Đêm bầu cử, như những kỳ tổng tuyển cử trước đây, tôi thức để theo dõi kết quả.
Trước ngày 5/11, thăm dò ý kiến cử tri trên toàn quốc và tại 7 tiểu bang chiến địa cho thấy Kamala Harris và Donald Trump nhận được sự ủng hộ ngang nhau và trong biên độ sai số thì cả hai đều có cơ hội thắng cử, dù ban vận động của hai ứng viên và cử tri ủng hộ hai bên ra rả bôi xấu, công kích nhau với những từ ngữ hiếm có trong sinh hoạt chính trị Mỹ là “cộng sản” để chỉ ứng viên Dân chủ và “phát xít” dành cho ứng viên Cộng hòa.
Tuy nhiên, đó là nếp sinh hoạt dân chủ ở Mỹ. Mọi người có quyền nói lên suy nghĩ, quan điểm mà không lo sợ bị nhà nước làm khó dễ hay bắt giam tù, ngay cả khi có những lời nói rất khó nghe, làm khó chịu cho một số người.
Dù ủng hộ ai, khi một cử tri bỏ lá phiếu vào thùng là hành động cuối cùng có giá trị nhất để nói lên quan điểm và chọn lựa của mình trong mùa bầu cử mỗi hai hay bốn năm.
Dù đã nhận phiếu mấy tuần trước nhưng tôi quyết định không bỏ phiếu bằng thư mà đích thân đến phòng phiếu gần nhà xem thế nào, vì sau Covid-19 luật lệ về bầu cử của California cũng như tại các tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ đã thay đổi.
Mấy hôm trước, một người quen đã đi bỏ phiếu sớm kể rằng khi đến phòng phiếu nhân viên không hỏi căn cước hay bất cứ giấy tờ gì để chứng minh nhân thân. Tìm hiểu qua mạng của cơ quan tổ chức bầu cử tiểu bang, theo đó, khi cử tri đến phòng phiếu tham gia bầu chọn, họ không phải trình căn cước và nhân viên không được phép hỏi căn cước của người đi bầu.
Đến địa điểm bỏ phiếu, nhân viên hỏi tên tôi và địa chỉ nhà. Ông bấm vào máy trông như iPad rồi đưa cho tôi xác nhận và ký tên.
Tôi nhận phiếu và bầu chọn những ứng cử viên mình ủng hộ bằng cách bôi đen ô trước tên. Tôi cũng phải quyết định ủng hộ hay không một số đề nghị luật tiểu bang và địa phương.
Lúc đó là khoảng 2 giờ chiều ngày 5/11. Phòng phiếu luôn có người ra vào tham gia bầu cử, nhưng không đông như trước Covid-19.
Luật hiện hành của bang California cho phép mọi cử tri được bầu bằng cách gửi thư. Vài tuần trước ngày tổng tuyển cử, phiếu bầu sẽ được gửi đến nhà của tất cả cử tri đã đăng ký tham gia bầu cử. Trước ngày bầu cử chính thức 29 ngày, một số nơi trong quận hạt có địa điểm bỏ phiếu cho những ai muốn tham gia bầu chọn sớm.
Covid-19 đã làm thay đổi cách người dân Mỹ tham gia bầu cử. Trước đó hầu hết các tiểu bang không cho bầu khiếm diện, trừ trường hợp chứng minh được vì sao không thể đến phòng phiếu trong ngày bầu cử, như điều kiện sức khỏe không cho phép hay là quân nhân phục vụ xa gia đình.
Từ 2020, là năm Covid-19 đang lây lan, các tiểu bang đã cho cử tri bầu bằng thư mà không cần điều kiện.
Rời phòng phiếu, về nhà tôi đã sẵn sàng chờ đợi một đêm dài. Không biết sẽ dài bao lâu, đêm nay thôi hay kéo dài nhiều ngày.
Năm giờ chiều, tôi nhận email từ văn phòng bầu cử xác nhận tôi đã đi bỏ phiếu tại chỗ và lá phiếu của tôi sẽ được đếm.
Nhớ kỳ bầu tổng thống năm 2000, khi Al Gore và Geroge W. Bush (con) không ai đạt con số 270 phiếu đại cử tri vì số phiếu cách biệt giữa hai ứng viên quá sít sao ở Florida nên đã có việc đếm phiếu lại và tranh tụng trong việc kiểm phiếu.
