Hôm nay,  

Kẻ sát nhân

28/01/202407:29:00(Xem: 1790)
Truyện

02-SimonUTibet-26

Lời người dịch: Tsering Norbu sinh năm 1965, tuổi thơ sống trong một cái sân gần đường Barkhor, giữa lòng thành phố cổ Lhassa. Con đường dài mà những người hành hương quanh tu viện Jokhang hay đi lại. Ngày nay, đây là di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận, thu hút nhiều du khách. Ký ức của tác giả lẫn lộn những hương vị các ngọn đèn, những giọng cầu kinh và vị ngọt các trái cây hoang dã do những nông dân mang tới bán. Tuổi thơ của ông cũng là ký ức những năm Cách mạng Văn hoá. Cũng như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, nơi ông ở thật khó kiếm ra sách vở, in sách lại càng khó hơn. Năm 1981, ông học văn học tại Đại học Tây Tạng. Tuy nhiên ông lại say mê những bản dịch tác phẩm của các nhà thơ Anh Quốc như Shelley, Keats, Shakespeare. Tốt nghiệp năm 1986, tác phẩm đầu tiên ông viết là một bài thơ: Tụng ca ban đêm, (Tụng dạ) lấy cảm hứng từ bài Tụng ca chim sơn ca (Dạ oanh tụng) của Keats. Sáu năm sau đó, ông  dạy ngôn ngữ Tây Tạng ở nhiều nơi trước khi về dạy tại Trường Bưu điện RAT ở Lhassa. Chính tại đây, khi đến thăm một người bà con, ông nhìn thấy một người qua sông trên một chiếc thuyền cũ. Ông có cảm hứng viết truyện ngắn đầu tiên. Người chèo thuyền ở La Tư (La Tư đích thuyền phu), in năm 1992 trên Tây Tạng Tạp Chí. Sau đó, ông mất việc vì xí nghiệp bưu điện, là cơ quan chủ quản của trường ông dạy, cơ cấu lại, bắt đầu mở rộng các quan hệ với nước ngoài. Ông dấn thân vào nghề báo, làm việc tại Tây Tạng Nhật Báo, trước tiên phụ trách dịch thuật, sau đó làm phụ tá biên tập. Được nhà phê bình nổi tiếng Lý Gia Tuấn (Li Jiajun) gởi gắm, ông vào học tại Viện Lỗ Tấn năm 2004. 
    Ông khám phá ra rằng viết một truyện ngắn không phải chỉ là kể một câu chuyện. Kết quả trực tiếp của việc học tập này là truyện “Kẻ sát nhân” giới thiệu dưới đây. Sau đó, tháng 2 năm 2007, ông in một truyện vừa và đạt giải thưởng Văn học Tây Tạng Thế kỷ mới. Truyện ngắn tiếp theo là Amerika, tên một con bò rừng, chủ yếu đề cập đời sống nông thôn Tây Tạng. Hiện nay, ông phụ trách biên tập cho Tạp chí “Văn học Tây Tạng”, là một trong những đại diện xuất sắc của văn học Tây Tạng viết bằng tiếng Trung. Tác phẩm của ông bao gồm nhiều truyện ngắn, có thể kể theo ba giai đoạn: Tám truyện ngắn và truyện vừa, thuộc giai đoạn đầu tiên, viết theo lối tự nhiên (1992-2005). Hai truyện ngắn, với bút pháp trau chuốt, giai đoạn 2005-2009. Ba truyện năm 2009 và ba truyện năm 2011, giai đoạn phát triển với nhiều chủ đề đa dạng. Ngoài ra, ông còn viết một tiểu thuyết (Lời nguyện cầu trong gió), xuất bản tháng 8 năm 2005.
    Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Cũng có tác phẩm được chuyển thể thành phim ảnh. Truyện “Kẻ sát nhân” là một trong hai truyện ngắn mà kịch bản phim Jinpa mô phỏng. Phim đoạt giải tại Liên hoan Phim Venise tháng chín năm 2018. “Kẻ sát nhân” là một trong những truyện nổi tiếng nhất của Thứ Nhân La Bố. Truyện tương đối ngắn, viết ở ngôi thứ nhất: câu chuyện giết người và chuộc tội, hoặc đúng hơn là chuộc tội mà không giết người, chuộc tội đồng thời cho người đi giết và người mà anh ta muốn giết. Đây là sự chuộc tội tâm linh, vượt lên trên sơ đồ thông thường của sự trả thù. Truyện được viết trong thời gian tác giả tham dự khoá học viết văn tại Viện Lỗ Tấn, sau đó được chỉnh lại và in trong số mùa hè của tạp chí định kỳ Văn học Tây Tạng. Truyện được trao giải thưởng Truyện ngắn hay nhất nước năm 2006. Truyện cũng giúp cho tác giả có tên năm 2007 trong thành phần Ban giám khảo Giải thưởng văn học Lỗ Tấn. Truyện thuộc về dòng văn học Tây Tạng được giải phóng khỏi trào lưu “Hiện thực ảo thuật” đánh dấu thập niên 1990 và có khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa hiện thực. 
    Tác giả sử dụng bút pháp riêng biệt để nói đến những vấn đề của xã hội Tây Tạng hiện đại, nhưng vẫn chưa thoát được truyền thống và tôn giáo.
 
***
 
Hàng hoá chất đầy và được phủ lên trên bằng một tấm bạt màu xanh lục cột thật chặt, chiếc xe tải Đông Phong lao nhanh từ đông sang tây trong một không gian mênh mông bát ngát, xe làm tung bụi ra khắp xung quanh. Tôi một mình lái xe, quá mệt mỏi, cứ ngáp lên ngáp xuống. Tay trái cầm vô lăng, tôi đưa tay phải móc một điếu thuốc ra khỏi túi xách. Tôi vụng về lấy hộp quẹt châm thuốc lập cập mãi khiến không thể phân biệt được điếu thuốc, tôi nhả khói từng ngụm trắng lan toả ra khắp ca bin xe. Trước mặt tôi là khung cảnh xám xịt trải ra vô tận, tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, chỉ có một cách để khỏi buồn ngủ là hút thuốc, rít hơi dài nhưng làm vậy thì thuốc lại mau tàn. Lúc tôi thò tay vô túi xách lần nữa, tôi bỗng nhận ra một cái bóng đen nhỏ nơi phía chân trời đang di chuyển, tôi tự hỏi không biết đó là người hay là thú vật. Tôi nhấn mạnh ga để nhanh chóng tới gần. Cái bóng đen dần dần thành hình và lộ ra một con người đơn độc đang đeo trên vai những chiếc chăn. Tôi tự nhủ đây là một người đang đi hành hương. Với tốc độ tôi đang lái, chẳng mấy chốc tôi đã tới gần anh ta. Khi nghe tiếng máy xe nổ, người đó dừng lại, đứng im nhìn về phía xe. Xuyên qua cửa kính, trong khung cảnh rộng mênh mông này, anh ta có vẻ nhỏ bé quá, lại đơn độc, yếu đuối nữa. Tôi chợt có ý nghĩ làm một hành động tử tế là cho anh ta quá giang một đoạn đường.
    Khi thấy xe đến gần, anh ta đưa tay ra vẫy. Tôi nhận thấy anh có những dây buộc trên tóc, người gầy gò, đeo một cây dao găm. Tôi dừng lại ngay, đến gần và ra dấu để anh lên xe. Anh ta mở cửa, bỏ trên ghế ngồi những cái chăn, một cái hũ bằng nhôm cáu đen, để dành khoảng trống để ngồi xuống.
    “Anh để các thứ đó ở dưới ghế đi!” Tôi ra lệnh.
    Anh ta túm lấy những cái chăn, nhét xuống đất, lấy chân đạp lên. Đó là một Khampa (1), mặt anh tái mét, có đường nét góc cạnh, mồ hôi nhễ nhại, chân mang đôi giày da mòn, có nhiều lỗ thủng. Tôi cho máy nổ lại và tiếp tục phóng nhanh trong bãi cát ngút ngàn trước mặt, và cũng tung bụi mù như trước.
    Anh ta há hốc mồm, nhìn qua cửa sổ khung cảnh hoang vu phản chiếu qua tròng mắt, thỉnh thoảng, anh chừng như hồi tưởng một kỷ niệm xa xăm, một nụ cười thoáng qua trên môi.
