Hôm nay,  

Bush Loạn Chiêu

06/10/200500:00:00(Xem: 5152)
- Gặp rất nhiều nghịch cảnh, Tổng thống Bush chỉ điêu đứng khi nào thành phần trung kiên vẫn ủng hộ ông bắt đầu mất niềm tin. Điều ấy đang xảy ra…
Trong bài bình luận cho ban Việt ngữ BBC, được đưa lên Web của BBC ngày Thứ Hai mùng ba tháng 10 vừa rồi, người viết bài này có phân tách cái "nghiệp kỳ hai" của Tổng thống George W. Bush và nêu nhận xét là ông có chừng một tháng để trấn an các thành phần trung kiên của ông và chinh phục lại niềm tin của quần chúng. Nếu không, ông sẽ là tổng thống hết thời, cầm quyền cho hết nhiệm kỳ mà không lãnh đạo nổi…
Người ta không phải đợi một tháng.
Cùng ngày Thứ Hai đó, ông đã làm một việc trái ngược khi chỉ định Harriet Miers vào Tối cao Pháp viện. Phản ứng lập tức - trong có vài giờ - và gay gắt của nhiều phái bảo thủ về quyết định này khiến tòa Bạch Ốc lật đật - điều rất hy hữu - tổ chức cuộc họp báo tại vườn hồng Rose Garden, để ông Bush trấn an xu hướng bảo thủ ấy trong gần một tiếng đồng hồ.
Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng đáng chú ý: ông Bush có dấu hiệu loạn chiêu khiến những người ủng hộ ông bắt đầu nêu câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông. Điều ấy sẽ dội ngược vào hồ sơ Iraq lẫn tư thế của Hoa Kỳ trên thế giới. Cực kỳ đáng ngại.
*
Trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ có sáu vị tổng thống đã được tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai và đều bị cái "nghiệp kỳ hai" khi lên đến cực thịnh khiến thành tích chung cuộc sút giảm. Đó là các ông Wilson, (Franklin) Roosevelt, Eisenhower, Nixon, Reagan và Clinton. Nếu kể thêm bốn người kế nhiệm vị tổng thống bị mất đương khi tại chức là (Theodore) Roosevelt, Coolidge, Truman và Johnson, thì hồi hai của sự nghiệp vẫn thường kém hồi đầu, có khi không được đề cử (Truman) hoặc dám tái tranh cử (Johnson). Trong một chục người ấy, ngoại lệ duy nhất nếu có là Theodore Roosevelt và Calvin Coolidge. May lắm thì Eisenhower được coi là bình hòa.
Vì sao như vậy"
Thói thường, khi được tự do hành động và chỉ còn chú ý đến vị trí của mình trong lịch sử hơn là che chắn đây đó để giành phiếu trong cuộc bầu cử tới, các vị tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ hai thường bị bệnh chủ quan bất cẩn. Ngoài ra, qua nhiệm kỳ hai người ta cũng dễ mệt mỏi và tìm giải pháp dễ dãi khi bận tô tượng cho mình. Rồi vì thế mà có khi vấp ngã vì chuyện không đáng. Như Nixon vì vụ Watergate, Reagan vì vụ Iran-Contra, Clinton vì vụ Monica Lewinsky, những tai tiếng để lại tỳ vết khó xóa trong lịch sử, và trước mắt, còn cản trở những kế hoạch dự tính thực hiện cho hậu thế.
Nhiều người cũng thất bại vì quyết định đối ngoại xuất phát từ nhiệm kỳ trước. Wilson chiến thắng trong Thế chiến I mà thất bại vì Quốc hội đảo ngược lập trường, chống lại kế hoạch Hội quốc liên (League of Nations) khiến ông bất lực tại hội nghị Versailles. Hòa ước Versailles vì vậy gieo mầm cho Thế chiến II. Lên kế nhiệm (Franklin) Roosevelt, Truman không kết thúc nổi chiến tranh Cao Ly. Kế nhiệm Kennedy, Johnson không giải quyết nổi chiến tranh Việt Nam. Họ thất bại nặng nên dù có muốn cũng không thể tái tranh cử.
