HOA KỲ – Hôm thứ Ba (19/11), các viên chức giáo dục Texas vừa biểu quyết sơ bộ với tỷ số sít sao 8-7, tán thành một chương trình giảng dạy mới dành cho trẻ em từ mẫu giáo, trong đó có lồng ghép các bài học từ Kinh Thánh. Đây là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm đưa các giá trị của Cơ Đốc giáo vào hệ thống trường công lập tại Texas và một số nơi khác ở Hoa Kỳ, theo Reuters.
Chương trình học này không bắt buộc, mà để các khu học chánh tự quyết định có áp dụng hay không. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, vì có thể xâm phạm nguyên tắc “tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước” theo Hiến pháp Hoa Kỳ, cấm chính phủ hoặc các cơ quan công quyền ủng hộ bất kỳ tôn giáo.
Hội đồng Giáo dục Bang Texas đã bỏ phiếu với kết quả 8 phiếu thuận và 7 phiếu chống, quyết định giữ chương trình học Kinh Thánh trong danh sách chờ chuẩn thuận chính thức cho buổi biểu quyết thứ Sáu tuần này.
Quyết định sơ bộ này được đưa ra sau một buổi điều trần kéo dài suốt nhiều giờ vào tối thứ Hai hơn 100 người dân tham gia phát biểu ý kiến.
Texas hiện là tâm điểm của phong trào đưa các giá trị Cơ Đốc giáo trong các trường công lập, đặc biệt từ khi tiểu bang thông qua luật vào năm ngoái cho phép các tuyên úy hoạt động trong trường học. Phong trào này đang thử thách các giới hạn pháp lý của Hoa Kỳ về việc tách biệt giữa giáo dục công lập và tôn giáo, đồng thời có thể khiến Tối Cao Pháp Viện với đa số bảo thủ phải vào cuộc.
Hiện tại, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang tái khởi động một dự luật từng thất bại nhằm yêu cầu treo Mười Điều Răn trong lớp học. Nỗ lực này không chỉ giới hạn tại Texas. Theo tổ chức Americans United for Separation of Church and State, trong năm nay, hơn 20 bang đã đưa ra ít nhất 91 dự luật nhằm mở rộng vai trò của tôn giáo trong các trường công lập.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhóm bảo thủ Cơ Đốc, các dự luật này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo, với lý do chúng có thể làm xói mòn quyền lợi của học sinh thuộc các tín ngưỡng khác.
Chương trình học mới của Texas bị nhiều người chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào Cơ Đốc giáo và coi nhẹ các tôn giáo khác. Thí dụ, một bài học dành cho mẫu giáo về “Quy tắc vàng” (Golden Rule) – nguyên tắc “đối xử với người khác như cách mình muốn được đối xử” – chủ yếu dựa trên lời dạy của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên Núi (Sermon on the Mount). Trong khi đó, những cách diễn giải tương tự từ các tôn giáo khác hầu như không được nhắc đến.
Tương tự, một bài học dành cho học sinh lớp ba về La Mã cổ đại lại dành phần lớn thời gian để thảo luận chi tiết về cuộc đời của Chúa Giê-su và sự khởi đầu của Cơ Đốc giáo, trong khi các tôn giáo lớn khác chỉ được nói sơ qua.
Những người ủng hộ chương trình, bao gồm Thống đốc Greg Abbott, cho rằng các bài học mang giá trị văn hóa và lịch sử, chứ không phải là truyền đạo.
“Đây không phải về tôn giáo hay việc truyền giáo. Đây là về nhận thức văn hóa,” ủy viên hội đồng Tom Maynard nhấn mạnh trong buổi họp hôm thứ Ba.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chương trình có thể tạo ra sự phân biệt đối xử trong lớp học, đặc biệt với những học sinh thuộc các tôn giáo khác như Do Thái giáo và Hồi giáo.
Ủy viên hội đồng Rebecca Bell-Metereau chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta để bất kỳ tôn giáo nào lấn át quá mức, việc đến trường có thể sẽ trở nên xấu xí trong mắt của nhiều trẻ thuộc các tín ngưỡng khác.”
Mark Chancey, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Southern Methodist ở Dallas, cảnh báo rằng chương trình này không chỉ tập trung quá mức vào Cơ Đốc giáo mà còn không phù hợp với độ tuổi học sinh. “Những câu chuyện này được kể như sự thật tuyệt đối, và cách truyền đạt này dễ khiến trẻ nhỏ tin rằng mọi chi tiết trong câu chuyện là hoàn toàn chính xác, không phải là một quan điểm hay truyền thuyết,” ông nói, chỉ ra một câu chuyện về Sách Sáng Thế được đưa vào bài học mẫu giáo.