Lá thư thứ nhất
Kính gởi ông Văn Quang,
Tôi năm nay 75 tuổi, qua Canada sống trên 15 năm rồi, tôi ít học. Quê miền Hậu Giang lên Saigon học không đến đâu, bỏ lên Biên Hòa làm công, nghèo lắm, nhiều bữa không tiền ăn điểm tâm phải ăn nhúm muối rồi uống nước cho no bụng. Nay sang Canada nhờ chút tiền trợ cấp tuổi già, ngồi nhớ quê hương nhưng yếu quá không thể về thăm quê được.
Đọc báo thấy ông viết bài trang "Quê hương những điều trông thấy" (ở những báo khác, bài này mang tên Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự - Tác giả) tả nhiều cảnh thương tâm của đồng bào nghèo sống nơi khỉ ho cò gáy, thiếu ăn thiếu mặc, nên tôi rất đau lòng, trong khi kẻ quan quyền con ông cháu cha vung tiền không tiếc.
Đã từng sống trong cảnh đói khát lúc thiếu thời, tôi rất cảm thông hoàn cảnh của đồng bào Lộc Ninh - nơi ông thường đề cập - nên tôi mạo muội gởi thơ này đến ông nhờ ông giúp đỡ, là tôi sẽ gởi tiền về cho ông, nhờ ông xem những ai thực sự nghèo khó, ông dùng tiền này giúp đỡ cho họ, nhiều ít tùy ông định liệu. Tôi vì già yếu không thể về thăm ông và bà con, vậy mọi việc tôi thành thật kính nhờ ông thay mặt lo hộ giùm, với điều kiện là ông đừng cho bà con biết tôi là ai. Làm được việc thiện này là tôi cảm thấy rất sung sướng trong lòng. Của ít lòng nhiều, một gói khi đói bằng một gói khi no.
Sở dĩ tôi biết địa chỉ điện thư là nhờ xem bài "Huy Quang - Vũ Đức Vinh Hai con người: Một nhân cách lớn".
Nếu nhận được thư này và ông bằng lòng thay mặt tôi nhận tiền xin ông vui lòng cho biết địa chỉ người và nơi nhận tiền, tôi sẽ gởi tiền đến ông.
Địa chỉ Email:....
Thành thật cám ơn ông trước và chúc ông và quý quyến an khang, thịnh vượng và vạn sự may mắn.
Người gửi:............
Hamilton, Ontario Canada
Thư thứ hai
Thân mến kính gởi Ông Văn Quang,
Tôi đã gởi đến Ông Một ngàn đô Canada ($1,000.00 CAD) qua địa chỉ của Bà Lành nhờ chuyển giao (Phiếu gởi số ngày 31-12-2005). Xin thú thật, với số tiền nầy tôi cho là quá ít, nhưng khả năng của tôi chỉ có bấy nhiêu, đó là tất cả tiền chánh phủ trợ cấp trọn tháng 12/2005 mà tôi xin gởi hết để tặng cho bà con nghèo khó.
Ước gì tôi là triệu phú thì tôi phải gởi bạc triệu mới toại lòng đối với bà con nghèo. Thú thật, hằng đêm tôi cầu xin ơn trên cho tôi chiêm bao thấy số được trúng số, nhưng không hy vọng, vì bản thân tôi không bao giờ cầm đến lá bài, uống rượu - dù bia -, café và hút thuốc. Hiện tôi cũng đang mắc bệnh suy thận (còn hoạt động 50%), cao huyết áp, suy tim và sưng khớp, phải uống thuốc hằng ngày. Ăn kiêng, chỉ ăn cá hồi, ngừ, thu, mòi, đậu nành, rau cải và trái cây, thỉnh thoảng mới ăn chút ít thịt nạc heo, ức gà mà thôi.
Đối với bản thân, tôi rất tiết kiệm, nhưng việc nghĩa thì tôi mở rộng vòng tay. Nói ra Ông đừng cười, từ ngày qua Canada trên 15 năm, tôi chưa bao giờ tốn tiền hớt tóc. Mua 1 Tondeuse cho bà xã cắt mỗi 3 tháng 1 lần, già rồi xấu đẹp ai cười phải không Ông" Vả lại tôi cũng ít khi ra đường đi đâu, ngoài mỗi thứ sáu đến cửa hàng điện tử xem các loại máy cho khuây khỏa.