    “Này anh bạn, anh đi hành hương phải không?”
    Anh chàng Khampa đưa mắt buồn tẻ nhìn tôi, nuốt nước bọt và lại tiếp tục quan sát khung cảnh xung quanh.
    “Anh đi hành hương hay đi buôn?” Tôi nóng nảy hỏi lại, lớn tiếng hơn.
    “Không hành hương cũng không đi buôn, tôi đi tới Sakar”.
    Tôi vui vẻ đáp lại bằng một nụ cười: “Anh may mắn quá đấy, tôi đi Ngari, anh đỡ một đoạn đường rồi đấy”.
    Anh chàng Khampa mỉm cười cám ơn tôi. Giờ đây trong xe không khí thân tình. Tôi đốt một điếu thuốc nữa và chậm rãi hút, mệt mỏi đã hết.
    “Vậy anh đến Sakar làm gì?” Tôi hỏi trong khi vẫn nhìn con đường trước mặt.
    “Tôi đi giết một người.” Câu nói làm tôi sợ điếng người. Nhưng tôi định thần lại và vui vẻ cười:
    “Anh hay thật, trông chẳng có vẻ gì là sát thủ cả, tôi không tin đâu.”
    Anh chàng Khampa đưa tay vén một lọn tóc xoã xuống trán, chỉnh lại đầu tóc. Anh bảo tôi, mắt nhìn phía trước:
    “Có thể anh không tin tôi, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.”
    Anh ta lại khó nhọc nuốt nước bọt, lúc này tôi mới nhận ra môi anh bị nẻ.
    Anh ta nói tiếp: “Hắn đã giết cha tôi cách đây mười sáu năm. Rồi hắn biến mất, từ đó tôi đi tìm hắn mãi trên khắp cao nguyên Tây Tạng, suốt mười sáu năm rồi mà không thấy tăm hơi gì cả”.
    Tôi nhìn anh ta và chợt thấy thương cảm. Lúc nào tôi cũng tưởng tượng thấy những quan toà dưới hình dáng những chàng trai lực lưỡng, mặc áo choàng đen từ đầu đến chân, mang kính đen và lưng đeo súng. Nhưng con người đang ở cạnh tôi đây lại có một khuôn mặt rầu rĩ, có vẻ thất thần, ngoại trừ cây dao găm bằng bạc đeo ở thắt lưng, không có gì chứng tỏ anh là kẻ giết người cả. Mắt nhìn về phía chân trời, tôi có vẻ đang bối rối. Trong xe giờ chỉ còn nghe tiếng động cơ nổ. 
    “Bao giờ ta đến Sakar?” Anh ta hỏi, mắt vẫn nhìn phía trước.
    “Trước khi đêm xuống. Anh có vẻ nôn nóng tìm kẻ kia để giết quá nhỉ?”
    Tôi trả lời anh ta, giọng ngái ngủ, sau khi ném tàn thuốc qua cửa. Anh ta liếc nhìn tôi, có vẻ vừa nhạo báng vừa khinh rẻ. Còn tôi thấy không thoải mái, mồ hôi vã ra đầy tay. Lúc này, anh ta lên tiếng:
    “Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi hơn mười năm, tôi sẽ không để câu chuyện kéo dài thêm nửa ngày nữa.”
    Tôi lại nhìn đăm đăm trước mặt không thay đổi. Trong lúc này, ở phía tây, về phía chân trời, vẽ ra hình ảnh uốn khúc của một rặng núi, và, ở phía đông, mặt trời lặn nhuộm đỏ rực cái kính chiếu hậu. Bên cạnh tôi, anh ta nhìn kỹ quang cảnh, đắm chìm trong suy tư. Vẻ bình thản của anh ta, sự im lặng của anh ta, sự quyết tâm của anh ta, tất cả mọi thứ nơi anh làm tôi mơ hồ lo sợ. Để xua tan không khí nặng nề đó, tôi nói:
    “Sắp đến rồi đó. Ta sẽ đi con hẻm giữa các dãy núi, phía đằng kia, và đến ngay Sakar rồi.”
    “À!” Anh ta reo lên, nhưng tiếng reo chìm trong tiếng động cơ nổ. Chiếc xe phóng hết tốc độ về phía tây, các dãy núi hiện ra rõ dần. Khi đến khúc quẹo đầu tiên, xe đi vào một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo.
