Hôm nay,  

2025: Giữa Bất Ổn và Hy Vọng

20/12/202400:00:00(Xem: 1117)

GettyImages-2188782191
DAMASCUS, SYRIA: Người dân Syria vẫy cờ tụ tập tại Quảng trường Umayyad mừng sự sụp đổ của chế độ Baath kéo dài 61 năm, tại Damascus, Syria vào ngày 11 tháng 12 năm 2024. Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo Syria trong gần 25 năm, đã chạy trốn sang Nga sau khi các nhóm chống chế độ giành quyền kiểm soát Damascus vào sáng sớm Chủ Nhật, chấm dứt sự cai trị của Đảng Baath, nắm quyền từ năm 1963. (Ảnh của Emin Sansar/Anadolu qua Getty Images).
Thế giới bước vào năm 2025 với những biến động tàn khốc, cả trên chính trường quốc tế lẫn trong lòng nước Mỹ. Tại Trung Đông, xung đột giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang trong sự bất lực của các nỗ lực ngoại giao. Ở Syria, chế độ Assad sụp đổ, cả nước vẫn đắm chìm trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, giằng xé bởi lợi ích của các cường quốc trong vùng. Châu Âu, chiến tranh Ukraine kéo dài, bào mòn tài lực và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó châu Phi chứng kiến sự trỗi dậy của các chế độ quân sự, đẩy người dân vào vòng xoáy nghèo đói và xung đột. Ở Việt Nam, Hà Nội vẫn bắt tù và đàn áp người dân cướp đất, cướp nhân phẩm.

Tại nước Mỹ, sự trở lại của Donald Trump không chỉ khuấy động chính trường mà còn khoét sâu những rạn nứt trong lòng xã hội. Các cuộc tranh cãi về nhập cư, quyền phá thai, kỳ thị giới tính, và bất bình đẳng kinh tế tiếp tục làm gia tăng phân cực và chia rẽ trong gia đình, xã hội, quốc gia. Những bang đỏ và xanh không còn chỉ khác biệt về địa lý mà trở thành biểu tượng của hai hệ tư tưởng đối nghịch. Điều lạc quan là nền kinh tế Mỹ giữ được sức mạnh vượt bực so với cả thế giới, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự phục hồi đáng kinh ngạc sau đại dịch.

Hiểu theo nhà triết học Hy Lạp Heraclitus: "Sự ổn định duy nhất là sự thay đổi", thì bối cảnh biến động của 2024 sẽ là cơ hội để định hình một tương lai thế giới ổn định, tốt đẹp hơn. Từ bùng nổ công nghệ sạch đến sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, năm 2025 không chỉ là một giai đoạn thử thách mà còn là một lời mời gọi khám phá tiềm năng phi thường của nhân loại.

Hoa Kỳ: Sức mạnh kinh tế, tác động chính trị, và các vấn đề trọng tâm

Tình hình kinh tế và ảnh hưởng chính trị

Nền kinh tế Hoa Kỳ bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng mạnh mẽ, sau bốn năm vực dậy từ khủng hoảng đại dịch dưới chính quyền Biden, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới có tổng số sản lượng quốc gia không chỉ phục hồi mà còn vượt mức trước đại dịch.  Chuỗi cung ứng cũng đã phục hồi hoàn toàn, và thị trường lao động trở lại bình thường, áp lực giá cả giảm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 4%, và lạm phát dự kiến giảm về ngưỡng mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Với mức lạm phát giảm trong vòng kiểm soát, Fed đã bắt đầu hạ lãi suất từ mức đỉnh 5,5% vào tháng 9/2024, dự kiến lãi suất sẽ giảm xuống dưới 4% vào cuối năm 2025.  Lãi suất thấp hơn cũng đã khuyến khích chi tiêu từ doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp nền kinh tế hạ cánh thành công, với đà tăng trưởng ổn định tránh khỏi suy thoái.

