Tối muộn mùa Đông cuối năm 2024, chuông điện thoại reo vang. Tiếng Jon vang lên, vẫn nhẹ nhàng và tràn đầy sức sống như bao nay: “Hi, tôi sắp chuyển về New York.”
“Tại sao?” tôi hỏi, không ngạc nhiên vì không lạ gì với những ý tưởng luôn bất ngờ của Jon.
“Tôi dự tuyển và được chọn làm CIO (Chief Information Officer) của ACLU.” Lần này thì giọng Jon reo lên hạnh phúc. Tiếng hét lên kế tiếp là của tôi.
Và Jon Lê Culpepper, một LGBTQIA+ gốc Việt đầu tiên đảm nhận vị trí cao nhất trong lĩnh vực công nghệ của ACLU, tổ chức tự do dân sự và quyền công dân lâu đời, có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ và thế giới, say sưa nói về bước rẽ lớn thứ hai trong đời anh.
Bước rẽ thứ nhất
Jon Lê Culpepper là người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu, con của một gia đình tị nạn. Anh lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Tuổi thơ của anh là những năm tháng gắn liền với nhà thờ, giáo lý, thánh ca, ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Jon nói gần như nửa cuộc đời của anh quẩn quanh trong hai chữ “nhà thờ.”
Từ thưở nhỏ đến lúc học xong trung học, Jon xác định “mình là đứa trẻ có suy nghĩ khác người.”
Không như những người bạn đồng trang lứa hay nghĩ đến những việc vui chơi, anh cứ suy nghĩ về mục đích của cuộc đời. “Chẳng hạn như vì sao con người lại hạnh phúc hay đau khổ? Suy nghĩ về sự chết?” Cùng với những suy nghĩ “khác người” đó là cảm giác an toàn, bình an khi anh được ẩn mình trong môi trường tôn giáo.
Chính vì vậy, việc lựa chọn con đường vào chủng viện của Jon đến rất tự nhiên, không cần suy nghĩ, như có lời gọi mãnh liệt từ ơn trên, có sự khao khát được phụng sự.
“Thế là tôi quyết định đi học trở thành linh mục,” Jon nói và nhớ lại, chính anh cũng ngạc nhiên với quyết định của mình, dù đã biết rằng mình có một “ơn gọi” như anh đã nói.
Trong suốt thời gian học đại học rồi vào chủng viện, Jon đã tự hỏi bản thân rất nhiều câu hỏi gai góc. Anh thắc mắc về điều gì thật sự trong cuộc sống có thể động viên, khích lệ con người? Điều gì làm cho con người hạnh phúc? Đặc biệt, “trong tận sâu thẳm mỗi hình hài, con người thật của chúng ta là ai?”
Tất cả khao khát, định nghĩa về hạnh phúc, được sống đúng với cuộc đời thật của mình, với Jon, “nó không phải là một hành trình của người thuộc về chủng viện.” Mà với Jon, nó chỉ là một phần trong hành trình sứ mệnh đó. Những gì còn lại thuộc về hành trình tự chấp nhận bản ngã của chính mình.
Ba năm trong chủng viện để trở thành linh mục, là ba năm Jon bị dằn vặt bởi một câu hỏi lớn khác của đời mình, “thực sự muốn trở thành linh mục hay muốn sống một cuộc đời của chính mình?” Mãi cho đến năm cuối cùng ở chủng viện, anh mới cảm thấy rất rõ mình muốn gì.
“Tôi muốn có một đời sống khác. Tôi muốn có một gia đình. Thế là, tôi quyết định rời chủng viện, sống cuộc đời thật của chính mình.”
Jon kể, anh đã từng có một “cuộc trò chuyện” với Chúa của anh khi anh quyết định rời chủng viện để được sống cuộc đời thật, được khẳng định mình là một người đồng tính gốc Á. Khi ấy, thay vì cầu nguyện, anh đã “hỏi xin” Chúa hướng dẫn giúp anh một hướng đi.
Rời chủng viện, Jon trở thành nhạc trưởng của dàn hợp xướng Dallas Chamber Choir do anh khởi xướng, là giọng hát chính của ca đoàn nhà thờ All Saint Catholic Church. Cùng với chồng của anh, Justin Culpepper, Jon thành lập Pride Frisco, đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQIA+.
Bước rẽ bên kia dốc cuộc đời
“Năm nay, đúng 50 năm sau ngày Sài Gòn thất thủ vào tay một chế độ độc tài và áp bức, trong bối cảnh nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump, một người nhập cư tị nạn Mỹ gốc Việt LGBTQIA+ như tôi trúng tuyển trở thành CIO của ACLU vào năm tổ chức này tròn 105 tuổi, với tôi là điều gần như vận mệnh. Nó là một cảm giác khó tả. Tôi như đang bay trong vũ trụ mênh mông vô cùng. Tôi không biết nghĩ gì khác ngoài sự cam kết toàn tâm toàn ý với bản thân mình,” Jon nói một mạch không ngừng.
Tháng 9/2024, nước Mỹ đang trong giai đoạn “rung mình” chuẩn bị chuyển đổi chính quyền. Jon tham dự một hội thảo chuyên đề của Lambda Legal, với nhiều phiên thảo luận của các luật sư và chuyên gia về luật dân sự và chính sách về quyền LGBTQIA+.