     “Đến rồi đấy”. Tôi bảo anh ta, thở dài nhẹ nhõm. Đêm xuống, gió thổi rít lên. Chúng tôi đến một ngả rẽ: không còn phân biệt rõ những gì hiện ra phía bên kia, vì bầu trời và mặt đất hoà trộn với nhau rất nhanh, khó nhận biết. Anh chàng Khampa vụng về mở cửa, và một loạt gió lạnh thổi ào vào bên trong, làm cả hai chúng tôi run lên. Anh ta lấy mấy cái chăn và cái hũ nhôm, đưa mọi thứ lên vai và đi về hướng tôi đã chỉ. Bóng tối nuốt chửng anh ta, tôi không nhìn thấy nữa. Gió gào thét, tung cát lên cửa kính xe, chừng như những cú đá trên kính và làm kính rên xiết vì va chạm. 
    Trên trần xe, tấm vải bạt đong đưa gây ra tiếng động lớn. Ở đây, gió cát quả rất khủng khiếp. Trong đêm đen, tôi bấm còi hai, ba lần, nhưng tiếng còi bị gió át đi. Tôi tự hỏi sao mình lại làm như thế, có phải để giúp anh ta can đảm hơn hay để nói lời từ biệt. Tôi không hiểu chính xác được. Đêm đó, tôi đi tiếp về hướng Ngari. Giữa những ngọn núi mênh mông, ánh đèn pha trông trơ trọi và đơn độc quá. Sau bốn ngày ở lại thị trấn Suối Sư Tử, tôi lái chiếc xe trống rỗng về lại. Suốt cuộc hành trình, tôi không còn nghĩ đến anh chàng kia nữa. Tôi chỉ tự hỏi liệu anh ta có thành công trong việc báo thù cho cha không và tưởng tượng ra nhiều kết luận khác nhau. Khi xe đến ngã rẽ dẫn đến Sakar, tôi lại đi vào thị trấn một cách vô ý thức. Mặt trời giữa trưa chói chang và ánh phản chiếu làm con đường mờ nhạt: xe chạy chiều ngược lại với dòng sông, nước sông xao động tạo thành những lớp sóng trắng chạm vào những viên sỏi bên bờ, gây ra tiếng động khiến tôi muốn nổi gai ốc. Sườn núi hai bên không có cây cỏ nào, ngoại trừ vài chùm cây ngấy lác đác vài nơi, đằng sau thấp thoáng mấy con cừu gầy ốm.
    Quang cảnh thật là buồn tẻ. Thỉnh thoảng có một con đường ngắn chạy xuyên qua thị trấn, hai bên có những ngôi nhà thấp, tường đất màu xám, chẳng chút sinh khí nào, tuồng như xuất phát từ một thời đại khác. Tôi dừng lại trước một cái quán, đến ăn trưa ở một quán trà, căn nhà mộc mạc chỉ có vài cái bàn và ghế gỗ, sàn đất lồi lõm không đều. Tôi gọi một bữa ăn đơn giản, một bình trà đường, mười lăm bánh mì nhỏ có mùi vị khiến tôi thấy no bụng. Ăn no rồi, tôi nghĩ đến anh chàng sát thủ kia. Tôi vội vàng. “Này, chị phục vụ ơi”. Tôi gọi lớn.
     “Ông cần gì khác không ạ?” Chị đáp lại, chẳng nhã nhặn chút nào, có lẽ nghĩ rằng tôi muốn đưa chị lên tàu.
    “Vâng, tôi muốn tìm một người”.
    “Ai vậy?” Lần này thì chị cười nói.
    “Một Khampa đã đến đây mấy hôm trước.”
    “Anh chàng gầy đét phải không? Ban đầu tôi tưởng hắn ta đến ăn xin.”
     “Hắn không ẩu đả với ai chứ?”
    “Không hề. Hắn tìm Martsa”.
    “Tìm thấy không?”
    “Có.” 
