Hôm nay,  

Câu chuyện đêm Giao Thừa*

28/01/202406:01:00(Xem: 1452)
Truyện


altar

Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường.

    Trên tam cấp chùa Việt Quang Thượng Tọa Thích Minh Chung co ro trong tấm áo tràng, run rẩy bước từng bước chậm chạp lên chính điện. Mấy năm gần đây sư cụ thấy mình yếu đi nhiều mà việc nhà chùa luôn bận rộn, nhất là vào những ngày cuối năm. Ngôi chùa lâu năm này cũng ọp ẹp giống như cái tuổi già của sư cụ. Đắp vá chỗ này thì lại dột nát chỗ kia. Sau cơn mưa bão cuối tuần vừa qua, bức vách cạnh bàn thờ Tổ vôi vữa đã lở, để lộ một lỗ hổng bằng bàn tay. Sư cụ đã sai chú tiểu Minh Thông lấy giấy dầu dán đỡ lên tường che bớt hơi gió nhưng trông vẫn thật khó coi.

    Từ hôm đó tới nay sư cụ rất bận tâm về bức vách này. Mặc dù ngôi chùa từ trong tới ngoài đã được dọn dẹp đâu vào đấy, các bàn thờ hương nến đã bày biện sẵn sàng, lư đồng chân hương chú Minh Thông đã lau chùi sáng bóng; nhưng ai bước lên tới chánh điện cũng thấy ngay chỗ vỡ trên tường.

    Chợt chú tiểu Minh Thông đi đâu về hấp tấp lên cầu thang, mặt mũi hớn hở. Chú giơ lên một túi giấy lớn, lấy ra một bức tranh, như một tấm chăn nhỏ, trên thêu một cành mai vàng rực rỡ. Chú khoe trên đường từ chợ về, chú thấy có tấm bảng Garage Sale của hội Ái Hữu Phi Luật Tân. Họ đang bán đấu giá các món lặt vặt để gây quĩ cho trẻ mồ côi. Chú tạt vào và bức tranh bắt mắt chú ngay. Đám người tứ xứ tham dự không có nhiều và xem ra họ rất hờ hững với bức tranh có mỹ thuật Á Đông này. Chú mua được bức tranh với giá hai mươi đồng vì không ai trả giá cao hơn.

    Thượng tọạ trầm ngâm ngắm bức tranh. Trên nền vải dày và mịn, có hoa văn mờ mờ như một loại gấm quí, những đóa hoa mai được thêu thật tinh xảo nổi bật trên nền gấm màu ngà trông như một rừng mai vàng nở rộ chào đón Xuân về.
Người nghĩ ngợi giây lát rồi bảo chú Minh Thông bắc thang treo lên tường để che chỗ vỡ, vừa như một trang trí đẹp mắt. Chú tiểu thích chí cười tủm tỉm, trong lòng hân hoan vì ý Thày giống như chú đã nghĩ mà chưa dám đề nghị.

 

*

 

Thấm thoắt chỉ còn hai ngày nữa là đến Giao Thừa. Năm cũ sắp qua, ai nấy đền nôn nóng sửa soạn đón mừng năm mới. Các Phật tử rộn ràng đến làm công quả. Người sửa soạn rau cỏ, người lo đậu gạo nấu bánh chưng chay, người quét dọn sân vườn, tìm chỗ thích hợp treo pháo mừng Xuân. Ai cũng khen bức tranh gấm thật đẹp và vẻ vương giả của cành mai tạo cho khung cảnh Tết trên chính điện thêm phần rực rỡ trang trọng.

    Mọi việc đã tạm xong. Trời tối mịt, tiếng mưa rơi rả rích trên mái chùa. Sư cụ và chú tiểu đang dọn dẹp trong hậu liêu thì có tiếng người gõ cửa. Ai đến lễ giờ này?

Chú Minh Thông vừa hé cửa chỉ kịp đỡ lấy một thân hình mảnh dẻ lao đao suýt ngã. Nhìn ra là một người đàn bà trung niên khó đoán tuổi, mặt mũi xanh xao ướt nước mưa. Chú đưa bà vào phòng tiếp khách ngồi cho đỡ lạnh.

    Sư cụ ái ngại bảo Minh Thông lấy khăn khô cho bà ta lau tóc, lấy nước trà nóng ra mời. Sư cụ nhìn bà khách gầy ốm nhưng y phục nhã nhặn. Bà ta có vẻ hiền hậu, nét mặt thanh tú. Bà cho biết bà ở chung với gia đình người bạn gần khu chợ Tàu từ mấy năm qua, nhưng đã bị mất việc từ lâu. Trưa nay, bà được đến phỏng vấn làm nhân viên cho siêu thị Safeway gần chùa. Họ hẹn sẽ liên lạc với bà sau. Chờ mãi không thấy chuyến xe bus, trời chiều mau tối lại lất phất mưa. Người run lên vì ướt lạnh, bà cố gắng lội bộ tới chùa và xin sư cụ cho tạm trú chân, sáng sớm mai bà sẽ đón chuyến xe bus đầu tiên về lại nhà người bạn.

