Trong thi ca Đại- thừa có hai câu thơ diễn tả tuyệt vời chân- như, bản- thể qua bức tranh hài hòa mầu sắc đến gần như toàn hảo:
“Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân”
Vô thỉ vô chung, không đi cũng chẳng đến thì nơi đây trúc tím hoa vàng chính là chân như; nơi kia mây trắng trăng tỏ khác gì bản thể; tự nơi tâm trong suốt này, đâu chẳng là trúc tím hoa vàng, đâu chẳng là mây trắng trăng tỏ" Đó chính là tâm đối cảnh mà không dính cảnh thì tâm, cảnh, hiện toàn chân.
Buổi đầu, hành giả tọa thiền còn phải dùng cái dụng- của- trí để nhận biết mặt mũi của vọng; nhận ra vọng thì tâm buông; vọng buông thì tâm tịnh; tâm tịnh rồi thì vạn hữu với ta là một, đâu còn lăng kính phân biệt nào để trúc tím hoa vàng là đẹp xấu hay héo tươi, mà nhìn trúc tím chỉ là trúc tím, nhìn hoa vàng chỉ là hoa vàng; chỉ là thế, và chỉ thế thôi, nguyên thủy, trong suốt tới mức tâm cảnh là một. Đã là một thì cũng không còn thời gian, không gian nữa.
Hành giả chuyên cần có thể đạt được điều đó, nhưng giữ được trạng thái đó lâu hay mau mới là công lực, bởi vì vọng luôn đầy ắp trong tâm như bọn trộm đông đảo luôn rình rập ngoài cửa, một chút chểnh mảng là chúng lẻn vào đánh cắp những gì quý giá! Phút mất chánh niệm là phút vọng khởi lên, bị trộm xô ngã rồi mới nhận ra sáu cánh cửa lục-căn bỏ ngỏ thì còn chi bản thể chân như!
Đó là lúc tôi ngồi thiền đêm qua, trăng mười sáu vằng vặc bên song đã thừa phút mơ màng kéo tôi về tuốt đêm trăng quê nội. Ngày về quê giã từ ông nội để xuôi Nam, tôi mới mười tuổi, biết gì đâu dáng núi Ba-Vì tắm đẫm hồn thơ Quang Dũng, biết gì đâu ngã ba sông Đáy u hoài Đôi Mắt Người Sơn Tây. Nếu thuở ấu thơ xưa tôi biết đất quê nội chính là chiếc nôi hồng chở đầy cung bậc, vần điệu của thơ bất tử, của nhạc ngàn đời đó, thì không biết tâm hồn tôi có thay đổi gì không. Chỉ biết quê nội lúc nào cũng ở trong tôi, ở phần ấm áp nhất của trái tim, nơi góp nhặt, chứa đựng đủ loại cảm thọ rắc rối!
Trên bờ đê sông Hồng dẫn về thôn Phương Viên, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, tôi chỉ thấy mắt ông nội đỏ hoe, cha tôi thì vội vã nắm tay chị em tôi, nghẹn ngào quay đi. Khi chúng tôi gào lên “Nội ơi, nội !” thì cha mẹ tôi không còn kìm giữ được nữa, cùng òa lên, vừa khóc, vừa chạy. Dạo đó tôi không hiểu, vì sao mình không muốn xa nội mà phải xa " Có ai bắt buộc đâu " Quê mình, nhà mình ở miền Bắc, sao lại bỏ để vào miền Nam " v..v..
