Thật là một vạn hạnh cho tôi được luyện tập tại Tổng đàn Aikido trung ương, cái nôi của Aikido thế giới cách đây 32 năm về trước tại Tokyo, Nhật bản.
Nhân ngày Giỗ 26 tháng 4, hôm nay tôi xin ghi lại nơi đây những kỷ niệm ngắùn ngủi để kính nhớ Tổ sư với niềm thương tiếc vô biên.
Sau khi nhận lãnh trách nhiệm điều hành Đạo đường Aikido trung ương Việt-nam từ năm 1964, với 2 đẳng Aikido và Judo lúc bấy giờ tôi khó lòng có đủ uy tín để lèo lái bộâ môn Aikido. Do đó tôi có ý định sang Nhật bản tu nghiệp, trước nhất là để mở mang kiến thức về bộ môn, thứ đến là dự thi lên một cấp bậc cao hơn. Điều quan trọng hơn cả là được luyện tập đưới sự chỉ dạy của Tổ sư Morihei Ueshiba và Đạo chủ Kisshomaru Ueshiba. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi phải làm việc vất vả trong 2 năm liền hầu dành dụm một số tiền để thực hiện được hoài bảo đó.
Là một môn đồ Aikido, ngoài sở thích muốn viếng thăm đất nước Phù Tang, việc ghé thăm Đạo Đường Trung Ương , trước để kính viếng Tổ sư đối với tôi là một bổn phận, thứ đến là để xin thụ giáo với vị sáng lập môn phái là một nhu cầu cần thiết. Cây có cội, nước có nguồn, phân hội Aikido Việt-nam là một chi nhánh của Aikido thế giới, cơ sở đặt tại Tokyo, Nhật bản, được gọi là Hombu Dojo, tôi cần đến đó là việc trở về nguồn cội vậy.
Tôi đến Hombu Dojo vào khoảng 4 giờ chiều, bởi nằm khác kinh tuyến và vỹ tuyến, 4 giờ chiều ở Hombu Dojo mặt trời đã lặn, đèn đường đã cháy đều, chỗ sáng lòa chỗ đỏ. Khí hậu bên Nhật quá lạnh đối với tôi vì lúc đó vào đông càng làm cho tôi thêm bối rối với tư thế "đường chiều lữ khách", nhưng sau đó khi đặt chân đến trước ngưỡng cửa phòng tiếp tân Đạo đường Aikido trung ương, lòng tôi ấm hẳn lại.
Tôi đến văn phòng, người tiếp xúc với tôi đầu tiên là một phụ nữ gốc California. Tôi tự giới thiệu và sau mấy phút trao đổi, tôi được biết cô ta sang thụ huấn Aikido tại đây và đang phụ giúp tờ báo Aikido tại Hombu Dojo ấn bản bằêng anh ngữ, xuất bản mỗi tam cá nguyệt. Nửa giờ sau tôi được ông Kisshomaru Ueshiba, con trai của Tổ sư Morihei Ueshiba tiếp kiến. Sau khi Tổ sư qua đời, ông Kisshomaru trở thành Chưởng môn đời thứ hai của Aikido, ông đã mất tháng giêng năm 1995. Biết được mỹ ý thăm viếng đạo đường trung ương và xin thụ giáo Aikido với Tổ sư, ông ta rất vui vẻ nhận lời ngay.
Buổi tập đầu tiên
Sáu giờ sáng hôm sau, tôi trở lại Đạo đường để luyện tập. Từ khách sạn tôi trú ngụ đến Hombu Dojo khoảng 15 phút đi bằng taxi. Thời tiết tháng 12 tại đây đối với tôi quá lạnh, khi bước xuống taxi, lúc ấy 5 giờ 45 sáng, 2 chân tay tôi lạnh cóng, chân không thể bước đi được nhưng tôi vẫn theo chân các môn sinh khác bước vào phòng. Khi lấy bộ võ phục khỏi tuí xách tay, nó cứng đơ như mình đang lấy nó ra từ trong tủ ướp lạnh. Bất hạnh cho tôi là vào thời gian này, Hombu Dojo đang tái kiến trúc lại phòng ốc, nó quá cũ kỹ của một phòng tập có từ sau đệ nhị thế chiến. Vì công trình đang xây cất dở dang nên phòng ốc chưa có hệ thống sưởi ấm, phải can đảm lắm tôi mới khoát được bộ võ phục vào người để bước vào sân tập chính.
