Thực vậy, thứ nhứt, ở địa phương. Vấn đề CalOptima nhơn danh chống gian lận đưa ra một số biện pháp gây nhiều tranh luận và tranh đấu trong xã hội nhỏ như Trái Cam của Orange County so với Mỹ, đã kéo dài mấy tháng chưa ngã ngũ (hy vọng sắp). Nào Tổ hợp Hợp Dược Phòng Độc Lập Việt Mỹ nhơn danh bảo vệ sự riêng tư và bí mật bịnh của khách hành Medical. Nào dân Medical lập Ủy ban đòi hỏi được đối xử công bình và đồng đều như dân Medical ở các quận hạt khác, được mua thuốc tại các dược phòng nói tiếng Việt, làm nhãn tiếng Việt, và ở gần xóm Việt, và không đồng ý cho người của CalOptima mướn gọi là FPI (hãng thầu tư chớ không phải FBI cơ quan điều tra Liên bang đâu nhé) truy lục hồ sơ của mình mà không có sự đồng ý của đương sự, trái với đạo luật Hippa, tại các dược phòng. Nào hai đại diện dân cử đi sát với cử tri Mỹ gốc Việt, một Cộng Hòa là DB Tiều bang Trần Thái Văn, một Dân Chủ là Quản trị viên Orange County Lou Correa đôi lần ba lượt can thiệp, mà chưa có kết quả - nếu không muốn nói là không kết quảû. Nào là dân Medical gốc Việt chiếm đại đa số thế hệ thứ nhứt ở Quận Cam, nơi quần cư người Mỹ gốc Việt đông nhứt Mỹ, hết ngày này đến ngày khác được CalOptima một mặt gởi thơ xoa dịu, cứ yên tâm phúc lợi thuốc men không có gì thay đổi, cứ ra tiệm nào đã tái ký hợp đồng với Caloptoma mua là có. Nhưng không thay đổi tức là đã bị bớt thuốc, thay thuốc, đi bác sĩ chỉ định, đi mua thuốc nơi Caloptima chỉ định như hồi trước tới giờ rồi. Nhưng mặt khác Cal Optima gởi thơ yêu cầu thêm một việc nữa. Phải ghi danh vào một nhà thuốc gia đình, gom vào "luồn tuyến" làm dân Medical cảm thấy bị gò bó và khó chịu hơn. Trong tuần này thì các dược phòng độc lập đã mở cửa lại, bán thuốc kể như “tạm bình thường”.
Thêm vào đó, nào một tuần dân Medi, Medi gốc Việt nhận nhiều thư của nhiều tổ chức bảo hiểm y tế tư tới tấp gởi giấy về chiêu dụ tham gia chương trình bảo hiểm sức khỏe của họ sẽ lợi số tiền 600$, căn cứ cải tổ Medicare của TT Bush sắp đi vào sự sống. Người có MediCal là người có lợi tức thấp dưới mức nghèo khó của xã hội Mỹ, nếu sơ sót hay ham số tiền 600$ ký giấy gia nhập, thì bút sa gà chết, mất trắng Medical, theo lời một dược sĩ đã nói trên Đài SBTN. Vì đã chọn chương trình bảo hiểm y tế tư cho Medicare tức là mặc thị và gián tiếp từ chối hưởng MediCal thì Medical đâu có trả cho tiền thuốc men nữa. Hỏi bao nhiêu chuyện rối tơ vò như vậy, bao nhiêu thư từ chữ in nét nhỏ như cây kim, sợi chỉ, tiếng Anh chuyên môn luật pháp, hành chánh khó hiểu đến đổi TT Clinton còn có lần đòi bình dân hóa, thì dân Medical Mỹ gốc Việt lớn tuổi, mắt mũi đã hom hem, lại chân ướt chân ráo ở Mỹ, tiếng Anh trình độ Survival English là ráng lám rồi, thì làm sao không nhức đầu sao được.
Thứ hai, ở cấp Liên bang. TT Bush lãnh đạo đệ nhứt siêu cường Mỹ và quí vị Thống Đốc lãnh đạo các tiểu banh và quí vị dân biểu nghị sĩ đại diện địa phương ở Liên bang càng nhức đầu hơn nữa về với cái định chế An Sinh Xã Hội này. Một định chế có từ thời TT Roosevelt đã già lão 70 năm tuổi luật. Và vì vậy được coi như một lãnh vực húy kỵ, như "thánh thần kính nhi mà viễn chi" ít có tổng thông Mỹ nào dám mó tay vào cải tổ - trừ việc tăng thêm phúc lợi. Nhưng theo tính toán của Phủ Tổng Thống, nếu không cải tổ lâu dài, thì 2040 Quỹ ASXH sẽ co cụm, và theo Quốc Hội sẽ phá sản vào năm 2050. Do vậy TT Bush xem việc cải tổ lâu dài ASXH là nhiệm vụ hàng đầu cho nhiệm kỳ 2 của Ông. Chánh yếu Ông đề nghị cho người dưới 55 tuổi rút tiền đóng cho Quỹ ASXH ra để tự đầu tư, bảo đảm an sinh, tiền cũng như thuốc, khi về già. TT Bush khi làm như vậy đã lấn sân Đảng Dân Chủ xem vấn đề ASXH là lãnh vực ruột của mình, nguồn phiếu lớn nhứt của Dân Chủ. Thế là Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ đấu nhau ra trò qua dự thảo luật Cải Tổ ASXH của TT Bush. Nhưng mà đừng lo con bò trắng răng, rồi ra hai đảng sẽ có thỏa hiệp như truyền thống chánh trị của Mỹ.
