Vào cuối tuần trước và đầu tuần này có một số sự kiện quan trọng liên quan đến kinh tế Hoa Kỳ và thế giới. Đầu tiên là Sở Thống Kê Lao Động (Bureau of Labor Statistics) báo cáo vào ngày 2/8/2024 rằng nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 114,000 việc làm trong tháng 7, 2024, giảm mạnh so với tháng 6 và thấp hơn con số mong đợi là 175,000. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3% trong tháng 7 từ mức 4.1% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2021, báo hiệu thị trường lao động đang tiếp tục hạ nhiệt.
Điều này làm nhiều người lo ngại vì theo luật Sahm trong kinh tế học, nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn nửa điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng qua thì kinh tế đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ suy thoái. Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng trong tháng 7 và mức trung bình trong ba tháng là 4.1%, so với mức thấp nhất trong năm qua là 3.5%.
Báo cáo số việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến đã gây xáo trộn thị trường chứng khoán trên toàn thế giới với một đợt bán tháo vào ngày thứ Hai, 5/8/2024.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đều giảm vào đầu tuần này. Nasdaq Composite giảm 3.4%, S&P 500 giảm 3% và chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 2.6% khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu (equities) và chuyển sang mua trái phiếu (bonds).
Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 chính của Nhật Bản giảm hơn 12%, ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Nhật Bản trong nhiều năm đã giữ lãi suất ở mức âm, để khuyến khích vay tiền bằng đồng Yen để đầu tư vào các lĩnh vực có lời hơn như cổ phiếu công nghệ. Nhưng Ngân Hàng Nhật Bản tuần trước đột nhiên đã tăng lãi suất lên 0.25% và nói rằng việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục, khiến giá trị đồng Yen tăng vọt so với đồng đô la và tạo ra những gợn sóng trong nền kinh tế toàn cầu.
Những nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu vì họ lo sợ kinh tế sẽ suy thoái. Những cảnh báo về kinh tế trì trệ đã xuất hiện trong vài năm nay, nhưng cho đến nay tình trạng này không xẩy ra, chứng tỏ những nhà phân tách sai. Các nhà đầu tư có thành tích phản ứng thái quá với xu hướng mới nổi của nền kinh tế.
Bà Mary C. Daly, chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang San Francisco, cho biết vào tối thứ Hai: "Chúng tôi xác nhận rằng thị trường lao động đang chậm lại và điều quan trọng là chúng ta không để nó chậm lại đến mức rơi vào tình trạng suy thoái.”
Số việc làm không tăng thêm nhiều như trông đợi, khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng lên đôi chút không phải là dấu hiệu của kinh tế bắt đầu trì trệ, mà chỉ cho thấy thị trường lao động đang nguội lại sau nhiều năm phát triển.
Cách đây vài tuần, Bureau of Economic Analysis của Hoa Kỳ đã loan báo rằng kinh tế Hoa Kỳ tăng mạnh mẽ ở mức 2.8% trong quý II, so với 1.3% ở quý I. Mức phát triển cho cả năm 2024 và 2025 được tiên đoán là 2.4% và 1.7%. Như vậy không có giảm sút kinh tế (recession) trong dự báo.
Cục Dự Trữ Liên Bang đóng ba vai trò chính: Thực hiện chính sách tiền tệ nhằm tạo việc làm tối đa, duy trì giá cả ổn định và lãi suất dài hạn vừa phải trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Co quan này đã và đang giữ lãi suất ở mức cao để làm chậm lại nền kinh tế, hãm tốc độ tăng trưởng và lạm phát nhưng đã báo hiệu rằng việc giảm giá cả gần đây có thể cho phép họ cắt giảm lãi suất sớm. Trong khi các nhà hoạch định chính sách muốn đảm bảo rằng họ có thể dập tắt lạm phát, họ cũng muốn tránh giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài, gây nguy cơ cho thị trường lao động.