Một khía cạnh khác của cái "nghiệp kỳ hai" là trong nhiệm kỳ hai này, vị tổng thống không được sự nhân nhượng nào của truyền thông hay đối thủ và bị phê phán nghiêm khắc hơn. Họ thường bị đả kích rất nặng, kể cả Eisenhower, và gặp sự chống đối gay gắt đến độ hằn học và tất nhiên là bất công của đối phương.
Tuy nhiên, những người dù gặp sóng gió mà vẫn tai qua nạn khỏi và cuối cùng hoàn tất được nhiệm kỳ hai đều có một nét chung: họ không bị khối quần chúng trung kiên bỏ rơi. Đó là trường hợp của Roosevelt, Eisenhower, Reagan và Clinton. Những người khác đã thất bại nặng chính là vì mất sự tín nhiệm của các thành phần đã từng ủng hộ mình: Wilson gặp sự nổi loạn trong đảng Dân chủ, Truman không được đảng Dân chủ tái đề cử, Johnson có muốn ra tái tranh cử chưa chắc đã được hậu thuẫn của đa số Dân chủ, khi đó đã đảo ngược lập trường, trở thành phản chiến. Nixon phải từ chức khi gặp sức chống rất mạnh của các Nghị sĩ Cộng hòa.
Nói vắn tắt, các tổng thống Mỹ có thể bị vấp ngã trong nhiệm kỳ hai vì 1) chủ quan bất cẩn, 2) mệt mỏi đâm ra lười biếng, 3) lãnh di sản nặng nề của nhiệm kỳ một, 4) và bị tấn công rất nặng vì mọi chuyện. Nhưng họ vẫn có thể vượt qua sóng gió để hoàn tất nhiệm kỳ nếu còn hậu thuẫn của các thành phần quần chúng trung kiên của mình. Nếu không, họ hết thời và nước Mỹ sẽ bị khủng hoảng.
Tổng thống Bush không thể không biết điều ấy: ông đã bất cẩn trong vụ Katrina, có thể vì hao mòn sức lực và tâm trí, lại đang lãnh di sản Iraq và bị đối lập và truyền thông, đa số là thiên tả, tấn công rất gắt. Trong tháng Tám, dù kinh tế tăng trưởng khả quan, tỷ lệ tín nhiệm của ông Bush vẫn sa sút vì vụ Iraq. Trong tháng Chín, vụ Katrina đẩy tỷ lệ bất tín nhiệm lên quá 60% và đấy là lúc ông cần tựa vào thành đồng bảo thủ để tìm thế phản công. Nếu họ có hoài nghi về khả năng lãnh đạo, thí dụ như tại Iraq, thì vẫn tin tưởng vào cá tính chân thành và quả quyết của Tổng thống, là điều ông Bush đã chứng tỏ trong suốt năm năm qua.
Suốt tháng Chín, ông Bush có cơ hội tổng phản công sau vụ Katrina nhưng kết quả lại trái ngược. Ông bọc xuôi theo dư luận để tung ra kế hoạch tăng chi sặc mùi bao cấp hầu chuộc lỗi sơ sẩy tại Katrina trong khi ban tham mưu quân sự của ông nói ra những mâu thuẫn về vụ Iraq, đôn quân hay rút quân đều cần như nhau! Chưa ra khỏi Iraq, ông Bush đã hai lần vấp ngã trong trận Katrina, trước và sau bão lụt.
Điều đáng kinh ngạc và đáng thất vọng cho quần chúng bảo thủ là trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, ông lại bổ nhiệm luật sư riêng của mình là bà Harriet Miers vào ghế Thẩm phán Tối cao Pháp viện thay bà Sandra O'Connor đã xin về hưu từ tháng Bảy. Họ đang kết luận là chẳng những có khả năng lãnh đạo kém, ông Bush còn mất đức tính đáng kính là kiên định lập trường và chí công vô tư. Yếu tố sau cùng ấy mới đáng chú ý.
Nếu đảng Cộng hòa thất cử nặng vào năm tới và sẽ mất cả tòa Bạch Ốc lẫn Quốc hội vào năm 2008, người ta sẽ nhớ đến ngày mùng ba tháng 10 vừa rồi và Harriet Miers.