    Đang kể lể đôi mắt bà bỗng sáng lên, đứng bật dậy đến bên bức tranh thêu trên tường cạnh bàn thờ, đôi tay mảnh mai run rẩy vuốt nhẹ lên mặt gấm. Sư cụ và chú tiểu ngạc nhiên nhìn nhau. Người thiếu phụ lẩm bẩm như người trong cơn mộng du: “Tranh này của tôi, tranh của tôi. Hoàng Mai, Hoàng Mai… tranh này của tôi đây mà!”

    Chú Minh Thông vội vã giải thích: Bức tranh thêu này của nhà chùa vừa mua để trang trí chính điện đấy mà, sao bà lại nói vậy?

    Bà nghẹn ngào như muốn khóc: “Không, bức tranh này xưa kia là của tôi. Đây này, bà giở một góc của tranh, đưa chú coi mấy chữ thêu rất nhỏ Tặng Phạm Hoàng Mai 1974. Tôi là Hoàng Mai. Quà đặc biệt của nhà tôi tặng trong ngày cưới”.

    Chú tiểu bối rối nhìn thày. Sư cụ hiền từ:

    – Nếu đã là vật kỷ niệm của bà thì nhà chùa xin hoàn trả lại bà.

    Bà lắc đầu, đôi mắt ướt lệ:

    – Thưa Thày, con bây giờ nơi ăn chốn ở không có, còn giữ tranh làm gì, xin để cúng Chùa. Cuộc đời con kể như đã hết rồi.

    Trước cái nhìn của sư cụ và chú tiểu, bà thở dài, từ từ kể:

    – Thưa Thày, vợ chồng chúng con hồi đó ở Đà Lạt. Con là cô giáo dạy lớp Ba. Chồng con là Trung Úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Chúng con làm đám cưới năm 1974. Vì tên con là Hoàng Mai, nhà con đã tặng cho bức tranh thêu cành mai vàng này. Tháng Tư năm 1975, hàng ngũ tan tác, ai nấy cuống cuồng tìm đường thoát hiểm như đàn kiến trên chảo nóng. Riêng con có trách nhiệm với đám học trò nhỏ, chồng của con lại đang hành quân trên vùng cao nguyên Ban Mê Thuột, con không hề nghĩ đến việc chạy đi đâu. Nhưng em trai của con đang làm việc cho một cơ quan Mỹ nên hối thúc ba mẹ con và con lên chuyến bay cuối cùng rời Việt Nam. Đồ vật mang theo rất giới hạn nên con chỉ vơ vội vài bộ quần áo cuộn vào bức tranh này lật đật theo mọi người lên máy bay mà lòng dạ ngổn ngang tan nát. Từ trại tị nạn, cả gia đình con cố liên lạc khắp nơi để tìm chồng con. Ngay cả Hồng Thập Tự cũng không tìm ra tin tức gì của anh. Mấy năm sau, có người cho biết anh đã bị bắt đi tù cải tạo và trong một lần trốn trại đã bị bắn chết.

    Bà cúi mặt, dấu những giọt nước mắt đang rơi xuống áo.

    – Nam Mô A Di Đà Phật. – Sư cụ an ủi.

    Bà tiếp:

    – Sau đó gia đình con được bảo trợ về New Orleans, tiểu bang Lousiana. Thấm thoắt đã chừng ấy năm, cha mẹ con lần lượt qua đời. Hai chị em con ở chung nương tựa nhau mà sống. Kỷ niệm của chồng con chỉ là mấy tấm hình ngày cũ và bức tranh này. Năm 2005, bão Katrina kéo đến. Nhà cửa đổ nát tan hoang. Em con và cả căn nhà trôi theo biển nước. Bơ vơ một mình trên đời, con rời lên tiểu bang này để xa những kỷ niệm đau thương và cũng vì khí hậu phong cảnh nơi đây giống như Đà Lạt. Con hiện thời ở nhờ chị bạn cùng học trường trung học Bùi Thị Xuân ngày xưa. Lắm lúc con nghĩ đời con cơ cực thế này là Trời Phật đã phạt con tội phụ bạc, không ở lại sống chết với chồng.

      Bà cố nén mấy tiếng nức nở, nhưng những giọt lệ lại lã chã tuôn rơi.

    Sư cụ ái ngại:

    – Bà không nên nghĩ vậy. Đức Phật từ bi không bao giờ trừng phạt ai. Mỗi người đều có cái duyên và cái nghiệp. Đức năng thắng số. Bà nên tĩnh tâm khấn nguyện và cố làm lành để chuyển đổi cái nghiệp.

 

*

 

Đêm Giao Thừa, chùa Việt Quang sáng rực đèn nến, khói hương nghi ngút. Mọi người chen chúc nhau lên chính điện. Tượng đức Phật trên cao trong ánh vàng lung linh như đang mỉm cười nhìn xuống đám người đi lễ với ánh mắt từ bi độ lượng.