Sự trở lại của chính quyền Donald Trump 2025 với các chính sách giảm quy định hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành như năng lượng, công nghệ và tài chính. Việc cắt giảm thuế cũng là một ưu điểm, mặc dù quy mô thực hiện có thể bị hạn chế bởi thâm hụt ngân sách hiện ở mức 6%.  Tuy nhiên chính sách tăng thuế quan, đặc biệt với Trung Quốc và các quốc gia Bắc Mỹ của Trump có thể làm tăng giá nhập khẩu, gây áp lực lạm phát trở lại trì hoãn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, việc trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp có thể gây thiếu hụt lực lượng lao động, làm chậm tăng trưởng và tăng chi phí sản xuất.
Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn một nền kinh tế khả quan, các tác động tiêu cực từ chính sách của ông Trump có thể còn hạn chế, nhưng nếu các biện pháp này được mở rộng và áp dụng, hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tiếp theo.

Y Tế Hoa Kỳ và Những Thách Thức
 
Một tuần sau vụ thảm sát Tổng giám đốc điều hành của United Healthcare, Brian Thompson, tại Manhattan, nỗi bàng hoàng về thảm kịch này vẫn bao trùm lên nước Mỹ. Nhưng trên cả sự mất mát về một cá nhân, cái chết của ông đã làm sống dậy những tranh luận gay gắt về tình trạng khủng hoảng của hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế Hoa Kỳ.
 
Năm 2025, hệ thống y tế Mỹ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm chi phí cao, thuốc men đắt đỏ, tình trạng thiếu nhân viên y tế, và sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các bang.

Chính quyền Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai, cam kết tập trung vào việc tái định hình hệ thống y tế Hoa Kỳ theo hướng giảm sự can thiệp của liên bang, cho phép các tiểu bang quyền tự quản lý nhiều hơn trong chính sách chăm sóc sức khỏe. Cách tiếp cận này cũng làm dấy lên những tranh cãi lớn về sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Ngoài ra, việc hủy bỏ hẳn Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá Phải Chăng (ACA) trong chính quyền Trump tiếp theo khó có thể xảy ra, nhưng sẽ có những thay đổi lớn như cắt giảm trợ cấp bảo hiểm, giảm quy định bắt buộc về các lợi ích y tế thiết yếu, và tạo các nhóm bảo hiểm riêng biệt cho người khỏe mạnh và người mắc bệnh mãn tính. Chính sách này có thể làm giảm số người hội đủ điều kiện tham gia ACA và làm tăng chi phí bảo hiểm.

Trong tương lai, chính quyền Trump có thể tiếp tục giảm chi tiêu ACA, tái thiết lập các chính sách bảo hiểm "rẻ nhưng ít lợi ích", và cắt giảm ngân sách Medicaid nhằm cân bằng ngân khoản liên bang.

Trump cũng có thể tiếp tục giảm chi phí thuốc kê đơn và tăng tính minh bạch về giá y tế, nhưng các biện pháp như nới lỏng quy định ACA và tạo các chương trình bảo hiểm thay thế có thể làm tăng chi phí cho người có bệnh mãn tính. Medicaid có thể đối mặt với các khoản cắt giảm lớn và những thay đổi về cách thức tài trợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người thu nhập thấp.

Ngoài ra, việc đưa các nhân vật như Robert F. Kennedy Jr. vào bộ y tế chính quyền có thể dẫn đến các quyết định gây tranh cãi liên quan đến thuốc vắc-xin và các chính sách khoa học y tế công cộng.

Tình Hình Giáo Dục và Dự Đoán Thay Đổi
 
Nền giáo dục Hoa Kỳ năm 2025 tiếp tục phản ánh sự phân cực trong chính sách giữa các bang xanh (ủng hộ Đảng Dân chủ) và bang đỏ (ủng hộ Đảng Cộng hòa).

Tại các bang xanh, trọng tâm vẫn là đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục công lập, với các chương trình hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mở rộng giáo dục giới tính, và giảng dạy lịch sử đa văn hóa. Ví dụ, California đã cam kết tăng ngân sách cho các trường công và chương trình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhằm chuẩn bị cho thế hệ lao động tương lai.

