Vào đầu thế kỷ 20, một chú ngựa nổi tiếng tên là Clever Hans đã gây xôn xao cả nước Đức vì có vẻ như nó có thể hiểu tiếng Đức, biết giờ giấc và thậm chí là làm toán.
Tuy nhiên, khi một nhóm nghiên cứu vào cuộc, họ phát hiện ra rằng Clever Hans không thực sự hiểu được ngôn ngữ hay các con số. Thực tế, chú ngựa này chỉ phản ứng với những dấu hiệu tiềm thức (subconscious) từ cử chỉ và nét mặt của huấn luyện viên.
Ngày nay, các khoa học gia vẫn đang tìm hiểu về khả năng hiểu tiếng người của động vật, nhưng trường hợp của Clever Hans cho thấy đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Vậy có loài động vật nào thực sự có thể hiểu được ngôn ngữ con người hay không?
Vào những năm 1960 và 1970, các nghiên cứu về khả năng giao tiếp của động vật với con người đã phát triển mạnh mẽ. Các khoa học gia nghiên cứu linh trưởng, chim, cá heo và nhiều loài khác để tìm hiểu xem chúng có thể hiểu tiếng người hay không.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi lập luận rằng những con vật này chỉ đang bắt chước con người, giống như Clever Hans. Dù một số loài có khả năng nhận biết ngữ cảnh giao tiếp thông qua ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng hiểu ý nghĩa của từ ngữ hoặc các yếu tố phức tạp hơn trong ngôn ngữ, chẳng hạn như ngữ pháp.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đang dần hé lộ một điều mới mẻ: một số động vật, khi được huấn luyện bài bản, có thể hiểu được một số đặc điểm nhất định của ngôn ngữ con người, chẳng hạn như âm thanh và ý nghĩa của các từ cụ thể.
Giáo sư nhân chủng học tiến hóa Simon W. Townsend tại Đại học Zurich cho biết: “Loài người có nhiều điểm đặc biệt, trong đó ngôn ngữ là độc đáo nhất, là thứ chỉ có ở loài người. Nhưng càng nghiên cứu, chúng tôi càng nhận thấy rằng thế giới động vật cũng có những phương thức giao tiếp rất gần gũi với ngôn ngữ của chúng ta.”
Động vật thuộc bộ khỉ (primates) có thể học ngôn ngữ con người không?
Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất về ngôn ngữ động vật liên quan đến Koko, một con khỉ cái thuộc loài khỉ đột đất thấp miền Tây (western lowland gorilla). Koko được dạy ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ (American Sign Language, ASL) phiên bản sửa đổi, có thể sử dụng khoảng 1,000 ký hiệu và hiểu được hơn 2,000 từ tiếng Anh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc học một số ký hiệu rời rạc không có nghĩa là Koko thực sự thành thạo ASL. Nó chưa bao giờ đạt đến mức độ giao tiếp tự nhiên như con người. Đôi khi, Koko sử dụng các ký hiệu một cách vô nghĩa, và huấn luyện viên thường phải tự diễn giải lại để tạo ra ý nghĩa hợp lý.
Theo nhà tâm lý học so sánh và ngôn ngữ học Michael Tomasello, con khỉ có kỹ năng ngôn ngữ giỏi nhất không phải là Koko, mà là Kanzi – một con tinh tinh đực thuộc loài tinh tinh lùn (Pan paniscus), sống từ năm 1980 đến 2025.
Kanzi không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu mà giao tiếp thông qua bảng lexigram (một bảng phím có khoảng 200 biểu tượng, mỗi biểu tượng tượng trưng cho một vật thể, hành động hoặc khái niệm cụ thể trong môi trường của nó). Khi muốn diễn đạt điều gì đó, Kanzi chọn các biểu tượng trên bảng lexigram để giao tiếp với huấn luyện viên.
Nó dùng ký hiệu để chỉ tên người, đồ vật, hành động và địa điểm. Ngoài ra, nó cũng có những âm thanh đặc biệt để biểu thị “Có” và “Không.” Khi muốn yêu cầu một vật hoặc một hành động nào đó, Kanzi sẽ chọn các ký hiệu thích hợp trên bảng lexigram để bày tỏ mong muốn của mình.
Giáo sư Simon W. Townsend, người từng làm việc với Kanzi, cho biết: “Kanzi đã học được cách giao tiếp bằng ký hiệu, một đặc điểm thuộc hệ thống giao tiếp của một loài khác.”
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng ngôn ngữ con người không chỉ đơn thuần là việc sử dụng ký hiệu, mà còn đòi hỏi khả năng kết hợp các ký hiệu lại với nhau để tạo thành những cấu trúc phức tạp hơn nhằm truyền tải ý nghĩa trọn vẹn – đặc điểm này gọi là cú pháp (syntax). Nếu Kanzi thực sự hiểu được cú pháp, điều đó sẽ chứng tỏ nó có hiểu biết sâu hơn về ngôn ngữ con người.