Trong hội thảo đó, Jon được nghe một trong các diễn giả – người đã tham gia sâu vào vụ kiện mang tính bước ngoặt Lawrence v. Texas năm 2003 tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, vụ án bãi bỏ luật hình sự hóa đồng tính luyến ái – nói một câu làm anh suy nghĩ mãi: “Hãy sống sao cho cuộc đời bạn có ý nghĩa.”
“Đó là một câu nói đầy sức nặng mà hẳn nhiều người trong chúng ta từng nghe qua dưới những hình thức khác nhau. Nhưng ngay thời điểm ấy, nhiều tháng sau đó, sau khi vượt qua đại dịch chưa từng có khiến thế giới từng phải sụp đổ, và một cuộc bầu cử tổng thống khốc liệt với kết quả đầy tổn thương sẽ thử thách sức bền của hiến pháp quốc gia, câu nói ấy đánh thẳng vào trái tim tôi – nói theo kiểu của thế hệ bây giờ là câu, “đánh trúng tâm can”. Jon nói.
Jon đã tự hỏi mình những đêm sau đó: “Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải là tôi... thì tại sao không phải là tôi?!”
Hàng loạt câu hỏi nhân sinh quan ùa về trong anh, như những năm anh còn trong chủng viện. Nếu “Cuộc trò chuyện với Chúa” năm đó đã “tái sinh” một Jon Lê Culpepper được đi tìm và xây dựng những điều tốt đẹp cho cuộc sống bằng tất cả nghị lực, bản năng, và cả niềm tin vào tình yêu với Thiên Chúa, thì mấy mươi năm sau, chính anh tìm ra câu trả lời cho mình ở bước rẽ lớn thứ hai trong đời.
Bởi vì, Jon đã có nhiều thời gian gắn bó với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, yếu thế nhất. Từng là một thanh niên đi ra khỏi gia đình năm 18 tuổi, không có sự khoan dung đối với những bất công trong suốt cuộc đời mình, hơn ai hết, Jon hiểu những thiếu hụt về mặt cảm xúc gây ra chấn thương tâm lý như thế nào. Sự an toàn và an ninh không bao giờ được bảo đảm.
Jon tận mắt chứng kiến nỗi đau của những đứa trẻ bị đuổi khỏi nhà vì muốn sống thật với giới tính của mình. Các em ấy phải tự lo cho bản thân, nhiều em còn chưa đến tuổi thiếu niên. Từ kinh nghiệm bản thân, anh hiểu sự gần gũi và giao tiếp là những người thầy vĩ đại nhất.
Anh nói: “Tôi luôn mong muốn cuộc đời mình có ý nghĩa. Nhưng với ai và nhằm mục đích gì? Chính là vì những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất: thường là những người chuyển giới và không theo chuẩn giới tính da màu, thanh thiếu niên LGBTQIA+, các gia đình phi truyền thống, người khuyết tật, người khác biệt về thần kinh, và những người sống trong cộng đồng thiểu số.”
“Tôi tin rằng nếu tôi dồn tất cả khả năng, kinh nghiệm, chuyên môn và đam mê của mình để phục vụ các cộng đồng này, thì đó chính là một cuộc đời đáng sống – dám nói là một cuộc đời sống trọn vẹn – đầy ý nghĩa, mục đích và sức ảnh hưởng.
Bản thân tôi – một người đàn ông đồng tính công khai, thuộc giới tính sinh học nam – cũng không hề được chuẩn bị cho bài học này. Làm công việc vận động (không lương) hơn ba năm đã củng cố sự cam kết của tôi trong việc đấu tranh cho công lý của các cộng đồng bị thiệt thòi.”
Cuối cùng, những câu hỏi đó đã có câu trả lời. Jon hiểu anh muốn và cần làm gì. Tổ chức Pride Frisco là một con sông nhỏ, chỉ có thể tưới tẩm những linh hồn trong một thị trấn, hoặc rộng hơn chút là một thành phố trong tiểu bang. Jon muốn mình đi vào mộc cuộc chiến khác, lớn hơn, thử thách hơn, vì giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần những con người đồng hành cùng sứ mệnh để chống lại chủ nghĩa độc tài và cực đoan – những mối đe dọa hiện hữu đến tự do cá nhân và tập thể của chúng ta.
“Tôi tin rằng những trải nghiệm của tôi với tư cách là một người Mỹ gốc Á đồng tính đã khiến tôi đồng cảm hơn với nhiều cộng đồng trong một xã hội mà giá trị vốn có của chúng ta thường được đánh giá dựa trên thành tích và hiệu suất của chúng ta. Mặc dù quan trọng, nhưng những điều đó không quyết định giá trị và phẩm giá của chúng ta, những thứ cần được bảo vệ thông qua mọi khía cạnh của cuộc sống,” Jon nói.
Con đường Jon Lê Culpepper trở thành CIO đồng tính gốc Việt đầu tiên của ACLU là như thế.
Kalynh Ngô
Ý kiến bạn đọc
12/04/202505:12:07
Kelly
Khách
Tôi rất khâm phục ý chí & tấm lòng vì tha nhân của anh ấy. Mến Chúa yêu người. Dù không được ơn kêu gọi anh cũng đang yêu người như yêu Chúa Trời!
11/04/202522:26:58
Mai Võ
Khách
Dạ, xin cho biết ACLU là cái gì, tên tiếng Anh là gì, và làm gì, chữ ' tổ chức tự do dân sự và quyền công dân' chưa nói rõ việc làm của nó. Xin cám ơn.