Thứ ba, ở cấp tiểu bang và liên bang qua dự thảo ngân sách của TT Bush cắt giảm kinh phí Medicaid (Cali goi là Medi_Cal) dùng để rót cho tiểu bang. Hiệp Hội các Thống Đốc Tiểu bang đồng thanh lên tiếng không đồng ý kiểu TT Bush cân bằng ngân sách bằng cách trút gánh nặng lên lưng các tiểu bang.Theo báo The Chiristian Science Monitor, kinh phí mà Liên bang dành để chăm sóc sức khỏe cho người tật nguyền, người nghèo khó trong nhà dưỡng lão và người lợi tức thấp mỗi năm là 300 tỷ. Gần đây kinh phí này tăng lên vì giá cả chăm sóc tăng vọt và số người cũng tăng vọt vì nhiều người thất nghiệp mất bảo hiểm y tế của công ty. Và quan trọng nhứt là số người không tự săn sóc được phải vào nhà dưỡng lão lại tăng nhiều, chi phí ở nhà dưỡng lão tăng, làm kinh phí ngày càng phồng lên. Dự trù ngân sách Liên bang năm nay, trung thành với đường lối cắt giảm khiếm hụt ngân sách, TT Bush cắt giảm 50 tỷ trong vòng 5 năm đối với kinh phí Medicaid, tức kinh phí Meicaid trong tài khóa năm tói chỉ còn 180 tỷ.
Thế là cả Thống Đốc của 50 tiểu bang nhất tề phản đối vì trước đây trong chiều hướng hạn chế kinh phí Medicaid, các tiểu bang đã siết chương trình này nhiều rồi, như cắt giảm các dịch vụ được hưởng, hạn chế điều kiện xin hưởng, buộc người có Medicaid phải chung chịu. Thí dụ như TB Tennesse đã cắt giảm rất nhiều người ra khỏi chương trình Medicaid. Hiệp Hội các Thống Đốc báo động cho TT Bush, các tiểu bang không thể hạn chế được nữa, nếu TT cắt kinh phí tài trợ cho tiểu bang, tiểu bang phải nai lưng ra chịu đựng số cắt giảm này. Các TB đã chịu đựng 120 tỷ rồi, tính ra gần 22% ngân sách của tiểu bang rồi.
Nhưng Liên bang không phải không có lý do để cắt giảm. Tân Bộ Trưởng Y tế công khai tuyên bố nhiều tiểu bang lợi dụng những kẽ hở để bắt Liên bang rót tiền xuống cho TB nhiều hơn số tiền LB cần phải đài thọ. Bà công thức hóa những lợi dụng đó thành 7 "thói quen đáng thất vọng của các tiểu bang". Thí dụ như các TB trả tiền quá cao cho cơ quan cung cấp dịch vụ y tế cho chương trình Medicaid của TB để LB phải trả, và sau đó các cơ quan sẽ bồi hoàn một mớ lại cho các TB xài vào việc khác.
Được biết hiện nay toàn nước Mỹ có khoảng 53 triệu người hưởng Medicaid. Trong đó có 6,5 triệu người phải ở trong nhà dưỡng lão và dưỡng bịnh nhưng kinh phí dành cho số người không tự săn sóc được rất cao,, chiếm 42% kinh phí 300 tỷ của LB.
Chánh trị là cuộc tranh đấu coi lớp người nào được gì. Mùa làm luật ngân sách là mùa của cuộc đấu tranh tiêu biểu đó. Ở trong chế độ dân chủ, quan điểm lập trường của mọi phe phái tứ đại công khai trên diễn đàn chánh trị và trên truyền thông đại chúng. Hoàn toàn khác với chế độ CS, xem ngân sách quốc gia là bí mật quốc gia hay phải bảo mật một phần lớn dù gần đây đã CS đã chuyển sang kinh tế thị trường.
Nhưng sau cùng có điều chắc như bắp là những người Mỹ nói chung đang được, hay sắp được hưởng Medicare, Medicaid, trợ cấp tiền ASXH từ 55 tuổi trở lên chẳng hề hấn gì vì dự thảo cải tổ luật ASXH của TT Bush chỉ chi phối người từ 55 tuổi trở xuống.