Tại các bang đỏ, chính quyền Trump có thể thúc đẩy mạnh mẽ chính sách "quyền lựa chọn trường học". Điều này bao gồm việc mở rộng phiếu học tập (voucher) để phụ huynh có thể chọn trường tư hoặc trường học tại nhà, và giảm sự giám sát của liên bang đối với các chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, các chính sách này cũng làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm chất lượng và nguồn lực của hệ thống trường công.
Nhìn chung, giáo dục Hoa Kỳ 2025 sẽ là bức tranh đa dạng nhưng cũng đầy thách thức. Trong khi công nghệ AI và các sáng kiến giáo dục hiện đại mở ra cơ hội mới, sự phân cực trong chính sách và tài trợ có thể khiến khoảng cách về chất lượng giáo dục ngày càng mở rộng. Tương lai của nền giáo dục Hoa Kỳ đòi hỏi không chỉ những cải cách sáng tạo mà còn cần sự đồng thuận quốc gia để đảm bảo rằng mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức công bằng và toàn diện.
 
Chính sách bài trừ di dân gây tranh cãi

Tổng Thống Trump đắc cử với lời hứa và kế hoạch siết chặt biên giới, cứng rắn với người nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp, thông qua các biện pháp như trục xuất hàng triệu người nhập cư không giấy tờ hay có giấy tờ nhưng có tiền án, xét lại các trường hợp nhập cư vào Mỹ trong quá khứ nhằm trục xuất họ ra khỏi Mỹ, thẳng tay bài trừ người nhập cư và xây tường biên giới làm hài lòng những người Mỹ bị nhồi sọ rằng người di dân dành nồi cơm, phá nhà của họ, quên mất rằng tổ tiên cha ông và ngay cả bản thân họ cũng là người nhập cư, đến từ một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị từ một mảnh đất kém may mắn.

Một điều khiến các nhà kinh tế lo ngại và báo động là ảnh hưởng kinh tế tác động từ sự thiếu hụt lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, nhà hàng và khách sạn, các cơ sở tiểu thương…, những ngành nghề vốn phụ thuộc vào lực lượng lao động từ người di dân mới vào Hoa Kỳ. Ví dụ, tại California, nơi hơn 40% lao động nông nghiệp là người nhập cư không giấy tờ thường trú, tuy lực lượng lao động này vẫn đóng thuế cho tiểu bang và các nỗ lực trục xuất quy mô lớn sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và thu nhập của tiểu bang dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể.

Chính sách bài trừ di dân của Trump ngoài ảnh hưởng kinh tế còn làm gia tăng phân biệt đối xử, làm gia tăng chia rẽ xã hội, khuyến khích tư tưởng bài ngoại và kỳ thị đối với người di dân, đặc biệt là cộng đồng người Latin và các nhóm thiểu số khác. (Dữ liệu cho thấy số vụ tội ác kỳ thị “hate crime” nhắm vào người di dân tăng đáng kể trong thời gian Trump cầm quyền, do những luận điệu tiêu cực từ chính quyền.)

Ngoài ra trong tình hình chiến tranh và đàn áp nhân quyền gia tăng trên thế giới, số lượng người tị nạn được phép vào Mỹ cũng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại, gây nguy hiểm cho người chạy trốn chiến tranh và đàn áp từ các quốc gia như Syria, Afghanistan, Việt Nam và nhiều nơi khác.

Cuộc khủng hoảng pháp trị

Cuộc bầu cử năm 2024 của Hoa Kỳ không chỉ là một cuộc bỏ phiếu chính trị mà còn là một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng pháp lý của ông Trump. Năm 2025, Hoa Kỳ đối mặt với một cuộc khủng hoảng pháp trị lớn khi hệ thống tư pháp bị chính trị hóa sâu sắc.

Các vụ án của Trump, bao gồm vụ Trump bị kết tội với 34 tội danh liên quan đến làm giả hồ sơ kinh doanh, đã làm lung lay niềm tin vốn đã thấp của người dân vào hệ thống tư pháp. Theo khảo sát của Gallup, chỉ 21% người Mỹ có "niềm tin lớn" vào hệ thống này, giảm mạnh từ 34% năm 2004. Việc các cơ quan như Bộ Tư Pháp và Tòa Án Tối cao bị kéo vào những tranh cãi chính trị không chỉ làm suy giảm sự tín nhiệm mà còn khiến hệ thống pháp trị trở thành công cụ đấu đá giữa các đảng phái.