    Sư cụ ngồi trên ghế cạnh bàn thờ Đức Lạt Ma, chúc lành cho khách thập phương và tặng trái cây cho mọi người coi như lộc Phật. Các Phật tử đến chúc Tết đầu năm đều khen bức tranh Hoa Mai mỹ thuật và có hồn. Thầy mỉm cười, nói chùa đã có duyên may được một khách thập phương cúng dường vào giờ chót.

    Đã gần hai giờ sáng, những Phật tử lần lượt ra về. Một trong những người khách cuối cùng là ông Trung, một Phật tử thỉnh thoảng đến viếng chùa và đôi khi cũng có giúp những việc vặt cho chùa vì ông là một người khéo tay. Ông làm cho Macy’s đã nhiều năm. Công việc của ông là sửa nữ trang và đồng hồ cho khách. Ông ta sống lặng lẽ một mình, không giao du hay có thân quyến nào đến thăm. Ông ít nói nên không ai rõ trước đây ông làm gì, ở đâu.

    Lễ Giao Thừa năm nay ông nấn ná ở lại sau cùng cũng là một chuyện lạ. Chờ mọi người về hết, ông đến gần sư cụ, ngập ngừng:

    – Bạch Thày, xin cho phép con hỏi về bức tranh Hoa Mai này. Ngày xưa gia đình con cũng có một bức tranh giống như vậy. Con tưởng trên đời không có tấm thứ hai vì chính tay con vẽ tranh và nhờ mấy vị nữ tu của nhà thờ trên Lâm Đồng thêu hộ.

    Sư cụ ngạc nhiên:

    – Ông có thể kể cho tôi sự tích bức tranh này đựơc không?

    – Thưa thày, hoa mai vàng biểu tượng cho mùa Xuân của miền Nam, dù ở Đà Lạt hoa đào cũng rất đẹp và thơ mộng. Con đặc biệt thích hoa mai vì người vợ sắp cưới hồi đó của con cũng tên Mai, Phạm Hoàng Mai. Con cũng biết vẽ chút ít nên can đảm vẽ một bức tranh hoa mai vàng rồi nhờ thêu để làm quà tặng nàng trong ngày thành hôn. Cưới nhau chưa đựơc bao lâu thì Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, chúng con tản lạc mỗi người một nơi. Bao năm đã qua đi, nghe đâu vợ con theo bà con vượt biên bằng đường biển, tàu chìm và cả gia đình nàng đã mất tích ngoài biển Đông rồi.

    – Ông ở Seattle đã lâu chưa?

    – Thưa thày, từ năm 1990. Trước 75 con là Trung Úy Bộ Binh. Đi tù cải tạo Cộng sản 7 năm. Khi đựơc thả về thì nhà cửa đã bị chiếm mất. Cha mẹ anh em bị đuổi lên vùng kinh tế mới. Sống lây lất ở Saigon mấy năm rồi theo diện HO rồi sang Hoa Kỳ. Tuổi đời chồng chất lại không gia đình, con dọn lên Seattle vì thời tiết và phong cảnh giống như thành phố Đà Lạt quê cũ. Đã xin được việc làm nên con định cư ở đây từ hồi đó.

    – Ông vừa nói bà nhà tên Hoàng Mai? Bữa trước có một bà đến đây thấy bức tranh cũng bảo là tranh kỷ niệm của gia đình bà. Hình như tên bà ấy cũng là Mai.

    Ông Trung tái mặt. Giọng ông run rẩy:

    – Trời ơi, thế ra cô ấy vẫn còn sống? Vợ con vẫn còn sống?

    Sư cụ từ tốn gật đầu:

    – Tôi nghĩ người đàn bà đến đây hai hôm trước là bà Mai vợ ông. Sáng mai ông có thể gọi cho phòng nhân viên của Safeway để nhờ họ liên lạc với bà ấy giùm ông. Biết hoàn cảnh của ông bà, chắc họ sẽ giúp. Bà ấy nói ở chung với người bạn học cũ. Nghe đâu địa chỉ họ ở phía chợ Tàu, cũng không xa đây lắm.

    Có lẽ ông Trung không nghe được những lời của sư cụ. Qua cửa kính, ông không nhìn thấy những cành cây khô trơ trụi run run trong gió lạnh buổi sớm đầu năm. Trong mắt ông, bên ngoài là một khung trời Đà Lạt huyền ảo trong nắng mới, vạt nắng như tơ vàng rắc lên những tà áo trắng của những cô học trò Bùi Thị Xuân, trong đó có một tà áo đặc biệt cho ông, một bông Mai Vàng rực rỡ đang chờ đón ông ngày mai.


– Nguyễn Đặng Bắc-Ninh

 

*Lấy ý từ  truyện ngắn của Rev. Howard C. Schade

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.