Hôm nay,  

Đợi một người như anh

15/02/202410:23:00(Xem: 1666)
Truyện

couple-in-love

Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi.
    Hai gia đình quen thân bấy lâu nay nhưng mỗi người một tiểu bang, mẹ tôi và bác Hải gái muốn tình bạn thành tình sui gia thì càng thêm vui. Mẹ tôi muốn gả con gái lớn và bác Hải cũng muốn cưới vợ cho trưởng nam. Hai bà cùng hoan hỉ tạo cơ hội cho đôi trẻ biết nhau rồi tùy nhân duyên, hai bên cha mẹ không cưỡng ép. Anh Nhân và chị Kim Thịnh đã thỉnh thoảng trao gởi hình ảnh và email qua lại trò chuyện như hai người bạn.
    Chị Kim Thịnh háo hức vào phòng thay đồ làm tôi cũng háo hức theo chị, phụ giúp chị trang điểm cứ như cho cô dâu sắp ra mắt nhà chồng. Tôi biết chị đã cảm mến anh Nhân, chị vui mừng mỗi khi nhận email của anh, chị khoe anh Nhân là kỹ sư mà kể chuyện nắng mưa hay như làm thơ.
    Mẹ tôi vui vẻ và tự tin anh Nhân nhìn Kim Thịnh bằng hình ảnh đã đẹp, gặp bằng người thật Kim Thịnh hiền dịu anh chàng sẽ chấm ngay thôi. Mẹ nói với ba:
    – Gả con chị xong vài năm sau là đến con em.
    Chị Kim Thịnh 25 tuổi đang làm y tá trong một bệnh viện gần nhà, còn tôi sang năm mới xong bằng đại học 4 năm business. Tôi chưa có người yêu nhưng nhất định tôi không thích sự sắp đặt của mẹ, tôi không hiền lành đến mong manh như chị Kim Thịnh để mẹ phải lo toan cho cả việc nhân duyên.
    Vợ chồng bác Hải và anh Nhân đến, anh xứng đáng là người tình trong mộng của chị Kim Thịnh, đôi mắt đằm thắm ấy, miệng cười ấy, đẹp và nam tính dễ ưa. Mẹ khéo sắp đặt bàn ăn. Bên này gia đình chủ nhà bên kia gia đình khách. Anh Nhân đối diện hai chị em tôi, đôi lúc ánh mắt đằm thắm của anh bỗng làm tôi bối rối không biết anh đang nhìn chị Kim Thịnh hay đang nhìn tôi. Ăn xong mẹ tôi nói hai chị em đưa anh Nhân đi dạo quanh phố núi khu mình ở có những căn nhà trên dốc cao dốc thấp bên những bụi hoa nở đẹp rực rỡ.  Bây giờ đã là Xuân Hạ mà buổi chiều không gian vẫn se se lạnh nhưng bầu trời sáng sủa. Ba chúng tôi ra khỏi nhà một đoạn bỗng chị Kim Thịnh lúng túng níu tay tôi nói khẽ:
    – Chị quên mất, em và anh Nhân đợi chị chút, chị vào nhà lấy khăn choàng cổ và một chút nước hoa vào khăn vào tóc cho thơm. Buổi chiều nay đẹp quá chừng…
    Lòng chị đang xôn xao rạo rực, chị muốn làm đẹp làm điệu vì anh Nhân đấy chứ lạnh này có là bao. Chúng tôi đi ngược về nhà, tôi và anh Nhân đứng ngoài sân chờ đợi. Tôi khoe anh cho bớt trống trải khi chỉ có hai người:
    – Gia đình anh du lịch Utah thật đúng lúc, cuối Xuân chớm Hạ bao loài hoa nở đẹp, có Mountain Bluebell màu xanh chập chùng đồi núi, có hoa xương rồng đỏ vàng đẹp xinh dọc theo những vạt đất dưới chân đồi đầy sỏi đá. Mà khắp nẻo Utah đều có núi đồi đi đâu anh cũng gặp.
    Anh tiếc rẻ:
    – Nếu anh biết thế…
    Tôi mỉm cười:
    – Em hiểu rồi anh chỉ theo cha mẹ đến Utah để gặp chị em.
    Anh dí dỏm:
    – Và gặp em nữa. Thật ra ba mẹ anh nói muốn du lịch Utah nhân thể thăm gia đình người bạn và nhất định muốn anh đi cùng, Kim Thịnh cũng là bạn anh mà.