Chính quyền của ông Trump sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý này. Liệu ông Trump có sử dụng quyền lực để điều tra và đánh trả các đối thủ chính trị? Liệu phe đối lập có sử dụng luật pháp như một vũ khí để chống lại ông trong tương lai? Nếu tình hình phân cực tiếp tục leo thang và không được “giải nhiệt”, việc “chính trị hóa pháp luật” – có thể sẽ trở thành một thay đổi lớn trong chính trường Hoa Kỳ và trở thành việc xảy ra thường trực như cơm bữa trong đời sống chính trị Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ: Liên minh Thế giới và sự thay đổi trật tự toàn cầu

Bên ngoài nước Mỹ, Nga và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu "trục chuyên chế," với sự hợp tác chặt chẽ cùng Iran và Triều Tiên để đối đầu với phương Tây. Nhóm BRICS mở rộng với sự tham gia của các quốc gia như UAE và Saudi Arabia, đặt nền tảng cho một hệ thống kinh tế đa cực mới.

Tại châu Phi, các cuộc đảo chính tại Sahel đã tạo nên một liên minh quân sự mới, tách khỏi ECOWAS và hợp tác với Nga, đẩy khu vực này vào vòng xoáy bất ổn. Trong khi đó, Đài Loan và Biển Đông vẫn là điểm nóng lớn, với nguy cơ xung đột quân sự gia tăng.

Mỹ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ thương mại đến công nghệ. Dưới thời ông Trump, các biện pháp mạnh như thuế quan cao và tăng cường an ninh ở khu vực châu Á có thể đẩy căng thẳng lên mức cao nhất.

Tuy chính quyền Biden đã thành công củng cố vị trí của Hoa Kỳ với NATO và các đối tác tại châu Á, nhưng sự trở lại của ông Trump có thể làm xáo trộn những nỗ lực này, đặc biệt nếu ông áp dụng chính sách cô lập và giao dịch theo lợi ích trước mắt thay vì hợp tác lâu dài.

Ngoài ra, ông Trump có khả năng rút khỏi các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris, làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Sự trở lại của Donald Trump được tiên đoán sẽ thúc đẩy các chuyển dịch địa chính trị. Liên minh Mỹ có thể rạn nứt, trong khi "trục chuyên chế" Nga-Trung có cơ hội mở rộng ảnh hưởng. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ leo thang với các biện pháp thuế quan, khiến thị trường toàn cầu phân cực hơn. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc sẽ thích nghi bằng cách mở rộng ra thị trường Nam bán cầu. Xuất khẩu công nghệ xanh như pin, xe điện và kỹ nghệ năng lượng mặt trời từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Sau cùng, tư tưởng bài trừ di dân của Hoa Kỳ và các thế lực cực hữu trên thế giới sẽ siết chặt các quy định nhập cư toàn cầu hơn, khiến việc đi lại, di chuyển quốc tế trở nên khó khăn, nhưng cũng tạo cơ hội đưa lực lượng lao động có kỹ năng cao đến các quốc gia khác trên thế giới.

‘Tống cựu nghênh tân’

Tiễn 2024, thế giới sẽ chào đón một năm mới 2025 mang theo cả bóng tối lẫn ánh sáng. Các cuộc xung đột, sự phân cực chính trị và những rủi ro khôn lường là lời nhắc nhở về sự bất ổn của thời đại. Nhưng đồng thời, khả năng phục hồi kinh tế, sự phát triển công nghệ, tinh thần hợp tác quốc tế, hơi thở và sự sống còn bất khuất của từng người mẹ, từng đứa trẻ vực dậy và vươn lên từ những đống gạch vụn đổ nát ở Ukraine, ở Gaza, ở Syria… cũng là cảm hứng và hy vọng cho tương lai nhân loại.

Nhà văn Albert Camus đã viết: “Giữa mùa đông lạnh giá nhất, tôi tìm thấy, trong mình, một mùa hè bất khả chiến bại.”* Thế giới năm 2025, với tất cả những hỗn loạn, vẫn mang đến cơ hội để con người vượt qua và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn.

Đó cũng là lời chúc chân thành cuối năm của toàn ban biên tập Việt Báo gửi đến quý độc giả: một năm 2025 tràn trề cơ hội và hy vọng.

