
Chuyển đổi tôn giáo: vào và rời khỏi Phật giáo
Tác giả: Kirsten Lesage, Kelsey Jo Starr và William Miner
Dịch giả: Nguyên Giác
(Lời Giới Thiệu của dịch giả. Bài này là chương thứ 3, nhan đề "Religious switching into and out of Buddhism" của Pew Research Center trong cuộc khảo sát đề tài “Around the World, Many People Are Leaving Their Childhood Religions" [Khắp thế giới, nhiều người đang rời bỏ tôn giáo thời thơ ấu của họ]. Các cuộc khảo sát ở 36 quốc gia cho thấy Kitô giáo và Phật giáo chịu tổn thất lớn nhất do "chuyển đổi tôn giáo". Khảo sát phổ biến hôm 26/3/2025. Chương thứ 3 chỉ nói riêng về Phật giáo, với ghi chú từ 9 tới 13, sẽ được dịch như sau.)
.... o ....
Phần này khảo sát việc chuyển đổi tôn giáo vào và rời khỏi Phật giáo, nêu chi tiết nơi Phật giáo có mức mất mát ròng lớn nhất, tỷ lệ phần trăm người lớn được nuôi dạy theo đạo Phật vẫn là Phật tử (tức là tỷ lệ duy trì), nhóm tôn giáo nào mà những người rời bỏ Phật giáo đã chuyển sang và nơi Phật giáo có tỷ lệ người mới gia nhập lớn nhất (tức là tỷ lệ gia nhập PG cao nhất).
Cùng với những người theo đạo Thiên chúa và những người lớn không theo tôn giáo nào, Phật tử có mức độ chuyển đổi tôn giáo tương đối cao. Tuy nhiên, trong số 36 quốc gia được khảo sát, chỉ có sáu quốc gia - bao gồm cả Hoa Kỳ - có đủ quy mô mẫu để cho phép phân tích việc chuyển đổi tôn giáo vào và rời khỏi Phật giáo. (9)
Tổn thất ròng cho Phật giáo:
-- Có nhiều người rời bỏ Phật giáo hơn là gia nhập Phật giáo tại Nhật Bản, Nam Hàn và Singapore.
-- Nhật Bản là quốc gia có tổn thất ròng lớn nhất cho Phật giáo do chuyển đổi tôn giáo.
.
Vẫn giữ nếp sống Phật tử:
-- Sri Lanka và Thái Lan có tỷ lệ người vẫn giữ đạo Phật cao nhất, với hầu hết những người được nuôi dạy theo đạo Phật tại các quốc gia đó vẫn tự nhận là Phật tử cho đến bây giờ.
-- Tại Hoa Kỳ và Nam Hàn, ít hơn một nửa số người lớn được nuôi dạy theo đạo Phật vẫn còn theo đạo Phật. (Ghi chú: nghĩa là, ở Mỹ và Nam Hàn, hơn 1/2 Phật tử thời thơ ấu rời đạo Phật.)
Rời bỏ Phật giáo:
-- Hầu hết những người đã rời bỏ Phật giáo không còn đồng nhất với bất kỳ tôn giáo nào nữa.
-- Ở Singapore, Nam Hàn và Hoa Kỳ, một tỷ lệ nhỏ những người được nuôi dạy theo đạo Phật hiện là người theo đạo Thiên chúa.
Gia nhập Phật giáo:
-- Mức độ “gia nhập” hoặc quy y nhiều nhất vào Phật giáo là ở Nam Hàn và Hoa Kỳ, mặc dù Phật tử chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong dân số trưởng thành ở đó (lần lượt là 17% và 1%). Một phần ba Phật tử Nam Hàn và khoảng một nửa Phật tử Hoa Kỳ cho biết họ được nuôi dạy theo một tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo nào.
-- Ở Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản, nhiều người đã chuyển sang Phật giáo cho biết họ được nuôi dạy theo đạo Thiên chúa hoặc không có tôn giáo nào.