   Tôi cảm thấy tim thắt lại trong khi trước mắt tôi hiện lên hình ảnh của anh Khampa đâm con dao vào ngực Martsa, máu loang đầy chiếc áo khoác trắng, chừng như có một hoa hồng đỏ rực nở trên ngực vậy. “À, để tôi kể cho ông nghe”. Chị phục vụ tiếp tục, có vẻ như vẫn còn muốn nói chuyện, điều dễ hiểu thôi vì trong phòng chỉ có hai chúng tôi.
    “Ngày hôm đó, mặt trời đã lên cao lúc mọi người nhìn thấy chàng Khampa từ ngoài đường đi tới, với các thứ đeo trên lưng, trong ánh nắng như thiêu như đốt. 
    Thị trấn không lớn lắm, con đường chính ngắn ngủn đến nỗi ta có thể nhìn thấy tận cuối đường, và, hơn thế nữa, hai bên cũng không nhiều nhà cửa lắm, khách qua lại vì thế cũng không nhiều. Hắn có vẻ mệt mỏi vì tôi thấy mắt hắn đỏ rực. Hắn ngập ngừng bước vào và đến ngồi gần cái cửa sổ nhìn ra đường. Hắn đưa mắt nhìn về phía tôi, về phần mình, tôi để ý thấy môi hắn bị nẻ, áo quần sờn hết. Cái làm cho hắn nổi bật chính là con dao găm! Tôi quan sát hắn, tay cầm bình thuỷ, từ nơi cách hắn hai cái bàn, hắn hỏi tôi: “Có ai tên là Martsa ở nơi đây không?” Vậy là hắn đi tìm người, không phải đến đến ăn xin như ban đầu tôi nghĩ. 
    Tôi vạch đường đi giữa các cái ghế, tay cầm bình thuỷ, đến rót cho hắn một cốc nước trà pha chút bơ, rồi trả lời hắn: “Vâng, phía tây thị trấn có một người tên là Martsa, ông ta có một quán tạp hoá nhỏ.” “Có phải hắn từ thôn Gonjo đến không? Trạc ngũ tuần?”  Tôi muốn cười khi nghe vậy. “Ông muốn tìm người nhà phải không?” Nhưng hắn nôn nóng lặp lại câu hỏi: “Có phải hắn từ thôn Gonjo đến không?” Tôi thấy hắn có vẻ mệt mỏi. “Tôi không biết ông ta từ đâu tới, nhưng đúng là khoảng năm mươi tuổi. Ông ấy mở quán từ hai năm nay. Ổng ta hay đến tu viện cầu nguyện để quay cối xay. Một phật tử thuần thành. Ở đây ai cũng biết ông ta hết.” Mặt đỏ bừng, chàng Khampa thở nhanh. “Ông hài lòng vì đã tìm ra người muốn tìm rồi chứ gì?” Tôi hỏi. Bỗng nhiên mắt anh ta đẫm lệ, anh bật khóc và rên khẽ. Nước trà trong ly đã nguội, không bốc khói nữa. “Cuối cùng tôi cũng tìm thấy!” Hắn reo lên. Ngạc nhiên khi thấy hắn hoảng loạn như vậy, tôi đến ngồi trước mặt, phía bên kia bàn, trên mặt nước trà trong ly có một màng đen mỏng. 
    Cuối cùng, hắn bình tĩnh lại, lau mắt và quay đầu nhìn ra ngoài. Không có nhiều người lắm, thưa thớt vài người đi qua không vội vàng gì, với bước đi khoan thai thường thấy ở đây. Khi anh ta quay lại, anh thấy tôi nhìn kỹ anh, vội cầm ly lên và uống cạn ly ngay. “Anh không giống những Khampa khác”, tôi nói với anh. Mặt anh ta nhăn lại một chốc, rồi anh lại uống hết những giọt trà còn sót lại trong đáy ly. Tôi rót thêm. “Chị có bột nhào Tây Tạng không?”  Tôi trả lời có, anh ta nói tôi làm một chén, tôi đi khuất sau tấm màn nhà bếp. Khi chàng Khampa nhìn thấy chén bột đầy, anh chảy nước miếng, và liếm đi, lưỡi vàng và để lộ những giọt nước bọt bên rìa. Tôi tránh lui. Anh ăn hết ngay rồi hỏi tôi: “Tôi để lại mấy cái chăn trong góc ít lâu được chứ? “ Tôi gật đầu. “Vâng, khi nào tìm ra người thân, anh về lấy lại.” Vậy là anh ta ra đi. Ông thấy đấy, đồ đoàn của anh ta vẫn còn đây, nhưng anh ta vẫn không trở lại. Nếu còn đây tức là anh ta đã bỏ đi nơi khác.” Đúng là đồ đoàn của anh ta. Anh ta có thể đi đâu được nhỉ? “Còn anh chàng Martsa vẫn còn đây chứ?” Tôi hỏi. “Vâng, ông ta vẫn trông coi cái quán đó”.