BBT Việt Báo

*"In the midst of winter, I found there was, within me, an invincible summer." Trích từ "Return to Tipasa" (Trở lại Tipasa), được xuất bản trong tuyển tập "Lyrical and Critical Essays/Albert Camus" (1954).
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Ukraine từ bỏ kho vũ khí nguyên tử và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT Nuclear Nonproliferation Treaty) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân vào năm 1994, họ đã thi hành một phần của Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum), gồm một số các đảm bảo an ninh bởi Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Những đảm bảo này nhằm bảo vệ chủ quyền của Kyiv, và biên giới của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, những cam kết đó đã chứng tỏ là vô nghĩa. Ukraine thấy mình đơn độc, sự sống còn phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây và nằm trong tay một kẻ thù được trang bị bằng chính những vũ khí mà Kyiv đã giao nộp. Những tác động này không dừng tại Ukraine mà lan rộng. Trên toàn cầu, các chính phủ đang đánh giá lại ý nghĩa thực sự của các bảo đảm an ninh.
Trong thế giới đấu tranh sinh tồn của loài vật, chuyện cá lớn nuốt cá bé là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong xã hội loài người ngày nay dù đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba hơn hai thập niên và được mệnh danh là thời đại văn minh tiến bộ vượt bực vẫn không thiếu chuyện kẻ mạnh ăn hiếp người yếu trong mối quan hệ giữa người với người. Tình trạng mạnh hiếp yếu còn diễn ra khốc liệt hơn trong mối quan hệ ở cấp quốc gia: nước lớn bắt nạt hay xâm lăng nước nhỏ. Ở đây cũng xin giải thích một chút về cách dùng chữ nhược tiểu trong tiêu đề của bài viết này. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này hoàn toàn không có ý nghĩa đánh giá tiêu cực về quốc gia được đề cập đến. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này là để chỉ cho sự yếu kém về quân sự và kinh tế so với những nước mạnh về quân sự và kinh tế đi xâm lược. Sự yếu kém về quân sự và kinh tế không đồng nghĩa với sự yếu kém về quyết tâm và đồng lòng bảo vệ đất nước của quốc gia bị xâm lược. Ngược lại, cuộc chiến tại Ukraine hiện nay và Việt Nam
Trong lịch sử thế giới, Việt Nam là dân tộc đã trải qua một cuộc nội chiến với kết quả là bản án tử kết thúc chế độ tự do dân chủ miền Nam ngày 30/4/1975. Hơn ai hết, những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm xưa hiểu rõ cảm giác “bị lừa dối” hoặc “bị phản bội” từ bản Hiệp Định Paris do Henry Kissinger và Lê Đức Thọ thỏa thuận sau lưng chính quyền VNCH, với sự ủng hộ của Tổng Thống Richard Nixon lúc đó. Vì thế mà kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công xâm lược Ukraine ba năm trước, người dân Việt Nam luôn tỏ rõ lập trường cùng với các lãnh đạo Châu Âu đứng về phía dân tộc và đất nước Ukraine, trừ chính quyền CSVN đã hai lần bỏ phiếu trắng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Điều gì thực sự xảy ra khi niềm tin nơi người đàn ông ở Tòa Bạch Ốc đang lung lay? Chúng ta sắp tìm ra câu trả lời rồi. “Ông ta không thể cho biết khi nào Canada sẽ tổ chức bầu cử. Chuyện gì thực sự đang diễn ra ở đó? Ông ta đang cố gắng duy trì quyền lực phải không?” Donald Trump đã viết trên mạng xã hội sau cuộc trò chuyện với Thủ tướng Justin Trudeau vào tuần trước.
