Mũi Tên & Bài Ca
Tôi bắn mũi tên vào không trung
vào tận nơi nào ở thế gian, tôi không rõ
tên bay nhanh bay xa cao vút, mắt tôi
không theo kịp nỗi đường bay
không theo kịp nỗi đường bay
Tôi thổi bài ca vào không trung,
tiếng hát vang xa tận nơi nào ở thế gian, tôi không rõ
bởi làm gì có cặp mắt nào đủ tinh thông trên cao
xuyên thấu mọi nỗi niềm khúc ca tôi bày tỏ
Lâu ngày sau tôi tình cờ tìm thấy
mũi tên xưa ghim sâu tận gốc sồi;
Và bài ca, từ khúc đầu đến kết
vang lên trong tiếng hát một người quen.
Henry Wadsworth Longfellow - Hòa Bình Lê dịch
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
Vào khoảng thập niên 1740s, nhà nữ toán học người Pháp Émilie du Châtelet đưa ra khái niệm về định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng: Năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi; nó chỉ truyền từ vật này sang vật khác, chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác.
Vào năm 1789, nhà hóa học người Pháp Antoine Lavoisier phát biểu định luật bảo toàn khối lượng: "Tất cả những biến đổi xảy ra trong tự nhiên thực chất là nếu lấy đi bao nhiêu ở vật thể này, thì có bấy nhiêu được thêm vào ở vật thể khác. Như vậy, nếu ở đây giảm đi bao nhiêu vật chất, thì sẽ có từng ấy vật chất tăng lên ở chỗ khác".
Đến thời đại Thuyết Tương Đối, nhà bác học thiên tài thế kỷ 20 Albert Einstein kết hợp cả sự bảo toàn và chuyển hóa giữa vật chất và năng lượng trong phương trình E=mc2. Khoa học hiện đại vẫn cho rằng toàn bộ năng-khối-lượng được bảo toàn. Bom nguyên tử cùng năng lượng hạt nhân ra đời, đem lại cho nhân loại cả niềm tin lẫn nỗi lo.
Vào khoảng 26 thế kỷ trước, Đức Phật dạy rằng vạn pháp trong vũ trụ này trùng trùng duyên khởi. Đối với con người, tất cả những gì chúng ta đã từng nghĩ, nói, hành động sẽ chẳng biến vào hư không. Nó sẽ được lưu giữ lại trong nghiệp thức, hoặc ảnh hưởng đến những người chung quanh mà có khi chúng ta không hề hay biết. Tâm cũng là một dạng năng lượng.
Trở lại với bài thơ Mũi Tên & Bài Ca theo góc nhìn văn học, bài thơ làm cho tôi trở nên yêu người, yêu đời. Nó làm cho tâm hồn tôi thăng hoa, giống như cách đây hơn 40 năm khi nghe anh Trần Đại Lộc kể một câu chuyện đầy nhân bản. Anh cho biết thường kể câu chuyện này cho học sinh của mình nghe trong giờ triết học, để nhắc nhở mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi, lời nói của mình. Đại khái câu chuyện đó như sau: một anh chàng thanh niên tuổi học trò tính tình nhút nhát, đầy mặc cảm vì nghĩ mình không có gì hấp dẫn, đáng chú ý. Anh sống khép kín từ trong gia đình cho đến trường học, không muốn giao tiếp với ai. Cha mẹ, thầy cô đều lo lắng cho anh. Đến một ngày nọ, anh đạp xe từ trường về nhà, thì cô gái đẹp anh từng để ý bấy lâu nay đi theo chiều ngược lại bỗng nhìn anh mỉm cười âu yếm. Anh giật mình! Mình có gì đặc biệt mà tại sao cô gái lại cười với mình? Như vậy có phải là mình thực sự xấu xí, vô duyên hay không? Tự nhiên những nỗi mặc cảm bao lâu nay vơi đi nhiều, anh dự định sẽ có dịp làm quen với cô gái.