Tôi vội vã tập nóng người trước khi lớp học bắt đầu. Đúng 6 giờ sáng, Ông Kisshomaru ra chào sân và hướng dẫn kỹ thuật. Tất cả các trình độ đều tập chung một đòn thế khi được hướng dẩn, từ người mang đai trắng cho đến quí vị mặc chiếc Hakama đen. Ngay sau khi ông hướng dẫn một kỹ thuật thì lập tức một vị mang Hakama đến trước mặt tôi rồi chào và chúng tôi cùng nhau luyện tập kỹ thuật vừa được hướng dẩn. Trước khi đến Nhật bản, tôi có ghé Seoul, thủ đô Đại Hàn khoảng 3 tuần lễ để tham quan và quan sát các sinh hoạt của Tổng cuộc Taekwondo quốc tế do trung tướng Choi Hong Hi mời. Vì chưa quen phong thổ, thời tiết lạnh lẽo và thức ăn không thích hợp cho nên người tôi có phần yếu đi. Tuy nhiên, đối với tư thế một môn sinh của chi hội Aikido Việt-nam, tôi quyết tâm dồn mọi nỗ lực để luyện tập, loại bỏ tất cả thú vui, tiêu khiển ngay tại thủ đô Nhật bản và tự hứa với mình trước khi về nước phải mang một sắc thái mới mẻ, không những đó là niềm hãnh diện cho chính bản thân mà còn cho cả chi hội Aikido Việt-nam nửa.
Chiêm ngưỡng hình dáng và tài nghệ siêu việt của Tổ sư.
Sáng ngày hôm sau, như thường lệ, đang lúc tập dượt với nhau tự nhiên người bạn cùng tập chung bỗng dưng cuối chào tôi và bước vào trong. Tôi nhìn quanh sân đều thấy mọi người đều quì xuống, tôi vội vã quì theo họ thì ra Tổ sư khả kính từ từ bước vào sân tập. Tuổi đã trên 80, ở Tổ sư có đủ dáng già nua, da nhăn, má cóp theo với tuổi trời cao chất ngất, khác chăng là vẻ quắc thước không ở hình hài mà chổ phát tiết tinh thần. Càng khác hơn nửa là Tổ sư có một sức mạnh phi thường gần như những nhân vật anh hùng trong huyền thoại đời tiền sử, sức mạnh đó nếu không chính mắt trông thấy thật không thể nào tin được. Tổ sư đưa cánh tay bên phải, tức thì có một vị đai đen đứng lên và cuối đầu chào. Tổ sư khởi sự giảng lý thuyết bằng tiến Nhật, tôi không thâu thập được những gì Tổ sư đã giảng. Tuy nhiên qua những đòn thế chứng nghiệm, tôi lại hiểu được, nắm rất vững nên suy luận ra phần lý thuyết. Để kết hợp phần lý thuyết và kỹ thuật, vị huyền đai bước đến định nắm lấy tay Tổ sư, trong nháy mắt, ông bị té ngửa ra phía sau. Cứ thế, ông bám sát liên tiếp thực hành những đòn thế vừa học được và cứ...liên tiếp bị té.
Tổ sư là một người đã lặn lội thụ giáo với hấu hết các danh sư rồi tiến lên lãnh đạo võ phái Nhật bản trước khi sáng tạo Aikido, tôi càng hiểu thêm triết thuyết của môn phái mình học. Khi trở thành người đứng đầu võ phái Nhật bản chính Tổ sư lại thắt mắc, có thắng thì phải có thua! Nhưng kể từ khi thành tài, Tổ sư cứ thắng mãi đến nỗi phải buồn: "Nỗi buồn cô đơn chiến thắng". Rồi... Tổ sư tìm ra triết thuyết " Tự thắng mình là chính yếu". Tại Đạo đường, nhìn Tổ sư tâm đắc nhiều điều, tôi lại còn thấy thêm một sự lạ lùng, có nhiều đòn thế Tổ sư vừa đưa tay ra chưa chạm đến đối phương mà đối phương đã ngã nhào. Không ai ngờ chưởng lực của Tổ sư quá mạnh như vậy.. Hình hài theo với luật của tạo hóa, có sinh tất có diệt. Duy có sức mạnh của Tổ sư trước khi bị diệt theo hình hài vẫn là sức mạnh phi thường.
Tổ sư Morihei Ueshiba đối với chi phái Aikido Việt-nam
Tôi mang theo hai tư cách khi tìm tới Đạo đường trung ương. Một là tư cách cá nhân được trở về nguồn luyện tập dưới sự chỉ giáo của Tổ sư môn phái, trong niềm thương mến bao la và để dự thi lên huyền đai Tam đẳng. Hai là với tư cách đại diện cho Aikido Việt-nam kính dâng lên Tổ sư bức ảnh chụp chung trên 180 hội viên Aikido Việt-nam. Với sự sắp xếp trước, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng một bức phóng ảnh 24 X 30 để dâng lên Tổ sư trong buổi tập lần thứ 15 tại đây. Sáng hôm đó, tôi vẫn đến tập luyện như thường lệ vào khoảng 9 giờ sáng, Tổ sư bước vào sân tập chính, mọi người ngưng tập và quì xuống , tôi được mời ra để dâng bức ảnh cho Tổ sư. Tổ sư nhận lấy bức ảnh, xem một cách say sưa như một vị cha già yên lặng đang ngắm nhìn đàng con. Từ đôi mắt của Tổ sư, tôi bắt gặp ở Người niềm hãnh diện con cái nay đã trưởng thành, lòng tin yêu đàng con ấy sẽ lăn thân vào đời để kiến tạo hòa bình. Một chút lo âu muôn vàn hy vọng. Tổ sư đưa cao bức ảnh lên khỏi đầu và xoay vòng cho mọi người thấy được... Vẫn đưa cao tấm hình lên bằng hai tay. Tổ sư nói rtất nhiều lời bằng đôi mắt lim dim, tôi hoàn toàn không hiểu được, nhưng tôi vẫn cảm nhận Tổ sư đang nguyện cầu cho một nước Việt-nam Hòa Bình, ngưng chém giết nhau và mọi người sống Hòa hợp trong tinh thần Aikido trong thế giới không chiến tranh, không hận thù, yêu mọi người như yêu thương vũ trụ.... Không có đánh nên không có thắng hay bại, cần chiến thắng ở bản thân mình là chính yếu, để kiến thiết một tiểu vũ trụ đại đồng.