Thời gian đầu, sau cái ngày tháng ấy của năm 1954, hầu như không lúc nào nghĩ về quê nội mà tôi không khóc. Mà có phải chúng tôi được ở quê nhiều đâu, chỉ mùa hè ông tôi cho người ra Hà Nội đón, mấy chị em tôi mới được về quê chơi dăm bữa, nửa tháng. Ấy thế mà tôi nhớ từng hàng cau, từng gốc bưởi, gốc lựu, gốc na, bể nước mưa, chuồng trâu bò, gà vịt, đàn ngỗng ồn ào, vào cổng sau là đi qua bếp rơm, chuồng lợn, vào cổng trước là gặp ngay đền thờ Đức Thánh Trần, dãy nhà ngang chứa thóc v…v…
Ngày được tin ông nội bị Cộng Sản Việt Nam đấu tố đến chết, sự bi thương đã quá sức chịu đựng của tôi. Tôi ốm liệt giường một tuần, trong những cơn mê sảng chỉ thấy hình ảnh ông nội quằn quại dưới đòn thù cuồng tín vô minh. Từ đó, kỷ niệm về quê nội càng hằn sâu trong lòng tôi với niềm mơ ước một ngày được trở lại, được bắc chiếc chõng tre dưới gốc cây đào trong sân gạch rộng mênh mông một đêm trăng sáng, chờ rổ khoai bác Cả đang lùi thơm phức trong bếp tro, nghe ông nội giảng nghĩa câu “Nhân tri sơ, tính bản thiện”. Nhưng niềm mơ ước đó đã không bao giờ thành sự thật. Toàn bộ nhà cửa, ruộng nương, trang trại của ông nội đã được nhanh chóng chia vụn ra cho những người trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào việc thảm sát ông.
Cái tin này, mấy năm sau, do chú tôi lưu lạc ngoài Trung mãi, khi vào Nam mới cho biết. Lạ thay, cái tin ấy không hề làm phai mờ một hình ảnh nào mà tôi đã ghi khắc. Hai bể nước mưa vẫn trong vắt, ngọt lịm, hàng cau vẫn thẳng tắp, đùa với mây xanh, dãy nhà ngang vẫn chất đầy thóc lúa, những đụn rơm vẫn cao ngất góc sân, đền thờ Đức Thánh Trần vẫn phảng phất uy linh, mười ba bực thềm gạch dẫn lên ngôi nhà chính vẫn in đầy dấu chân chúng tôi nhảy nhót, chuồng trâu chuồng bò vẫn đậm nét câu chuyện đầu năm ông tôi thường kể khi bà nội còn sống.
Cứ trưa mồng một Tết, sau khi cúng bái, bà nội tôi lại bưng một mâm cỗ đặt trước chuồng trâu bò rồi ngồi thụp xuống dỗ dành: “Ông Trâu ông Bò ơi, năm hết tết đến, xin các ông ăn cho chúng tôi một miếng. Suốt năm các ông đã khó nhọc giúp chúng tôi làm nên hạt lúa. Các ông làm thật mà ăn giả, chẳng quản công lao, chúng tôi biết lấy gì đền đáp”. Và mâm cỗ đầu năm cứ để trước chuồng trâu bò như thế cho đến chiều mới mang sang chuồng lợn. Gia đình lợn không làm khách như ông Trâu ông Bò nên chỉ một loáng là mâm cỗ đã được thanh toán gọn ghẽ, dù bà nội tôi không ngồi đó để dỗ dành, mời mọc…..
Bên cạnh những ngọt ngào không hề mất ấy là niềm đau đớn chẳng thể nguôi ngoai. Rõ ràng là một tâm trạng mâu thuẫn, phức tạp, nhưng tôi chưa từng phân tách nó cho đến sau 30 tháng tư năm 1975, người anh họ gửi sang cho tôi một tấm hình chụp con đường đất ngoằn ngoèo với hai hàng trúc xiêu vẹo. Cuối con đường đất đó là một bức tường gạch loang lổ. Mặt sau tấm hình anh tôi ghi: “Toàn bộ dinh cơ của nội chỉ còn bức tường gạch này thôi. Em có nhận ra đây là cổng trước, vào đền Đức Thánh Trần không"” Tôi đã ngồi lặng, nhìn bức tường trong hình, đau đớn như đang nhìn ông nội trong những phút cuối đời đầy nhục nhã, uất ức. Chính bức hình này mới thực sự kéo tôi ra khỏi tâm trạng mơ hồ để chấp nhận thực tế là quê nội tuy vẫn đó nhưng thật ra không còn nữa, không còn gì nữa!