Tưởng tượng một khu vườn xinh đẹp như vườn thượng uyển của vua chúa ngày trước với hoa lá muôn màu lung linh trong gió hiền và nắng ấm. Rồi bỗng dưng một cơn mưa đá đổ xuống. Cây, lá, cành, nụ… đủ sắc màu quằn quại dưới những cục đá thả xuống từ không gian. Tàn cơn mưa, những nụ, những hoa, những cánh lá xanh non tan nát. Những cục nước đá tan đi. Bạn không còn tìm ra dấu vết thủ phạm, bạn chỉ thấy những thứ bạn phải gánh chịu: ấy là những tổn thất bất ngờ. Ở một nơi mà vô số các sắc tộc sống chung với nhau như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mỗi ngôn ngữ là một loài hoa đầy hương sắc trong khu vườn muôn sắc màu ấy. Nhưng rồi trong trận thiên tai, mỗi sắc lệnh của chính phủ là một hòn đá ném xuống, hoa lá cành tan nát theo nhau. Bạn không biết những cơn mưa đá còn bao lâu. Bạn cũng không thể nào đoán trước được những tổn thất chúng đổ xuống cho khu vườn yêu quý mà bạn dày công gầy dựng.
Elon Musk đang có một vị trí vô cùng quan trọng trong chính quyền mới của Trump. Là người đứng đầu Bộ Cải Tổ Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE), Musk có quyền lực gần như vô hạn trong việc cắt giảm hoặc tái cơ cấu lại chính phủ liên bang theo ý mình. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Musk còn có ảnh hưởng đến tổng thống trong nhiều vấn đề chiến lược quan trọng. Một trong những vấn đề nổi bật chính là TQ. Trong khi phần lớn nội các của Trump đang theo đuổi chính sách cứng rắn đối đầu với Bắc Kinh, Musk lại là một ngoại lệ rõ rệt. Là một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, Linggong Kong (nghiên cứu sinh của trường Auburn University) không hề ngạc nhiên trước những phát biểu ủng hộ Bắc Kinh của Musk trong suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ, từ trước đến nay, ông luôn tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh tại TQ.
Một nữ nhà văn sống ở Pháp, bày tỏ trên Facebook của bà rằng: “Xin tiền, rất khổ! Zelenski không chỉ khẩu chiến với Trump mà cả... Biden. Hai tổng thống đã cãi nhau trong một cuộc điện đàm tháng 6/2022, khi Biden nói với Zelensky rằng ông vừa phê duyệt thêm $1 tỷ viện trợ quân sự cho Ukraine, Zelenski lập tức liệt kê tất cả các khoản viện trợ bổ sung mà ông ấy cần. Sự không biết điều này đã khiến Biden mất bình tĩnh, ông liền nhắc nhở Zelenski rằng người Mỹ đã rất hào phóng với ông ấy và đất nước Ukraine, rằng ông ấy nên thể hiện lòng biết ơn nhiều hơn.”
“Nếu tôi muốn nói chuyện với Âu Châu, tôi phải gọi cho ai?” Câu hỏi nổi tiếng này, được cho là của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, ám chỉ sự thiếu thống nhất của Âu Châu trong việc thể hiện một lập trường chung trên trường quốc tế. Dù đã trải qua nhiều thập niên hội nhập dưới mái nhà Liên Âu (EU), câu hỏi ai là đại diện cho Âu Châu – hoặc Âu Châu muốn trở thành gì trong tương lai – hiện nay có lẽ còn khó trả lời hơn bao giờ hết.
Bài phát biểu dài 1giờ 40 phút của Tổng thống Donald Trump trước Quốc hội đã nêu cao nhiều sáng kiến ​​của ông, từ việc trấn áp nhập cư đến thuế quan và chính sách năng lượng trong sáu tuần bắt đầu nhiệm kỳ của mình, nhưng nhiều bình luận của ông bao gồm thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.
Khoa học gia người Mỹ da đen nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 George Washington Carver (1864-1943) đã từng nói rằng, “Giáo dục là chìa khóa mở cánh cửa vàng của tự do.” Đúng vậy! Chính vì vai trò quan trọng của giáo dục đối với tự do mà các nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940) đã tận lực vận động cho việc nâng cao dân trí để canh tân đất nước hầu có thể giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Đất nước Hoa Kỳ nhờ có tự do, dân chủ và dân trí cao mà trở thành đại cường quốc trên thế giới. Nền giáo dục của Mỹ đã trở thành kiểu mẫu được nhiều nước ngưỡng mộ, cho nên số lượng sinh viên ngoại quốc du học tại Mỹ là cao nhất trên toàn cầu, với 1,126,690 người vào năm 2024, theo https://opendoorsdata.org.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.