     Đầy linh cảm khốc liệt, tôi tự hỏi phải chăng Martsa đã khử kẻ định giết mình. Tôi thuộc loại người hay nôn nóng, lúc này tôi thấy cần phải uống, và tôi lo lắng đến nỗi thấy như đầu sắp nổ tung ra. Vợ tôi thường khuyên nhủ tôi với cách nói người Tây Tạng: “Đừng kiếm chuyện, tránh xích mích đi.” Và nàng có lý.
    “Cho tôi một chai bia.”
    “Anh muốn loại nào?”
     “Lhassa.” Lúc từ trong cổ họng tôi bia đã trôi xuống bụng, tôi cảm thấy bớt căng thẳng, tôi tự nhủ mình phải đi tìm kẻ giết người đó. Ngay lúc đó, một người bị thương nhẹ ở chân đến ngồi trước mặt tôi, gọi một thùng bia đại mạch.
     “Ai giúp anh chăn cừu?” Chị phục vụ hỏi.
    “Không phải chuyện của cô, đi lấy bia cho tôi đi.”
    Tôi đoán đây là người chăn cừu. Anh ta cười với tôi, tôi mời anh điếu thuốc, chúng tôi bắt chuyện với nhau. Anh ta đã nhìn thấy anh chàng Khampa. “Ban đầu, tôi không nghĩ đó là một Khampa,” anh ta giải thích với tôi. “Tôi chăn bò và cừu, tôi phải gấp gáp vì tôi đang mắc tiểu. Anh biết đó, không thể chịu nổi, anh cứ thấy như bàng quang sắp vỡ. Anh sẽ dễ thông cảm với tôi hơn, tôi cho đàn thú dừng lại, tôi trèo lên đằng sau một căn nhà, dưới chân núi. Tôi mắc tiểu đến mức thấy như kiến bò khắp người, đến khi xong việc tôi mới nhìn ra xung quanh. 
    Lúc này tôi mới thấy có người nằm dưới một tảng đá, như đang ngủ, tay nắm lại. Anh sẽ không tin tôi, nhưng tôi nghe anh ta ngáy. Tôi nghĩ anh ta đi hành hương, và không để ý đến nữa. Nhưng khi tôi đi xuống để gọi bò, tôi nghĩ mình phải đánh thức anh ta. Khi tôi đi ra đường, anh ta đã thức dậy và đến đứng trên tảng đá. Mặt trời vừa mọc trên đỉnh núi, một tia nắng vàng rực chói đầy thân hình tôi, gieo cảm tưởng là hơi nóng dễ chịu. Tôi thấy anh ta lười biếng duỗi tay, hít thở hơi dài. Anh nhìn tôi thật kỹ. Vài chục con bò tiến bước trên đường chậm rãi, tôi đã buộc vài sợi len lông cừu quanh cánh tay trái, và từ cánh tay phải, một cuộn chỉ quấn quanh. Thỉnh thoảng, vài con bò đi ra khỏi đường, tôi phải la lớn rồi nhặt lấy vài cục đá ném về phía mấy con đang lạc tới con dốc bên kia đường. Chúng hoảng sợ chạy một lát rồi vẫy đuôi trở về nhập đàn. Chàng Khampa tiếp tục quan sát tôi, có lẽ anh ta hài lòng. Sau đó, tôi thấy anh ta cầm lấy cái hũ nhôm đi xuống đường, từ nơi đó, anh ta tiến vào con dốc thẳng đứng, và chậm rãi đi qua từng tảng đá cho đến tận bờ sông. Con sông chảy mạnh, tiếng sóng che khuất mọi tiếng động khác. Anh ta cởi áo sơ mi, phần trên cơ thể để trần, anh vốc nước vào lòng bàn tay để rửa mặt và cổ, rồi anh lấy áo lau người. Cuối cùng, sau khi nhìn quanh mình, anh chọn một viên đá màu xanh phẳng lì, bỏ một ít nước và bắt đầu mài cây dao găm và vẫn tiếp tục vỗ nước vào trên viên đá, tiếng động anh gây ra khoả lấp cả tiếng nước chảy. Cuối cùng anh bỏ con dao vào cái túi, và leo lên đường trở lại. “Và sau đó?” “Sau đó à? Không có sau đó. Tôi không gặp lại anh ta nữa.” Khi anh chăn cừu kể chuyện xong, tôi đã uống hết ba chai bia.
