Lược dịch từ bài viết của Ashley Carruthers trong cuốn Catalogue Việt.
Người lược dịch: Lê Phú Cường, nhân viên phát triển văn hóa nghệ thuật.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm người Việt định cư tại Úc, cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình đặc biệt mang tên Việt lần đầu tiên trong cộng đồng người Việt tại Úc với sự góp mặt của hơn 25 nghệ sĩ Úc gốc Việt đến từ những mãnh đời, sắc tộc và thế hệ khác nhau tại Casula Powerhouse Arts Centre,. 1 Casula Road, Casula ngay bên cạnh nhà ga Casula. Cuộc triển lãm sẽ chấm dứt vào cuối tuần này Chủ Nhật ngày 26 tháng 11 năm 2000 và vào cửa miễn phí. Cũng vào Chủ nhật 26/11/2000 cuộc hội thảo văn chương và âm nhạc sẽ bắt đầu từ lúc 10 giờ 30 sáng tới 3 giờ 30 chiều với sự điều khiển của Nguyễn Hưng Quốc & Hoàng Ngọc Tuấn và sự tham gia của các nhà văn và nhạc sĩ tên tuổi bao gồm Lệ Hằng, Chim Hải, Nguyễn Hoàng Văn, Phạm Quang Ngọc, Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Phước, và Nguyễn Lê Tuyên.
* * *
Nhóm thứ ba bao gồm các nghệ sĩ được đào tạo và làm việc sau 1975 như nhà giáo hay người làm nghệ thuật trước khi đến định cư tại Úc. Nguyễn Văn Hạnh và Bùi Thị Tuyết Mai, đã từng là giảng viên của trường đại học Mỹ Thuật, đã phải chịu đựng sự gián đoạn nghệ thuật do việc vượt biên và định cư. Đây là lần đầu tiên họ trở lại việc sáng tác nghệ thuật sau hơn mười năm kể từ khi rời Việt Nam. Thú vị thay, họ cùng đóng góp tác phẩm họp mặt với các nghệ sĩ đã qua trường lớp trước 1975 và tại Úc và tác phẩm của họ phần lớn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại và cổ điển của phương Tây. La Thảo Nhi đã tiếp tục theo đuổi việc học nghệ thuật từ khi đến Úc và dần dần tự khẳng định tên tuổi trong lãnh vực nghệ thuật cộng đồng. Cô dùng thể loại nghệ thuật hậu hiện đại để mô tả đời sống hằng ngày trong làng quê Việt Nam qua tác phẩm Ngày Mùa. Hình ảnh Việt Nam trong ký ức của La Thảo Nhi đầy màu sắc, sinh động và chứa đầy niềm vui của các cô thôn nữ trên cánh đồng ngày mùa. Những hình ảnh này hoàn toàn tách rời với những bình luận về quốc gia và lịch sử mà chúng ta đã thấy qua trong những hình ảnh xa hương được đề cập lần trước. Có lẽ do là nữ giới và cô đến Úc theo diện đoàn tụ gia đình.
Nhóm thứ tư nổi bật với các vấn đề họ quan tâm hàng đầu như bản sắc, ký ức, định cư, hai nền văn hoá và sự chấp nhận cũng như sự từ chối của quê hương thứ hai. Nhóm này bao gồm nghệ sĩ thuộc thế hệ "1.5" - họ có những kỷ niệm về Việt Nam, nhưng phần lớn đã hội nhập vào xã hội Úc. Cũng có người đến đây từ khi còn bé và trưởng thành tại Úc. Những nghệ sĩ trong nhóm này đã được công nhận như một phần quan trọng của nghệ thuật tạo hình đương đại tại Úc và họ làm việc trên các loại phương tiện nghệ thuật khác nhau từ hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc cho đến nghệ thuật trang thiết (installation) và nghệ thuật sử dụng computer (digital art).
Mỹ Lệ Thi và Lê Phú Cường cùng trang thiết tác phẩm "Kỷ niệm của cuộc hành trình" dùng giầy dép và túi đựng. Tác phẩm này đòi hỏi chúng ta liên tưởng đến cuộc hành trình mà ai trong chúng ta cũng phải đi qua và chứa nhiều ẩn dụ liên quan đến bản sắc văn hoá. Mỹ Lệ Thi với tác phẩm "Bốn màu cơ bản" đã được triển lãm nhiều nơi cho thấy bốn màu khác nhau của bốn chủng tộc đã được các nhà nhân chủng học tây phương định nghĩa. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hàng rào chủng tộc thì khó phá vỡ hơn hàng rào văn hoá, và chỉ có sự hiểu biết khác biệt giữa các nền văn hoá mới có thể giúp ta sự tự do trong di chuyển.