Qua những lần điện đàm, anh họ tôi còn cho biết thêm, sau khi Cộng Sản bức tử ông nội, họ lập tức đuổi anh ra khỏi nhà. Nơi trú ngụ của anh khi đó là căn chòi ngoài trại, nơi khi xưa vẫn dùng để nông cụ. Vì anh còn nhỏ quá nên mỗi sáng, anh được phép cán bộ cho bưng nồi về nhà cũ, chờ người Cộng Sản đang quản lý nhà mình, phát cho lon gạo nhỏ lấy từ vựa thóc của nhà! Lon gạo không đủ no, anh tôi phải ra đồng mót khoai, mót sắn. Ngày đầu anh chỉ mót được dăm củ khoai sùng bé bằng hai ngón tay. Nhưng hôm sau, khi anh ra đồng, dân làng len lén nhìn anh. Anh nghe thấy có người thì thầm: “Tội nghiệp, cháu cụ Tổng đấy”. Anh chẳng cần họ tội nghiệp, anh chỉ cần mót được dăm củ khoai, vài cọng lúa để tối nay no lòng. Lạ chưa, những ngày sau đó anh rất may mắn. Sao có những củ khoai to thế này, những nhánh lúa chĩu nặng thế kia mà họ bỏ sót " Anh mừng rỡ nhặt vào rổ. Những hôm sau, rồi những hôm sau nữa vẫn thế, anh mót dễ dàng được cả rổ khoai sắn. Những người nông dân đi hái hoa mầu thường nhìn anh, kín đáo mỉm cười. Và anh đã hiểu. Thì ra, không phải những nông dân kia bỏ sót hoa mầu mà họ đã cố tình chừa lại chút đỉnh cho thằng bé tội nghiệp, cháu cụ Tổng, dù họ cũng nghèo đói. Anh tôi đã bật khóc khi nhận ra như thế. Giữa những tang thương đổ nát, vẫn còn một điều thấp thoáng nhưng không biến, không mất. Đó là Tình Người.
Đêm qua, trăng mười sáu vừa đưa tôi về quê cũ với những đêm trăng thơm phức khoai lùi, ngạt ngào hương bưởi hương cau và say sưa cổ tích Tấm Cám. Tôi đã lạc lối thiền, bèn nhắm mắt, tìm về hơi thở. Thở vào, tôi biết mình đang thở vào. Thở ra, tôi biết mình đang thở ra. Tôi nắm bắt hơi thở và làm chủ nó. Thở vào, bụng tôi nhè nhẹ thót vào. Thở ra, bụng tôi nhè nhẹ dãn ra. Tôi theo dõi hơi thở và đặt chú tâm nơi bụng, cốt không cho ý luẩn quẩn trên đầu để không suy nghĩ, không còn niệm phân biệt nữa. Cứ thế, trăng cùng với tôi, thở nhịp nhàng, khoan thai. Trăng thở và tôi thở. Trăng là tôi và tôi là trăng…..
Trong tĩnh lặng, dưới ánh trăng, quê nội bỗng hiện ra. Không còn nữa, oan cừu thù hận mà chỉ là bát ngát trúc tím hoa vàng. Và bạn ơi, bạn biết không, tôi vừa bàng hoàng nhìn thấy tôi ngay nơi trúc ấy, ngay nơi hoa kia.
Hóa ra, TÔI CHƯA TỪNG MẤT GÌ, BỞI TÔI CHƯA HỀ THẬT CÓ.
Muốn kiểm chứng lời tôi, bạn hãy ngồi xuống đi, khoanh chân và khép hờ đôi mắt. Khi cảm thấy thoải mái, hãy theo dõi hơi thở, hãy nắm bắt hơi thở và làm chủ nó, bạn sẽ nhận ra sự mầu nhiệm là, có bao giờ ta ngưng thở đâu (cho đến khi ta ….tắt thở), vậy mà, rất ít khi ta nhận ra là ta đang thở. Ta thờ ơ, lãnh đạm với hơi thở của ta quá, trong khi, nếu theo dõi nó, làm chủ nó, sẽ có lúc bạn bất chợt mỉm cười mà không hay, vì đó chính là lúc:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.