Cục Dự Trữ Liên Bang dự trù hạ lãi suất ba đợt vào tháng 9, 10, và 11 sắp tới. Điều này phụ thuộc vào thống kê thất nghiệp và giá cả. Hiện nay chống lạm phát vẫn là ưu tiên đầu của cơ quan này trong khi không có nguy cơ kinh tế giảm sút.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tiên đoán kinh tế thế giới sẽ phát triển 3.1% và 3.2% trong 2024 và 2025. Kinh tế suy thoái thường được xác định bằng sự suy giảm của Tổng Sản Lượng Nội Địa (Gross Domestic Product - GDP) trong hai quý liên tiếp. Điều này chưa xẩy ra.
Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) sẽ có thể hạ lãi suất một nửa điểm bách phân (0.50%) nhiều hơn thường lệ là 1/4 điểm bách phân (0.25 %) vào kỳ họp vào 18/9 này. Tình hình không đến nỗi khẩn cấp để Fed tổ chức một phiên họp đặc biệt về cắt giảm lãi suất. Cơ quan này hiện duy trì lãi suất ở mức 5.3% trong một năm qua, mức cao nhất trong hai thập niên. Lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế.
Theo báo Anh The Atlantic, kinh tế Hoa Kỳ sau đại dịch đã đạt được nhiều thành tích đáng kể bao gồm tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp ở mức lịch sử thấp, gia đình giầu có hơn và tiền lương tăng nhanh hơn chi phí, đặc biệt đối với giai cấp công nhân.
Cũng theo nhận định của The Atlantic, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ hiện nay khiến cả thế giới phải ghen tị. Từ cuối 2019 đến cuối năm 2023, GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng 8.2% - nhanh gần gấp đôi so với của Canada, nhanh gấp ba lần so với Liên minh Châu Âu và hơn tám lần so với Vương quốc Anh.
Vào năm qua, một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm cả Nhật Bản và Đức rơi vào suy thoái, sa thải hàng loạt và đường phố chứng kiến những cuộc biểu tình. Tuy nhiên, ở Mỹ, cuộc suy thoái sau đại dịch chưa bao giờ xảy ra và kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Cựu Tổng Thống Donald Trump đã bắt lấy cơ hội thị trường chứng khoán giao động, không ngần ngại đổ lỗi cho Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris. Ông viết trên Truth Social “Thị trường chứng khoán đang sụp đổ, số lượng việc làm khủng khiếp, chúng ta đang hướng tới Thế Chiến III, và chúng ta có hai trong số những ‘nhà lãnh đạo’ bất tài nhất trong lịch sử.”
Ông Trump không đề cập đến việc thị trường chứng khoán chịu tổn thất lớn hơn nhiều trong một ngày khi ông còn là tổng thống. Ông cũng không đề cập đến báo cáo về việc làm trong tháng 7 và thị trường Nhật Bản sút giảm.
Vào đầu năm nay, Trump đã tuyên bố rằng nhờ tin ông có thể thắng cử vào tháng 11, giá cổ phiếu trong thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng vọt. Và nay, thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm, Trump đổ lỗi của Biden-Harris.
Chứng khoán Mỹ phục hồi vào thứ Ba khi thị trường tài chính lấy lại thăng bằng sau đợt bán tháo mạnh vào thứ Hai.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, giảm hơn 1,000 điểm vào ngày hôm qua, tăng 294 điểm, tương đương 0.8%, với chỉ số cuối ngày là 38,998, trong khi S&P 500 tăng 1% sau khi trải qua đợt sụt giảm trong một ngày tồi tệ nhất trong hơn hai năm. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ cũng tăng 1%.
Nguyễn Quốc Khải
THAM KHẢO
(1) Dearbail Jordan and João da Silva,” U.S. stock markets rise after days of turmoil,” BBC, August 6, 2024.
(2) Jim Tankersley, Jonathan Swan, and Maggie Haberman, “Trump and His Allies Seize on Market Downturn to Attack Harris,” New York Times, August 5, 2024.
(3) Max Zahn, “The U.S. economy has defied recession forecasts for years. Is this time different?” August 5, 2024.
(4) By Jeanna Smialek, “Traders bet on Fed emergency rate cuts, but officials need more to react,” New York Times, August 5, 2024.
(5) Abha Bhattarai, Rachel Siegel and Je Stein, “Stock markets are reeling, but economists say: Don’t panic yet,” Washington Post, August 5, 2024.
(6) Rogé Karma, “e U.S. Economy Reaches Superstar Status,” The Atlantic, June 10, 2024.