Khi O'Connor ngỏ ý xin về hưu, Tổng thống Bush và ban tham mưu đã phải có quyết định được chờ đợi từ lâu, đó là tìm người thay thế vị phụ nữ đầu tiên vào Tối cao Pháp viện do quyết định bổ nhiệm của Tổng thống Reagan. Bà O'Connor này là người có khả năng, uy tín và từ xu hướng bảo thủ đã chuyển dịch vào lập trường ôn hòa ở giữa, giữ vị trí bản lề cho các phán quyết của Tối cao Pháp viện gồm chín người.
Nếu người thay thế bà mà có lập trường bảo thủ, Tối cao Pháp viện sẽ ngả về cánh hữu với tỷ lệ 5-4, qua chủ trương suy diễn Hiến pháp theo sát tinh thần nguyên thủy, giới hạn vai trò của chính quyền Liên bang để tăng cường vai trò của Tiểu bang và địa phương, tôn trọng kỷ cương và đạo đức xã hội (hạn chế phá thai và chống hôn nhân đồng tính chẳng hạn) và nhất là ngăn cản trào lưu làm luật theo xu hướng thiên tả và can thiệp của Quốc hội.
Tổng thống Bush đã chọn Thẩm phán John Roberts vào vị trí ấy. Ông là người có thực tài, uy tín và lại bảo thủ nên sẽ đẩy Tối cao Pháp viện về cánh hữu theo ý nguyện của thành phần bảo thủ xưa nay vẫn kiên trì ủng hộ Bush trong hai kỳ tranh cử, dù ông gặp nhiều vấp váp tại Iraq. Điều bất ngờ là Chủ tịch cơ chế tối cao này là ông William Rehquist - một nhân vật bảo thủ do Nixon bổ nhiệm - lại qua đời hôm mùng ba tháng Chín. Bất ngờ hơn nữa, ông Bush lại đôn luôn Thẩm phán Roberts vào ghế Chủ tịch ấy. Ông Roberts xuất sắc vượt qua các cuộc điều trần và được Thượng viện phê chuẩn với phân nửa lá phiếu Dân chủ để chủ tọa phiên họp đầu tiên của Tối cao Pháp viện mới, vào ngày mùng ba vừa qua, một biến cố rất đáng chú ý.

Nhưng biến cố ấy bị nhận chìm bởi quyết định cùng ngày của ông Bush là bổ nhiệm Harriet Miers vào ghế O'Connor. Đây là sai lầm khó tha thứ về thời điểm vì làm giảm mất ý nghĩa của thắng lợi John Roberts. Chính quyền Bush chưa khi nào xuất sắc trên mặt trận tuyên truyền và chiến tranh tâm lý, lần này thì lại quá tệ.
Với việc đôn một người bảo thủ vào vị trí của một người bảo thủ vừa quá vãng, cán cân lực lượng tả hữu tại Tối cao Pháp viện lại chuyển dịch về chỗ cũ và ông Bush phải tìm ra người thay thế lá phiếu bản lề của bà O'Connor.
Ông không chọn một trong hàng chục người có uy tín, thực tài hay lập trường rõ rệt mà chọn lại một luật sư riêng của mình từ thời Texas, một người đã theo ông vào tòa Bạch Ốc và trở thành nhân vật thân tín của tổng thống trong các quyết định liên hệ đến pháp luật. Mà hồ sơ pháp luật trên bàn của tổng thống chính là vấn đề chính trị của quốc dân.
Bà Miers gặp sự chống đối từ các nhóm bảo thủ không phải vì chưa từng là thẩm phán mà vì 1) không ai biết chủ trương rõ rệt của bà ra sao, 2) có tư thế dính liền đến tổng thống, 3) chứ không là một nhà tư tưởng có viễn kiến hay thẩm quyền về luật Hiến pháp, và quan trọng nhất đối với dư luận bảo thủ, 4) bà lấy mất chỗ của nhiều nhân vật xứng đáng hơn. Trong số này, có hai nhân vật đáng chú ý là một nữ thẩm phán da đen, bảo thủ, gốc California, hoặc Giáo sư Đinh Việt, có thẩm quyền về luật Hiến pháp, rất quen biết trong cộng đồng Việt Nam và được kính trọng trong bộ Tư pháp Mỹ khi góp phần soạn thảo đạo luật Patriot Act.