Còn việc Ông định sẽ báo cho tôi biết theo thủ tục mà Ông nói, thật ra tôi không nghĩ đến vì tôi hết lòng tin tưởng Ông qua các bài viết Ông gởi đăng trên báo, vì tôi nghĩ Ông cần tranh thủ thời giờ để soạn bài viết cho các số báo hằng tuần, nhưng Ông muốn như vậy, tôi cũng đành chịu thôi. Đọc văn biết người, và mong rằng dịp nầy Ông và tôi sẽ còn gởi điện thư liên lạc thường xuyên với nhau.
Ông ơi, hy vọng nếu sức khỏe tôi cho phép kéo dài thêm cuộc sống, mỗi năm tôi cũng sẽ gởi ngần ấy tiền đến Ông để nhờ Ông giúp đỡ cho bà con nghèo ở Lộc Ninh để họ vui hưởng cái Tết và mùa Xuân vui vẻ.
Cuối thư tôi cám ơn Ông nhiều và chúc Ông cùng quý quyến luôn an khang và hạnh phúc.
NTP
Hamilton, Ontario Canada
***
Thưa bạn đọc,
Tôi không biết các bạn nghĩ gì khi đọc hết hai lá thư này. Nhưng điều đầu tiên tôi muốn nói lời xin lỗi đến ông (ông gì nhỉ, thôi thì tôi cứ tạm lấy cái tên tắt NTP để có tên mà thưa gửi), vâng, ông NTP, xin vui lòng tha thứ cho tôi vì "tội" công bố lá thư này trên báo. Tôi hiểu rất rõ một người yêu cầu "ông đừng cho bà con biết tôi là ai" thì cũng chẳng bao giờ muốn tên tuổi trưng lên cho mọi người cùng biết.
Nhưng quả thật điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi viết bài này. Tôi đã không nêu rõ tên thật của ông như ý ông muốn, nhưng còn công việc ông làm, hoàn cảnh của ông từ khi còn ở VN cho đến khi định cư ở nước ngoài, tình cảm ông dành cho người nghèo... tôi nhận thấy đó là một "nhân cách lớn" cũng như ông Vũ Đức Vinh mà ông đã đọc trong bài của tôi. Hai nhân cách ấy của người Việt chúng ta, chắc chắn là còn rất nhiều và dù ở đâu cũng là tấm gương sáng rực rỡ cho bất cứ ai, tôi thấy không thể không đề cập đến.
Thú thật là tôi và mấy người bạn già của tôi đã có người không cầm được nước mắt khi được đọc hai lá thư này của ông. Vì vậy tôi muốn cùng bạn đọc chia sẻ nỗi xúc động này. Vinh danh hay đề cao ông, chắc chắn là điều không bao giờ ông nghĩ tới và tôi cũng vậy, không với mục đích "vinh danh" hay "đề cao" mà chỉ vì "không thể không nói ra" những điều mình suy nghĩ, mình nhận được từ tấm lòng nhân hậu đặc biệt, rất đáng kính trọng như thế. Tôi hy vọng bạn đọc của tôi, cũng sẽ vui khi đọc những thông tin như thế này. Còn hơn là đọc những tin tức bất bình đến phẫn nộ của bọn tham quan ô lại đầy rẫy trong xã hội VN hiện nay.
Mong rằng ông không giận tôi vì cái "tội" này. Tôi sẽ tuyệt đối tôn trọng điều kiện duy nhất của ông là không tiết lộ tên ông với đồng bào được ông giúp đỡ, nhưng tất nhiên tôi phải nói với họ đó là của một ông già ở Canada gửi về tặng đồng bào để người dân hiểu rõ tấm lòng của đồng bào xa quê hương của mình.
Có tiền mang tặng cũng không dễ
Ngày 5-1-2006 tôi lên xe trở về Lộc Ninh, tưởng chưa thể nhận được món tiền đó của ông NTP, nhưng rất may là bà hàng xóm - người vẫn trông coi nhà cửa ở Sài Gòn giúp tôi - đã nhận được tiền và ngay lập tức, bà đã cho người em ngồi xe ôm ra tận bến xe trao cho tôi một ngàn đô la Canada. Cầm trên tay những tờ giấy bạc mới cứng mà lòng bùi ngùi quá.