    Mặt trời buổi chiều vẫn còn nóng trên con đường, bên ngoài không có ai, đường vắng tanh, Tôi có một cảm giác say nhẹ và đau ở chân, và thấy mất thăng bằng, Tôi chạy thẳng về phía tây thị trấn, cho đến quán tạp hoá của Martsa. Quán nằm trên đường cái, trong một khu nhà bên góc, bên cạnh có một tiệm ăn của gia đình nhà Sichuanais. Tôi càng tới gần quán, tôi càng thấy nóng trong người. Tôi có cảm giác mặt đang bốc lửa, như món thịt quay trong lò, không khí có vẻ nặng nề, khó thở. Tôi có cảm tưởng là kẻ giết người chính là tôi, bây giờ đây, hoặc đúng hơn, tôi đang làm lại quá trình của tên giết người. Tôi đến tận cửa sổ của quán, nhưng tôi chỉ thấy, ngồi phía bên phải, một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, ăn mặc bình thường, da xanh nhợt. Nhìn thấy tôi, bà cười hỏi:
    “Anh muốn gì?”
    Tôi nhìn bà một lúc, như ngây dại, trước khi định thần lại. “Đây đúng là quán của ông Martsa phải không?” Tôi nhẹ nhàng hỏi bà ta. Bà đứng dậy, và đến lượt bà hỏi lại tôi, vẻ e ngại:
    “Ông quen chồng tôi à?”
    Tôi đáp:
    “Không”.
    “A…” Bà vợ ông Martsa nói qua tiếng thở dài. “Cách đây vài hôm cũng có người đến tìm ông ấy, và từ đó hắn ta tỏ ra hoảng loạn”.
     “Ông ấy còn đây không?”
    “Không, ông đi tu viện, khoảng một tiếng nữa thì về. Mời ông vào uống ly trà.” 
    Tôi đi quanh nhà, vào nhà bằng cửa sau, bên trong, có hai cái giường gỗ, với một cái bàn thấp ở giữa. Căn phòng tối tăm, nhỏ xíu, nơi góc chất đầy một chồng các tông, một cái tủ lớn chắn giữa phòng chia ra hai phần, một bên là cửa hàng, một bên là nơi ở.   
     “Nghe giọng nói thì bà không phải dân vùng Kham”.
     “Không, tôi dân ở đây.”
     “Và chuyện gì đã xảy ra với chàng Khampa tới đây hôm nọ?”
     “Anh ta ở lại một lát, rồi bỏ đi, vừa đi vừa khóc.” Bà trả lời, rồi lấy ít bơ bỏ vào nước trà.
     “Tại sao hắn ta khóc?” Tôi hỏi.
     Bà vợ của Martsa không trả lời tôi mà lại hỏi tôi câu khác:
     “Ông là bạn của chàng Khampa đó sao?” “Không phải, tôi là Tsering Norbu, tôi cùng đi với anh ta đến đây trên cùng chiếc xe. Bà rót trà tiếp cho tôi, tôi thấy dễ chịu hơn. “Đây rồi.” Có tiếng nói trẻ con từ bên ngoài, giọng nói trong vắt làm tôi nổi da gà và khiến tôi khó thở. Đấy là một cậu bé khoảng ba hay bốn tuổi, cậu ngạc nhiên nhìn tôi khi bước vào trước khi vội vã sà vào tay mẹ.