Làm sao quên được hình ảnh những nhân viên phụ trách bầu cử phải dùng kính lúp xem xét những lá phiếu để xác định sự lựa chọn của cử tri, vì cách bầu phiếu ở quận hạt Miami-Dade là cử tri đến phòng phiếu, nhận phiếu rồi ấn vào lỗ bên cạnh tên ứng viên mình bầu chọn. Vấn đề là có cử tri ấn không đủ mạnh để rớt miếng “chad” ra, tạo thành lỗ nhỏ hình chữ nhật trên phiếu bầu. Giống như những tấm thẻ IBM mà bạn nào đã từng học thảo chương ba thập niên trước thì hiểu rõ.
Đếm đi, đếm lại. Các luật sư đại diện Gore và đại diện Bush kiện qua kiện lại lên đến Tối cao Pháp viện. Cho đến khi tòa ra phán quyết chấm đứt việc đếm phiếu, Bush chỉ hơn Gore 537 phiếu, trong số 5 triệu 825.000 phiếu bầu của cử tri Florida và Bush thắng cử, sau mấy tuần nước Mỹ hồi hộp chờ kết quả.
Năm 2020, ứng viên Donald Trump là tổng thống đương nhiệm tái tranh cử, không chấp nhận kết quả ở một số bang dao động, đã yêu cầu đếm phiếu lại, kiện ra tòa vì cho rằng có gian lận. Mấy chục vụ kiện được xét xử đều không làm thay đổi kết quả và Joe Biden đã trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, dù rằng Trump không bao giờ thừa nhận kết quả.
Lo ngại đêm bầu cử 5/11 cũng sẽ kéo dài vì từ trước bầu cử Trump đã cho rằng có gian lận đếm phiếu.
Khi phòng phiếu các tiểu bang miền đông đóng cửa lúc 19 giờ miền đông, bên bờ tây là 16 giờ và phòng phiếu còn mở cửa cho đến 19 hoặc 20 giờ tối.
Chỉ vài phút sau 19 giờ ở miền đông, đài Bloomberg đưa tin Harris thắng ở bang Vermont và Trump thắng ở Indianna. Hai bang này theo xanh, đỏ truyền thống nên không có gì ngạc nhiên với kết quả.
Đến 19 giờ 30, truyền hình PBS ghi nhận Trump được 23 phiếu đại cử tri và Harris được 3. Ứng viên nào đạt tới số 270 phiếu đại cử tri sẽ thắng cử.
Cùng lúc một số kết quả bầu chọn dân biểu và nghị sĩ cũng được cập nhật. Thượng viện: Cộng hòa 40, Dân chủ 29. Vì chỉ có 34 trong số 100 nghị sĩ được bầu lại kỳ này nên kết quả là đếm cả những nghị sĩ còn trong thượng viện.
Đến 20 giờ tối giờ miền tây, phòng phiếu ở California đóng cửa. Các đài truyền hình lập tức cộng 54 phiếu đại cử tri cho Harris mà không cần chờ đếm phiếu vì biết chắc California là bang xanh. Nhiều tiểu bang miền đông cũng đã kiểm đa số phiếu bầu.
Số liệu trên truyền hình PBS lúc đó ghi nhận:
Phiếu cử tri đoàn: Harris 179, Trump 214 (đạt 270 sẽ thắng)
Thượng viện: Dân chủ 39, Cộng hòa 48 (51 chiếm đa số)
Hạ viện: Dân chủ 105, Cộng hòa 156 (218 chiếm đa số)
22 giờ 5 phút giờ California, CNN cập nhật kết quả số phiếu đại cử tri Harris được 187, Trump 246.
Lúc này kết quả cho thấy Trump đã thắng ở Bắc Carolina và Georgia. Ba tiểu bang chiến địa khác là Pennsylvania, Wisconsin và Michigan đang đếm phiếu và sẽ có kết quả trong vòng một giờ nữa.
Năm 2020, Trump cáo buộc có gian lận đếm phiếu ở Pennsylvania, tuy sau nhiều khiếu kiện và tòa xử cũng không thay đổi kết quả, nên đêm nay các nhân viên bầu cử đã làm việc dưới sự giám sát của nhiều quan sát viên để đảm bảo tính minh bạch và trung thực cho kết quả.
22 giờ 30: Đài News Nation, một đài truyền hình rất ủng hộ Trump, đưa tin Trump thắng cử với 270 phiếu đại cử tri và Harris được 213. Đài cũng loan tin Trump sắp nói chuyện với người ủng hộ từ nơi ông đang theo dõi kết quả bầu cử ở Palm Beach, Florida.