Tôi tưởng đang nhìn thấy hình ảnh ông NTP trên những tờ giấy bạc đó, một ông già đang ngồi ung dung sưởi nắng để bà vợ cắt tóc cho mình. Người đàn bà VN cắm cúi trên mái tóc bạc trắng của chồng, họ vừa làm việc vừa thủ thỉ tâm tình bên những đóa hoa xuân mới nở trong vườn hoặc trên hàng hiên... Ôi cái cảnh ấy sao mà tình tứ đến thế. Cứ như đôi chim vành khuyên đậu trên "cành Bắc nhớ trời Nam" vậy. Nếu ông bà ấy biết rằng giờ này ở VN tôi đã nhận được món tiền của hai ông bà dành dụm để chuẩn bị mang đến với người nghèo, có lẽ cả hai ông bà sẽ vui hơn và khi món tiền ấy đến tay người nghèo, ông bà NTP sẽ còn hạnh phúc hơn nữa.
Cũng cần phải kể thêm rằng khi nhận tiền rồi, tôi còn chưa biết sẽ đổi được ra bao nhiêu tiền VN. Về đến Lộc Ninh, tôi vội gửi ngay e-mail cho ông TTP để báo tin và nhảy vào internet xem tỉ giá ngoại tệ là bao nhiêu. Lúc đó tôi mới biết rằng giá đô la Canada có giá trị gần bằng đô la Mỹ ở VN. Nếu hôm nay 100 đô la Mỹ đổi được 1triệu 591 VNĐ thì Đô la Canada đổi được 1 triệu 349VNĐ. Tổng cộng tôi sẽ có hơn 13 triệu đồng để "toàn quyền" chia cho bà con nghèo.
Thú thật với các bạn, đây lại cũng là bài toán đau đầu cho tôi. Trong những ngày vừa qua đã có một phái đoàn của hai tờ báo bên Úc về tặng quà cho đồng bào nghèo ở xã Lộc Thái này rồi. Tôi kiếm ra vài chục người nghèo khổ hơn những người khác, quả là khó khăn chứ không phải chuyện dễ dàng gì. Phát cho người này mà không phát cho người nghèo hơn thì tôi cảm thấy có tội. Và tất nhiên nếu họ "khiếu nại" thì tôi không biết sẽ phải xử trí ra sao. Vì thế cần phải có một danh sách chính xác. Ngoài những người mà gia đình tôi đã biết như bà lượm ve chai đang phải húp cháo trừ bữa, anh thợ làm vườn nhưng mùa mưa thất nghiệp nên làm phụ bất cứ thứ thợ gì, có cô vợ vừa sinh mà không có tiền, phải đi xin từng nhà trong dịp Tết Tây vừa qua... còn những ai nữa"
Bỗng nhiên tôi thấy với món tiền khá lớn của "cái nhà ông này" sao mà khiến tôi "lo" đến thế. Có phải là sự thận trọng hơn những việc khác không" Tôi không rõ, nhưng tôi cứ thấy cần phải rất thận trọng. Nếu cho lầm, bỏ sót là có tội với ông bạn già của tôi. (Không biết từ bao giờ, tôi cứ mạo muội nhận vơ ông này là bạn mình). Tôi đem mọi việc ra nói với mẹ con bà Thụy Vũ, những người đã có 30 năm đau khổ và trưởng thành ở cái xứ này, để xin ý kiến.
Bàn mãi, cuối cùng chúng tôi bàn nhau giúp cho một xóm nghèo, từ bao đời nay phải xài nước suối, thường là đục lờ lờ, khi cạn queo thì xách can đi hàng năm bảy cây số để mua nước về dùng. Trẻ con thì suốt ngày chỉ mặc áo, không mặc quần vì không có quần để mặc. Có những lúc suối chỉ còn lại vài vũng nước, người ta phải chắt lọc từng lon mang về dùng tạm, trẻ con thì đôi khi gục đầu xuống tắm rửa được phần nào hay phần nấy... Có những mùa khô hạn như năm vừa qua, trồng được cây nào chết cây đó. Cả xóm kéo nhau đi làm thuê. Có lẽ niềm mơ ước muôn đời của họ chỉ là có được một cái giếng nước trong, dùng hàng ngày.