Nói vắn tắt, nếu không là một phụ nữ, lại là tay chân thân tín của tổng thống, không đời nào bà Miers có thể vượt qua cả chục nhân vật khác để được đề cử vào Tối cao Pháp viện.
Quyết định của Bush bị chỉ trích vì ông hành xử y hệt như đảng Dân chủ, là cố tính đề cử nhân sự chỉ vì lý do chính trị mị dân (phụ nữ hay da màu) chứ không vì khả năng. Ông cũng mặc nhiên xác nhận điều mà đảng Dân chủ xưa nay vẫn công kích, là đưa tay chân vào việc nước. Ông Bush càng cố gắng chứng minh khả năng của bà Miers lại càng kẹt: ông biết rõ khả năng ấy hơn thiên hạ vì Miers là luật sư thân tín của ông. Tức là Hoa Kỳ lại trở về chế độ thân tộc, lãnh đạo đưa tay chân vào nắm quyền, v.v…. Sau những đồn đãi oan về tổ hợp Halliburton đến vụ rút lui của Giám đốc FEMA, nhân vật kém khả năng được bổ nhiệm vì lý do chính trị, việc đưa Miers vào Tối cao Pháp viện chứng tỏ nhược điểm về cá tính con người, không chỉ về khả năng lãnh đạo, của ông Bush.
Khi thấy đối thủ sa hố, đảng Dân chủ tất nhiên vỗ tay. Họ chưa có một ai hoặc một chủ trương nào thống nhất, khả tín hay khả thi, về ngần ấy vấn đề đối nội và đối ngoại, nên nhiệt liệt hoan nghênh quyết định về bà Miers và ngồi nhìn thành đồng bảo thủ của ông Bush tan rã.
Điều ấy không sai.
Nhìn trên bề mặt, đảng Cộng hòa đang lãnh đạo Hành pháp, chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội và có thế mạnh tại Tối cao Pháp viện, nhưng không phải là không có vấn đề vì cuộc chiến chống khủng bố chưa ngã ngũ mà nội bộ thuần nhất đang rạn nứt dần. Khi nói đến "phe bảo thủ" ta cần phân biệt khá nhiều phái. Từ vụ Katrina qua vụ Miers, ông Bush đang chuyển phe thành phái. Đã vậy, thành đồng ấy của ông đang lập chiến hào đả kích lẫn nhau và nay công khai than phiền khả năng lãnh đạo lẫn cá tính con người của ông.
Trong phe bảo thủ, ta có sự đối nghịch giữa phái giản chánh - chống bao cấp và muốn thu hẹp vai trò của bộ máy hành chánh công quyền - và phái tăng chi nhằm mở rộng sự can thiệp của chính quyền. Tôn chỉ "bảo thủ với từ tâm" của ông Bush biến thành bảo thủ nhưng bao cấp, mặc tình tăng chi để ban phát quyền lợi, bất chấp khiếm hụt ngân sách và các khoản chi mị dân - không chính đáng nhưng dễ hốt phiếu.
Trong phe bảo thủ, ta có phái bảo thủ kinh tế hay kinh doanh đối nghịch với phái bảo thủ tôn giáo. Phái bảo thủ kinh doanh rất khó chịu về sự ồn ào của phái bảo thủ tôn giáo, thí dụ như họ thất vọng với quyết định hạn chế nghiên cứu phôi bào (stem cell) vì lý do tín ngưỡng. Nhiều doanh gia đã kín đáo phản đối ông Bush và gọi phái bảo thủ tôn giáo là Taliban - chế độ giáo quyền Afghanistan đã dung dưỡng khủng bố.
Trong phe bảo thủ, ta có phái bảo thủ tôn giáo đối nghịch với phái hoài nghi vai trò của chính quyền liên bang. Phái bảo thủ tôn giáo đòi chính quyền liên bang phải can thiệp, qua luật lệ, để chấn hưng đạo đức hay phát huy tín ngưỡng. Ngược lại, phái kia không muốn chính quyền can thiệp vào các quyết định riêng tư của đời sống, thí dụ như việc trợ tử đang được Tối cao Pháp viện đưa ra thảo luận tuần này, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch John Roberts.
