Vào những tháng cuối cùng của năm 2000, trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, cả hai phía hành pháp cũng như lập pháp Hoa Kỳ đã đồng thuận và thông qua một số các đạo luật mới, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến lãnh vực di trú và tị nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến rất đông các gia đình người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi xin tóm tắt hầu quý vị sau đây, một số những đạo luật vừa được quốc hội thứ 106 ban hành với sự phê chuẩn của tổng thống Bill Clinton.
1. "Đạo Luật Quốc Tịch Tự Động Cho Con Trẻ" (Child Citizenship Act of 2000):
Đạo luật mang danh số H.R.2883, và trở thành Công Luật P.L.#106-395, làm giảm thiểu rất nhiều điều kiện đòi hỏi phiền toái trước đây, khi Cha Mẹ xin Chứng Chỉ Công Dân Mỹ cho các con vị thành niên, đồng thời cho phép các trẻ em sanh ra ở nước ngoài cũng như con nuôi, được "tự động" có quốc tịch Hoa Kỳ nếu hội đủ ba điều căn bản dưới đây:
· Tối thiểu Cha hoặc Mẹ, một người đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ.
· Người con phải dưới 18 tuổi,
· ...và là Thường Trú Nhân, đang sống ở Hoa Kỳ.
Trong một điều khoản khác, đạo luật này cũng cho phép những trẻ em sanh ra ở nước ngoài (như Việt Nam chẳng hạn). Nếu sau khi Cha hoặc Mẹ, một người nhập quốc tịch Hoa Kỳ, thì phụ huynh cũng có thể nộp đơn xin Chứng Chỉ Công Dân Mỹ cho các con dưới 18 tuổiù, dù người con đó chưa là Thường Trú Nhân hoặc đang sống ở Hoa Kỳ. Nhưng tiến trình và thủ tục nhập tịch phải được thực hiện tại Hoa Kỳ.
Tuy được tổng thống ký ban hành từ hôm 30, tháng 10, 2000, nhưng đạo luật nói trên chỉ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 27, tháng Hai, năm 2001 và không có tính cách hồi tố.
2. "Đạo Luật Mang Họ Còn Sống Trở Về" (Bring Them Home Alive Act):
Đạo luật này được ký và có hiệu lực ngay kể từ ngày 9, tháng 11, 2000, cho phép bất cứ một cư dân nào ở nước ngoài cùng Vợ, Chồng, Con cái và Cha Mẹ của họ được định cư tại Hoa Kỳ theo diện tị nạn nếu mang được một người Mỹ hiện đang mất tích hay bị giam giữ trong chiến cuộc Việt Nam và Triều Tiên còn sống trở về hay giao họ cho nhà chức trách Hoa Kỳ ở bất cứ nơi đâu.
Đạo luật này đã gián tiếp trả lời rằng, các trường hợp khác như, đang lưu giữ hài cốt hay thẻ bài v..v.. của những người Mỹ mất tích đều không được bao gồm trong điều khoản mang tính cách "đền ơn" này.
Ngoài ra Cơ Quan Truyền Thông Quốc Tế của chính phủ Hoa Kỳ cũng được lệnh phải phổ biến đạo luật này một cách rộng rãi đến cư dân của những quốc gia liên hệ.
3. "Đạo Luật Miễn Trừ Tuyên Thệ Nhập Tịch" (Naturalization Oath Waiver):
Đây là đạo luật được tổng thống Bill Clinton phê chuẩn và ban hành kể từ ngày 6, tháng 11, năm 2000, hầu tu chính Luật Di Trú & Nhập Tịch / INA 316(a)(3), để cho phép những Thường Trú Nhân được y khoa chứng nhận, ví lý do tàn tật tâm thần hay thể xác, không có khả năng nhận thức hoặc hiểu biết ý nghĩa của lời tuyên thệ nhập tịch, sẽ được miễn điều kiện đòi hỏi này và cho phép đương sự trở thành công dân Mỹ.