Những tính toán rắc rối ban đầu
Nếu thuê thợ khoan cho một cái xóm nào đó một cái giếng thì từ nay suốt đời họ sẽ được uống nước trong, nước sạch. Như thế có lợi hơn đem quà phát cho từng người.
Những cái xóm nghèo đó đã quá quen thuộc với mẹ con bà Thụy Vũ và những người hàng xóm vì đời sống của họ nhờ vào nương rẫy ở tuốt trong rừng xa. Nhưng chọn xóm nào "nghèo nhất, nghèo nhì" thì chẳng dễ dàng chút nào. Chọn được một xóm nghèo nào cần có nhu cầu nước sạch hơn những nơi khác thì phải đi đến tận nơi "khảo sát thực tế" mới xác định được.
Rồi những vấn đề liên quan khác lại phải đặt ra. Cứ gọi là khoan cái giếng sâu vài chục thước, mất đứt 10 triệu hoặc hơn một chút. Còn tiền xây giếng cũng chẳng đáng là bao. Nhưng quan trọng hơn, đó phải là nơi có lưới điện để chạy máy bơm hỏa tiễn từ độ sâu vái chục mét lên. Thứ hai là lại phải tìm được người "quản lý" cho chạy máy bơm, chịu trách nhiệm bảo quản, khi máy hư hỏng, ai sẽ là người sửa chữa" Thứ ba là hàng tháng phải trả tiền điện chứ sức mấy mà ông nhà đèn của nhà nước cho không,
Không những phải trả tiền điện mà còn bị "bóp" đau nữa là khác. Ở nông thôn, rừng rú, song vẫn bị tính tiền điện theo kiểu thành phố chứ không được tí ưu tiên nào như "chính sách của nhà nước đã đề ra". Nếu theo đúng "chính sách" thì ưu tiên tính giá điện rẻ cho bà con nông thôn có điện để bơm nước cày cấy. Nhưng "chính sách là chính sách" mà thực hiện lại là việc khác, hoàn toàn khác. Thế nên dù ở làng xã vẫn bị tính tiền điện theo kiểu thành thị. Nỗi khổ của dân chẳng chính phủ nào biết. Chính sách ra đối với quan dưới chỉ là... cho đẹp vậy thôi. Các quan ngành điện, nước, thuế má... muốn tính sao dường như là... quyền của họ.
Vậy hàng tháng ai sẽ trả tiền điện" Người dân có thể trả theo kiểu dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, nhưng có khi họ chỉ lấy vài ba thùng nước, chạy máy có 10-15 phút, rồi hết nhà nay đến nhà khác thì lại cần có một người làm thư ký. Chi bằng đã lo được cho bà con thì phải tính luôn chuyện trước sau, kể cả khi máy bơm hư hỏng, giếng nước sạt lở phải có người sửa chữa. Không thể đem con bỏ chợ được. Việc này chúng tôi lại tính phải giao cho hội phụ nữ hoặc hội Hồng Thập Tự phụ trách, nhưng với điều kiện là phải kiếm ra tiền giúp họ hàng năm chi vào những khoản này. Việc này tôi hy vọng có thể nhờ vào lòng từ thiện của bà con được, mỗi năm vài ba triệu không là nhiều.
Đó là dự định của chúng tôi khi sử dụng món tiền ông NTP vừa gửi cho người dân ở đây. Mọi việc sẽ bắt đầu ngay khi tôi tìm đến người chủ khoan giếng chuyên nghiệp ở đây để chuẩn bị đưa ông ta đến tận nơi khảo sát đường điện nước ra sao. Cũng xin nói rõ thêm là ở nơi này khoan giếng gặp toàn đá bàn, đá hộc nên giá cả rất đắt, không giống như khoan đất thịt, đất cát như ở Sài Gòn hay Bình Dương. Có khi một dàn khoan lớn, chạy hết công suất cả 10 ngày, sâu khoảng 50-60m mà vẫn chưa có nước. Ở đây, những người khoan giếng thường ví nghề nghiệp của mình như đánh bạc. Không may, khoan cả trăm thước mà không có nước thì kể như chủ và thợ đều thua trắng tay. Vì thế chúng tôi tính phải khoán cho người thợ khoan giếng "bao thầu" luôn, khi nào có nước mới trả đủ tiền...