Trong phe bảo thủ, ta có phái địa phương đối địch với phái trung ương. Phái địa phương gồm các tiểu bang miền Tây và miền Nam luôn luôn nghi ngờ trò xào nấu chính trị ở thủ đô, trong khi phái trung ương thì say đòn với hai lần thắng cử và muốn dùng thủ đô làm bàn đạp bành trướng ảnh hưởng. Phái địa phương e là phái trung ương lấn lướt vai trò của địa phương và rơi vào thói quen đổi chác chính trị rất tồi bại ở thủ đô.
Trong phe bảo thủ, ta còn có phái cổ chống phái tân. Phái tân bảo thủ đã đẩy mạnh việc phát huy dân chủ và xây dựng nền móng quốc gia ở các nước khác để diệt trừ khủng bố và bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên toàn cầu. Phái bảo thủ cổ điển và thực tiễn thì cho rằng Hoa Kỳ chưa và sẽ không thắng tại Iraq, chi bằng nên dàn xếp giải pháp thỏa hiệp để rút quân về bảo vệ lấy thân ở nhà. Vả lại, cùng phe bảo thủ với nhau và cùng chia sẻ một sự hoài nghi chung về vai trò của chính quyền, cớ sao lại muốn thiết lập loại chính quyền ấy ở các xứ khác"
Cho đến nay, năm phe mười phái ấy vẫn kín đáo vận động vào chính quyền Bush và tin rằng nếu ông Bush còn mạnh thì chủ trương của họ còn có hy vọng được thực hiện. Vì vậy, dù có hoài nghi kết quả đối ngoại - khủng bố, Afghanistan, Iraq, Iran, Bắc Hàn, Trung Quốc, v.v… - họ vẫn trung thành ủng hộ tổng thống. Bây giờ, niềm tin ấy đang bị soi mòn…
Họ kết luận: ông Bush hết là giải pháp đắc lực và có thể đi từ thất bại này qua thất bại khác. Trong khi ấy, nhiều vị đại diện dân cử còn phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, vào năm tới. Sự nghiệp chính trị của họ tại địa phương trở thành quan trọng hơn việc bênh vực Bush trên các hồ sơ thuộc loại toàn quốc. Họ sẽ buông tay, không ủng hộ những quyết định cải cách lớn lao mà đầy rủi ro của tổng thống.
Những vấn đề trên tất nhiên là đang ám ảnh ban tham mưu của Bush và họ phải chuẩn bị một phép lạ mới có thể đảo ngược tình hình. Vài người lạc quan thì cho là bà Miers sẽ gỡ rối cho thượng cấp bằng cách rút lui để ông Bush sửa sai. Nhưng chính ông Bush đã cho biết, bà nhỏ con mà là thứ dữ ("pitt bull đi giày số sáu"), nên bà sẽ chẳng lùi, nhất là khi đảng Dân chủ sẽ trải chiếu hoa cho bà bước lên.
Nếu không bị khủng hoảng trong nội bộ vì làn sóng ngầm của xu hướng cực tả, phản chiến, mị dân và vô trách nhiệm đang nổi lên từ cơ sở, lãnh đạo đảng Dân chủ có một cơ hội rất lớn để giành lại đa số trong Quốc hội vào tháng 11 năm tới và chuẩn bị cho cuộc tranh cử 2008. Họ càng có hy vọng ấy khi kinh tế Mỹ có thể bất ngờ sa sút vào năm tới, là điều chúng ta sẽ tìm hiểu sau.
Nhưng, một ông Bush vấp ngã sẽ khiến Hoa Kỳ không thể ứng phó với rất nhiều vấn đề trọng đại đang xảy ra trên khắp thế giới. Đảng Dân chủ có khả năng lãnh đạo và ứng phó hay không" E rằng không - hoặc chưa. Chẳng lẽ ông Bush tồn tại không vì khả năng của mình và vì đối phương còn kém mình rất xa!
Và đấy mới là vấn đề.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.