PNG, một vùng đất với đa dạng văn hóa của hơn 800 ngôn ngữ và truyền thống bộ lạc. Nét đa dạng và phong phú này là niềm tự hào của người dân địa phương. Nhưng cũng nét văn hóa đặc thù này đã tạo ra những xung đột và chia rẽ sâu sắc giữa các bộ tộc qua nhiều thế hệ. Sự xuất hiện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, biểu tượng của sự đoàn kết và hòa giải, thắp lên niềm hy vọng trong lòng nhiều người dân PNG, khi thông điệp về tình yêu và hòa bình của ngài luôn vượt qua mọi ranh giới của văn hóa.
Ngay từ khoảnh khắc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt chân lên Papua New Guinea, cả quốc gia dường như lắng lại. Sự hiện diện của ngài, đậm sâu bình an nội tâm của Đức Kitô, bắt đầu xoa dịu không chỉ những căng thẳng bên ngoài mà còn cả những chia rẽ trong lòng người dân. Sứ vụ của Đức Giáo Hoàng tại PNG không chỉ nhằm mang tính ngoại giao, nhưng còn là tâm linh. Ngài đến mang theo thông điệp về quyền năng chữa lành của Đức Kitô, một thông điệp phát đi trực tuyến đến tâm hồn của một quốc gia cần đến rất nhiều những hòa giải giữa hơn 800 bộ tộc.
Hơn nữa, nhân danh Đức Kitô, sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là lời nhắc nhở sống động đối với các tín hữu Kitô giáo tại PNG về thông điệp cốt lõi của Đức Giêsu: "Đừng lấy mắt đền mắt" (Mt 5:38) và "Hãy yêu kẻ thù" (Mt 5:44). Những lời dạy đầy thử thách của Đức Kitô, qua sự hiện diện của Pope Phanxicô mang đến một con đường hướng tới tương lai hòa bình tại đảo quốc, một nơi mà “mắt phải đền bằng mắt, răng phải đền bằng răng” sẽ đuợc thay thế bằng lòng nhân từ và sự tha thứ.
Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng khiến mọi người dân đảo quốc bắt đầu suy ngẫm nhiều hơn về lời dạy của Đức Giêsu. Ở một quốc gia mà lòng trung thành với bộ tộc chiếm vị thế tuyệt đối, sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi lại trong hồn người dân, đặc biệt tín hữu Kitô, về Đức Giêsu, Người luôn luôn kêu gọi yêu thương cả những người làm tổn thương mình, "Đừng trả thù kẻ làm hại mình" (Mt 5:39). Phương châm sống của Ngài trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho một lối sống mới, một lối sống có tiềm năng định hình lại tương lai của Papua New Guinea.
Thông điệp hòa giải và tình yêu của Đức Giáo Hoàng không chỉ giới hạn trong cộng đồng Kitô giáo. Các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đã thừa nhận tầm quan trọng của chuyến thăm của ngài. Một nhà lãnh đạo Hồi giáo trong cuộc diện kiến với Đức Thánh Cha mới đây đã nhận định rằng Indonesia sẽ là một "hình mẫu" cho đối thoại liên tôn. Tương tự như thế, PNG, với dân số đa dạng và những thách thức chung, cũng có thể trở thành một hình mẫu cho thế giới, một thông điệp tha thứ và không trả thù của Đức Giêsu có thể là nền tảng cho hòa bình ở những nơi trên thế giới bị chia rẽ nhất.
Một khi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng khép lại, hy vọng rằng những hạt giống của sự đoàn kết và tình yêu mà ngài đã và đang gieo rắc tại Papua New Guinea sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái. Thông điệp của Đức Giêsu, "Hãy yêu kẻ thù," đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân loại 2000 năm nay. Hy vọng rằng thông điệp này sẽ tiếp tục vang vang trong lòng các nhà lãnh đạo và công dân của quốc đảo PNG trong nhiều năm tới. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ là một khoảnh khắc truyền cảm hứng thoáng qua, mà là một lời kêu gọi hành động, thách thức mỗi người dân Papua New Guinea hãy cùng nhau hướng đến một tương lai được xây dựng trên nền tảng tình yêu của Đức Kitô, nơi mà những chia rẽ được chữa lành và hòa bình ngự trị.
Nguyễn Trung Tây
Audio: https://www.youtube.com/watch?v=iZudpBuuv2c
Nguyễn Trung Tây
Audio: https://www.youtube.com/watch?v=iZudpBuuv2c
Gửi ý kiến của bạn