    Chị Kim Thịnh đã ra tới cửa chị đang bước xuống từng bậc thang gỗ, tấm khăn choàng mỏng màu tím của chị mơ màng và lướt thướt vướng vào chậu hoa Creeping Buttercup nở hoa vàng bên thềm. Hình ảnh đẹp như trong tranh.
    Anh Nhân lịch sự chạy đến gỡ tấm khăn khỏi chậu hoa giúp chị Kim Thịnh nhưng anh lại nhìn tôi, cũng với ánh mắt đằm thắm ấy và hỏi tôi:
    – Nãy em đang nói về loài hoa gì màu tím nhỉ?
    Sao anh không ngắm màu tím khăn choàng của chị Kim Thịnh mà quan tâm làm gì đến màu tím loài hoa nào tôi vừa kể. Tôi hơi giận và bâng quơ:
    – Hình như là Silvery Lupine…
    Gia đình bác Hải ở một khách sạn gần nhà chúng tôi, họ đến Utah chỉ ba ngày cuối tuần. Chị Kim Thịnh xin nghỉ làm 3 ngày này. Ngày nào hai gia đình cũng gặp gỡ khi cơm nhà khi đi nhà hàng, người lớn chuyện trò với nhau, hai chị em tôi cùng tiếp chuyện với anh Nhân, đưa anh đi một vài nơi, Mỗi lần gặp anh Nhân là mỗi lần chị Kim Thịnh vui vẻ sinh động hẳn lên.
    Ba chúng tôi có một buổi sáng dài tự do đi ăn và đi chơi với nhau vì chiều nay gia đình bác Hải sẽ ra phi trường bay trở về nhà. Chúng tôi đến Hồ Muối, nước hồ mặn như nước biển chúng tôi đi dạo trên bãi cát sát ngay những làn sóng nước nhấp nhô, rồi chụp hình kỷ niệm. Anh Nhân chụp hình chung với chị em tôi rồi chụp riêng cho từng người, chụp chị Kim Thịnh yểu điệu ngồi bên một tảng đá gió bay bay mái tóc, chụp hình chị từ xa đang sải bước đến gần anh, kiểu dáng nào cũng đẹp. Đến lượt anh chụp cho tôi, chẳng hiểu tại tôi vụng về hay anh quá cẩn thận đã chạy đến bên tôi để chỉnh sửa lại dáng ngồi, nhưng thật ra anh chỉ nói như thì thầm:
    – Chiều nay anh về, có một điều anh chưa có dịp nói với em, Hãy cho anh số phone của em đi.
    Tôi bối rối và linh cảm điều anh muốn rất riêng tư, những ánh mắt những cử chỉ anh dành cho tôi trong ba ngày nay đã cho tôi những bâng khuâng nhưng không dám suy nghĩ xa hơn. Tôi cố giữ vẻ bình thường và vô tư:
    – Anh nói ngay bây giờ đi cả em và chị Kim Thịnh cùng nghe cho vui.
    – Anh chỉ có thể nói với một mình em. Làm ơn.
    Chị Kim Thịnh đang đùa với sóng nước từ xa, không hiểu sao tôi bỗng e ngại chị sẽ lại gần và không kịp nữa, tôi phản ứng như một cái máy đọc số phôn cho anh. Xong tôi cảm giác như vừa phạm tội, vừa lừa dối qua mặt chị tôi. Chị Kim Thịnh đã đến bên chúng tôi, chị nhờ anh Nhân chụp thêm cho chị mấy kiểu hình đùa bên sóng nước mà chị vừa nghĩ ra.
    Ngay hôm về tới nhà, buổi khuya khi tôi lên giường sắp ngủ anh Nhân đã gọi cho tôi làm như anh không thể để lâu hơn được nữa. Hai tiểu bang xa cách mà tưởng như vẫn gần nhau, anh vẫn đang ở chơi Utah phố núi:
    – Sang năm em ra trường, cho phép anh tham dự chung vui với em không?
    – Anh tìm cơ hội để gặp chị Kim Thịnh chứ gì? Mẹ anh và mẹ em đã mong muốn thế.
    – Anh chỉ xem Kim Thịnh là bạn, chiều lòng mẹ, anh đã liên lạc thư từ. Mẹ anh luôn nghĩ rằng trước là bạn sau sẽ là người yêu mấy hồi, nhưng điều ấy không đến, anh không thể.
    Tôi buồn buồn:
    – Chị Kim Thịnh rất mến anh.
    Chỉ qua phone mà tôi như thấy đôi mắt anh đang thâm trầm nhìn tôi:
    – Anh không được hẹn để gặp em nhưng anh lại cảm mến em ngay từ phút đầu. Anh không lựa chọn, chỉ vì trái tim anh.