4. "Đạo Luật Thẻ Xanh Cho Diện PIP"ø (Indochinese Parolees):
Cũng vào sáng thứ Hai cùng ngày, 6, tháng 11, 2000, tổng thống Bill Clinton đã chính thức ký ban hành Dự Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Công Tác Ngoại Vụ / H.R. 4811. Trong đó có một điều khoản tu chính di trú đặc biệt có tên là "Indochinese Parolees", dịch đúng nghĩa là "Người Đông Dương Tạm Dung", mục đích cho phép những người Việt, Miên, Lào được tạm dung ở Hoa Kỳ theo diện "P.I.P." (Public Interest Parole), có thể điều chỉnh tình trạng di trú để trở thành Thường Trú Nhân. Vì đa số những thành phần được thụ hưởng quyền lợi của đạo luật này là những người Việt Nam, theo Cha, Mẹ sang Hoa Kỳ đoàn tụ và do Anh, Chị, Em là công dân Mỹ bảo trợ nên chúng tôi xin diễn giải thêm những chi tiết và điều kiện dưới đây của đạo luật:
· Cho phép tất cả những công dân Việt, Miên, Lào đến Hoa Kỳ theo diện P.I.P.
kể từ ngày 01, tháng Mười, năm 1997 trở về trước, được lập thủ tục điều chỉnh tình trạng di trú, để trở thành Thường Trú Nhân ngay sau khi đạo luật được ban hành, và Sở Di Trú đưa ra thủ tục nhận đơn. (Có nghĩa là đương đơn không cần phải đợi đến thời gian chiếu khán nhập cảnh hiệu lực, do đó các chứng từ I-171 hoặc I-797 không còn cần thiết nữa).
· Nếu đơn xin điều chỉnh tình trạng di trú được chấp thuận, thì thời gian thường trú sẽ được tính kể từ ngày đương đơn đặt chân đến Hoa Kỳ. (Như vậy thì thời gian chờ đợi để xin nhập tịch Hoa Kỳ có thể thu ngắn lại).
· Miễn trừ những ràng buộc về các điều khoản cấm nhập cảnh của luật di trú
Hoa Kỳ như: INA 212(a)(4) / sống nhờ công quỹ - 212(a)(5) / giấy phép làm việc - 212 (a) (7)(A) & 212(a)(9) / nhập cảnh bất hợp pháp hoặc từng bị lệnh trục xuất vì phạm luật di trú v..v..
· Ngoài ra để tránh gây sự khó khăn cùng cực (prevent extreme hardship) cho
các thân nhân của đương đơn như Vợ, Chồng, Cha, Mẹ hoặc Con cái, nếu họ là Thường Trú Nhân hoặc mang quốc tịch Hoa Kỳ, Tổng Trưởng Tư Pháp tùy theo từng trường hợp, có thể miễn trừ thêm các điều khoản cấm nhập cảnh khác như: 212(a)(1) / tình trạng sức khỏe - 212(a)(6)(B) / trốn tránh lệnh trục xuất - 212(a)(6)(C) / khai gian để nhập cảnh Hoa Kỳ - 212(a)(6)(F) / sử dụng chứng từ bất hợp pháp - 212(a)(8)(A) / không ghi danh trưng binh hoặc trốn nhập ngũ v..v...
Các chi tiết vừa trình bày ở trên, đã được ghi vào công luật Hoa Kỳ, Public Law #
106-429, và có hiệu lực kể từ ngày được ban hành. Tuy nhiên vẫn cần phải chờ các điều lệ hướng dẫn thủ tục nộp đơn do Sở Di Trú ấn định.
5. "Đạo Luật Đua Tranh Nghề Nghiệp Hoa Kỳ" (American Competitiveness in the Twenty-First Century Act / AC21).