Diệu Trân (Đêm trăng 16 tháng Giêng năm Ất Dậu)
“Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân”
Vô thỉ vô chung, không đi cũng chẳng đến thì nơi đây trúc tím hoa vàng chính là chân như; nơi kia mây trắng trăng tỏ khác gì bản thể; tự nơi tâm trong suốt này, đâu chẳng là trúc tím hoa vàng, đâu chẳng là mây trắng trăng tỏ" Đó chính là tâm đối cảnh mà không dính cảnh thì tâm, cảnh, hiện toàn chân.
Buổi đầu, hành giả tọa thiền còn phải dùng cái dụng- của- trí để nhận biết mặt mũi của vọng; nhận ra vọng thì tâm buông; vọng buông thì tâm tịnh; tâm tịnh rồi thì vạn hữu với ta là một, đâu còn lăng kính phân biệt nào để trúc tím hoa vàng là đẹp xấu hay héo tươi, mà nhìn trúc tím chỉ là trúc tím, nhìn hoa vàng chỉ là hoa vàng; chỉ là thế, và chỉ thế thôi, nguyên thủy, trong suốt tới mức tâm cảnh là một. Đã là một thì cũng không còn thời gian, không gian nữa.
Hành giả chuyên cần có thể đạt được điều đó, nhưng giữ được trạng thái đó lâu hay mau mới là công lực, bởi vì vọng luôn đầy ắp trong tâm như bọn trộm đông đảo luôn rình rập ngoài cửa, một chút chểnh mảng là chúng lẻn vào đánh cắp những gì quý giá! Phút mất chánh niệm là phút vọng khởi lên, bị trộm xô ngã rồi mới nhận ra sáu cánh cửa lục-căn bỏ ngỏ thì còn chi bản thể chân như!
Đó là lúc tôi ngồi thiền đêm qua, trăng mười sáu vằng vặc bên song đã thừa phút mơ màng kéo tôi về tuốt đêm trăng quê nội. Ngày về quê giã từ ông nội để xuôi Nam, tôi mới mười tuổi, biết gì đâu dáng núi Ba-Vì tắm đẫm hồn thơ Quang Dũng, biết gì đâu ngã ba sông Đáy u hoài Đôi Mắt Người Sơn Tây. Nếu thuở ấu thơ xưa tôi biết đất quê nội chính là chiếc nôi hồng chở đầy cung bậc, vần điệu của thơ bất tử, của nhạc ngàn đời đó, thì không biết tâm hồn tôi có thay đổi gì không. Chỉ biết quê nội lúc nào cũng ở trong tôi, ở phần ấm áp nhất của trái tim, nơi góp nhặt, chứa đựng đủ loại cảm thọ rắc rối!
Trên bờ đê sông Hồng dẫn về thôn Phương Viên, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, tôi chỉ thấy mắt ông nội đỏ hoe, cha tôi thì vội vã nắm tay chị em tôi, nghẹn ngào quay đi. Khi chúng tôi gào lên “Nội ơi, nội !” thì cha mẹ tôi không còn kìm giữ được nữa, cùng òa lên, vừa khóc, vừa chạy. Dạo đó tôi không hiểu, vì sao mình không muốn xa nội mà phải xa " Có ai bắt buộc đâu " Quê mình, nhà mình ở miền Bắc, sao lại bỏ để vào miền Nam " v..v..
