
(LONDON, ngày 31 tháng 3, Reuters) – Anh sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế quy tụ hơn 40 quốc gia và tổ chức, bao gồm Hoa Kỳ, Pháp và Việt Nam, nhằm phối hợp hành động để đẩy lùi làn sóng di cư bất hợp pháp và triệt phá các mạng lưới đứng sau trục lợi.
Giống như những người tiền nhiệm trong hơn một thập niên qua, Thủ tướng Anh Keir Starmer vẫn đang loay hoay với bài toán di cư bất hợp pháp – vấn đề luôn khiến nhiều cử tri lo ngại khi các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện và chỗ ở ngày càng quá tải.
Hội nghị về Tội Phạm Nhập Cư (Organised Immigration Crime, OIC) lần này được kỳ vọng sẽ tìm cách giải quyết mọi mắt xích trong mạng lưới buôn người toàn cầu. Các chủ đề thảo luận bao gồm chuỗi cung cấp thuyền, xuồng được sử dụng để vượt biển từ Pháp sang Anh, cũng như vai trò của các công ty công nghệ có nền tảng mạng xã hội đang bị lợi dụng để quảng bá hoạt động vượt biên trái phép.
Trích trong bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho hội nghị của Thủ tướng Starmer: “Thứ mậu dịch tàn nhẫn này đang lợi dụng những kẽ hở giữa các cơ quan quốc tế, khiến các nước quay sang đổ lỗi cho nhau thay vì hợp tác với nhau. Chúng kiếm lợi từ việc chúng ta không thể cùng nhau hành động.”
Đáng chú ý, đại diện từ các nền tảng mạng xã hội lớn như Meta, X (trước đây là Twitter) và TikTok cũng sẽ góp mặt tại hội nghị, nhằm thảo luận vai trò và trách nhiệm của các nền tảng này trong việc ngăn chặn việc lan truyền thông tin về các chuyến vượt biên trái phép.
Thực tế, di dân từ Bắc Phi, Trung Đông, Âu Châu và nhiều khu vực khác đang phải trả hàng ngàn bảng Anh cho các băng nhóm buôn người để có được một suất trên những chiếc xuồng nhỏ vượt biển đến Anh. Hành trình này đầy nguy hiểm, bởi họ phải băng qua eo biển Manche, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.
Từ khi đắc cử vào năm ngoái, Starmer đã nhanh chóng hành động để hiện thực hóa lời hứa “đập tan các băng nhóm” chuyên tổ chức vượt biên. Một trong những quyết định đầu tiên của ông là chấm dứt hoàn toàn chính sách trục xuất di dân sang Rwanda của chính quyền tiền nhiệm.
Theo dữ liệu chính thức từ chính phủ Anh, hơn 36,800 người đã vượt qua eo biển vào năm 2024 – tăng 25% so với năm trước đó. Riêng trong ba tháng đầu năm 2025, hơn 6,600 người đã vượt biên thành công.
Trước tình hình này, Starmer dự định kêu gọi nỗ lực quốc tế phối hợp chặt chẽ hơn: “Tôi hoàn toàn không tin rằng tội phạm buôn người là vấn đề không thể giải quyết. Điều chúng ta cần là sự đồng lòng, huy động sức mạnh, chia sẻ chiến thuật và thông tin tình báo, để tiến hành giải quyết tận gốc ở mọi mắt xích trong tuyến đường buôn người.”