông Courtney đã tặng nhà thờ này số tiền $333,000 và trong năm 2000 tặng thêm số tiền $333,000 nữa. Ông đã khai với nhân viên điều tra rằng sở dĩ đã phạm tội một phần bởi vì thiếu $600,000 tiền thuế và phải trả cho nhà thờ số tiền $1 triệu đôla đã hứa đóng góp.
Ông Howard Stark, chủ nhân mới của tiệm thuốc Courtney Pharmacy và đã được đổi tên thành Stark Pharmacy, đưa ra lời nhận xét rằng: “Ông Courtney là người rất được kính nể trong nhà thờ. Chẳng có bất cứ ai đã ngờ vực những gì ông ấy làm. Như thể ông ta có chứng tâm thần phân lập, đôi khi cư xử theo một kiểu cảm xúc này và đôi khi cư xử theo một kiểu khác.”
Cô Kim Lentz là bệnh nhân ung thư, 34 tuổi, đã trải qua cuộc giải phẫu sau thời gian vài tháng uống thuốc của ông Courtney, nói rằng: “Một trong những ý nghĩ đầu tiên của tôi là chích cho gã đàn ông này bệnh ung thư và rồi điều trị bằng loại thuốc pha thật loãng để xem như thế nào.” Trong khi đó người chồng sắp cưới của cô, anh Brian Scraggs, lại nói rằng: “Hãy để Thượng đế quyết định về sự trừng phạt ông ấy.”
Cặp vợ chồng này sống trong một căn chung cư rất khiêm tốn với ba con mèo. Cuộc sống của Lentz không phải lúc nào cũng yên bình, người chồng cũ của cô là người rất vũ phu, thường xuyên đánh đập và có lần đã đập nát chiếc xe hơi của gia đình bằng một sợi xích sắt rất lớn. Và rồi cô đã cố trốn thoát với chỉ bộ quần áo trên người. Không bao lâu sau cô gặp Scraggs, và chỉ vài tháng sau Lentz phát giác bị ung thư đường tiểu. Nó không chỉ là chứng bệnh chết người, nhưng cũng làm cô không thể có con với người chồng mới.
Không bao lâu sau khi được chẩn bịnh, Lentz được giải phẫu và bác sĩ khám phá cô cũng bị ung thư buồng trứng. Cô nhận được đợt thuốc ung thư đầu tiên trong tháng Bẩy năm 1999 và, qua một thời gian 5 tháng, đã mua tổng cộng năm đợt thuốc từ Courtney Pharmacy. Khi ông Courtney bị bắt, Lentz đã choáng váng và cho biết chẳng có điều gì, ngay cả phải thoát khỏi người chồng vũ phu, đã làm cô đau khổ hơn khi biết mình đã uống loại thuốc ung thư bị pha loãng. Cô thú nhận đã khóc rất nhiều.
Và không chỉ một mình Lentz đã khóc. Sau khi Courtney bị bắt giữ, hàng ngàn bệnh nhân khác ở Kansas, Missouri, Nebraska và những nơi khác ở khắp đất nước Hoa Kỳ đã nhận được thuốc trị ung thư từ một trong hai tiệm thuốc tây do ông Courtney làm chủ bắt đầu tự hỏi phải chăng thuốc của họ đã bị pha loãng. FBI thành lập một đường dây nóng và rất nhiều cú phôn đã được gọi đến. Chẳng ai biết một cách chính xác đã có bao nhiêu bệnh nhân là nạn nhân của lòng tham của ông Courtney. Nhưng trong sự mặc cả để nhận tội ở tòa án, ông ta thú nhận đã bắt đầu pha loãng thuốc trong năm 1992, có thể đã ảnh hưởng tới 4200 bệnh nhân và 98,000 toa thuốc.
Hàng trăm thám tử đã được chỉ định công tác điều tra vụ án này, được đặt tên là “Operation Diluted Trust”, và đã làm nó trở thành cuộc điều tra tội ác lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho mãi tới khi xảy ra biến cố 11 tháng Chín năm 2001, ngày mà các tên khủng bố tấn công Hoa Kỳ. Thám tử đặc biệt Judith Lewis-Arnold nói rằng: “Chúng tôi đã chẳng bao giờ nhìn thấy vụ án tội ác nào có tầm vóc rộng lớn như thế này, nó đã đặt quá nhiều người vào sự nguy hiểm. Tương tự tác động domino, cứ tiếp tục mãi.”