Tôi thi lên Huyền đai Tam đẳng.
Trước khi trở về nước, tôi được phép dự thi lên Tam đẳng tại Hombu Dojo. Cuộc thi lên đẳng như thế này thường xuyên xảy ra ở đây, nhưng đối với tôi là một ngày hết sức trọng đại. Tôi thi để riêng mình được xác định khả năng kỹ thuật. Tôi thi tại Đạo đường trung ương dưới sự chứng kliến của Tổ sư là một vinh dự, không những cho cá nhân tôi mà cho chính cả Chi phái Aikido Việt-nam.
Trước sự chứng kiến của Tổ sư và các danh sư Aikido tại trung tâm phát huy môn phái và dưới sự điều động của võ sư Kisshomaru Ueshiba, tôi đã trải qua một kỳ thi hết sức vất vả. Hai mươi phút trôi qua, tôi đã suýt ngất đi, ngất đi vì xúc động, ngất đi vì phải lôi kéo những Uke mạnh và to lớn hơn tôi gấp bội. Trong số những người chịu đòn cho tôi hôm đó có cả người con trai của sư phụ tôi là võ sư Mutsuro Nakazono, thầy dạy củ của tôi lúc người còn ở tại Việt-nam. Cuộc thi đã hoàn tất vào buổi sáng, tôi được mời chụp nhiều bức ảnh để lưu niệm. Chiều hôm đó như thường lệ, tôi vẫn đến tập luyện và được ông Kisshomaru Ueshiba hướng dẫn tôi đi thăm phòng ốc của trung tâm hiện đang xây cất dở dang.
Sau đó tôi được các vị huyền đai và những người phụ trách tờ báo Aikido bằng anh ngữ mời dùng cơm chiều. Suốt buổi ăn chúng tôi trao đổi với nhau về cách thức huấn luyện trong bộ môn Aikido sao cho mọi người dễ dàng theo học. Hơn nửa các vị ấy muốn tìm hiểu về hệ thống tổ chức Aikido tại Việt-nam ra sao và cảm tưởng của tôi về Aikido. Trước khi trở về nước, tôi lại được mời xem cuộc biểu diễn Aikido khoảng 200 đai đen liên viên đại học Tokyo. Thật là một vinh hạnh cho tôi, hôm đó chính Tổ sư biểu diễn với các đai đen thuộc tại Tổng đàn Aikido trung ương, Hombu Dojo. Hôm đó Tổ sư chỉ dùng một cây quạt để phá vỡ các hình thức tấn công bằng dao, gươm và ngay cả gậy ngắn và dài. Nhân đó Tổ sư cũng dẫn giải về phần lý thuyết khi ứng dụng vào phần kỹ thuật.
Buổi trình diễn kéo dài từ 1 đến 5 giờ chiều. Tất cả hội viên đai đen các phân khoa đại học đều lần lượt ra thi thố tài năng. Dứt buổi trình diễn, tôi vào phòng trong để từ biệt Tổ sư, vị cha già khả kính của môn phái. Tổ sư ân cần dặn dò tôi mang hết tâm huyết cùng các môn sinh Aikido Việt-nam hiệp lực để phát triển môn phái trên tinh thần thương yêu, hòa hợp và tình thương.
Giỗ Tổ Nhớ Lời
Có thể nói suốt thời gian lưu lại Tokyo đối với tôi thật là hữu ích. Bên tôi có Tổ sư và các võ sư cao cấp như mặt trời, như trăng sao rọi sáng biển mênh mông. Biển khôn cùng để cho tôi luôn luôn thấy con đường trước mắt. Nhưng thật là bất hạnh cho những môn sinh Aikido hiện có mặt hầu hết các nơi trên thế giới, ngày 26 tháng 4 của 32 năm về trước, Tổ sư của chúng ta đã theo luật sinh diệt của Trời, Đất mà nằm xuống, còn lại đây sức mạnh của Aikido mà chúng ta là người nối tiếp có nhiệm vụ đứng lên.
Nhớ Tổ sư, tôi còn nhớ những lời vàng ngọc khi xưa. Nhớ Tổ sư, tôi còn nhớ đến những nhiệm vụ mà tôi đã tự nguyện hiến mình cho Aikido.
Với niềm thương nỗi nhớ, tôi viết đoạn hồi ký này làm dòng lưu niệm “Nguyện cầu Tổ sư siêu thoát và chúng tôi quyết không để thẹn với người.”