22 giờ 50: Đài Fox News, cũng là một đài ủng hộ Trump, loan tin Trump thắng cử, trong khi các đài CNN, MSNBC và PBS vẫn còn chờ kết quả từ Wisconsin và Pennsylvania là nơi Trump đang hơn phiếu Harris.
Kết quả bầu cử quốc hội cũng không lạc quan cho Đảng Dân chủ vì Cộng hòa sẽ lật ngược chiếm đa số ở Thượng viện. Bên Hạ viện Cộng hòa đang có đa số mong manh và còn nhiều nơi chưa rõ kết quả nên đêm nay không biết đảng nào sẽ nắm đa số.
Quá nửa đêm, Trump và gia đình xuất hiện trước đám đông ở West Palm Beach, Florida tuyên bố chiến thắng và cám ơn những người ủng hộ. Ông nói thời gian sắp đến sẽ là “Kỷ nguyên vàng son cho nước Mỹ.”
Trong lịch sử nước Mỹ, đây là lần thứ hai một tổng thống sau khi phục vụ một nhiệm kỳ, thất bại khi tranh cử một nhiệm kỳ kế tiếp và được cử tri đưa trở lại vào Nhà Trắng bốn năm sau.
Trump là một hiện tượng chính trị lạ lùng của nước Mỹ, một doanh nhân tỷ phú lần đầu ra tranh cử và thành công vào năm 2016 với chủ trương dân túy, nước Mỹ trên hết, Make America Great Again.
Năm nay dù Trump là ứng viên có nhiều bản án và còn đang bị truy tố nhưng vẫn được đa số dân Mỹ ủng hộ. Theo AP, tính đến chiều ngày 7/11, Trump được 295 phiếu đại cử tri, 73.376.041 phiếu phổ thông (50,7%); Harris được 226 phiếu đại cử tri, 69.040.347 phiếu phổ thông (47,7%).
Hai ngày sau bầu cử, Trump đã thắng ở năm tiểu bang chiến trường, còn hai bang khác Trump cũng đang hơn phiếu Harris. Sóng đỏ đã xô đổ tường xanh.
Hôm sau ngày bầu cử, Harris gọi điện chúc mừng Trump, trước khi nói chuyện với những người ủng hộ tụ họp tại Đại học Howard, là trường cũ của bà. Bà kêu gọi không nên bỏ cuộc, tiếp tục theo đuổi những lý tưởng đã tranh đấu và bảo vệ trong cuộc vận động vừa qua và sẽ “chiến đấu nơi phòng phiếu, nơi tòa án và tại quảng trường công cộng.”
Không cần bà nhắc nhở, tại Đại học Berkeley và thành phố San Jose là lãnh địa của đảng Dân chủ trong hai ngày qua đã có những cuộc biểu tình phản đối Trump đắc cử, tuy không đông như tám năm trước đây.
Trump thắng cử thì cũng có triệu người vui, triệu người buồn. Nhưng rồi hầu hết sẽ trở lại sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Làm việc, đóng thuế, vui chơi. Không mấy ai vì Trump hay Biden mà buồn đến mức trầm cảm, hay phải dọn ra khỏi nước Mỹ như có người từng nói thế khi Trump thắng năm 2016, vì e ngại Hoa Kỳ sẽ trở thành chế độ phát xít, hay khi Biden thắng năm 2020 vì nước Mỹ sẽ thành cộng sản.
Nửa thế kỷ ở Mỹ và đã theo dõi nhiều lần bầu cử tổng thống, tôi thấy trong chừng chục năm trở lại đây, có nhiều người Việt trở nên cuồng tín theo một đảng và ứng viên thì gọi nhau là “cộng sản”, là “phát xít”.
Nước Mỹ không thể là những chế độ như thế. Cứ đem cộng sản với phát xít, là những gì thế giới ghê tởm, ra hù nhau. Dù gì nước Mỹ vẫn là nơi đáng sống nhất. Trump làm lãnh đạo 4 năm trong nhiệm kỳ đầu, có độc tài là độc tài với những người làm việc dưới quyền, ông không thích là ông đuổi việc. Còn với dân, làm sao ông có thể độc tài, cấm đoán được. Trump không thể đạp lên Hiến pháp.