Phật giáo đã trải qua những tổn thất ròng lớn nhất từ việc chuyển đổi tôn giáo ở đâu?
Ở Nhật Bản, Nam Hàn và Singapore, nhiều người lớn được nuôi dạy theo đạo Phật hiện nay không còn tự nhận là Phật tử nữa.
Nhật Bản có những mất mát lớn nhất cho Phật giáo do sự chuyển đổi tôn giáo: 26% người thành niên Nhật Bản cho biết họ được nuôi dạy theo đạo Phật từ nhỏ nhưng bây giờ không coi mình là Phật tử nữa.(10)
Tuy nhiên, ở Thái Lan và Sri Lanka – hai quốc gia mà Phật tử chiếm phần lớn dân số nói chung – chỉ có 1% hoặc ít hơn số người thành niên đã rời bỏ hoặc gia nhập Phật giáo, dẫn đến sự thay đổi không đáng kể giữa thời thơ ấu và tôn giáo hiện tại do sự chuyển đổi tôn giáo.
Tỷ lệ người được nuôi dạy theo đạo Phật vẫn còn là Phật tử là bao nhiêu?
Tỷ lệ duy trì đạo Phật rất khác nhau. Ở Sri Lanka và Thái Lan, hầu như tất cả những người lớn được nuôi dạy theo đạo Phật vẫn tự nhận mình là Phật tử cho đến ngày nay (98% mỗi nước).(11)
Tuy nhiên, ở Nam Hàn, tỷ lệ duy trì đạo Phật thấp hơn nhiều: Chỉ có 39% những người được nuôi dạy theo đạo Phật vẫn tự nhận mình là Phật tử.
Cựu Phật tử đã chuyển sang nhóm tôn giáo nào?
Phân tích tỷ lệ duy trì cũng cho thấy những nhóm tôn giáo mà cựu Phật tử đã gia nhập. Ở Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn và Hoa Kỳ, nhiều người đã rời bỏ đạo Phật cho biết họ không còn đồng nhất với bất kỳ tôn giáo nào nữa. Ví dụ, 40% người lớn Nhật Bản được nuôi dạy theo đạo Phật hiện không theo tôn giáo nào (tức là tự nhận mình là người vô thần, người theo thuyết bất khả tri hoặc "không theo tôn giáo nào cụ thể").
Ngoài ra, ở Singapore, Nam Hàn và Hoa Kỳ, một tỷ lệ nhỏ người lớn được nuôi dạy theo đạo Phật hiện tự nhận mình là người theo đạo Thiên chúa. Con số này dao động từ 12% cựu Phật tử ở Singapore đến 18% ở Nam Hàn.
.
Các Phật tử mới vào số lượng đông nhất ở đâu?
Hoa Kỳ có tỷ lệ người vào Phật giáo đông nhất: Khoảng một nửa Phật tử Mỹ (48%) cho biết họ được nuôi dạy ngoài Phật giáo. Con số này bao gồm 33% người lớn theo đạo Phật ở Hoa Kỳ được nuôi dạy theo đạo Thiên chúa và 12% được nuôi dạy mà không theo tôn giáo nào.(12)
Mặt khác, ở cả năm quốc gia châu Á có đông dân theo đạo Phật được khảo sát, phần lớn những người hiện tự nhận mình là Phật tử đều cho biết họ được nuôi dạy theo đạo Phật. Ví dụ, hầu hết những người theo đạo Phật ở Thái Lan được khảo sát đều cho biết họ được nuôi dạy theo cách đó.(13)
GHI CHÚ:
(9) Dữ liệu của Hoa Kỳ đến từ Nghiên cứu "2023-24 Religious Landscape Study" của Trung tâm Pew Research Center, khảo sát 36.908 người lớn. Do quy mô mẫu lớn này, chúng tôi có thể phân tích và báo cáo kết quả cho các nhóm tôn giáo tương đối nhỏ ở Hoa Kỳ – bao gồm tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.