Chàng kẻ lông mày và nàng cắt tóc... một vế đối xứng
Có bắt tay vào làm một công việc, dù là một việc từ thiện mới thấy hết được những khúc mắc của nó. Ngoài ra cũng cần phải chứng tỏ được rằng chúng tôi làm công việc này hoàn toàn vì lòng nhân ái chứ tuyệt nhiên không có "ý đồ" gì khác. Cho đến lúc này, mọi tính toán mới chỉ là ban đầu. Bởi khi đi đến một vài xóm nghèo, họ lại có những nhu cầu khác nữa. Họ xin xây cho xóm một ngôi trường học nhỏ, vì đường ra trường gần thị trấn quá xa. Có nơi lại xin sửa chữa lại trường vì đã quá cũ sợ gây tai nạn cho các em học sinh hoặc lớp quá chật rồi, cần phải có thêm phòng học mới... Nhu cầu nào cũng là bức thiết đối với người dân nghèo. Chưa biết sẽ còn những nhu cầu nào khác nữa, rất có thể là mùa này họ cần chút vốn để mua đàn gà con sau khi đại dịch cúm gia cầm đã cướp hết gia sản của họ hoặc cần một con bò làm vốn lâu dài... Người dân đã nghèo thì cái gì cũng cần. Thật sự chúng tôi chưa biết phải làm gì.
Dù vậy chúng tôi vẫn làm với tất cả thiện chí để đáp lại tấm lòng của "ông già được ngồi cho vợ cắt tóc". Quả thật tôi muốn bắt chước ông quá. Tôi sẽ đi mua cái tông đơ về xem sao ông NTP ạ.
Buổi sáng mát trời, ngồi dưới gốc măng cụt cho "bà xã" cầm tông đơ đi một đường nghệ thuật "húi" quanh cái đầu bạc, cũng hay lắm chứ. Nó giống như ông Kim Dung có một cái kết rất thú vị trong một pho truyện kiếm hiệp rất nổi tiếng: chàng Trương Vô Kỵ đánh đông dẹp bắc, đệ nhất võ lâm, anh hùng thiên hạ rồi đến lúc quăng kiếm vào sọt rác, ngồi nhà kẻ lông mày cho "ái thiếp" vậy.
Từ bao lâu nay người ta mới chỉ bàn đến chuyện Trương Vô Kỵ kẻ lông mày cho nàng Triệu Minh mà chưa thấy Triệu Minh làm gì cho chàng cả.
Triệu Minh cắt tóc cho Trương Vô Kỵ quả là một hình ảnh chưa ai nghĩ ra, đến bây giờ tôi mới tìm được một vế đối xứng và... hiện đại!
Người thương phế binh bên Quốc lộ 13
Ngay sau khi đi cùng mấy người bạn của hai tờ báo ở Úc tặng quà cho đồng bào nghèo, tôi mới biết tin, ở ngay con đường ra thị trấn có một gia đình thương phế binh của quân đội VNCH. Tôi chưa hình dung được họ sống ra sao, nhưng tất nhiên tôi phải tìm cơ hội đến gặp người bạn đồng ngũ này. Trước khi trở về Úc, Nhất Giang đưa cho tôi một triệu đồng để giúp người nào cần giúp. Tôi dự định tặng ông bạn này.
Ngay buổi tối ngày 5-1-2006, chính ông ta lại tìm đến thăm tôi. Ông ở cách nhà tôi không xa. Ông không cần đi nạng và có thể đi xe gắn máy được dù chỉ với một cái chân bằng sắt, một chân bị thương, vết mổ còn sâu hoắm. Nhưng 30 năm rồi, ông đã cố gắng tập cho quen với đời sống bình thường.
Vừa bắt đầu chuyện trò, chúng tôi đã có thể thân mật với nhau ngay. Ông tự giới thiệu là Lê Minh Châu, và ông đọc số quân 70144747. Ông học khóa 5-70 Trường BB Thủ Đức rồi phục vụ tại binh chủng truyền tin - Liên đoàn 65 Khai thác Truyền Tin Diện Địa. Nhưng năm 1972, ông được đưa ra Sư đoàn 21, Trung Đòan 31, Tiểu đoàn 3. Lúc đó ông mang cấp Trung úy và là Đại đội trưởng Đại đội 4 tại Chương Thiện. Trong một trận đánh, ông bị thương khá nặng, nằm bất tỉnh trên trận địa. Ông chỉ biết mình sống khi nằm ở quân y viện và một chân bị cưa, một chân tê liệt.
