*
Ba mươi tháng tư, xưa nay đối với tôi chỉ là một ngày tưởng niệm những anh hùng đã bỏ mình vì nước. Chỉ có thế thôi, còn cảm xúc thì thú thật tôi không có được mộtt cảm xúc gần gũi vì một lý do đơn giản: đó là tôi đã sinh ra sau ngày quốc nạn ấy và lớn lên trong một bầu trời tự do nên hình ảnh về chiến tranh hay kinh nghiệm bản thân dính liền với đất nước chỉ nhẹ như một áng mây thoáng qua.
Gia đình tôi vượt biển lần đầu vào năm tôi tám tuổi. Kinh nghiệm của một nhà giáo về biển cả thu thập được trong hai năm giả dạng dân chài không đủ để cho ba tôi đưa gia đình chúng tôi ra khỏi cửa biển của vùng Rạch Giá. Hơn thế nữa, tình thương quyến luyến với ông tôi làm cho ba tôi càng khó quyết định nên lần đầu "đi biển" ấy của chúng tôi chỉ đến được cửa biển mà thôi.
Thất bại! Bị bắt giam trong nhà lao. Cả nhà tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn. Nghèo tiền nhưng không nghèo trí. Chỉ vài tháng sau ba và mẹ tôi thêm một lần nữa đánh thức anh em chúng tôi dậy để đi "thăm ngoại" - đây là khẩu hiệu mà mẹ tôi thường dí dỏm dùng trong lần "đi biển" trước, ám chỉ một chuyến vượt biên.
Chuyến đi về "thăm ngoại" lần này đã đưa chúng tôi về vùng đất hứa, về với hai chữ "tự do" mà hai thân sinh của tôi hằng mong ước từ khi miền Nam bị thất thủ. Hai chữ "tự do" đối với ba và mẹ hiền hoà, thân thương như quê ngoại nên mãi đến bây giờ chúng tôi vẫn gọi xứ này là "quê ngoại"!
Chín tuổi, mười tuổi, rồi lên mười ba, mười lăm, tôi đã được đến trường. Có lần ở tuổi mười sáu tôi tự hỏi: Rồi tương lai tôi sẽ đi về đâu" Chẳng lẽ cuộc đời tôi chỉ có bấy nhiêu thôi" Đi học... rồi ra trường... đi làm bổn phận của một công dân Úc... về nhà... và chấm hết!"
Cuộc hành trình đi tìm câu trả lời bắt đầu từ đó. Mỗi một sự kiện xảy ra trong cộng đồng người Việt, từ nạn thất nghiệp, tới thanh thiếu niên phạm pháp, đến sự lủng củng giữa người Việt Nam đều làm tôi quan tâm. Sự quan tâm của một cô bé ở tuổi mười sáu chỉ nằm vỏn vẹn trong khuôn khổ hạn hẹp của cộng đồng và tâm tư mà thôi, chứ chưa dám mơ tưởng xa xôi đến tầm vóc nào lớn hơn.
Mỗi một cái Tết đến và qua, là thêm một câu hỏi dường như không có câu trả lời thích đáng. Tôi lại càng trở nên hoang mang về sự hiện diện của tôi trên cuộc đời này: "Tôi là ai" Người Việt" hay Úc" Hay Úc gốc Việt" Tôi phải làm gì cho phù hợp với cái identity của tôi" Tôi làm được gì để giải thích sự hiện diện của tôi trên quả địa cầu này" Tôi có thể làm gì để có thể ngẩng mặt lên tự hào với cái gốc Việt Nam mình nơi xứ người" Khi nào tôi mới có thể đi ngược đường với một người Úc xa lạ mà không cảm thấy xấu hổ vì vô dụng"" ["""]
Càng nhìn những bạn trẻ đồng trang lứa hài lòng với cuộc sống trong hiện tại, tôi lại càng ưu tư cho tôi và số phận của ngươì Việt Hải Ngoại. Rồi lớp 11 qua nhanh đến 12 nối tiếp. Kết quả thi vào đại học của tôi đã làm ba mẹ tôi hài lòng, nhưng trong tâm trí tôi hàng chục câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời.
Bốn năm Đại học đi nhanh với cuộc hành trình được dừng chân ở các công tác xã hội. Tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi tiếp tục hy vọng và chờ đợi. Hình như đâu đó thấp thoáng một hình ảnh mù mờ xa xăm về nơi tôi muốn tới. Một giấc mơ cao vời hơn nhiều giấc mơ khác nhưng dù sao ở thời điểm đó nó cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Nó không đủ sức mạnh để làm cây kim chỉ nam cho tôi trong cuộc hành trình đi tìm câu giải đáp.
Tôi tìm đến chân lý của cuộc đời qua hình ảnh Đức Phật Thích Ca đi tầm đạo để giải thoát chúng sanh. Cuộc hành trình của tôi được hoạch định ra theo chiều hướng của một người Phật Tử - tức con của Phật. Cuối cùng cái duyên đã đến với tôi. Tôi chấp nhận nó một cách bình thản không chút ngạc nhiên vì trong tiềm thức tôi, cái duyên ấy chỉ là một kết quả tôi đã có lần dự đoán hay mơ thấy.
Tôi đã mơ rất nhiều. Tôi đã từng mơ thấy 20 năm sau tôi sẽ là một nữ tu trong một giáo dòng hay có lúc là một mẹ Theresa, một Thích Nhất Hạnh, một Mama Tina hoặc chỉ là một ngươì vô danh đi khắp nơi trên thế giới và cả Việt Nam để mang lại sự sống cho các em nhỏ bằng tâm huyết và khả năng của tôi mặc dù kết quả có thể chỉ là một ngày cơm no!