Đạo luật "AC21" có danh số là S. 2045, vẫn thường được người trong cuộc gọi là đạo luật tu chính chương trình H1-B. Đã được tổng thống Bill Clinton ký ban hành vào ngày 18, tháng 10, năm 2000 và sẽ được hiệu lực 60 ngày sau đó, tức là kể từ 17, tháng 12, năm 2000. Đạo luật này cho phép những người ngoại quốc, có khả năng và kiến thức cao về điện toán hoặc các ngành liên hệ đến lãnh vực này, được nhập cảnh Hoa Kỳ trong vòng 3 năm tới, với tỷ lệ khoảng 200 ngàn một năm.
6. "Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Bị Bạo Hành và Chuyển Người Bất Hợp Pháp" (Victims of Trafficking and Violence Protection Act of 2000).
Mười ngày sau khi ký ban hành đạo luật H1-B vừa kể, tổng thống Hoa Kỳ cũng đã phê chuẩn một đạo luật quan trọng khác, nhằm mục đích ngăn chặn đường dây quốc tế chuyển người bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, nhất là phụ nữ, để sử dụng họ vào công việc mãi dâm trá hình hoặc làm nô lệ tình dục, đồng thời bảo vệ nạn nhân của bọn buôn người nói trên. Đạo luật đó có tên là "The Trafficking Victims Protection Act" (Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Bọn Buôn Người), bao gồm cả việc cho phép những nạn nhân vừa kể, đặc biệt là các trẻ vị thành niên, có thể sử dụng hai loại chiếu khán mới có tên là "T' và "U" visa, để xin được bảo vệ cũng như được thường trú ở Hoa Kỳ tạm thời hay vĩnh viễn
Điểm đặc biệt là đạo luật này được sát nhập chung với đạo luật "The Battered Immigrant Women Protection Act" (Đạo Luật Bảo Vệ Phụ Nữ Di Dân Bị Bạo Hành), để tu chính một đạo luật có sẵn từ vài năm qua, có tên là " The Violence Against Woman Act", (Đạo Luật Chống Bạo Hành Phụ Nữ), gọi tắt là VAWA, nhằm bảo vệ người phối ngẫu của Thường Trú Nhân hay công dân Mỹ, mà đa số là phụ nữ hoặc con trẻ, là nạn nhân của sự bạo hành. Nhất là những người theo chồng đến Hoa Kỳ, nhưng bị áp lực bởi điều lệ "thường trú có điều kiện" (conditional permanent resident), hay vẫn được gọi là "thẻ xanh tạm". Những phụ nữ bất hạnh này sợ nếu lên tiếng tố cáo thì đôi khi không được chồng tiếp tục bảo trợ, hoặc đòi ly dị thì đương sự sẽ bị trục xuất hay trả về nguyên quán.
Các điều khoản thay đổi cũng như hoàn thiện đạo luật VAWA bao gồm việc:
· Cho phép các nạn nhân của sự bạo hành được "tự bảo trợ" (self petition) để
điều chỉnh tình trạng di trú ngay tại Hoa Kỳ họặc ở ngoại quốc nếu chứng minh được sự bạo hành xẩy ra trên đất Mỹ.
· Đương đơn xin "tự bảo trợ", từ nay sẽ không bị đòi hỏi phải chứng minh lý do "khó khăn cùng cực" (extreme hardship) một khi bị trục xuất.
Năm 2008 vị hôn thê của tôi có công ty nọ làm giấy đi du lịch qua Mỹ, và người trong công ty đó dặn, phải khai có chồng và có con thì mới được đi, nhưng cuối cùng cũng không đi được, và công ty nọ đã trốn.
Năm 2013 vị hôn thê của tôi đi phỏng vấn do tôi đứng ra bảo lãnh, và kết quả vị hôn thê của tôi nhận được giấy từ chối, 212 (a)(6)(c)(i), bây giờ tôi không biết làm sao để vợ chồng tôi được đoàn tụ, xin bạn hãy giúp tôi.