Thời gian đầu, sau cái ngày tháng ấy của năm 1954, hầu như không lúc nào nghĩ về quê nội mà tôi không khóc. Mà có phải chúng tôi được ở quê nhiều đâu, chỉ mùa hè ông tôi cho người ra Hà Nội đón, mấy chị em tôi mới được về quê chơi dăm bữa, nửa tháng. Ấy thế mà tôi nhớ từng hàng cau, từng gốc bưởi, gốc lựu, gốc na, bể nước mưa, chuồng trâu bò, gà vịt, đàn ngỗng ồn ào, vào cổng sau là đi qua bếp rơm, chuồng lợn, vào cổng trước là gặp ngay đền thờ Đức Thánh Trần, dãy nhà ngang chứa thóc v…v…
Ngày được tin ông nội bị Cộng Sản Việt Nam đấu tố đến chết, sự bi thương đã quá sức chịu đựng của tôi. Tôi ốm liệt giường một tuần, trong những cơn mê sảng chỉ thấy hình ảnh ông nội quằn quại dưới đòn thù cuồng tín vô minh. Từ đó, kỷ niệm về quê nội càng hằn sâu trong lòng tôi với niềm mơ ước một ngày được trở lại, được bắc chiếc chõng tre dưới gốc cây đào trong sân gạch rộng mênh mông một đêm trăng sáng, chờ rổ khoai bác Cả đang lùi thơm phức trong bếp tro, nghe ông nội giảng nghĩa câu “Nhân tri sơ, tính bản thiện”. Nhưng niềm mơ ước đó đã không bao giờ thành sự thật. Toàn bộ nhà cửa, ruộng nương, trang trại của ông nội đã được nhanh chóng chia vụn ra cho những người trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào việc thảm sát ông.
Cái tin này, mấy năm sau, do chú tôi lưu lạc ngoài Trung mãi, khi vào Nam mới cho biết. Lạ thay, cái tin ấy không hề làm phai mờ một hình ảnh nào mà tôi đã ghi khắc. Hai bể nước mưa vẫn trong vắt, ngọt lịm, hàng cau vẫn thẳng tắp, đùa với mây xanh, dãy nhà ngang vẫn chất đầy thóc lúa, những đụn rơm vẫn cao ngất góc sân, đền thờ Đức Thánh Trần vẫn phảng phất uy linh, mười ba bực thềm gạch dẫn lên ngôi nhà chính vẫn in đầy dấu chân chúng tôi nhảy nhót, chuồng trâu chuồng bò vẫn đậm nét câu chuyện đầu năm ông tôi thường kể khi bà nội còn sống.
Cứ trưa mồng một Tết, sau khi cúng bái, bà nội tôi lại bưng một mâm cỗ đặt trước chuồng trâu bò rồi ngồi thụp xuống dỗ dành: “Ông Trâu ông Bò ơi, năm hết tết đến, xin các ông ăn cho chúng tôi một miếng. Suốt năm các ông đã khó nhọc giúp chúng tôi làm nên hạt lúa. Các ông làm thật mà ăn giả, chẳng quản công lao, chúng tôi biết lấy gì đền đáp”. Và mâm cỗ đầu năm cứ để trước chuồng trâu bò như thế cho đến chiều mới mang sang chuồng lợn. Gia đình lợn không làm khách như ông Trâu ông Bò nên chỉ một loáng là mâm cỗ đã được thanh toán gọn ghẽ, dù bà nội tôi không ngồi đó để dỗ dành, mời mọc…..
Bên cạnh những ngọt ngào không hề mất ấy là niềm đau đớn chẳng thể nguôi ngoai. Rõ ràng là một tâm trạng mâu thuẫn, phức tạp, nhưng tôi chưa từng phân tách nó cho đến sau 30 tháng tư năm 1975, người anh họ gửi sang cho tôi một tấm hình chụp con đường đất ngoằn ngoèo với hai hàng trúc xiêu vẹo. Cuối con đường đất đó là một bức tường gạch loang lổ. Mặt sau tấm hình anh tôi ghi: “Toàn bộ dinh cơ của nội chỉ còn bức tường gạch này thôi. Em có nhận ra đây là cổng trước, vào đền Đức Thánh Trần không"” Tôi đã ngồi lặng, nhìn bức tường trong hình, đau đớn như đang nhìn ông nội trong những phút cuối đời đầy nhục nhã, uất ức. Chính bức hình này mới thực sự kéo tôi ra khỏi tâm trạng mơ hồ để chấp nhận thực tế là quê nội tuy vẫn đó nhưng thật ra không còn nữa, không còn gì nữa!