Về đến nhà, anh niềm nở chào mẹ, hỏi rằng đã có cơm chưa, anh đói bụng rồi. Vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi bất ngờ của con mình, mẹ anh bảo rằng cơm đã gần xong, đợi cha về gia đình sẽ ăn cơm chung. Bà làm thêm một món ngon đặc biệt. Buổi cơm chiều hôm đó, cha anh cũng rất vui khi thấy anh hoạt bát, nói chuyện trong khi ăn. Cơm ngon, khung cảnh gia đình đầm ấm tạo niềm hứng khởi, nên tối hôm đó cha mẹ anh có một buổi ái ân hạnh phúc.
Hôm sau, anh đến trường, giơ tay xin phát biểu trong giờ học văn. Thầy anh ngạc nhiên quá đỗi! Điều gì đã xảy ra với cậu học trò nhút nhát của mình? Vui với cậu học trò, thầy đã có một buổi giảng văn chương thật hay, làm cả lớp được hưởng theo.
Đến ngày Chủ Nhật, sau bao năm vắng bóng, lần đầu tiên anh theo cha mẹ đi lễ nhà thờ. Đến lượt vị linh mục chủ lễ ngạc nhiên và thích thú, vì lâu lắm rồi mới thấy gia đình này đi lễ chung với nhau. Vì vui, ông đã có một buổi thuyết giảng thật hay cho tất cả những giáo dân trong xóm đạo có mặt trong thánh lễ.
Một nụ cười, có khi chỉ là vô tình của một cô gái đã đem lại hạnh phúc cho biết bao người khác. Chính cô gái cũng không biết được những điều tốt lành mà mình tạo ra cho biết bao người không quen biết.
Một câu chuyện khác cũng về một người cũng đi gieo hạt mầm hạnh phúc cho muôn người đó là Jonny Appleseed. Ông là một nhân vật có thật của lịch sử Mỹ từ thời bắt đầu di dân về phía Tây. Hãng phim Walt Disney có dựng một bộ phim hoạt hình về nhân vật huyền thoại này (https://www.dailymotion.com/video/xi99je ), người đã đi trên những nẻo đường đất nước suốt 40 năm với hành trang chỉ là một túi hạt giống táo và cuốn Kinh Thánh. Jonny xuất thân là một nông dân trồng táo. Nhìn những đoàn người di dân về Miền Tây, ông quyết định tự mình đi gieo hạt để tạo nên những đồn điền táo trên đường đi của họ. Ước mơ của Jonny là trong tương lai những cánh đồng táo của mình sẽ là nơi dừng chân của những đoàn người đi khai phá đất nước. Ra đi từ khi còn trai trẻ, lúc trở về đã thành một ông già đầu bạc. Jonny chứng kiến cảnh những ngôi làng của di dân xây dựng quanh cánh đồng táo của mình. Họ có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Họ nhảy múa bên nhau trong những buổi tiệc mà trên bàn có bánh nhân táo, có nước táo như là quà tặng của thiên nhiên. Nhiều người không biết những gì họ có được trong hiện tại là công khó của một tấm lòng nhân hậu bắt đầu từ nhiều năm trước.
Trong một buổi nói chuyện với học trò, Thầy Phước Tịnh có kể câu chuyện về những bài giảng của mình trên internet đã cứu cuộc đời của những người mà Thầy chưa bao giờ gặp. Một Phật tử trẻ ở Việt Nam đã liên lạc để cảm ơn Thầy. Anh kể rằng có một dạo anh thất tình, tâm trí đảo điên. Nỗi tuyệt vọng xâm chiếm toàn bộ ý nghĩ của anh cả ngày lẫn đêm, đến độ đã có lần anh định tự tử. Anh tự nhủ phải tìm một cách nào đó để thoát ra khỏi tình cảnh này. May sao, anh nghe được bài giảng của Thầy trên internet về Sự Nhận Biết. Không ngờ, phương pháp này đã cứu cuộc đời của anh. Anh tập là người quan sát nỗi tuyệt vọng, và tự nhắc nhở rằng “Nỗi tuyệt vọng này không phải là ta. Ta là người quan sát nó. Nỗi tuyệt vọng đến rồi sẽ đi qua…” Sự Nhận Biết giống như chủ nhân của ngôi nhà tâm thức, còn nỗi tuyệt vọng là khách mời. Nếu chủ nhà không giữ chân, khách sẽ phải ra đi. Thế là dần dần, anh vượt qua được khủng hoảng, trở lại cuộc sống bình thường. Sau này anh tự nhủ tại sao mình có thể dại đến độ định tự tử chỉ vì thất tình. Từ đó, anh tìm thêm những bài giảng của Thầy để học, tiếp tục thực hành phương pháp thắp sáng Sự Nhận Biết trong đời sống.