Bốn năm kế tiếp với Biden, cộng sản ở chỗ nào không thấy vì dân biểu tình phản đối Biden trong các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine mà có bị bắt đâu hay cấm xuống đường. Có ai bị tịch thu tài sản vì giàu quá đâu. Chính phủ chỉ tăng thuế để có thêm tiền cho ngân sách.
Bốn năm trước dân chán Trump nên cho về vườn, đưa Biden lên. Năm nay dân chán Biden, đưa Trump về lại Nhà Trắng.
Bên Quốc hội cũng thế. Cứ hai năm, mấy ông bà dân biểu nghị sĩ mà không được lòng dân, dân cũng cho về vườn nên không có đảng nào độc quyền lâu dài.
Từ ngày có người Việt tị nạn đến Mỹ đã qua nhiều đời tổng thống, Dân chủ có Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama, Joe Biden. Cộng hòa có Gerald Ford, Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha), George W. Bush (con), Donald Trump.
Kết quả bầu cử 5/11 vừa cho cho thấy Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hành pháp, Thượng viện và có thể cả Hạ viện vì hiện nay Cộng hòa đạt 210, Dân chủ 198 và còn 27 ghế nữa chưa xác định kết quả. Để chiếm được đa số, Dân chủ phải thắng 20 trong số 27 ghế còn lại thì thật là khó.
Nhưng ý dân thường không thích một đảng nắm hết. Nhiệm kỳ đầu của Trump, hai viện Quốc hội do Cộng hòa nắm đa số. Hai năm sau Hạ viện chuyển qua Dân chủ.
Khi Biden được bầu làm thổng thống, Dân chủ cũng chiếm đa số cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Hai năm sau, Hạ viện chuyển đa số qua Cộng hòa.
Bốn năm của Carter, hành pháp và lập pháp đều của Dân chủ, nhưng chính sách của Carter không được lòng dân nên ông chỉ làm tổng thống được một nhiệm kỳ.
Như thế cho thấy cử tri rất nhạy bén và có nhận thức chính trị khi lựa chọn những người lãnh đạo cho đất nước. Trong nửa thể kỷ qua, ít khi cử tri muốn chỉ một đảng nắm cả hành pháp và lập pháp lâu hơn 4 năm.
Về kết quả của các ứng viên gốc Việt, thắng thua có cả Dân chủ và Cộng hòa. Đã 50 năm qua nhưng sức mạnh chính trị vẫn còn ở cấp tiểu bang. Hiện nay không có người Việt đại diện trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Tiểu bang Virginia có cựu Đại tá Hải quân Cao Hùng, Cộng hòa, đối đầu với Nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Tim Kaine và không thành công.
Ở California có hơn 50 ứng viên gốc Việt tranh cử nhiều chức vụ. Đáng chú ý nhất là:
- Derek Trần, Dân chủ, tranh chức dân biểu liên bang Địa hạt 45 thua Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michell Steel ở Quận Cam, thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ.
- Jennifer Trần, Dân chủ, không thành công chạy đua vào Hạ viện liên bang Địa hạt 12, vùng Vịnh San Francisco.
- Dân biểu tiểu bang Tạ Trí, Cộng hòa, tái đắc cử ở Quận Cam.
- Dân biểu tiểu bang Stephanie Nguyễn, Dân chủ, tái đắc cử ở khu vực Sacramento.
- Dan T. Trần, Cộng hòa, chạy đua vào Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 48 không thành công
- Janet Nguyễn đắc cử giám sát viên Quận Cam
- Betty Dương đắc cử giám sát viên Quận Santa Clara, bao gồm thành phố San Jose.
Những kết quả bầu cử tạm thời ghi trong bài là tính đến 5 giờ chiều ngày 7/11. Sau hơn hai ngày kiểm phiếu, nhân viên cơ quan tổ chức bầu cử đang đếm những lá phiếu cuối cùng để trong vòng vài tuần tới kết quả sẽ được chứng thực.
Đầu năm 2025, nước Mỹ sẽ bước sang giai đoạn của những chính sách mới. Không đồng ý người dân có quyền lên tiếng, qua truyền thông, qua mạng xã hội, hay xuống đường nói lên quan điểm của mình.
Cứ hai năm bầu lại Quốc hội, bốn năm chọn chủ nhân cho Nhà Trắng chỉ vì dân không muốn lãnh đạo không được lòng dân ở đó quá lâu. Đó là nếp sống dân chủ ở Mỹ.
Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng và là nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California
Bùi Văn Phú