Bạn ơi! Tôi đã mơ nhiều nhưng không có bao nhiêu cơ hội thực hành. Đã bao phen chùn bước, nhưng mỗi lần tôi lại nghiệm thêm được cái "quả" trong cái "nhân" tôi đã gieo. Cái duyên tôi mới gặp tin chắc không phải do bàn tay tạo hóa bạn tặng mà đây là do lòng quyết tâm đi tìm thấy.
Cái duyên ấy được rớt vào ngày hai mươi mốt tháng tư. Đó là Đại Hôị Chuyên Gia toàn quốc Kỳ VII.
Tại đây tôi đã thấy được một tình cảm gắn bó và trong sáng giữa anh chị em trẻ tuổi cũng như tôi. Câu hỏi của anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, "Giới trẻ phải làm gì"" đã làm cánh cửa cuối đường hầm trong tiềm thức của tôi được mở rộng ra và đó là lý do tại sao tôi lại không ngại đường xa mà trở về Sydney một lần nữa trong vòng 72 tiếng đồng hồ để có mặt trong ngày Quốc Hận 30/04.
Cuộc hành trình của tôi đã có hướng đi!
Tôi đã đến Canberra xế chiều 29/04...
Đêm hai mươi chín tháng tư, lần đầu tiên trong đời, tôi được dự đêm hội ngộ của các bạn trẻ trên toàn Úc Châu, lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắt và cảm được những ngọn lửa nóng từ trong ánh đuốc bừng bừng cháy, soi sáng cả một nền trời và xua tan đi cái khí trời lạnh lẽo của thủ đô Canberra.
Chúng tôi đã hát những bài ca hùng dũng như thể đang ăn một món ăn tinh thần để chuẩn bị cho ngày hôm sau - 30/04.
"Đêm tâm tình", "Đêm thức trắng"... Danh từ nào cũng phù hợp với đêm hội ngộ của chúng ta. Các bạn ạ, có ai trong chúng ta không bùi ngùi xúc động qua hình ảnh (slideshow) về sự nghèo nàn của người dân Việt mình trong một kỷ nguyên mà đáng lẽ phải tiến chứ không lùi! Có ai không rơi thầm giọt nước mắt trong hoạt cảnh người học sinh ưu tú vì lý lịch "ngụy" đã bị từ chối vào trường Y Khoa và anh đã tự chọn cái chết để sớm thoát khỏi cái xã hội nghẹt thở ấy.
Có, tôi đã khóc cho anh, cho chị, cho em bé Tát Dầu, cho bé Thảo và hàng triệu nạn nhân của chế độ độc tài ở khắp nơi trên thế giới!
Tôi khóc hay bạn khóc thì làm được gì" Thưa bạn, một giọt nước mắt trên khóe mắt của bạn và tôi nhỏ xuống là một nhịp tim hy vọng cho người Việt Nam khốn khổ bên kia bờ Đại Tây Dương. Chúng ta khóc vì chúng ta thấy được nỗi bất hạnh của đồng bào bên ấy. Cũng từ sự ý thức đó mà chúng ta, những ngươì thanh, thiếu niên đã gặp nhau trong đêm hội ngộ 29/04 để cùng chia xẻ những ưu tư về hiện trạng của đất nước, để vạch ra một con đường phù hợp với khả năng và lãnh vực chuyên môn của mỗi cá nhân mà đi, với mục đích là mang lại một nền tự do và dân chủ cho 77 triệu dân Việt Nam.
Ba mươi tháng tư qua cái nhìn của tôi, một người trẻ lớn lên tại Hải Ngoại không giống các bậc trưởng thượng, những vị đã có những kinh nghiệm hãi hùng với chế độ cộng sản. Đối với tôi, 30/04 là một thời điểm thuận tiện nhất để hàng trăm nghìn anh chị em trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới xác định hướng đi và lý tưởng của mình đối với tương lai của cộng đồng người Việt Hải Ngoại, và đại khối dân tộc Việt Nam.
Bạn ơi, lý tưởng của giới trẻ chúng ta đã được thể hiện qua sự tham gia đông đảo của anh chị em sinh viên, thanh niên trên mọi nơi từ Paris, Toronto, Washington D.C, tới Canberra... đều đã thấy sự thay đổi, ý thức hệ, tinh thần, trách nhiệm của những người trong thế hệ thứ hai là chúng ta.
Sự kiện 30/04 năm nay đối với tôi là một móc ngoặc quan trọng, là một tia sáng đã dẫn tôi rẽ sang một con đường rộng hơn hướng về đất nước Việt Nam, và cuộc hành trình của tôi sẽ tiếp tục đi, sẽ không bao giờ chấm dứt.
Cũng như tất cả anh chị em trẻ đã, đang, và sẽ dấn thân, sẽ nghiệm được con đường phục vụ nhân loại không bao giờ kết thúc, có chăng chỉ là sự gián đoạn tạm thời mà thôi.
Khi trái tim bạn còn đập, xin bạn hãy chia xẻ nhịp đập với tôi và hàng triệu bạn trẻ khắp nơi để chúng ta có cùng một nhịp đập: Nhịp đập của trái tim tuổi trẻ Việt Nam.
Brisbane ngày 12 tháng 5 năm 2000
Bùi Diễm Châu