Khi dùng hai hình tượng “mũi tên” và “bài ca”, tác giả có thể ẩn dụ đến hai phạm trù đối nghịch: một bên là những hành vi có tác động tiêu cực, một bên là có tính thăng hoa. Riêng bản thân tôi, cùng với những bài hát thương yêu, nhưng tôi lại từng gây ra cả điều tốt và xấu cho người khác. Thuở còn đi học, tôi có để ý một cô bé học sinh ở hẻm gần nhà. Chúng tôi chỉ gặp nhau một vài lần qua một người quen chung. Tuổi trẻ mộng mơ, chuyện tình cảm lớn nhỏ gì cũng có thể làm thơ, làm nhạc. Tôi có sáng tác một tình khúc, chép lại thành bản nhạc, rồi kẹp vào một cuốn sách toán cho cô mượn để học thi. Chỉ có vậy thôi, sau đó tôi không còn để ý đến nữa. Thế rồi hơn 30 năm sau, người quen của tôi ở con hẻm nhà cô bé tình cờ gặp lại tôi ở Mỹ. Cô này hỏi: “Anh có biết là đã làm chị P. đau khổ không?” Dĩ nhiên tôi trả lời là không! Người bạn kể rằng sau này P. lập gia đình, nhưng tâm trí có vẻ không bình thường, có triệu chứng bệnh tâm thần. Chồng cô phát hiện ra có lần cô lên internet gõ tên tôi, tìm xem tôi đang ở đâu. Cô còn nói lẩm bẩm một mình “người đâu chỉ tặng một bài nhạc rồi đi đâu mất!” Chồng cô hỏi thăm người bạn có biết tôi là ai, đang ở đâu hay không. Tôi bàng hoàng! Đâu có ngờ chỉ một giây phút lãng mạn, nhẹ nhàng, chỉ với một hành động tưởng như vô hại lại làm cho một người giữ niềm nhung nhớ đến 30 năm sau!
Cũng chỉ với những bài hát, nhưng tôi lại có được cảm giác hạnh phúc vì chia sẻ được với những người không quen. Thuở học Thầy Phước Tịnh về ý nghĩa của 10 bức tranh chăn trâu Thiền Tông, tôi cảm hứng phổ nhạc 10 bài thi kệ “Thập Mục Ngưu Đồ”, bản dịch của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Trong những buổi Pháp thoại, sau khi Thầy Phước Tịnh giảng, tôi tập cho đại chúng hát những bài này để dễ nhớ ý nghĩa của chúng. Tôi đưa 10 bài thiền ca chăn trâu lên Youtube, với hy vọng chia sẻ với những ai đang thực hành thiền. Vài năm sau, tình cờ xem trên Youtube, tôi thấy các bạn trẻ trong nhóm Ban Đạo Ca Trẻ Chùa Giác Ngộ ở Sài Gòn hát lại những bài thiền ca này. Nhìn những gương mặt trẻ chưa hề quen biết hát, bên dưới là đại chúng ngồi lắng nghe, lòng tôi cảm thấy an lạc. Không biết họ cảm nhận được bao nhiêu ý nghĩa của thiền ca chăn trâu, nhưng cảm giác mình đã làm một điều gì đó cho đạo, cho đời là một niềm hạnh phúc không dễ có được.
Như vậy không phải là chỉ có mũi tên mới làm tổn thương, và chỉ có bài ca mới đem lại niềm hạnh phúc cho người khác. Bài ca có khi cũng có tác động như mũi tên. Cả Đức Phật và Albert Einstein đều nhắc đến tính tương đối của vạn vật.
Chỉ với một bài thơ ngắn ngủi, mà biết bao nhiêu ý nghĩa miên man trong đầu… Tôi nghĩ trong thời buổi nhiễu nhương, đầy sân hận như hiện nay, nếu mỗi con người đều có ý thức về của từng lời nói, hành động của mình, về hạnh phúc hay khổ đau mà chúng có thể đem lại cho người khác, thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nhiều…
Gửi ý kiến của bạn