Qua những lần điện đàm, anh họ tôi còn cho biết thêm, sau khi Cộng Sản bức tử ông nội, họ lập tức đuổi anh ra khỏi nhà. Nơi trú ngụ của anh khi đó là căn chòi ngoài trại, nơi khi xưa vẫn dùng để nông cụ. Vì anh còn nhỏ quá nên mỗi sáng, anh được phép cán bộ cho bưng nồi về nhà cũ, chờ người Cộng Sản đang quản lý nhà mình, phát cho lon gạo nhỏ lấy từ vựa thóc của nhà! Lon gạo không đủ no, anh tôi phải ra đồng mót khoai, mót sắn. Ngày đầu anh chỉ mót được dăm củ khoai sùng bé bằng hai ngón tay. Nhưng hôm sau, khi anh ra đồng, dân làng len lén nhìn anh. Anh nghe thấy có người thì thầm: “Tội nghiệp, cháu cụ Tổng đấy”. Anh chẳng cần họ tội nghiệp, anh chỉ cần mót được dăm củ khoai, vài cọng lúa để tối nay no lòng. Lạ chưa, những ngày sau đó anh rất may mắn. Sao có những củ khoai to thế này, những nhánh lúa chĩu nặng thế kia mà họ bỏ sót " Anh mừng rỡ nhặt vào rổ. Những hôm sau, rồi những hôm sau nữa vẫn thế, anh mót dễ dàng được cả rổ khoai sắn. Những người nông dân đi hái hoa mầu thường nhìn anh, kín đáo mỉm cười. Và anh đã hiểu. Thì ra, không phải những nông dân kia bỏ sót hoa mầu mà họ đã cố tình chừa lại chút đỉnh cho thằng bé tội nghiệp, cháu cụ Tổng, dù họ cũng nghèo đói. Anh tôi đã bật khóc khi nhận ra như thế. Giữa những tang thương đổ nát, vẫn còn một điều thấp thoáng nhưng không biến, không mất. Đó là Tình Người.
Đêm qua, trăng mười sáu vừa đưa tôi về quê cũ với những đêm trăng thơm phức khoai lùi, ngạt ngào hương bưởi hương cau và say sưa cổ tích Tấm Cám. Tôi đã lạc lối thiền, bèn nhắm mắt, tìm về hơi thở. Thở vào, tôi biết mình đang thở vào. Thở ra, tôi biết mình đang thở ra. Tôi nắm bắt hơi thở và làm chủ nó. Thở vào, bụng tôi nhè nhẹ thót vào. Thở ra, bụng tôi nhè nhẹ dãn ra. Tôi theo dõi hơi thở và đặt chú tâm nơi bụng, cốt không cho ý luẩn quẩn trên đầu để không suy nghĩ, không còn niệm phân biệt nữa. Cứ thế, trăng cùng với tôi, thở nhịp nhàng, khoan thai. Trăng thở và tôi thở. Trăng là tôi và tôi là trăng…..
Trong tĩnh lặng, dưới ánh trăng, quê nội bỗng hiện ra. Không còn nữa, oan cừu thù hận mà chỉ là bát ngát trúc tím hoa vàng. Và bạn ơi, bạn biết không, tôi vừa bàng hoàng nhìn thấy tôi ngay nơi trúc ấy, ngay nơi hoa kia.
Hóa ra, TÔI CHƯA TỪNG MẤT GÌ, BỞI TÔI CHƯA HỀ THẬT CÓ.
Muốn kiểm chứng lời tôi, bạn hãy ngồi xuống đi, khoanh chân và khép hờ đôi mắt. Khi cảm thấy thoải mái, hãy theo dõi hơi thở, hãy nắm bắt hơi thở và làm chủ nó, bạn sẽ nhận ra sự mầu nhiệm là, có bao giờ ta ngưng thở đâu (cho đến khi ta ….tắt thở), vậy mà, rất ít khi ta nhận ra là ta đang thở. Ta thờ ơ, lãnh đạm với hơi thở của ta quá, trong khi, nếu theo dõi nó, làm chủ nó, sẽ có lúc bạn bất chợt mỉm cười mà không hay, vì đó chính là lúc:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.
Diệu Trân (Đêm trăng 16 tháng Giêng năm Ất Dậu)
Gửi ý kiến của bạn