Nếu bạn thấy rằng Hoa Kỳ chăm sóc bạn, cấp tiền thất nghiệp, cấp tiền an sinh xã hội, tiền sữa cho con nhỏ, vân vân và bạn nghĩ rằng đời mình được bao cấp y hệt như đang bay lượn trên các cõi Phật, cõi Trời, và rồi chỉ thấy được mặt an tâm này, thì vẫn chưa đủ. Bởi vì tới khi bạn thành người vô gia cư, lang thang tìm việc hoài không có, phải đi gõ cửa chùa với nhà thờ mà ăn cơm, thì mới thấy rằng tư bản đúng là bất nhân. Cũng chưa đúng hết. Thế rồi bạn nộp đơn vào đại học, được tặng cho đủ thứ tiền, cả tiền vay nữa, nghĩa là vừa đi học vừa lãnh đủ thứ, thì lại tin đây đúng là thiên đàng hạ giới. Đó, chỉ nói sơ sơ những mặt của đời thường. Còn chuyện kinh doanh, trong khi chúng ta chỉ trích CSVN chỉ chơi màn bao cấp quốc doanh nên kinh tế trì trệ, thì chúng ta lại chưa biết rõ rằng tại Hoa Kỳ cũng vẫn có những màn bao cấp tương tự, nhưng không phải cho quốc doanh mà là cho hãng tư. Thế mới lạ. Mà lại bao cấp cả tỉ đô nữa chứ.
Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Hoa Kỳ (US Export-Import Bank) vừa đúng 65 tuổi hôm Thứ Hai vừa qua. Nếu là người thì đó là tuổi phải hồi hưu. Nhưng vì là ngân hàng nên kể ra là hơi trẻ. Buổi sinh nhật tại Washington đã khởi lên một loạt cuộc tranh luận mới: có nên đẩy nó về hưu hay không" Và vì sao" Thực sự, vấn đề khởi lên từ lời kêu gọi của Chủ Tịch Ex-Im Bank James Harmon rằng phải có “sự tái sắp xếp căn để về nhà băng này, các chương trình của nó và văn hóa của nó.” Chữ văn hóa (culture) trong tiếng Mỹ nơi đây chỉ cho bầu khí và phong thái làm việc.
Khổ một điều là, rất nhiều công ty xuất cảng Hoa Kỳ đang trở thành gánh nặng cho chính phủ, cũng hệt như chuyện hãng quốc doanh thành gánh nặng cho CSVN. Mà nếu Chú Sam không thò tay giúp thêm nữa (cần giúp thêm, thế mới khổ), thì các công ty Mỹ sẽ thua thê thảm đối với các công ty đối thủ đang được các chính phủ khác bao cấp. Harmon giải thích, “Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta cứ làm theo kiểu này, cuối cùng chúng ta sẽ xuất cảng hàng ít hơn và mất nhiều việc làm hơn [cho nước khác].” Nhưng lý luận của Harmon có thực sự đúng không" Đó cũng là điều cần suy nghĩ.
Ngân Hàng Ex-Im Bank là của nhà nước Mỹ, trước giờ vẫn cung cấp tiền cho vay, bảo đảm và bảo hiểm để giúp các hãng xuất cảng Mỹ thâm nhập các thị trường mà tài trợ tư nhân không lo nổi. Điều đó hoàn toàn cần thiết vào lúc 65 năm trước. Nhưng bây giờ thì toàn cầu hóa cả rồi, các hãng đều thuộc sở hữu đa quốc, và đều tới mức khổng lồ kềnh càng, chẳng cần chính phủ nào săn sóc.
Còn một điều mà ông Harmon nói không đúng. Thử nghe xem lời bàn của báo Wall Street Journal hôm 17.5: “Cách ông Harmon xài chữ ‘các hãng Mỹ’ cần làm sáng tỏ. Gần phân nửa tài trợ năm ngoái của Ex-Im Bank - 6.1 tỉ đô la - lại là giúp thương vụ phi cơ thương mại. Và hầu hết là giúp Boeing Company.”
Dĩ nhiên, Mỹ muốn giữ việc làm cho thợ Mỹ. Nhưng sao lại chiều chuộng riêng một hãng Boeing" Đây cũng là bí mật ngàn đời của kinh tế Mỹ. Tại sao không tài trợ McDonald’s, Pizza Hut, Microsoft, vân vân" Hay là có âm mưu chiến lược nào" Hay là Mỹ muốn cả thế giới dùng phi cơ Boeing, và trong dàn máy phi cơ đã gài sẵn một nhu liệu, để nếu cần thì chỉ cần bấm nút, thế là có khi cả một nội các chính phủ nước ngoài sẽ tan xác"
Đứng về kinh tế, điều trên hoàn toàn không hiệu quả. Bởi vì vấn đề không phải là bao cấp, mà phải buộc các hãng trên phải có sản phẩm tốt hơn để cạnh tranh, mà chẳng cần gì tới nhà băng chính phủ tài trợ. Tại sao Mỹ dạy cho Hà Nội cách hủy bỏ bao cấp quốc doanh, mà Mỹ vẫn giữ bao cấp vài hãng tư" Có trời mà biết. Nhưng đại sứ Mỹ tại VN Pete Peterson khi bênh vực thương ước Việt-Mỹ thì cũng nhắc tới ngân hàng Ex-Im và nói là các hãng Mỹ vào VN chắc chắn sẽ được Ex-Im tài trợ. Hay phải chăng nơi đây cũng là cánh tay nối dài chính trị nào chăng" Có trời mà biết. Nhưng các kinh tế gia ở Wall Street thì phiền ông già 65 tuổi này lắm, và cứ hối phải về hưu cho rồi: Làm ơn, đừng bao cấp nữa.