    “Ông ta đến tìm ba con. Ông ấy đâu?” Hơi sợ, thằng bé nhỏ giọng đáp: “Ba về ngay thôi.” Cửa lại mở ra, một người đàn ông có vẻ hơi khòm, tóc muối tiêu, trán đầy nếp nhăn bước vào. Nhìn thấy tôi, ông ta lùi lại một chút. Ông ấp úng:
     “Ông… ông… ông… ông là …”
     “Tsering Norbu.”
     Martsa tái mét, môi run rẩy.
    “Martsa, anh làm sao vậy?” Bà vợ hỏi. “Không có gì, anh đi quá mau. Ông tới đây làm gì?”
     “Tôi đến hỏi ông có phải cách đây mấy hôm có một anh Khampa đến đây tìm ông không.”
     “Vâng, anh ta nói tới tìm tôi. Nhưng anh ta nhìn kỹ tôi rồi lắc đầu và nói anh ta đã lầm, không phải tôi. Tôi có mời anh ta ly trà, anh ta vừa khóc vừa ra đi. Tôi không gặp lại nữa.”
     “Tôi phải gặp anh ta. Tôi sẽ đi tìm. Xin chào.”
     “Chuyện gì xảy ra vậy?”
     Tôi không trả lời. Tôi nghĩ mình đã mất nhiều thời gian, tốn nhiều xăng, phải ra đi càng sớm càng tốt. Khi chiếc xe tải rời thị trấn Sakar, tôi nghĩ mình sẽ gặp lại anh chàng Khampa giết người kia, nhưng, trên đường, một chiếc lốp xe bị nổ, tôi nằm trong ca bin và ngủ thiếp đi.
     Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta. Tôi cảm thấy trong lòng bàn tay những dấu khắc nổi trên cán con dao găm và thấy dễ chịu. Lúc đó Martsa nói với tôi: “Ngày nào tôi cũng cầu xin Đức Phật tha thứ cho những lỗi lầm của tôi”. 
    Tôi không sợ hãi. Có điều là tôi chưa hề nghĩ là ông đến nhanh vậy. Mạng đền mạng. Luật trời là vậy. Ông làm đi. “Trong một tia chớp lạnh lùng, mũi con dao găm đâm thẳng vào ngực Martsa đang đứng dựa vào tưởng. Máu chảy thành nguồn từ vết thương dọc theo cán dao ngập đầy bàn tay tôi, một thứ máu nóng và nhầy. Ánh mắt của Martsa tỏ ra bình thản. Sau khi gắn hết sức để cười với tôi, anh ta trút hơi thở. Tôi rút con dao ra, Martsa trông như một đôi ủng bằng cỏ đặt nằm đó, trong góc tường.
     Ánh sáng mặt trời từ bên ngoài chiếu vào thật chói chang, một thứ ánh sáng trắng khó chịu. Thôi, phải thay lốp xe đã, tôi tự nhủ.
 
Tsering Norbu (Thứ Nhân La Bố 次仁罗布)
(Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu, 1/2024)
 
(1) Tức là người gốc gác tỉnh Kham, ngày nay nằm giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Thanh Hải. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đố
Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà. Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có năm cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trong như mai ngày tết. Khi nắng gắt, mầu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi. Nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn, Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai
Trong sự bồi hồi xúc động, tay bắt mặt mừng, họ được gặp lại để trò chuyện với những người họ hàng thân yêu, những bạn bè xa gần thân thiết, nhìn thấy tận mắt những làng xưa chốn cũ, nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp từ thuở thơ ấu cho đến ngày tạm thời phải rời bỏ những nơi này ra đi, ôi biết bao nhiêu nỗi xúc động trộn lẫn niềm sung sướng vô biên, nói làm sao cho hết được.
Những yếu tố lôi cuốn du khách đi du lịch đến một đất nước bao gồm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, thành phố lớn với những lối kiến trúc độc đáo, cuộc sống sôi động, ẩm thực, hoạt động phiêu lưu, kỳ thú ngoài trời, những buổi hòa nhạc, thể thao, nghệ thuật, hay lễ hội, địa điểm hành hương tôn giáo, phương tiện giao thông, vấn đề an ninh và bình yên; trong văn hóa, yếu tố con người chiếm một phần rất lớn khiến du khách khi rời xa, vẫn lưu luyến muốn trở lại lần nữa.
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.