Trong phiên tòa xử, ông Courtny đã nhận các lời buộc tội liên hệ đến việc pha loãng thuốc trị bệnh ung thư. Ông ta đứng trước quan tòa Ortrie Smith và cầu xin tha thứ: “Tôi đã phạm một tội ác tầy trời và một cách sâu xa và thành thật tôi rất hối lỗi. Tôi mong ước có thể làm thay đổi mọi thứ. Không hiểu tại sao tôi đã làm điều mà tôi không cần phải làm. Tôi thật sự hối hận về những gì tôi đã làm.” Hiển nhiên quan tòa Smith đã không mủi lòng, ông đã đưa ra bản án tối đa 30 năm tù và phán rằng: “Ông Courtney, các tội ác của ông là sự kinh hoàng đối với lương tâm nhân loại. Chúng vượt quá phạm vi của sự hiểu biết. Tôi tin khi ông nói rằng ông không thể hiểu chúng.”
Trong năm ngoái, luật sư Michael Ketchmark đã tiến hành một vụ kiện chống lại ông Courtney, tiệm thuốc tây của ông ta và hai công ty bào chế đã bán thuốc cho ông Courtney: Eli Lilly và Bristol-Myers Squibb. Họ đã đạt được một sự thỏa thuận bên ngoài tòa án với số tiền không được tiết lộ với các công ty bào chế trong tháng Mười năm 2002. Cả hai công ty bào chế này một mực phủ nhận trách nhiệm. Một phát ngôn nhân của Eli Lilly nói rằng: “Ông Robert Courtney đã nhận các loại thuốc tuyệt hảo, và hoàn toàn ngoài sự hiểu biết của chúng tôi ông ấy đã một cách phạm tội pha loãng chúng.”
Sau sự thỏa thuận ngoài tòa án, luật sư của các nguyên đơn đã ca ngợi cả hai Eli Lilly và Bristol-Myers là các công ty rất tốt luôn “tận tụy chống lại bệnh ung thư”, và ông nói thêm rằng các nguyên đơn đã chẳng bao giờ nói hai công ty bào chế này đã một cách cố ý phớt lờ hành động phạm tội của ông Courtney.
Trong khi đó trong vụ kiện chống lại ông Courtney, Kim Lentz đã được bồi thường một số tiền khổng lồ $2,2 tử đô-la, cô đã nhận được một ngân phiếu qua đường bưu điện hồi tháng Bẩy năm ngoái. Với số tiền nhận được, cô mua một máy truyền hình mới, chiếc xe hơi mới, trả dứt các thẻ tín dụng và ngay cả đã hoạch định một cuộc du lịch trăng mật với Scraggs.
Và không phải tất cả các nạn nhân của ông Courtney đều đã có thể nhìn thấy ông ta bị kết án và công lý được thực hiện. Bà Adelia Atwood là một trong số nhiều người đã chết. Kimberly Comfort, cô con gái của bà Atwood, nói rằng nếu mẹ cô có thể đối chất với nhà dược sĩ vô lương tâm này, chắc chắn bà sẽ tha thứ cho ông ấy: “Tôi nghĩ thoạt tiên mẹ tôi có thể tức giận. Nhưng tôi tin bà sẽ tha thứ cho ông ấy, và cũng muốn tất cả chúng tôi tha thứ. Mẹ tôi không muốn ông ta bị trừng phạt như vậy.”
Bà Atwood khám phá mình bị tái phát ung thư buồng trứng trong đầu năm 1999. Tuy nhiên vị bác sĩ chuyên khoa ung thư tiên đoán bà có thể hồi phục thật mau lẹ. Từ tháng Bảy 1999 tới tháng Ba 2000, bà Atwood đã mua tổng cộng khoảng $84,000 tiền thuốc của ông Courtney. Nhưng lần này, tình trạng của bà đã không trở nên tốt hơn. Và ngày 10 tháng Hai, năm 2001, bà Adelia Atwood đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 62 tuổi.
Có lẽ là một sự an ủi phần nào cho cô con gái của bà Adella Atwood khi biết rằng, không bao lâu sau khi lãnh án tù, người đàn ông một thời nổi tiếng này đã bị từ chối không cho dự đám cưới của cô con gái. Chánh án Robert Larson quyết định từ chối lời thỉnh cầu đặc quyền này và nói rằng: “Robert Courtney sẽ không thể trao cho cô con gái cho chú rể trong lễ cưới khi ông ta vẫn mặc quần áo tù, bị xiềng chân và còng tay.” Hiện nay ông Courtney đang bị giam trong một nhà tù liên bang và mới đây đã nạp đơn chống án. Trong vài tháng nữa ba quan tòa trong một tòa án phúc thẩm liên bang sẽ quyết định ông ta có được xử lại hay không.