Caroline Đặng dùng đất sét để nhấn mạnh hình ảnh Việt Nam với sự mong đợi nó sẽ đem lại ý nghiã cho sự tham chiếu về bản sắc. Mai Long dùng hình ảnh con cá biến thể theo nhiều hình dạng khác nhau bằng cách vẽ theo thể loại hiện thực và vẽ mực theo kiểu Trung Hoa như muốn nói lên sự chịu đựng về dị chủng. Nguyễn Minh Huy với hình đen trắng mô tả dàn mướp sau nhà của má như để diễn đạt việc di cư và cắm rễ giống lạ trong vùng đất mới. Cùng một ý đó, một loạt hình ảnh trắng đen về ngày sinh của bé Annie do Tiết Hồ cầm máy nhắc nhở chúng ta nghĩ đến ẩn dụ của việc sinh sản. Dùng hình ảnh này có lẽ anh muốn nói đến việc hội nhập và sự sinh sản văn hoá và xã hội mà mỗi cộng đồng di dân đều trải qua để sinh tồn trong đất nước thứ hai này.
Các tác phẩm dùng computer (digital arts) của Lê Phong, Phan Thi, và Garry Trịnh liên hệ các câu hỏi đặc biệt về bản sắc văn hoá và giao tiếp giữa hai nền văn hoá đến các vấn đề có tính cách thế giới về nhân loại, kỹ thuật và thế giới thiên nhiên.
Lê Yến đã thiết kế hai chiếc áo dài giống như "điêu khắc hơn là áo để mặc cho đẹp". Hai chiếc Xanh và Đỏ tượng trưng cho kinh nghiệm và cảm xúc của Yến đã phải rời quê nhà. Đỏ với các đường thẳng cắt dọc như cuộc hành trình từ Việt Nam đến Úc mở ra các con đường khác nhau, nơi đến khác nhau với các sự chọn lựa khác nhau. Xanh với bông hoa đính lên như muốn nói sự biết ơn của Yến đối với nước Úc đã cưu mang và cho cô cơ hội để trở thành con người của cô ngày hôm nay. Trần Hồng Ngọc dùng những vật thể thân thuộc để diễn tả bản sắc văn hoá và giới tính được sản sinh và bay xa.
Một người nghệ sĩ không phải gốc Việt đặc biệt tham gia vào cuộc triển lãm này là cô Nathalie Hartog với một loạt tác phẩm "Chữ Việt trong ngôn ngữ thế giới" khắc bằng acít. Người xem sẽ ngạc nhiên khi biết được bao nhiêu ngôn ngữ Việt đã đi vào tự điển thế giới. Tác phẩm thật là vui nhộn và hài hước, nhưng muốn gởi gấm thông điệp quan trọng về việc giao tiếp giữa hai nền văn hoá và ảnh hưởng của văn hoá Việc trong nước Úc.
Cuộc triển lãm VIỆT cho thấy người Việt tại Úc, hay nghệ thuật của họ thực sự là một phần cảnh sắc của quê hương Úc. Nghệ sĩ và cộng đồng người Việt có thể tự hào về cuộc triển lãm này. Nó cho thấy những gì chúng ta có thể đạt được trong khu vực đa văn hoá. Đây là không gian trong đó chúng ta có thể là một cá thể hay một tập hợp; và không gian trong đó chúng ta phải tiếp tục phát triển và bảo vệ. Thông qua cuộc triển lãm VIỆT, chúng ta thấy được tính đa dạng trong tính đồng nhất với nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau và nhiều định nghĩa khác nhau thế nào là người Việt, người Úc và người Úc Việt.
Lê Phú Cường
Nhân Viên Phát Triển Văn Hóa Nghệ Thuật
Để tăng thêm phần trang trọng và bổ ích trong tủ sách gia đình của quí vị, xin hỏi mua cuốn catalogue với các bài viết có giá trị và hình ảnh màu đẹp hiện có bán với giá tượng trưng là $15.00 tại Văn Phòng Cộng Đồng Người Việt tại 84 C John Street, Cabramatta. Điện thoại: 9727 5599 hay 9727 7599.