Đại cương, đây là một cuốn sách khảo cứu được biên soạn một cách cẩn thận, kiên nhẫn, và công phu, tác giả đã bỏ ra bốn năm để hoàn tất. Tác giả cũng có may mắn cư ngụ tại Marseille, không xa Trung tâm Văn khố Hải ngoại của nước Pháp (Centre des Archives d'Outre-Mer) ở Aix-en-Provence, nên đã tới được Văn khố này để tìm tòi, nghiên cứu, sao chụp tài liệu, và sau bốn năm, thực hiện được một cuốn biên khảo hữu ích và giá trị.
Sách dày 856 trang, với 586 trang biên khảo chính thức, 264 trang Phụ lục gồm nhiều bản đồ cùng nguyên văn các văn kiện bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Hoa, và 6 trang liệt kê các tài liệu tham khảo. Xét theo bố cục, sách gồm 9 chương, có thể chia làm 4 phần với một phần Phụ lục:
Phần đầu gồm Chương 1: Tìm hiểu Hiệp ước Thiên tân ký ngày 9 tháng 6 năm 1885 giữa nước Pháp và nhà Thanh. Tác giả trình bày lại hoàn cảnh lịch sử của Hiệp ước này cùng bối cảnh địa lý chính trị tại miền Bắc Việt Nam sau cuộc chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Trung hoa trước đó (1883-1885) để đi tới kết luận: sau cuộc chiến, cả hai bên lâm chiến đều chiến thắng (hay ít ra không thất bại). Chỉ riêng Việt Nam bị thiệt thòi: vừa mất đất cho Trung Hoa, vừa rơi vào vòng thống trị của người Pháp.
Phần thứ nhì gồm các Chương 2, 3, và 4: Tìm hiểu biên giới vùng tiếp giáp các tỉnh Quảng đông, Quảng tây, và Vân nam của Trung hoa, gồm biên giới lịch sử, biên giới hiện trạng năm 1885-1887 qua sử liệu Trung hoa và theo quan niệm của người Pháp. Sau đó là quá trình phân định biên giới từ năm 1885 tới năm 1887 với những thủ thuật của phía Trung hoa qua các báo cáo của các ủy viên Pháp. Phần này cũng cho biết các vùng đất bị người Pháp nhượng cho Trung hoa cùng vị trí, ước lượng diện tích các vùng đã bị nhượng. Sau cùng là biên bản phân giới, biên bản mô tả vị trí các cột mốc, và bản đồ ghi vị trí các cột mốc.
Phần thứ ba gồm các Chương 5 và 6: Lãnh hải của Việt Nam. Đi vào chi tiết, Chương 5 nói về lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt: tìm hiểu Công ước Pháp Hoa năm 1887 phần liên quan tới Vịnh Bắc Việt. Tác giả cũng đưa ra bản đồ phân định lãnh hải năm 1887 và bản đồ phân định lãnh hải năm 2000 để so sánh và phê bình. Chương 6 nói về Hoàng sa và Trường sa: sơ lược địa lý kinh tế, chính trị và chiến lược. Tác giả cũng đưa ra những luận cứ chứng tỏ Hoàng sa và Trường sa là lãnh thổ của Việt Nam cùng phản bác những lý lẽ của Bắc kinh. Phần này còn có một danh sách đầy đủ các đảo tại quần đảo Trường sa dưới sự kiểm soát của mỗi nước tranh chấp.
Phần thứ tư gồm các Chương 7 và 8: Nghiên cứu Hiệp ước phân định biên giới trên bộ do Hà nội ký với Bắc kinh ngày 30 tháng 12 năm 1999. So sánh đường biên giới theo Công ước Pháp Hoa năm 1887 và đường biên giới theo Hiệp ước Hà nội-Bắc kinh năm 1999. Tác giả cũng nêu lên một số thiệt hại lãnh thổ của Việt Nam do Hiệp ước 1999 gây ra.
Chương Phụ lục gồm những hồ sơ liên quan đến đường biên giới, bản đồ và hình chụp các tài liệu quan trọng bằng tiếng Pháp và tiếng Hoa.