    Tôi cũng không lựa chọn, chỉ vì trái tim tôi. Nhưng anh ơi tôi cũng không thể.
    Anh thẳng thắn tỏ tình:
    – Điều anh muốn nói là anh yêu em.
    Tim tôi đập rộn rã cảm giác hạnh phúc lẫn đau buồn cùng một lúc và không nói nên lời. Anh cũng thẳng thắn hỏi:
    – Em có nghĩ về anh với chút tình cảm nào không?
    Hình ảnh mẹ tôi vui chờ hớn hở, ba tôi tự tin Kim Thịnh đã có chàng trai tốt và nhất là chị Kim Thịnh đang rộn ràng hồi hộp mong chờ tiếng nói từ anh, từ cha mẹ anh. Tôi bỗng nói lạnh lùng trôi chảy:
    – Không anh. Trong khi mọi người mong muốn anh yêu và cưới chị Kim Thịnh em cũng xem anh như một người anh mà thôi.
    Tôi càng lạnh lùng khi cúp phôn, để rồi suốt đêm tôi đã khóc ướt gối.
    Anh Nhân vẫn lịch sự thỉnh thoảng liên lạc email với chị Kim Thịnh, vẫn không ngoài chuyện hỏi thăm thông thường và kể chuyện nắng mưa như hai người bạn cho đến khi thư anh thưa dần. Chị Kim Thịnh buồn và thất vọng não nề. Tôi là người bên cạnh khích lệ chị, anh Nhân và chị chưa ai hứa hẹn nói lời yêu thương, chỉ là không có duyên đến với nhau thôi, đường đời còn có nhiều ngõ cho ta rẽ, cuộc đời còn có nhiều cơ hội, nhiều người khác cho ta yêu. Tôi khuyên chị mà như khuyên cho chính mình. Cha mẹ tôi cũng nguôi ngoai dần và khuyên chị như thế.
    Năm sau tôi ra trường. Ngày vui ấy tôi vẫn chờ mong vô cớ biết đâu vì lý do nào đó anh biết được ngày này và sẽ bay đến dự lễ tốt nghiệp chung vui với tôi, anh đã muốn thế mà. Nhưng tôi biết chỉ là giấc mơ hão huyền.
    Chị Kim Thịnh đã có tin vui, chị có người yêu là anh chàng làm trong phòng lab cùng bệnh viện với chị. Cuối năm nay họ sẽ làm đám cưới. Lần này thì chị Kim Thịnh rộn ràng vui với tình yêu có thật của chị.
    Cả nhà tôi đều vui mừng. Cha mẹ tôi sẽ mời gia đình bác Hải và anh Nhân đến dự đám cưới. Tôi lại hi vọng và chờ mong, nếu lần này gặp anh, anh còn nói yêu tôi hay không thì khi chỉ có hai người tôi cũng sẽ ngả đầu vào vai anh và nói: “Em yêu anh”. Tôi sẽ giải thích với anh lời từ chối và xin lỗi anh cử chỉ cúp phôn phũ phàng của tôi hôm ấy, anh sẽ hiểu và càng yêu tôi thêm.
Thiệp cưới in xong mẹ tôi vui vẻ gọi điện thoại nói chuyện với bác Hải gái và mời đi đám cưới Kim Thịnh. Bác Hải cũng hớn hở báo tin vui của nhà bác:
    – Hai đứa này lạ thật, Kim Thịnh nhà chị và Nhân nhà tôi không duyên với nhau mà có nhiều điểm giống nhau, cả hai cùng tính nết hiền lành, không hẹn mà cùng có người yêu và cưới vào cuối năm nay. Đám cưới Kim Thịnh trước chúng tôi sẽ tham dự rồi tháng sau anh chị sẽ tham dự đám cưới con trai tôi nhé. Vui cả đôi bên.
    Thế là hết, anh mãi vời xa tôi không mong gì gặp lại. Mẹ tôi lại nói với ba:
    – Nay mai là tới con út ngay ấy mà. Nó lanh lợi thế kia.
    Tôi không dễ quên như chị Kim Thịnh, như anh Nhân. Cả hai người đều nhanh chóng có tình yêu khác, còn tôi chưa biết đến bao giờ mới quên được. Anh Nhân hòa nhã và thẳng thắn, anh Nhân với đôi mắt và miệng cười ấy.
    Tôi sẽ chờ đợi một người để yêu, để nhớ để thương. Người ấy không là anh nhưng sẽ giống như anh.

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.