Theo Reuters đưa tin hôm Chủ Nhật (24/11), Ukraine đang phân tích, điều tra xác một phi đạn đạn đạo tầm trung mới của Nga, được phóng vào thành phố Dnipro hôm thứ Năm. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí mạnh như vậy được sử dụng trong cuộc chiến.
Nhóm phóng viên của Reuters đã được cho vào xem các mảnh vỡ. Vì lý do an ninh, họ được yêu cầu phải giữ bí mật về nơi này. Những mảnh vỡ rời rạc và cháy đen được cất trong một cơ sở chuyên giám định vũ khí. Các chuyên gia Ukraine đang nghiên cứu chúng để tìm hiểu về chuỗi cung ứng quân sự, quy trình sản xuất vũ khí của Nga, nhằm phát triển các biện pháp đối phó.
Phi đạn mới có tên là Oreshnik (tiếng Nga nghĩa là Cây phỉ), được quảng cáo là “không thể bị đánh chận” bởi các hệ thống phòng không hiện tại. Theo Ukraine, phi đạn này đạt tốc độ tối đa hơn 13,000 km/h (8,000 dặm/giờ) khi bay đến Dnipro hôm thứ Năm.
Phi đạn Oreshnik có tầm bắn xa nhất lên tới 5,500 km, là một trong những vũ khí chiến lược mà Nga kỳ vọng sẽ tạo lợi thế trong xung đột. Hai chuyên gia của Ukraine đã đưa ra những nhận xét ban đầu: khẳng định rằng đây là một phi đạn đạn đạo, bay theo quỹ đạo đặc trưng, và vụ tấn công có hại đến dân thường.
“Đây chỉ là những nhận định sơ bộ, để có kết luận chi tiết và chính xác hơn, cần có thêm thời gian và nghiên cứu kỹ lưỡng các mảnh vỡ,” Ivan, một chuyên gia phân tích, cho biết.
Oleh, điều tra viên thuộc Cơ quan An ninh Ukraine, cho hay: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện mảnh vỡ của loại phi đạn này trên lãnh thổ Ukraine.”
Theo Quân đội Hoa Kỳ, thiết kế của phi đạn Oreshnik dựa trên mẫu RS-26 Rubezh – một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn xa hơn. Đây được cho là vũ khí thử nghiệm, và có thể Nga không có nhiều loại này.
Hôm thứ Sáu (22/11), Putin tuyên bố rằng Moscow sẽ tiếp tục thử nghiệm loại phi đạn này trong các chiến dịch thực tế và đã chuẩn bị sẵn một kho dự trữ để sử dụng nếu cần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích rằng đây là một “sự leo thang nghiêm trọng” và kêu gọi các đồng minh quốc tế nhanh chóng có biện pháp đáp trả. Trước đó, Ukraine từng cho rằng loại phi đạn này có thể là phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Điện Kremlin sau đó khẳng định rằng vụ phóng Oreshnik nhằm đáp trả việc Kyiv sử dụng phi đạn do Hoa Kỳ và Anh sản xuất để tấn công Nga, sau khi được sự đồng ý từ Hoa Kỳ.
Hiện tại, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt là về mức độ thiệt hại thực tế do phi đạn gây ra. Ukraine hiếm khi công khai thông tin liên quan đến tổn thất quân sự, vì lo ngại thông tin này có thể bị Nga lợi dụng.