Được biết trong buổi sinh hoạt văn hóa để giới thiệu cuốn Biên Giới Việt Trung 1885-2000 với cộng đồng người Việt miền Bắc California ngày 18 tháng 12, 2005 vừa qua, trước một cử tọa đông đảo trên 100 nhân vật gồm nhiều nhân sĩ trí thức như các giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Văn Canh, Lưu Khôn, Hà Mai Phương, Trần Công Thiện ..., các luật sư Nguyễn Hữu Thống, Đỗ Doãn Quế ..., giáo sư sử học Trần Anh Tuấn đã ghi nhận đây là một cuốn biên khảo rất công phu với những tài liệu gốc bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hoa thật quý giá, không ai có thể phản bác được. Trong phần giới thiệu tác giả, giáo sư Nguyễn Văn Canh cũng cho rằng đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc và vô cùng khó khăn, rất đáng ca ngợi, là một công cụ cần thiết cho dân Việt trong việc tranh đấu giành lại chủ quyền trên những vùng đất bị mất sau này.
Tác giả Trương Nhân Tuấn tên thật là Ngô Quốc Dũng, sinh năm 1956 tại Bạc liêu. Trước khi miền Nam sụp đổ, ông đã đậu Tú tài toàn phần và chứng chỉ MPC của Đại học Khoa học. Sau 1975, ông phải bỏ học một thời gian. Năm 1980 sang được Pháp, vừa học vừa đi làm để lo cho gia đình. Ông tốt nghiệp Cao học Toán và Vật lý Đại học Marseille, từng làm Phụ khảo một thời gian tại Đại học này. Ông khiêm nhượng cho biết: chưa từng được huấn luyện chuyên môn về Sử bao giờ, cuốn sách của ông chắc chắn có những khuyết điểm. Ông biên soạn cuốn sách vì ý thức nhiệm vụ: là một người Việt thông thạo tiếng Pháp và có duyên may ở gần Văn khố Hải ngoại tại Aix-en-Provence, ông quan niệm việc tìm tòi, thâu góp những chứng cớ, tài liệu chắc chắn về biên giới đất nước mình để các bậc thức giả cùng thế hệ sau có thể dựa vào hầu tranh đấu cho quyền lợi đất nước là một đóng góp tối thiểu ông có thể làm. Bỏ ra bốn năm để hoàn tất cuốn sách, ông và gia đình đã hi sinh khá nhiều về phương diện vật chất, tài chánh. Trong việc làm này, ông may mắn được sự thông cảm và hỗ trợ của các con cùng hiền nội là bà Thanh Châu.
Một sinh hoạt văn hóa để giới thiệu cuốn Biên Giới Việt Trung 1885-2000 của Trương Nhân Tuấn tới cộng đồng người Việt miền Nam California sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Bảy, 31 tháng 12 sắp tới tại Phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt (14771 Moran Street, Westminster, CA 92683), từ 1 giờ tới 4 giờ chiều. Được biết rất nhiều tổ chức văn hóa, Hội đoàn, Hội đồng hương của cộng đồng Việt Nam đã đứng ra bảo trợ buổi sinh hoạt này: Viện Việt Học, các Hội Ái hữu Đồng hương Bạc liêu, Bến tre - Kiến hòa ..., Hội Phát huy Văn hóa Đồng nai - Cửu long, Hội Ái hữu Cựu Giáo chức Việt Nam tại Hải ngoại, Hội Ái hữu Cựu Quân nhân Hải quân Việt Nam (Hội Cửu long), Tổng hội Cựu Sinh viên Quốc gia Hành chánh, Hiệp hội Phục hưng Văn hóa Dân tộc, Sooutheast Asian Culture and Education Foundation ... Buổi sinh hoạt này cũng được sự bảo trợ của các nhật báo Người Việt, Việt Báo, Thời Luận ..., tạp chí Thế Kỷ 21, cùng nhiều cơ quan truyền thông của cộng đồng Việt Nam Nam California. Trong buổi sinh hoạt văn hóa này, giáo sư Sử học Phạm Cao Dương sẽ phân tích nội dung tác phẩm một cách thấu đáo, giáo sư Trần Huy Bích giới thiệu tác giả, các giáo sư Lưu Trung Khảo và Nguyễn Thanh Liêm sẽ bổ túc một số nhận xét. Theo quan niệm của chúng tôi, tất cả mọi người Việt Nam quan tâm tới quyền lợi và lãnh thổ của đất nước đều nên đọc và hỗ trợ cuốn sách này.
Trần Vũ