Các nghiên cứu cho thấy Kanzi có thể sắp xếp các ký hiệu theo trình tự hợp lý hơn so với ngẫu nhiên, nhưng một số chuyên gia vẫn thấy hoài nghi về khả năng hiểu ngữ pháp và cú pháp của nó. Nhóm nghiên cứu của Townsend tiếp tục theo dõi Kanzi đến khi nó qua đời, nhưng các phát hiện mới nhất vẫn chưa được công bố.
Không chỉ sử dụng lexigram, Kanzi còn có thể hiểu một số câu nói tiếng Anh. Trong một nghiên cứu năm 1993, khi nghe các câu nói mới hoàn toàn, chẳng hạn như “Đeo mặt nạ quái vật vào rồi hù Linda,” Kanzi có thể thực hiện chính xác khoảng 75% các yêu cầu, tức là 3 trên 4 lần, tỷ lệ này cao hơn so với một đứa trẻ hai tuổi rưỡi.
Vậy còn loài chó thì sao?
Hầu hết động vật không có lý do tiến hóa để chú ý đến ngôn ngữ của con người. Tuy nhiên, với hơn 14,000 năm sống cùng con người, loài chó đã phát triển một sự nhạy bén đặc biệt, giúp chúng có thể lắng nghe và phản hồi chính xác theo tín hiệu từ chủ nhân.
Ngay từ khi mới 8 tuần tuổi, chó con đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với giọng nói và cử chỉ của con người. Chó rất nhạy bén với âm thanh và tông giọng của con người đến mức có thể nhận ra khi câu nói bị lộn xộn. Các nghiên cứu thần kinh học còn cho thấy chó có thể hình dung từ ngữ trong tâm trí, cho thấy mức độ tiếp thu ngôn ngữ của chúng cao hơn nhiều so với những gì ta từng nghĩ.
Một số con “khôn” còn có thể hiểu ngữ pháp cơ bản. Thí dụ như Chaser, chú chó border collie được mệnh danh là “con chó thông minh nhất thế giới.” Chaser đã học được hơn 1,000 từ và có thể hiểu rõ các câu lệnh phức tạp. Theo một nghiên cứu năm 2011, chú chó này có thể nhận ra sự khác biệt giữa “mang vớ đến chỗ banh” và “mang banh đến chỗ vớ.”
Năm 2024, Federico Rossano, giảng sư chuyên ngành khoa học trí tri (cognitive science) tại Đại học California, San Diego, phát hiện rằng chó không chỉ dựa vào ngữ cảnh, mà thực sự phản ứng với âm thanh của từ ngữ.
Trong một nghiên cứu trên 59 con chó, khi chúng nghe các từ “bên ngoài” (outside), “chơi” (play) và “đồ ăn” (food) từ một bảng nút bấm phát âm, chúng ngay lập tức chạy đến cửa hoặc tìm đồ chơi tương ứng – ngay cả khi không có dấu hiệu ngữ cảnh nào khác.
Rossano nhấn mạnh rằng nghiên cứu của ông không nhằm mục đích chứng minh rằng chó có thể “trò chuyện.” Gần đây, trên Instagram, một số thú cưng trở nên nổi tiếng nhờ những màn giao tiếp ấn tượng bằng bảng nút bấm phát âm. Tuy nhiên, đây không phải là điều Rossano muốn kiểm chứng. Ông đang tập trung tìm hiểu những yếu tố cơ bản trong cách chó tiếp nhận và phản ứng với ngôn ngữ.
Giống như các nhiều nghiên cứu khác trong lĩnh vực ngôn ngữ động vật, Rossano vẫn đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề chưa sáng tỏ. Ông đang muốn biết liệu chó có thể sử dụng bảng nút bấm để nói đến những người hoặc đồ vật không xuất hiện ngay lúc đó hay không, và liệu chúng có thể kết hợp các nút bấm để chỉ những thứ mà chúng chưa biết tên hay không. Nếu chó thực sự làm được những điều này, điều đó sẽ cho thấy chúng có khả năng suy nghĩ phức tạp hơn so với những giả định trước đây.
Thoạt đầu, Rossano không đặt nhiều kỳ vọng vào nghiên cứu này, nhưng những phát hiện sau đó đã khiến ông hoàn toàn thay đổi suy nghĩ về khả năng giao tiếp của chó. Ông kết luận: “Có lẽ chúng thông minh và sâu sắc hơn chúng ta nghĩ.”
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Can animals understand human language?” được đăng trên trang Livescience.com.
Gửi ý kiến của bạn