Sau vài lần phẫu thuật, ông đã có thể đi lại bằng nạng rất khó khăn. Được giải ngũ, sau năm 1975 ông trở lại quê hương ông, chính là Lộc Ninh này. Từ đó ông được bố mẹ anh em giúp đỡ, có miếng đất trong rẫy, nhưng ông để vợ con sống bên quốc lộ, đến nay có một quan bán chè bưởi, bán cho khách qua đường.
Tất nhiên từ đó đến nay, ông chẳng được hưởng quyển lợi gì, thậm chí người ta quên ông và ông cũng chẳng muốn ai biết đến ông vì... là thân "lính cũ", trong thời "bao cấp", không ai buồn giao thiệp với ông làm chi cho mệt, có khi còn mang họa vào thân,
Việc đầu tiên là tôi đưa ngay số tiền của Nhất Giang để lại tặng ông. Ông nói ngay là hoàn cảnh gia đình cũng ổn định rồi. Nhưng tôi nói đây là món quà nhỏ của những người đồng ngũ cũ gửi đến người đồng đội của mình, chứ không phải là sự giúp đỡ. Mãi một lúc sau ông mới chịu cầm phong bì và ngậm ngùi: "Hơn 30 năm, mãi đến hôm nay tôi mới lại thấy được tình đồng đội mình sống lại đấy ông ạ. Không phải vì món quà mà vì cái tình mình đối với nhau. Tôi hãnh diện với bà con hàng xóm của mình..." Ông lặng đi không nói được nữa.
Hoàn cảnh của ông Châu có lẽ là một trường hợp khá đặc biệt vì nay ông đã có một cuộc sống khá ổn định với vài mẫu đất trên rừng trồng cây và cái quán chè bưởi đủ sức lo cho con cái đi học. Như thế đối với một thương phế binh bị "bỏ quên" cũng là may mắn lắm rồi. Ông không mong mỏi được giúp đỡ mà ông chỉ cần một chút tình. Vậy tôi xin ghi lại địa chỉ của ông ở đây để các bạn đồng ngũ của ông có thể liên lạc. Ông Lê Minh Châu, 44 ấp 3B, Thị Trấn Lộc Ninh, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước.
Những chuyện lỉnh kỉnh sau khi phát quà
Cũng lại sau khi phát quà cho đồng bào nghèo ở xã Lộc Thái, một hai bà gặp chúng tôi hỏi thăm: "Tại sao nhà tôi cũng nghèo như người ở bên cạnh nhà tôi mà bà ấy nhận được quà, còn tôi thì không". Thật ra việc này do các ông ở xã ấp "bình chọn" chứ chúng tôi không thể nào biết hết được. Nhưng tôi cũng cứ mang tên bà đến hỏi lại ban Hồng Thập Tự. Sau khi tra cứu một hồi, chúng tôi tìm ra lý do là tuy hai nhà ở sát cạnh nhà nhau, nhưng một bà thuộc xã Lộc Thái, một bà thuộc thị trấn Lộc Ninh, mà 150 phần quà lần này chỉ tặng cho xã Lộc Thái chứ không có gia đình nào thuộc thị trấn Lộc Ninh.
Khi tôi đến thăm thì thấy gia đình của bà này cũng quá nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Chẳng những mình nhà bà mà còn những gia đình quanh đó nữa, cũng thuộc xã khác, không có quà.
May quá, tôi có một người cháu, con bà chi ruột, ở Seattle về chơi đã gửi lại 100 USD và cũng dành cho tôi "toàn quyền tặng cho người nghèo nào cũng được". Thế là tôi lại có cách giải quyết cho một số gia đình quá nghèo ở gần xã Lộc Thái không được tặng quà Tết này.
Xin cảm ơn tất cả những vị đã có lòng nhân ái và đã tin tôi, giao công việc từ thiện này đến với người nghèo. Nếu quý vị thấy được nét mừng rỡ của những khuôn mặt héo quắt vì nghèo khổ trước những món quà của bà con Việt kiều ở nước ngoài, chắc quý vị cũng sẽ mủi lòng. Người dân ở đây luôn biết ơn các vị đã mang đến cho họ một mùa xuân thật sự chứ không chỉ là... hoa lá cành bằng giấy.