(10) Mỗi số trong bảng đi kèm – bao gồm cả hai cột ở giữa – được tính là phần trăm của tất cả người lớn được khảo sát ở mỗi quốc gia. Ví dụ, hàng đầu tiên cho thấy 58% người lớn Nhật Bản cho biết họ được nuôi dạy theo đạo Phật, 26% người lớn Nhật Bản đã rời bỏ đạo Phật, 2% người lớn Nhật Bản đã theo đạo Phật và 34% người lớn Nhật Bản hiện tự nhận mình là Phật tử. Tổn thất ròng cho đạo Phật ở Nhật Bản do sự chuyển đổi trong suốt cuộc đời của những người trả lời khảo sát được tính bằng cách trừ đi tỷ lệ người lớn Nhật Bản hiện tại là Phật tử (34%) khỏi tỷ lệ người cho biết họ được nuôi dạy theo đạo Phật (58%). Sự khác biệt là tổn thất ròng cho đạo Phật là 24% tổng dân số trưởng thành của cả nước (không phải 24% người theo đạo Phật Nhật Bản).
(11) Tỷ lệ người lớn hiện tự nhận mình là Phật tử ở mỗi quốc gia cũng khác nhau rất nhiều. Ví dụ, mặc dù Sri Lanka và Thái Lan có cùng tỷ lệ duy trì trong số người lớn theo đạo Phật (98%), nhưng người theo đạo Phật chiếm tỷ lệ người lớn cao hơn ở Thái Lan (88%) so với ở Sri Lanka (71%). Tham khảo Topline để biết tỷ lệ ước tính của dân số người lớn mà mỗi nhóm tôn giáo đại diện ở tất cả 36 quốc gia.
(12) Mặc dù Hoa Kỳ có tỷ lệ gia nhập Phật giáo nhiều nhất trong số các quốc gia được khảo sát, nhưng chỉ có khoảng 1% người lớn ở Hoa Kỳ hiện tự nhận mình là Phật tử. Và thậm chí ở Nam Hàn – quốc gia có tỷ lệ gia nhập Phật giáo lớn thứ hai (33%) – chỉ có 17% người lớn ở Nam Hàn hiện tự nhận mình là Phật tử. Tham khảo Topline để biết tỷ lệ ước tính của dân số trưởng thành mà mỗi nhóm tôn giáo đại diện ở tất cả 36 quốc gia.
(13) Trong toàn bộ báo cáo này, số phần trăm được làm tròn đến số nguyên gần nhất. Tỷ lệ Phật tử được khảo sát ở Thái Lan cho biết họ được nuôi dạy theo đạo Phật được làm tròn đến 100%. Ước tính dựa trên khảo sát này không nhất thiết có nghĩa là mọi Phật tử hiện tại ở Thái Lan đều được nuôi dạy theo đạo Phật.
.
NGUỒN:
Pew Research Center, Religious switching into and out of Buddhism. March 26, 2025
https://www.pewresearch.org/religion/2025/03/26/religious-switching-into-and-out-of-buddhism/
.
Người thành niên ở Nhật, Nam Hàn và Singapore đã rời PG nhiều hơn là gia nhập PG. Hàng thứ nhì là 4 cột, ghi tỷ lệ % người thành niên được nuôi dạy trong PG, rời PG, vào PG, hiện là Phật tử.
Hầu hết người thành niên Sri Lanka và Thái Lan được nuôi dạy theo đạo Phật bây giờ vẫn còn là Phật tử. Hàng thứ nhì là 4 cột: Trong số người thành niên được nuôi dạy theo đạo Phật, tỷ lệ bây giờ tự nhận là Phật tử, đạo khác, không đạo, tổng số rời PG
Hầu như tất cả Phật tử Sri Lanka và Thái Lan được nuôi dạy theo đạo Phật từ nhỏ. Hàng thứ nhì là 4 cột: Trong những người thành niên hiện là Phật tử, tỷ lệ người được nuôi dạy là Phật tử, là đạo khác, không đạo nào cả, tổng cộng được nuôi dạy ngoài PG.